Kết thúc triều ở Vatican: Giáo hội đang chuẩn bị như thế nào cho thời hậu Đức Phanxicô

144

Kết thúc triều ở Vatican: Giáo hội đang chuẩn bị như thế nào cho thời hậu Đức Phanxicô

Năm 2024, năm thứ 11 của triều Đức Phanxicô bắt đầu một cách khó nhọc cho Đức Phanxicô. Sức khỏe của ngài ngày càng yếu nhưng mong muốn lãnh đạo các cải cách trong Giáo hội của ngài lại mạnh hơn bao giờ hết. Việc bật đèn xanh cho phép chúc phúc cho các cặp đồng tính đã làm rạn nứt Giáo hội. Nhiều người, kể cả những người thân của ngài đã bắt đầu nghĩ đến việc kế vị ngài.

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, Rôma, 2024-03-29

Nếu có một nơi đặc biệt được Đức Phanxicô đặc biệt yêu quý thì đó là Đền thờ Đức Bà Cả ở Rôma. Trước và sau mỗi chuyến đi, không kể giờ giấc, ngài đều đến trước tượng Đức Mẹ để giao phó cho Chúa Quan Phòng. Tượng Đức Mẹ có tên Đức Trinh Nữ cứu người dân la-mã (Salus populi romani) được tôn kính từ thế kỷ 13. Bức tượng rất lớn, bề cao hơn một mét và rộng gần 80cm, được đặt ở nhà nguyện Pauline bên hông, trước ca đoàn ở gian giữa nhà thờ. Đức Phanxicô quen thuộc với nơi này. Khi ở Rôma trước khi được bầu kế vị Thánh Phêrô, mỗi buổi sáng chúa nhật ngài đều đến đây cầu nguyện.

Chính tại đền thờ bằng đá cẩm thạch này mà Đức Phanxicô đã chọn để hoàn thành chuyến hành trình cuối của mình. Ngài 87 tuổi và hiện nay ngài đã cho đào mộ ở đó. Ngài muốn yên nghỉ vĩnh viễn gần biểu tượng yêu dấu này. Chính thức đã có biển thông báo đền thờ đang “sửa chữa”. Báo Le Figaro đã có thể xác minh việc chôn cất đang được chuẩn bị.

Đây không phải là bí mật quốc gia. Ngày 13 tháng 12 năm 2023, ngài đã tâm sự với đài truyền hình Mêxicô NMás: “Đây là lòng tôn kính lớn lao của tôi… Tôi muốn được chôn cất ở đền thờ Đức Bà Cả. Nơi đây đã sẵn sàng.” Nó chưa hoàn toàn xong. Sẽ sớm thôi. Thông thường, các giáo hoàng được chôn cất tại Đền thờ Thánh Phêrô hoặc tại nhà thờ chính tòa Thánh Gioan Lateran, thánh đường của giám mục Rôma. Đức Clement IX là giáo hoàng cuối cùng chôn ở đền thờ Đức Bà Cả năm 1669.

Bức thư từ nhiệm

Sự tự do của giáo hoàng khi nói những lời liên quan đến ngôi mộ của ngài đã dấy lên suy đoán của những người ở Rôma về “hồi kết triều” của ngài.

Việc kế vị của một giáo hoàng vẫn là chủ đề cấm kỵ trong văn hóa chính thức của Vatican, để tôn trọng con người và chức vụ của giáo hoàng. Nhưng không ngăn nhiều người thầm thì nói.

