Chân phước Carlo Acutis và tội

44

Chân phước Carlo Acutis và tội

Trích sách “Carlo Acutis, các trực giác thiêng liêng”. Carlo Acutis, Ses intuitions spirituelles. Tác giả: Alessandro Deho’, nhà xuất bản: Salvator. Marta An Nguyễn dịch

“Điều duy nhất chúng ta thực sự nên sợ là sợ tội.” Carlo Acutis

Sợ tội, vì cuộc sống ở trong tay chúng ta và chúng ta chịu mọi gánh nặng và trách nhiệm về cuộc sống. Chúng ta nên sợ tội, vì mỗi ngày là một ngày duy nhất và mỗi hành động của chúng ta, ngay cả những hành động có vẻ tầm thường nhất, đều có thể quyết định số phận chúng ta. Hãy sợ tội vì nó ẩn nấp trong mọi bóng tối, mọi cám dỗ, mọi khoảng cách giữa cuộc sống chúng ta đang sống và cuộc sống chúng ta mơ ước, giữa những gì chúng ta làm và những gì chúng ta muốn làm. Sợ tội và xây một cái vỏ, tránh xa, giữ mình trong sạch, trốn tránh những tạp chất cản đường, làm chúng ta vấp ngã, hủy diệt chúng ta, một công trình của Thiên Chúa. Sợ tội là điều bình thường. Ở tuổi 15, nếu chúng ta lớn lên với một trái tim tràn đầy lý tưởng, chúng ta phải từ bỏ tội, tránh xa đe dọa này, tránh xa vết nhơ nguyên thủy này. 15 tuổi thì bình thường.

Và rồi chúng ta nhận ra – nếu không nhận ra thì thật không may – rằng việc định nghĩa tội không còn quá rõ ràng nữa, rằng liệt kê những gì là tốt hay xấu chỉ có mục đích trấn an những người chưa quen đặt câu hỏi. Rồi chúng ta nhận ra cuộc sống được tạo nên từ hàng ngàn sắc thái tùy theo độ nghiêng của mặt trời. Mới đầu, chúng ta chống cự và chúng ta tiếp tục sợ tội, giống như chúng ta sợ người lính của quân đội đối phương mà từ xa chúng ta đã nhận ra qua bộ quân phục của họ. Rồi chúng ta bắt đầu hiểu cuộc sống rất phức tạp, và mỗi lần chúng ta phải xác định lại ranh giới giữa thiện và ác, cũng cùng một hành động của những người khác nhau, ở những thời khác nhau có thể làm quan điểm của chúng ta thay đổi hoàn toàn.

Và rồi một ngày chúng ta nhận ra bộ đồng phục chúng ta mặc cũng không khác gì bộ đồng phục của kẻ thù chúng ta… Và chúng ta sợ tội, chúng ta che giấu. Sợ tội… Tất nhiên là có sợ tội, nhưng một ngày nào đó chúng ta nhận ra, giữ khoảng cách với tội có thể rất nguy hiểm, vì khi chúng ta muốn trút bỏ nỗi sợ mắc sai lầm, chúng ta đẩy mọi người ra xa. Và như thế cũng là một tội. Giống như ngày hôm đó, khi chúng ta xem tội là một chọn lựa đạo đức, chúng ta mất tin tưởng vào đứa bé Carlo, Carlo đã chịu nỗi cô đơn và sự thiếu hiểu biết khủng khiếp, kể cả với cha mẹ. Ngày hôm đó, khi nghĩ đến việc giúp Carlo nhận ra lỗi của mình, chúng ta đã phạm một tội duy nhất mà đến hôm nay chúng ta vẫn còn xấu hổ: mất đi một người anh em. Sợ mất người anh em, và kể từ ngày đó, chúng ta gọi đó là một tội.

Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. (Ga 17:12-13).

Có phải không ai sẽ bị hư mất, hay chỉ người nào phải chịu số phận diệt vong? Không thể nói được. Điều chúng ta biết là nỗi đau của tình bạn bị phản bội trở thành dịp để Chúa Giêsu lấy lại niềm tin của chúng ta. Chúng ta phải dựa vào niềm hy vọng của Kinh thánh. Ngay cả Chúa Giêsu cũng mất bạn bè, nhưng Ngài đặt hy vọng vào việc ứng nghiệm lời Kinh Thánh, lớn lao hơn nỗi thống khổ của con người. Chắc chắn là sợ tội, nhưng tội thực sự là tội không tin vào lòng trắc ẩn thiêng liêng.

Sợ tội… Đó là cách chúng ta bị suy sụp. Vì chúng ta nhận ra, tội làm chúng ta sợ, ngăn chúng ta không tiếp xúc với người khác, vì chúng ta là nô lệ của một hành động có vẻ hoàn hảo và tốt đẹp, nhưng chúng ta mất đi khả năng dấn thân vào cuộc sống. Chắc chắn chúng ta trong sạch, nhưng cuộc sống trôi qua mà không có chúng ta… Vì sợ tội sao? Và khi chúng ta đọc câu chuyện của người Nadarét, người biết điều thiện điều ác, nhưng người này biết những “người cứng lòng” có thể còn có nhiều tội hơn cô gái điếm. Tội đạo đức giả nơi những người cho mình trong sạch! Tội, khi sợ những người phạm tội, sợ phải chịu sự phán xét gay gắt của giáo dân, đến nỗi Chúa Giêsu luôn dặn chúng ta đừng sợ, vì tình yêu mạnh hơn tội. Đừng sợ bị hiểu lầm nếu chúng ta yêu bằng cả con người mình. Nhưng không có nghĩa là mọi thứ phải đặt ở mức độ ngang nhau, vì mọi thứ đều đáng yêu. Và tội thực sự là không còn hy vọng, không còn nhìn vào cuộc sống, xem con người qua lỗi lầm của họ.

Sợ tội là khi không biết tên, không biết câu chuyện của người bị người tốt lành cho là “kẻ có tội”, người mà các nhà đạo đức định tên họ theo các sai lầm của họ. Tội là hạ giá trị của người phạm tội theo lỗi lầm của họ. Tội là đánh giá họ theo tâm hồn hẹp hòi của chúng ta. Khi Chúa Giêsu chạm vào da thịt người phong hủi, Ngài không sợ tội. Ngài sợ mình không phải là mình: đó mới thực sự là tội, tội xa cuộc sống, tội sợ bị dơ khi tiếp xúc với người khác, với bản chất con người. Sợ tội, khi tội thực sự là tội sợ không mang gánh nặng của sự loại trừ. Chúa Giêsu chạm vào người phong cùi và phải vào sa mạc ẩn náu vì đã chạm vào người phong cùi, Một cách nào đó, Ngài cũng đã là người phong cùi. Tội là một kết án không thể kháng cáo, là “đưa con chiên vào sa mạc” để chuộc tội nhưng lại không có sự thật, không hoán cải. Sợ tội, trên hết là sợ không cảm thấy cần được tha thứ.

Marta An Nguyễn dịch