Fabio Marchese Ragona, người viết tiểu sử Đức Phanxicô: “Từ khi còn trẻ, ngài đã tứ bề thọ địch”

127

Fabio Marchese Ragona, người viết tiểu sử Đức Phanxicô: “Từ khi còn trẻ, ngài đã tứ bề thọ địch”

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 13 tháng 3-2024. GUGLIELMO MANGIAPANE / REUTERS

lemonde.fr, Gaétan Supertino, 2024-03-21

Quyển tiểu sử Sống, câu chuyện đời tôi qua Lịch sử (Vivre : Mon histoire à travers la grande Histoire), Đức Phanxicô cùng viết với ông Fabio Marchese Ragona, nhà vatican học của nhóm Mediaset Ý, ông cũng là bạn của ngài. Quyển tiểu sử ghi lại 87 năm cuộc đời của Jorge Mario Bergoglio, đan xen với những sự kiện trọng đại của lịch sử, từ Hiroshima đến đại dịch, đến Công đồng Vatican II, được dịch ra bảy thứ tiếng (Pháp, Anh, Ba Lan, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) và đã được nhà xuất bản Harper & Collins phát hành ở Pháp.

Trong một phỏng vấn với báo “Thế giới tôn giáo”, tác giả giải thích: “Mỗi sự kiện là một cơ hội để ngài đưa ra những lời kêu gọi mạnh mẽ về các vấn đề hiện tại”. Quyển sách là quyển tiểu sử của Jorge Mario Bergoglio (tên dân sự của ngài) dưới dạng kép, với những dòng viết tay của ngài và văn xuôi của nhà báo người Ý.

Quyển sách không tiết lộ điều gì, nhưng đúng hơn là để ngài có phương tiện chuyển thông điệp về tình hình thế giới và của Giáo hội qua việc nhìn lại các biến động lớn của lịch sử đương đại. Trong cuộc phỏng vấn với báo “Thế giới tôn giáo”, ông Fabio Marchese Ragona kể về hậu trường trong việc biên tập của ông.

Ông là người khởi xướng công việc này. Ông đã gặp Đức Phanxicô như thế nào?

Fabio Marchese Ragona: Tôi gặp ngài nhiều lần khi là phóng viên ở Vatican cho đài truyền hình quốc gia Ý Mediaset, nhưng từ tháng 1 năm 2021, tôi gần ngài nhiều hơn khi thực hiện cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên với ngài – và sau đó thêm hai lần nữa. Thế giới đang ở giữa đại dịch Covid-19, tôi viết cho ngài một thư xin phỏng vấn. Sau một thời gian chờ đợi, một buổi tối ngài bất ngờ gọi tôi và nói ngài nhận lời để nói về thời kỳ bi thảm này.

Đâu là các nguồn để ông viết quyển sách này? Có đoạn nào sáng tạo, đoạn nào hư cấu không?

Mọi thứ viết trong quyển sách đều xuất phát từ ký ức của ngài. Chúng tôi làm việc gần một năm, khi thì trực tiếp (có khi kéo dài vài giờ), khi thì điện thoại hoặc e-mail. Khi biên tập xong, gần như mỗi tuần chúng tôi đều có những cuộc gọi để làm việc, sửa chữa, thay đổi, thêm các yếu tố mới vào quyển sách.

Vì đây là trò chuyện bằng miệng nên khi chuyển sang văn viết, tôi phải đổi văn phong một chút và làm cho câu chuyện phù hợp để dễ đọc. Vì vậy, trong vai trò người kể chuyện, tôi đã dùng một số thủ thuật văn học, nhưng không xa thực tế của các sự kiện được ngài kể. Không có phát minh nào về phía tôi.

Ông đã học được gì với ngài khi viết quyển sách này?

Tôi hiểu những hành vi của ngài không phải là để quảng cáo. Chẳng hạn, nếu ngài quan tâm đặc biệt đến người nghèo là vì ngài luôn sống giữa họ, họ luôn là một phần cuộc sống của ngài, từ thời thơ ấu ở quận Flores, phía tây Buenos Aires, hoặc khi tiếp xúc với công nhân Ba Lan cùng làm việc với thân phụ ngài, ông là nhân viên kế toán trong một nhà máy nhuộm.

Tôi cũng hiểu vì sao ngài rất chú trọng đến người di cư: từ đầu thế kỷ 20, cha mẹ và ông bà của ngài đã từ Ý đến Argentina, họ phải hòa nhập vào xã hội dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929. Câu chuyện thời thơ ấu của ngài đặc biệt làm tôi chú ý, từ cậu bé đá banh ngoài đường phố, đến sân vận động của câu lạc bộ San Lorenzo hoặc ở nhà cả ngày để nói chuyện với bà nội… không có gì nói trước ngài sẽ là giáo hoàng!

Có phải quyển sách này trước hết là phương tiện để ngài chuyển các thông điệp hiện tại? Ngài liên hệ hoàn cảnh khó khăn của những người di cư Ba Lan đến Argentina trong những năm 1930 và 1940 với những điều kiện khó khăn của những người di cư ngày nay, chỉ trích việc phá thai qua phân tích chủ nghĩa McCarthy, tố cáo sự phân biệt chủng tộc chống người da đen hoặc phân biệt đối xử đối với người đồng tính trong một đoạn nhắc đến Hitler, v.v. .

