Nhà ngoại giao, nhà quản lý và người trở lại: ba người kế vị nổi bật nhất của Đức Phanxicô

136

Nhà ngoại giao, nhà quản lý và người trở lại: ba người kế vị nổi bật nhất của Đức Phanxicô

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2024-03-30

Một số tên của hồng y đang được lưu hành trong Tòa Thánh khi Đức Phanxicô bước vào năm thứ 11 trong triều đại giáo hoàng của mình.

Ba tên của các hồng y được nhắc đến nhiều trong các câu chuyện ở Rôma về những người có thể kế vị giáo hoàng Phanxicô. Nhiều tên khác cũng được luân lưu vì danh sách “người có khả năng làm giáo hoàng, papabile” là môn thể thao truyền thống của Rôma. Danh sách này nhằm xác định những hồng y có thể được bầu làm giáo hoàng, dù những dự đoán này thường không đúng. Đúng hơn, đó là tên của các vị hồng y mà chúng ta nói đến, mỗi lần đều có kèm theo chữ “nhưng”. Từ “nhưng” trong tiếng Ý có nghĩa là phản đối. Có nghĩa là người này không được xem trọng lúc này.

Một trong các hồng y đang có uy tín và đúng là ngày ngài càng có quyền lực. Ngài thường xuyên xuất hiện trong các cuộc trò chuyện: nhân vật số hai hiện nay của giáo hoàng, hồng y ngoại trưởng Pietro Parolin, một người Ý, “nhưng” bị cho là quá “mờ nhạt” trước Đức Phanxicô. Hồng y người Ý  Matteo Maria Zuppi, tổng giám mục Bologna, cũng được nhắc đến, “nhưng” quá thân thiết với cộng đoàn Sant’Egidio. Cũng hồng y người Ý, thượng phụ la-tinh của Giêrusalem, Pierbattista Pizzaballa, tu sĩ dòng Phanxicô, “nhưng” còn quá trẻ, “ngài mới 59 tuổi”.

Hai người châu Âu khác nắm vững dây cương, hồng y Péter Erdư, tổng giám mục Budapest, “nhưng” không có sức lôi cuốn lắm và bị cho là “bảo thủ”. Còn hồng y Anders Arborelius, tổng giám mục Stockholm, tu sĩ Cát Minh 74 tuổi, có thể tạo bất ngờ. Ít được nhắc đến hơn, vẫn ở châu Âu, là các hồng y Juan José Omella, tổng giám mục Barcelona, và hồng y trí thức người Bồ Đào Nha José Tolentino Mendonça, được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ Văn hóa và Giáo dục.

Rất ít tên các hồng y Mỹ la-tinh được nhắc đến, ngoại trừ hồng y Leonardo Ulrich Steiner, tổng giám mục Manaus, Brazil, dòng Phanxicô. Một câu ngắn gọn nhưng nói lên nhiều: “Mọi thứ trừ người Mỹ la-tinh, mọi thứ trừ tu sĩ Dòng Tên.” Còn ở Bắc Mỹ, những cáo buộc chống hồng y Canada Gérald Cyprien Lacroix mà ông phủ nhận đã hạn chế mọi tham vọng. Vẫn còn tổng giám mục Mỹ xuất sắc và giàu kinh nghiệm của Boston, hồng y Seán O’Malley, “nhưng” tu sĩ dòng Phanxicô sẽ tròn 80 tuổi vào tháng 6 tới vì thế ngài sẽ không vào Nhà nguyện Sixtine.

Về phía châu Á, ba hồng y nổi bật: nổi tiếng nhất vẫn là hồng y Luis Antonio Tagle, người Phi Luật Tân, được Đức Phanxicô đưa về Giáo triều, không thuyết phục, nhưng sẽ là một trong những “nhà làm giáo hoàng” cho mật nghị; hồng y Malcolm Ranjith, người Sri Lanka, năm 2013 đã là người có khả năng làm giáo hoàng; và hồng y Charles Maung Bo, tổng giám mục  Rangoon, Miến Điện, hiện là chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Á.