Điều này không làm phiền đương sự. Trong quyển tiểu sử của nhà xuất bản Harper Collins phát hành trên toàn thế giới ngày 20 tháng 3 (Sống: Câu chuyện đời tôi trong Lịch sử”, Vivre. Mon histoire dans l’Histoire), Đức Phanxicô, người chiến đấu trả lời: “Tôi không có lý do nghiêm túc nào để xem xét việc từ chức. Một số người có thể đã hy vọng một ngày nào đó, sau khi tôi vào bệnh viện, sẽ đưa ra một thông báo như thế này, nhưng nguy cơ này không tồn tại: nhờ ơn Chúa, tôi có sức khỏe tốt, và như tôi đã nói trước đây, nếu Chúa muốn, tôi vẫn còn nhiều dự án cần hoàn thành.” Sứ vụ của Thánh Phêrô là suốt đời. Tôi không thấy có lý do gì để từ nhiệm. Mọi chuyện sẽ khác trong trường hợp có trở ngại nghiêm trọng về thể chất.” Trong quyển sách này, ngài khẳng định chưa bao giờ nghĩ đến việc ra đi trước thời hạn. Tạ ơn Chúa, cho đến nay, tôi chưa có lý do gì để nghĩ đến việc từ chức.” Ngài xác nhận đã để lại một “lá thư từ chức” được ký khi bắt đầu triều và để ở Phủ Quốc vụ khanh, tạo điều kiện thuận lợi trong trường hợp ngài gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Và đó sẽ là phương sách cuối cùng. Tháng 5 năm 2022, ngồi trên xe lăn ngài nói: “Chúng ta không cai trị bằng đầu gối mà bằng cái đầu.” Trái với người tiền nhiệm của ngài, Đức Phanxicô thích quyền lực. Ngài thực thi quyền lực với một quyết tâm và nghị lực mà ngài luôn giữ kể từ ngày 13 tháng 3 năm 2013. Lời tiên tri của Ngài về một triều “ngắn ngủi” ngài công khai nói sau khi được bầu đã không thành hiện thực. Hình ảnh của ngài vẫn còn tích cực trên các phương tiện truyền thông và dư luận thế giới, dù cho bầu khí trong Giáo hội đã xấu đi.

Bài đọc thêm: Tiểu sử của Đức Phanxicô: “Tôi sẽ không bao giờ được gọi là giáo hoàng danh dự”

Khiêu khích những người bảo thủ

Hiện nay bầu khí ở Vatican căng thẳng hơn bao giờ hết; bầu khí mập mờ tại các giáo xứ. Theo nhiều người có trách nhiệm, chứng nhân và chuyên gia thì cái chết của Đức Bênêđictô XVI ngày 31 tháng 12 năm 2022 đã “tạo tác động”. Chủ quan, không thể xác định được, không thể đo lường được. Tuy nhiên, những quyết định quan trọng – và khách quan – đã được đưa ra kể từ ngày an táng giáo hoàng danh dự 5 tháng 1 năm 2023. Và với tốc độ ngày càng nhanh.

Đáng chú ý là việc Đức Phanxicô bổ nhiệm hồng y Victor Manuel Fernández đứng đầu bộ Giáo lý Đức tin ngày 1 tháng 7 năm 2023, ngài là người Argentina, bạn thân của Đức Phanxicô, là nhân vật số hai thực sự trong triều giáo hoàng. Để hiểu điều gì đang bị đe dọa, chúng ta cần nhớ Đức Gioan-Phaolô II đã chọn hồng y Joseph Ratzinger đảm nhận vị trí chủ chốt này. Khác biệt: về mặt thần học, Fernández đối lập với Ratzinger. Có người xem việc bổ nhiệm này là nhất quán của một thần học gia được cho là “nguồn cảm hứng của Đức Phanxicô”, có người xem đây là một “khiêu khích” nhắm vào “những người bảo thủ”. Dù sao đó là tín hiệu không thể phủ nhận của một định hướng dứt khoát cho một “Giáo hội cởi mở” và “bao gồm”.

