Thượng Hội đồng về tính đồng nghị kết thúc với chuyển động… và tắc nghẽn

8

Thượng Hội đồng về tính đồng nghị kết thúc với chuyển động… và tắc nghẽn

Thượng Hội đồng về tính đồng nghị kết thúc ngày chúa nhật 27 tháng 10 tại Rôma với đề xuất cho một văn hóa đổi mới, một khích lệ để Giáo hội công giáo tiếp tục hành động. Nhưng vẫn còn những trở ngại, đặc biệt là về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2024-10-27

Đức Phanxicô trong buổi họp với các thành viên Thượng Hội đồng ngày thứ bảy 26 tháng 10 năm 2024.  VATICAN MEDIA/IPA/SIPA

Một số thành viên lo sợ có cuộc cách mạng, một số cho đây là sự kiện không có kết quả; sau nhiều năm làm việc, cách tiếp cận đồng nghị Đức Phanxicô mong muốn không mang lại điều này hay điều kia như trên, nhưng đã có một đồng thuận rõ ràng và chắc chắn công việc vẫn chưa xong.

Vài ngày trước ngày bế mạc Thượng Hội đồng, một thành viên cho biết: “Tài liệu cuối cùng sẽ làm thất vọng một số người nhưng không thể nói là không có gì xảy ra.” Tài liệu Làm việc là thành quả của Thượng Hội đồng đã được 2/3 thành viên thông qua, mở ra các cánh cửa và một hình ảnh mới cho Giáo hội công giáo, tuy nhiên Tài liệu không đề xuất bất kỳ biện pháp mang tính cách mạng nào. Vấn đề là phải tiến xa hơn trong việc thực hiện Công đồng Vatican II và trong việc áp dụng các điều khoản đã được giáo luật quy định nhưng chưa được biết đến hoặc chưa được sử dụng đầy đủ.

Trọng tâm suy tư của Thượng Hội đồng là vấn đề chia sẻ trách nhiệm giữa linh mục và giáo dân, trong đời sống cộng đồng hay trong các vị trí có trách nhiệm trong giáo phận và các tổ chức Giáo hội. Một số nơi đã có kinh nghiệm trong trường hợp không có linh mục, giáo dân chủ trì các nghi thức ngày chúa nhật (ngoại lệ) hoặc cử hành một số bí tích, kinh nghiệm này đã được thấy ở Châu Phi với  các giáo lý viên phụ trách các cộng đồng không có linh mục.

Giáo luật la-tinh và đông phương quy định, trong một số trường hợp giáo dân có thể là “thừa tác viên ngoại thường để rửa tội”, các giám mục có thể ủy quyền cho giáo dân để họ giúp hôn nhân với sự cho phép của Tòa Thánh. Tài liệu cuối cùng nêu rõ: “Dựa trên những yêu cầu liên quan đến bối cảnh địa phương, cần phải đánh giá khả năng mở rộng và ổn định những cơ hội này để làm mục vụ cho giáo dân.” Một mục vụ lắng nghe và đồng hành cũng đang được nghiên cứu để “đón nhận những người ở bên lề cộng đồng, những người trở về sau khi đã rời Giáo hội, những người đang đi tìm sự thật, những người mong muốn được giúp đỡ để gặp Chúa”.

Một Giáo hội tham vấn nhiều hơn

Trong cuộc họp báo bế mạc Thượng Hội đồng, Hồng y Jean-Claude Hollerich tuyên bố: “Vấn đề không phải là thay thế các linh mục bằng giáo dân, nhưng xem xét để làm thế nào chúng ta có thể hướng đến mô hình có sự tham gia của nhiều người hơn.” Trong đó bao gồm một quan niệm đổi mới về quyền lực và phương pháp ra quyết định, vì thế Thượng Hội đồng cho rằng các cơ quan địa phương đã được giáo luật quy định bắt buộc phải có: Thượng hội đồng giáo phận, hội đồng linh mục, hội đồng mục vụ giáo phận, hội đồng giáo phận, hội đồng giáo xứ với các vấn đề kinh tế.

Thượng Hội đồng đưa ra hình ảnh một Giáo hội tham vấn nhiều hơn, thẩm quyền phải tính đến kết quả của việc tham vấn. Tài liệu gợi ý, việc ra quyết định sẽ không đi chệch khỏi kết quả của tham vấn, có sự đồng ý, không có lý do gì để chiếm ưu thế và phải được bày tỏ một cách thích hợp. Thượng Hội đồng nhấn mạnh sự cần thiết của cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm: “Nếu muốn đón nhận tinh thần đồng nghị, trách nhiệm phải được thực hành ở mọi cấp độ, nhưng những người ở vị trí quyền lực có trách nhiệm lớn hơn và phải chịu trách nhiệm trước Chúa và trước dân Ngài.”