Gần đây có hồng y thứ mười bốn được đưa vào danh sách này: hồng y Jean-Marc Aveline người Pháp, tổng giám mục của Marseille. Ngài nổi bật sau chuyến tông du của giáo hoàng đến Marseille, “nhưng”, dân Rôma lấy làm tiếc ngài không nói được tiếng Ý. Cuối cùng, một hồng y châu Phi được để ý kể từ khi họ từ chối áp dụng Fiducia supplicans, với một cái tên đặc biệt, Fridolin Ambongo, tổng giám mục Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo, được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Phi: ngài là người của sự từ chối.

Một giáo hoàng châu Phi? Nhiều nguồn tin được hỏi về chủ đề này ở Rôma cho rằng “thời điểm chưa đến”, nhưng tất cả đều đồng ý, trên thực tế người châu Phi sẽ ở vị trí “trọng tài” của mật nghị tiếp theo. Với 17 hồng y cử tri, họ có trọng lượng ngang với Bắc Mỹ và gần bằng Châu Mỹ la-tinh có 18 hồng y cử tri, châu Á có 22 cử tri. Nhưng châu Âu tuy bị phân cực nhưng họ có tiếng nói quyết định với 52 cử tri. Liệu chúng ta có chứng kiến sự quay về lớn lao của người Ý không? Họ bị chia rẽ nhưng họ có một hiểu biết sâu sắc về Giáo hội, một điều độ và linh hoạt có thể mang lại lợi ích, trừ khi các hồng y hướng về Trung Âu hoặc Bắc Âu. Một hồng y giàu kinh nghiệm nhận xét: “Giáo hội, giáo dân, linh mục, nữ tu, giám mục, cần phải gắn kết với nhau, không được chia rẽ. Họ muốn sự chú ý, yên bình, khôn ngoan chứ không trốn tránh.”

Hồng y Y Pietro Parolin

Ngài là một trong những gương mặt nổi tiếng nhất của triều giáo hoàng. Kể từ tháng 10 năm 2013, hồng y Pietro Parolin, 69 tuổi đảm nhận trách nhiệm khó khăn là Quốc vụ khanh, tương đương Thủ tướng Tòa Thánh. Tuy nhiên chức vụ đã bị Đức Phanxicô làm giảm bản chất trong cuộc cải cách giáo triều của ngài, ngài nắm quyền trên Vatican, nhằm tránh sự kiểm soát của Quốc vụ khanh với giáo hoàng, như đã xảy ra dưới thời Đức Bênêđictô XVI. Vì thế ngài làm sứ mệnh đại diện, liên tục đi khắp thế giới. Nhà ngoại giao với nụ cười của người cầu nguyện, biết rất rõ hoạt động của Vatican cũng như tin tức, tình trạng của các Giáo hội hoàn vũ nơi ngài đã đến thăm gần như mọi nơi. Ngài cũng được mọi người biết đến. Nếu ngài là chủ đề của sự đồng thuận, thì đó là nhờ tính cách yên bình khá ẩn đằng sau chức vụ, được nhiều người tôn trọng và có một khả năng chịu đòn lớn lao. Ngài là người của đoàn kết. Các kẻ thù của ngài thường là những người bảo thủ, họ cáo buộc ngài nhượng bộ quá nhiều trước Đức Phanxicô và là người đứng đằng sau chính sách hiện tại với Trung Quốc, do Đức Bênêđíctô XVI đưa ra, nhằm tìm một thỏa thuận với chính quyền cộng sản hơn là đối đầu. Không phải là “người Bergoglian”, một danh từ thường dùng ở Rôma cho những ai theo Đức Phanxicô, dù ngài được Đức Phanxicô phong hồng y, nhưng trên hết, ngài là người của Giáo hội, dè chừng với các đảng phái và bè phái, với tầm nhìn hợp nhất và ổn định. Ngài bị cho là còn “trẻ” để làm giáo hoàng, nhưng ngài lại là người được Rôma nhắc đến nhiều nhất như người kế vị.