Vì thế có tuyên bố Fiducia supplicans của hồng y Fernández ký ngày 18 tháng 12 năm 2023, cho phép chúc phúc cho các cặp đồng tính với một số điều kiện nhất định. Được giáo hoàng chấp thuận, văn bản nhấn mạnh đến học thuyết cổ điển về hôn nhân để đảm bảo tuyên bố này không “chúc phúc” cho các kết hợp đồng tính. Tuy nhiên, một điều ngược lại đã được thấy: bật đèn xanh mang tính lịch sử cho việc chúc phúc “các cặp đồng tính”. Điều này đã làm Giáo hội toàn cầu chia rẽ. Hơn một nửa các giám mục trên thế giới, gồm châu Phi đã công khai bác bỏ việc chúc phúc cho “các cặp đồng tính” nhằm phản đối trực tiếp chỉ thị của Rôma.

Các chỉ trích loan ra

Đức Phanxicô rất phật ý vì phải chấp nhận việc từ chối này. Ngài và những người chung quanh tiếp tục biện minh cho sáng kiến này, một sáng kiến không thể phủ nhận đã làm tan sự hiệp nhất của Giáo hội công giáo mà ngài là người bảo đảm; đó là sứ mệnh đầu tiên của ngài trong việc truyền bá đức tin công giáo. Theo một hồng y thường trú ở Rôma, Fiducia supplicans đã làm “giọt nước tràn ly”, tạo sự chia rẽ và phân cực chưa từng có trong Giáo hội. Và làm nản lòng, ngay cả giáo triều Rôma, toàn bộ các giám chức, đặc biệt với các giám mục, cho đến nay vẫn khá trung thành với Đức Phanxicô.

Vì chức vụ của ngài, tương đối ngài ít bị dư luận chỉ trích. Nhưng với hồng y Fernández, ngài bị đánh mất uy tín và quyền lực vì ngày 9 tháng 1 năm 2024, một vụ khác nổ ra, không vì tình cờ nhưng làm ngài suy yếu. Một trong những quyển sách của ngài khi còn trẻ, Tâm linh và nhục dục (Spiritualité et sensualité) trong đó ngài mô tả chi tiết cực khoái tình dục giữa nam nữ bị đưa ra trở lại. Ngoài nội dung của nó, tác phẩm đã cố tình… che giấu, đến mức lấy nó ra khỏi thư mục chính thức của thần học gia được thăng lên vị trí thần học cao nhất trong Giáo hội! Một người quen thuộc với bộ Giáo lý Đức tin bảo đảm: “Giáo hoàng, bạn thân của hồng y Fernández, không thể không biết có quyển sách này và việc che giấu nó.”  Vị giám chức này cũng nhắc lại, năm 2009, việc bổ nhiệm thần học gia Fernández năm 2009 vào chức vụ viện trưởng Đại học Công giáo Buenos Aires, thời của tổng giám mục Bergoglio – đã không được Rôma chấp thuận – làm nảy sinh những dè dặt ở cấp cao nhất của Giáo hội. Fernández bị lọt vào tầm ngắm của Vatican vì một quyển sách khác gây ngạc nhiên, Hãy chữa lành cho tôi bằng miệng của bạn. Nghệ thuật hôn, xuất bản năm 1995  (Guéris-moi avec ta bouche. L’art d’embrasser).

Những vụ làm bối rối

Hồng y Fernández được cho là “ngòi bút” của giáo hoàng, bây giờ ngài là người bảo trợ thần học công giáo cho toàn Giáo hội. “Thần học mục vụ” của ngài dựa trên nhu cầu của con người chứ không còn dựa trên các nguyên tắc giáo lý, đi ngược với điều đang thực thi cho đến nay, đặc biệt là của Ratzinger. Ở Vatican, các nhà quan sát thấy, khi Đức Bênêđictô XVI còn sống, Đức Phanxicô đã không dám bổ nhiệm người bạn Fernández của ngài vào chức vụ quan trọng này.