Các vấn đề về sự “giải tập trung lành mạnh”

Khi mở ra các con đường để phát triển, Thượng Hội đồng bị cản trở vì những tắc nghẽn trong các vấn đề tế nhị như vị trí của phụ nữ hay sự phân cấp, những con rắn biển của các tranh luận trong Giáo hội.

Trọng tâm của những căng thẳng xung quanh lời kêu gọi “phân cấp lành mạnh” đã được Đức Phanxicô thúc đẩy, củng cố thẩm quyền của các Hội đồng Giám mục. Điểm này làm nhiều thành viên trong Thượng Hội đồng lo sợ Giáo hội công giáo bị chia rẽ. Vì thế Tài liệu cuối cùng thận trọng đề nghị “làm rõ phạm vi thẩm quyền về giáo lý và kỷ luật của các Hội đồng Giám mục” để không ảnh hưởng đến thẩm quyền của giám mục ủy thác, cũng như không làm nguy hiểm cho sự hiệp nhất và tính công giáo của Giáo hội, cung cấp một nghiên cứu kinh điển và thần học, xác định rõ trách nhiệm của giáo hoàng là gì và những gì có thể được chuyển đến các giám mục trong Giáo hội. Rôma khuyến khích tham khảo ý kiến các Hội đồng Giám mục “trước khi xuất bản các văn bản quy phạm quan trọng”. Thông điệp rất rõ ràng: phân cấp vẫn nằm trong chương trình nghị sự và cần có các nghiên cứu sâu hơn.

Nhưng kể từ năm 2023, lần đầu tiên phụ nữ được phép bỏ phiếu trong cuộc họp, vấn đề về vị trí của phụ nữ đã là vấn đề căng thẳng nhất, với kỷ lục 97 phiếu “chống” đoạn 60 của Tài liệu cuối cùng (trong tổng số 356 đoạn). Dù đoạn này rất ôn hòa, nhấn mạnh “không có lý do gì để phụ nữ không đảm nhận vai trò lãnh đạo trong Giáo hội, vì những gì đến từ Chúa Thánh Thần thì không thể bị ngăn cản và chức phó tế nữ vẫn mở, cần một phân định sâu sắc hơn về mặt này”. Kết quả này tạo phản ứng khó hiểu nhưng không có gì đáng ngạc nhiên, Thượng Hội đồng diễn ra trong bầu khí khá nhân từ và mang tính xây dựng, nhưng vấn đề phụ nữ nói chung và chức phó tế nữ nói riêng là tâm điểm của một mớ hỗn độn thực sự.

Không như dự trù và một bước ngoặt

Trong một phỏng vấn với đài truyền hình CBS Mỹ tháng 5 năm 2024, Đức Phanxicô dường như đã đóng cánh cửa với chức phó tế nữ. Quan điểm của ngài bị cho là thiếu tôn trọng tính đồng nghị, dù vào tháng 2, Vatican công bố thành lập 10 nhóm làm việc chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề cụ thể, trong đó nhóm số 5 lo mục vụ dành cho phụ nữ. Mỗi nhóm phải trình bày đánh giá ban đầu về công việc của mình trong phiên họp, và phải nạp bản tổng kết cuối cùng vào tháng 6 sang năm.

Nhóm 5 thuộc quyền bộ Giáo lý Đức tin là một trong những nhóm được mong chờ nhất, danh sách thành viên của nhóm chưa được thông báo. Tuy nhiên, đó là cuộc hẹn bị bỏ lỡ. Thần học gia Đức Thomas Söding, chuyên gia tại Thượng Hội đồng viết trên blog tiếng Đức của ông: “Có hai người có mặt, họ tự giới thiệu tên của mình. Cả hai đều thuộc cấp thấp nhất của Bộ. Thông điệp của họ: chúng tôi muốn lắng nghe và xin gởi e-mail cho chúng tôi. Nhiều câu hỏi quan trọng đã được đặt ra nhưng chưa được trả lời. Bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin không có mặt.”

Vụ việc đã gây xôn xao đến mức Hồng y Victor Manuel Fernandez, buộc phải giải thích. Ngài khẳng định, dù chức phó tế vẫn tiến hành nhưng chưa chín muồi, việc phong chức phó tế không giải quyết được vấn đề của phụ nữ nói chung. Tuy nhiên, phụ nữ có thể có “những vị trí rất quan trọng trong vai trò lãnh đạo của các Giáo hội. Dù được phong chức hay không, họ làm những việc rất cụ thể”, một cách tiếp cận nhiều sắc thái được tìm thấy ở đoạn 60. Một thành viên tham dự Thượng Hội đồng cho biết: “Ngoài cuộc tranh luận, thời điểm giải thích này là bước ngoặt của Thượng Hội đồng, bằng chứng cho một thay đổi văn hóa đang diễn ra. Đây là lần đầu tiên một Bộ trưởng có ảnh hưởng như vậy đến báo cáo trước Hội đồng theo yêu cầu của họ. Nhưng một văn hóa minh bạch đòi hỏi chính quyền phải có trách nhiệm giải thích, đó là trọng tâm của cuộc cải cách của tính đồng nghị.” 