Hồng y Y Péter Erdö

Gần 72 tuổi, tổng giám mục Budapest, thủ đô Hungary, trong nhiều năm ngài được đánh giá cao trong giới bảo thủ vì khả năng quản lý bình tĩnh, rất cổ điển về mặt thần học, tiến sĩ giáo luật, vì thế ngài là luật gia của Giáo hội. Ngài có sự nghiêm túc, ổn định nhưng lại thiếu sức thu hút. Ngài không tỏ ra nồng ấm nơi công cộng dù ngài nổi tiếng dễ chịu trong các quan hệ cá nhân. Và đó là trường hợp của hồng y Bergoglio khi ngài còn ở Argentina. Những người ủng hộ hồng y Erdư thấy nơi ngài là người có thể tổng hợp các triều của Đức Gioan-Phaolô II, người đã phong ngài làm hồng y khi ngài 51 tuổi, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, những người ngài trung tín và… kiên nhẫn, dù có những khác biệt mạnh về nhập cư chẳng hạn. Chúng ta còn nhớ Đức Phanxicô đã ngầm từ chối đến thăm Hungary của Viktor Orbán tháng 9 năm 2021, nơi ngài đã lên kế hoạch dừng chân vài giờ ở Budapest để cử hành thánh lễ và rời đi, ngay cả không ăn trưa, để đến nước láng giềng Slovakia, quốc gia ngài đến thăm vài ngày. Chi tiết này bị người  Hungary xem là một xúc phạm, được giáo hoàng chữa lại, tháng 4 năm 2023 ngài đến thăm chính thức nước này hai ngày, thêm uy tín cho hồng y Erdö, một giám chức không cần thêm bất cứ điều gì để có thêm uy tín. Nhà quản lý này không phải là người sáng tạo táo bạo nhưng ngài có thể trấn an, nhờ thời gian lâu dài làm hồng y, nhờ tính cách không quan tâm đến cá nhân, ngài được Thượng nghị viện Giáo hội biết đến, tại đây ngài có tình bạn vững bền với cả những người thân thiết với Đức Phanxicô.

Hồng y Anders Arborelius

Tên của ngài lưu hành trong giới bảo thủ và tiến bộ. Ở tuổi gần 75, hồng y Anders Arborelius trước hết là người cầu nguyện nhưng cũng là nhà thần học nổi tiếng, dấn thân cho chủ nghĩa đại kết. Tổng giám mục Stockholm, Thụy Điển, không phải lúc nào ngài cũng là người công giáo. Ngài đã chọn tôn giáo này khi ngài trở lại năm ngài mới 19 tuổi, sau đó năm 21 tuổi ngài vào dòng Cát Minh, dòng do Thánh Têrêxa Avila thành lập chuyên về đời sống nội tâm và chiến đấu thiêng liêng. Ngài được Đức Gioan-Phaolô II phong giám mục khi còn rất trẻ, 49 tuổi, làm giám mục giáo phận Stockholm, thủ đô Thụy Điển, quốc gia có tính thế tục hóa cao, công giáo chỉ chiếm thiểu số. Điều này mang lại cho ngài uy tín lớn lao. Ngài ít bị đánh dấu bởi các cuộc đấu tranh ý thức hệ, bảo thủ hay tiến bộ, ngài đã vượt lên từ lâu. Do vị trí và văn hóa thiểu số, ngài quan sát các vấn đề Giáo hội với một quan điểm mới mẻ, không đối lập với các khối theo chủ nghĩa truyền thống khác. Ngài tìm cách suy nghĩ để việc truyền giáo được tích cực, theo tinh thần Cát Minh, bám sâu vào đời sống thiêng liêng, vừa rất đòi hỏi vừa uyển chuyển, nhưng thiết yếu, nơi tất cả người công giáo được gọi dù mức độ nhạy cảm của họ như thế nào. Là người cầu nguyện, nhưng cũng là người quản lý, năm 2020, ngài được Đức Phanxicô bổ nhiệm vào Hội đồng các vấn đề kinh tế của Giáo hội và qua các chuyến đi Rôma thường xuyên, ngài hiểu được những hạn chế và phức tạp của Vatican mà ngài biết rất ít. Tuy nhiên, ngài không phải là người xa lạ với tính quốc tế của Giáo hội mà ngài đã thực hành kể từ khi ngài trở lại và thuộc về dòng Cát Minh. Vẫn còn ít người biết đến, hồng y cũng có một đặc sủng rõ ràng, điều cần thiết cho chức vụ giáo hoàng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Kết thúc triều ở Vatican: Giáo hội đang chuẩn bị như thế nào cho thời hậu Đức Phanxicô