Cùng với việc bổ nhiệm này và tuyên bố Fiducia supplicans, một vụ khác đã góp phần làm lạnh giá bầu khí Vatican, vốn hiền hòa, đến mức không ai dám bày tỏ công khai vì “bầu khí khiếp sợ” ở Vatican, một số nguồn tin vẫn ôn hòa và cho đến nay vẫn nhân từ với Đức Phanxicô cho biết. Vụ này xuất hiện ngày 19 tháng 12, ngay ngày hôm sau ngày công bố Fiducia supplicans, đó là vụ tòa án đặc biệt của Vatican kết án hồng y Angelo Becciu, cựu nhân vật thứ ba của Vatican trong chức vụ “thư ký dưới quyền”, người làm việc hàng ngày với Đức Phanxicô. Hồng y Becciu luôn cho mình vô tội nhưng lại bị buộc tội tham ô tài chính.

Bản án 5 năm rưỡi tù giam được cho là một đòn giáng mạnh vào Vatican. Nhiều người nghĩ hồng y Becciu sẽ có một bản án mang tính biểu tượng, dù cáo buộc chính vẫn là việc ngài đã đầu tư thảm hại một tòa nhà ở London, được cấp trên che đậy, kể cả… chính Đức Phanxicô! Hồng y Becciu kháng cáo, khiến bản án trở nên vô hiệu, nhưng mức độ nghiêm trọng của một tòa án có quan tòa tối cao là giáo hoàng – với tư cách là nguyên thủ quốc gia đã tạo một cú sốc trong một cộng đồng giáo hội ít quen với các biện pháp trừng phạt pháp lý. Nhiều vi phạm pháp luật cũng bị đổ lỗi, trong đó không thể phủ nhận Đức Phanxicô đã bốn lần thay đổi một số quy định trong phiên tòa, như thể ngài muốn làm gương.

Giáo triều trong cơn sốc sau bản án năm năm rưỡi tù giam của hồng y Becciu 

Giữ vững đường hướng

Hết vụ này sang vụ khác, hai “vụ” trong mùa đông này đã mang lại vị đắng cay cho giai đoạn này của triều giáo hoàng. Cũng nên thêm vụ linh mục Dòng Tên Marko Rupnik nổi tiếng thế giới, tháng 12 năm 2022 đã bị cáo buộc hàng chục vụ lạm dụng tình dục, đã thoát khỏi bị dứt phép thông công, được giáo hoàng bảo vệ. Cuối cùng là tranh cãi của phiên họp thượng hội đồng đầu tiên về cải cách Giáo hội tháng 10 năm 2023 – phiên họp thứ hai sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2024 – Giáo hội công giáo cho cảm tưởng họ đặt vấn đề về các nguyên tắc căn bản, bao gồm trách nhiệm của giám mục với giáo phận của mình, luật độc thân linh mục. Rất nhiều cải cách không được thực hiện, sẽ tạo hậu quả rất nặng nề cho một số môi trường giáo sĩ.

Trong quyển sách mới nhất của ngài, Đức Phanxicô gạt những kháng cự này: “Vatican đúng là chế độ quân chủ tuyệt đối cuối cùng ở châu Âu, các lập luận và các mưu mô thường được thực hiện ở đó, nhưng phải dứt khoát bỏ và khắc phục các việc này.” Không có gì làm ngài thay đổi hướng đi: “Rất cần phải thay đổi mọi thứ, từ bỏ một số thái độ mà ngày nay vẫn còn khó biến mất. Đúng vậy, có người còn muốn làm chậm lại cải cách, một số muốn tiếp tục ở trong thời giáo hoàng-vua, một số mơ một huy hoàng nào đó nhưng những chuyện này chẳng mang lại lợi ích gì cho Giáo hội.” Ngài kết luận: “Chúng ta phải nhìn về tương lai bằng cách đơn giản hóa mọi thứ, tìm cách vượt qua chủ nghĩa giáo quyền, thái độ coi trọng đạo đức và xa cách giáo dân đã là một căn bệnh, một bệnh dịch! Giáo hội có rất nhiều vị thánh, nhưng trong một số trường hợp, Giáo hội đã trở thành một Giáo hội xấu do một chủ nghĩa giáo sĩ trị hư hỏng.”