Không có tông huấn hậu thượng hội đồng của Giáo hoàng

Sự việc này cho thấy thực tế tính đồng nghị không thể bị áp đặt bởi các tài liệu. Đó là lý do vì sao kết quả của Thượng Hội đồng rất khó xác định. Hơn cả Tài liệu cuối cùng, với tính cách mang tính quy định hơn là mệnh lệnh, điều chính yếu được thể hiện qua trải nghiệm cụ thể của các tín hữu và của 356 người tham gia Thượng Hội, nơi các bước quan trọng đã được thực hiện.

Hồng y Fernandez đã thêm pháp chế vào quyết định không công bố tông huấn, cho đến nay, Đức Phanxicô vẫn có quyết định cuối cùng, Tài liệu cuối cùng được gởi đến mọi người như “quà tặng cho Dân Chúa”, mang lại cái nhìn thoáng qua về một cách thức mới để trở thành Giáo hội của văn hóa đồng nghị theo mong muốn của ngài.

“Không thể quay lui được”

Điều cũng mang tính quyết định trong ba năm qua là nhận thức của các Giáo hội miền Nam, đặc biệt ở Châu Phi và Châu Á, tiếng nói của họ bình đẳng với tiếng nói của các Giáo hội phương Tây. Một nghị phụ Châu Âu làm chứng: “Chúng tôi đã biết điều này và chúng tôi nhận thấy Châu Âu cần khiêm tốn hơn như thế nào, chúng tôi phải học hỏi lẫn nhau rất nhiều.”

Bây giờ vấn đề là làm thế nào để truyền tải kinh nghiệm này? Một thành viên tham dự cho biết: “Sự thành công của Thượng Hội đồng sẽ phụ thuộc vào khả năng của 356 thành viên trong việc họ chia sẻ những gì họ đã trải nghiệm.” Vai trò cơ bản trong việc trao quyền chỉ huy cũng được Hồng y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình Thượng Hội đồng nhấn mạnh trong cuộc họp báo bế mạc Thượng Hội đồng: “Năm ngoái, chúng tôi có ấn tượng có những nhóm thiểu số và đa số, những người dè dặt nhìn nhau, nhưng năm nay chúng tôi có một kinh nghiệm khác, chúng tôi không còn suy nghĩ theo khía cạnh này nhưng cùng nhau tiến về phía trước, và bây giờ chúng tôi phải trở thành đại sứ để truyền kinh nghiệm của một Giáo hội đồng nghị đang truyền giáo.”

Một Thượng Hội đồng bị kẹt trong “mong muốn nhất trí”?

Một số quan sát viên và thành viên Thượng Hội đồng cho rằng “không thể đi lui” và hạt giống của văn hóa đồng nghị đã được gieo  không thể bị phân tán. Chính Đức Phanxicô dường như hài lòng với kết quả của Thượng Hội đồng, ngài đã tránh được hai cạm bẫy của “chủ nghĩa nghị viện”, có nghĩa một hội đồng hoạt động theo phương thức chính trị với các chương trình nghị sự được xác nhận và bất động. Nhưng có những người khác như sử gia người Ý Alberto Melloni, một nhân vật của trường phái Bologna thì bi quan hơn, ông nghĩ những vấn đề quan trọng chưa được giải quyết, vì Thượng Hội đồng bị kẹt trong “mong muốn nhất trí”, sẽ đè nặng lên tương lai của Giáo hội nói chung, đặc biệt là trong mật nghị tiếp theo.

Trong bài giảng thánh lễ bế mạc Thượng Hội đồng, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến ý tưởng, như người mù thành Batimê trong Tin Mừng hôm nay, Giáo hội công giáo được kêu gọi đứng dậy và thoát khỏi sự mù quáng của mình: “ Thưa anh chị em, chúng ta không phải là một Giáo hội ngồi yên, nhưng là một Giáo hội đứng vững. Chúng ta không phải là một Giáo hội im lặng, nhưng là Giáo hội lắng nghe tiếng kêu của nhân loại. Chúng ta không phải là Giáo hội mù quáng, nhưng là Giáo hội được Chúa Kitô soi sáng, mang ánh sáng Tin Mừng đến cho người khác. Chúng ta không phải là Giáo hội tĩnh tại, nhưng là Giáo hội truyền giáo bước đi cùng Chúa trên các nẻo đường thế giới.” Khi nói như vậy, Đức Phanxicô đã đưa ra định nghĩa nổi bật nhất về cách ngài nhìn tính đồng nghị: hơn cả một con đường, đây là một chuyển động không ngừng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Năm điểm hướng dẫn việc quản trị của Giáo hội công giáo

Thượng Hội đồng: Đức Phanxicô đưa Giáo hội vào thiên niên kỷ thứ ba

Thượng Hội đồng: hạ cánh nhẹ nhàng?