Khi giáo hoàng công kích “Vatican, chế độ quân chủ tuyệt đối cuối cùng ở châu Âu”

Một hồng y tâm sự, những sự kiện này và sự gia tăng của chúng đã tạo một tình trạng bất ổn chung, một bầu khí nguy hiểm có thể thấy rõ ở Rôma. ngài tin, “kể từ khi Đức Bênêđictô XVI qua đời, đoàn tàu đã trật đường rầy”. Sự kết thúc triều như chúng ta thấy ở đây, luôn làm đau thương. Đó là trường hợp của Đức Phaolô VI, của Đức Gioan-Phaolô II, bị tác động do căn bệnh kéo dài, có một nhóm nhỏ, gồm thư ký riêng của ngài và giáo triều Rôma, đã đưa ra nhiều quyết định. Một kinh nghiệm đau đớn và quan trọng khi Đức Bênêđictô XVI quyết định từ nhiệm ở tuổi 85, chính xác vì ngài muốn tránh tình trạng một giáo hoàng chùn chân, ngài đã thấy rõ những cạm bẫy cuối đời của Đức Gioan Phaolô II. Ký ức về những ngày cuối cùng của triều giáo hoàng này vẫn còn in đậm ở Vatican, nơi họ cam chịu, tin vào số và hoài nghi, chuyển từ một giáo hoàng huy hoàng sang một tình trạng không chắc, rồi sẽ đi đến hồi kết thúc.

Các ứng viên kế nhiệm

Đặc biệt là vì ngoài sức khỏe của ngài, thực sự rất mong manh, một nguồn tin thông thạo cho biết, “ngài có thể ra đi trong ba giờ hoặc trong ba năm”, những tuyên bố tự phát của Đức Phanxicô về một loạt chủ đề gây khó chịu. Một người kỳ cựu trong giáo triều xác nhận: “Bị cô lập, bị dè chừng với những người cộng tác với mình, ngài quản trị một mình và tính cách độc tài của ngài ngày càng khẳng định.” Một nhà ngoại giao mệt mỏi với những mâu thuẫn cho biết: “Nếu không có những lời khuyên và sự điều hành cân bằng của chính quyền, một chính quyền có đầy kỹ năng quốc tế, một số câu bất ngờ nào đó của giáo hoàng có tác động toàn cầu ngay lập tức nhưng chúng không còn có trọng lượng nữa”. Vì thế đã xuất hiện hàng loạt tuyên bố, thường mâu thuẫn nhau, chẳng hạn về Nga và Ukraine, hoặc về Israel và Palestine.

Ngày 29 tháng 2 năm 2024, tài liệu Demos II cay nghiệt, ẩn danh nhưng thực sự được một hồng y viết (báo Figaro chúng tôi đã có thể kiểm chứng), người đã tham khảo ý kiến các đồng nghiệp, đã lưu hành các kết quả của triều giáo hoàng, tố cáo một Giáo hội “bị chia rẽ hơn bao giờ hết trong lịch sử gần đây. Ông chỉ trích chính phủ của giáo hoàng “chuyên quyền”, ngài chỉ họp hồng y đoàn hai lần, năm 2014 và 2022 – điều này có thể làm thuận lợi cho những “thao túng” trong mật nghị tiếp theo – một giáo hoàng “không khoan dung với bất cứ bất đồng nào, dù ngài tôn trọng”. Theo ông, ông lo ngại về “một mơ hồ trong các vấn đề đức tin và luân lý tạo nhầm lẫn giữa giáo dân”, nơi huấn quyền đã trở thành một “hệ thống đạo đức linh hoạt hoặc phân tích xã hội học” quá bị ảnh hưởng bởi tầm nhìn của “Dòng Tên”. 

Demos II: Một hồng y ẩn danh chỉ trích Đức Phanxicô

Văn bản không khoan nhượng này là một trong những khúc dạo đầu hữu hình cho việc mở ra cuộc tranh luận rộng rãi về việc kế vị. Giáo luật chính thức cấm bất kỳ sự tham vấn trước nào giữa các hồng y. Nhưng không có gì ngăn các giám chức gặp riêng và cũng đã xảy ra, các cuộc họp đã xảy ra như trong quá khứ. Báo Figaro đã có thể kiểm chứng.

Năm 2005, sự hấp hối kéo dài của Đức Gioan-Phaolô II không làm ai ngạc nhiên và hai khuynh hướng chính của Giáo hội, bảo thủ và tiến bộ đã được chuẩn bị từ lâu. Năm 2013, Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm bất ngờ đã làm mọi người ngạc nhiên. Lần này, theo quan điểm đồng nhất, vấn đề hàng đầu không phải là “ai” có thể kế nhiệm một nhân cách mạnh mẽ như Đức Phanxicô, nhưng là “làm thế nào để khôi phục sự hiệp nhất của một Giáo hội đang bị chia rẽ sâu sắc”. Chúng tôi nghe vấn đề này từ mọi phía. Sau đó, trong các cuộc trò chuyện, xuất hiện một câu hỏi bất ngờ nhưng liên quan đến các giám chức có hiểu biết sâu sắc về tài chính của Tòa thánh, những người sẽ ở trong “tình huống rất xấu”, có người còn cho là “thảm họa”, đặc biệt là sự đóng góp của Đức và Mỹ giảm. Chủ đề thứ ba cần quan tâm với triều giáo hoàng tương lai: “Định hướng nào cho Giáo hội? Một giám chức Vatican lớn tiếng thắc mắc liệu chúng ta có nên quay lại và tiếp tục cải cách không? Nghỉ một thời gian?” Theo logic này, chủ đề cuối cùng quay trở lại trong một số môi trường nào đó, đó là “căn tính của đức tin công giáo”. Một hồng y rất lo lắng, đã nói thẳng: “Giáo hội còn tin vào cái gì không?” Các quan điểm khác của những người thân cận Đức Phanxicô tin rằng triều của ngài là triều “tiên tri” và con đường cải cách “lành mạnh cho Giáo hội là con đường không thể đi lui?”

Thêm nữa với việc phong các tân hồng y vào cuối tháng 10 năm 2024, Đức Phanxicô sẽ có gần 80% trong số 120 hồng y cử tri kế nhiệm ngài. Tiếp đó là cuộc chạy đua truyền thống của các hồng y có thể làm giáo hoàng bắt đầu, các hồng y này có thể được bầu làm giáo hoàng nhưng chúng ta biết những dự đoán này thường không đúng. Đúng hơn, đó là tên của các hồng y  chúng ta nói đến, nhưng mỗi lần đều có chữ “nhưng…”. Chữ “nhưng” trong tiếng Ý có nghĩa là phản đối. Điều đó có nghĩa không có ai được áp đặt  vào lúc này.

Một trong các hồng y này đang có uy tín và đúng là ngày ngài càng có quyền lực. Ngài thường xuyên xuất hiện trong các cuộc trò chuyện: nhân vật số hai hiện nay của giáo hoàng, hồng y ngoại trưởng Pietro Parolin, một người Ý, “nhưng” bị cho là quá “mờ nhạt” trước Đức Phanxicô. Hồng y người Ý  Matteo Maria Zuppi, tổng giám mục Bologna, cũng được nhắc đến, “nhưng” quá thân thiết với cộng đoàn Sant’Egidio. Cũng hồng y người Ý, thượng phụ la-tinh của Giêrusalem, Pierbattista Pizzaballa, tu sĩ dòng Phanxicô, “nhưng” còn quá trẻ, “ngài mới 59 tuổi”. 

Quay về với người Ý?

Hai người châu Âu khác nắm vững dây cương, hồng y Péter Erdư, tổng giám mục Budapest, “nhưng” “không có sức lôi cuốn lắm” và bị cho là “bảo thủ”. Còn hồng y Anders Arborelius, tổng giám mục Stockholm, tu sĩ Cát Minh 74 tuổi, có thể tạo bất ngờ. Ít được nhắc đến hơn, vẫn ở châu Âu, là các hồng y Juan José Omella, tổng giám mục Barcelona, và hồng y trí thức người Bồ Đào Nha José Tolentino Mendonça, được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ Văn hóa và Giáo dục.

Rất ít tên các hồng y Mỹ la-tinh được nhắc đến, ngoại trừ hồng y Leonardo Ulrich Steiner, tổng giám mục Manaus, Brazil, dòng Phanxicô. Một câu ngắn gọn nhưng nói lên nhiều: “Mọi thứ trừ người Mỹ la-tinh, mọi thứ trừ tu sĩ Dòng Tên.” Còn ở Bắc Mỹ, những cáo buộc chống hồng y Canada Gérald Cyprien Lacroix mà ông phủ nhận đã hạn chế mọi tham vọng. Vẫn còn tổng giám mục Mỹ xuất sắc và giàu kinh nghiệm của Boston, hồng y Seán O’Malley, “nhưng” tu sĩ dòng Phanxicô sẽ tròn 80 tuổi vào tháng 6 tới vì thế ngài sẽ không vào Nhà nguyện Sixtine.

Về phía châu Á, ba hồng y nổi bật: nổi tiếng nhất vẫn là hồng y Luis Antonio Tagle, người Phi Luật Tân, được Đức Phanxicô đưa về Giáo triều, không thuyết phục, nhưng sẽ là một trong những “nhà làm giáo hoàng” cho mật nghị; hồng y Malcolm Ranjith, người Sri Lanka, năm 2013 đã là người có khả năng làm giáo hoàng; và hồng y Charles Maung Bo, tổng giám mục  Rangoon, Miến Điện, hiện là chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Á.

Gần đây có hồng y thứ mười bốn được đưa vào danh sách này: hồng y Jean-Marc Aveline người Pháp, tổng giám mục của Marseille. Ngài nổi bật sau chuyến tông du của giáo hoàng đến Marseille, “nhưng”, dân Rôma lấy làm tiếc ngài không nói được tiếng Ý. Cuối cùng, một hồng y châu Phi được để ý kể từ khi họ từ chối áp dụng Fiducia supplicans, với một cái tên đặc biệt, Fridolin Ambongo, tổng giám mục Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo, được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Phi: ngài là người của sự từ chối.

Một giáo hoàng châu Phi? Nhiều nguồn tin được hỏi về chủ đề này ở Rôma cho rằng “thời điểm chưa đến”, nhưng tất cả đều đồng ý, trên thực tế người châu Phi sẽ ở vị trí “trọng tài” của mật nghị tiếp theo. Với 17 hồng y cử tri, họ có trọng lượng ngang với Bắc Mỹ và gần bằng Châu Mỹ la-tinh có 18 hồng y cử tri, châu Á có 22 cử tri. Nhưng châu Âu tuy bị phân cực nhưng họ có tiếng nói quyết định với 52 cử tri. Liệu chúng ta có chứng kiến sự quay về lớn lao của người Ý không? Họ bị chia rẽ nhưng họ có một hiểu biết sâu sắc về Giáo hội, một điều độ và linh hoạt có thể mang lại lợi ích, trừ khi các hồng y hướng về Trung Âu hoặc Bắc Âu. Một hồng y giàu kinh nghiệm nhận xét: “Giáo hội, giáo dân, linh mục, nữ tu, giám mục, cần phải gắn kết với nhau, không được chia rẽ. Họ muốn sự chú ý, yên bình, khôn ngoan chứ không trốn tránh.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nhà ngoại giao, nhà quản lý và người trở lại: ba người kế vị nổi bật nhất của Đức Phanxicô