Hoàn toàn đúng! Mỗi sự kiện lịch sử đều là dịp để ngài đưa ra những lời kêu gọi mạnh mẽ về các vấn đề hiện tại, như các cuộc khủng hoảng di cư hiện nay hay các cuộc biểu tình sau vụ ông George Floyd bị sát hại vì phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ năm 2020. Ngài nghĩ quyển sách này trước hết là để khai triển các khái niệm căn bản của ngài, bắt đầu từ bạo lực mà chủ nghĩa cuồng tín hoặc lạm dụng quyền lực có thể gây ra, bất hoặc chúng là gì.

Ngài lên án chủ nghĩa toàn trị và nói về “một Ukraine tử đạo”, nhưng không bao giờ đề cập đến nước Nga… Vì sao?

Ngài nói với tôi về chiến tranh nói chung, chủ yếu tập trung vào tất cả các dân tộc trên thế giới đang đau khổ vì bom đạn.

Về Chiến tranh thế giới thứ hai, ngài chỉ trích dẫn giáo hoàng Piô XII (1876-1958) đề cập đến lời kêu gọi hòa bình hoặc lên án án tử hình của Đức Piô XII nhưng không nói về sự im lặng của ngài trước Đức quốc xã và sự diệt chủng người do thái?

Ngài muốn trích dẫn những bài phát biểu này của Đức Piô XII để mọi người có thể hiểu được. Nhưng chúng tôi đã không nói về sự im lặng của vấn đề diệt chủng trong cuộc phỏng vấn. Tôi không muốn đề cập đến vấn đề này vì nghiên cứu về chủ đề này vẫn còn mở. Các tài liệu lưu trữ về triều của Đức Piô XII đã được đưa ra công chúng và chúng ta thấy ngài cũng đã giúp nhiều người do thái trốn thoát hoặc ẩn giấu.

Từ những gì tôi đã đọc, các giám mục Đức thời đó đã khuyên Đức Piô XII nên cân nhắc lời nói của mình, vì, đứng trước cơn thịnh nộ của Hitler, có thể còn có nhiều người chết hơn nữa. Tôi nghĩ cuộc nghiên cứu phải tiếp tục và tôi chưa thấy đủ rõ ràng để bình tâm đề cập đến chủ đề này với giáo hoàng.

Độc tài, cánh tả… theo ông, những nhãn dán này đã ăn sâu vào Đức Phanxicô một thời gian dài. Làm thế nào để giải thích?

Từ khi còn trẻ, ngài đã tứ bề thọ địch. Chẳng hạn, khi còn là bề trên giám tỉnh Dòng Tên (từ 1973 đến 1980) ở Buenos Aires, ngài đã có những quyết định mạnh mẽ mà không phải lúc nào cũng làm mọi người hài lòng, như gởi các linh mục đến vùng ngoại ô để dạy giáo lý cho trẻ em: việc này không phù hợp với các tu sĩ Dòng Tên thời đó và ngay lập tức, ngài bị cho là “độc tài” (sau đó ngài bị “xuống chức”, làm cha giải tội) và bị lưu vong ở tỉnh Cordoba hai năm.

Ngày nay, cũng như trong quá khứ, một phần Giáo hội và thế giới phương Tây đang khó nhọc để hiểu sự quan tâm của ngài với người nghèo, họ đã đi xa đến mức cho ngài là cộng sản. Đây là đơn giản hóa… Giáo hoàng thường bị mô tả một cách méo mó và tôi nghĩ quyển sách sẽ giúp chúng ta hiểu ngài hơn.

Nhưng quyển sách cũng không có mục tiêu “chính trị”. Quyển sách này là để người trẻ có thể nghe câu chuyện, chứng từ của ngài và lớn lên với nhận thức, thế giới đã phạm nhiều sai lầm. Cả hai chúng tôi đều muốn gởi thông điệp này đến giới trẻ. Nếu không thì ngài sẽ không chấp nhận đề nghị của tôi. 

Nhiều đoạn cũng nói về việc xây dựng châu Âu. Có một mong muốn nào để nói với cử tri trong cuộc bầu cử sắp đến ở Liên hiệp Âu châu, khi chủ nghĩa dân tộc đang chiếm chỗ đứng không?

Tuyệt đối không: khi nói về châu Âu, chúng tôi không bao giờ đề cập đến các cuộc bầu cử sắp tới. Đức Phanxicô luôn từ chối can thiệp vào các chiến dịch bầu cử. Mặt khác, sự ra đời của Liên hiệp Âu châu là một thời điểm lịch sử có tầm quan trọng toàn cầu và đáng được xem xét kỹ lưỡng.

Những lời của ngài về châu Âu và Liên hiệp Âu châu – theo ngài là “một trong những sáng tạo chính trị đẹp nhất trên thế giới”, ở chỗ nó thể hiện một “gia đình của các dân tộc”, một “chính quyền có nhiều kỹ năng”, cũng như Giáo hội, cho phép “tránh chủ nghĩa dân tộc thái quá” – vẫn còn hiệu lực hôm nay cũng như hôm qua.

Ngoài giáo hoàng, có ai ở Vatican sửa quyển sách không? Lời của một giáo hoàng có được tự do không?

Lời của giáo hoàng là hoàn toàn tự do, dù có nhiều người muốn ngài im tiếng. Ngài xem lại từng chương và còn kiểm tra cả dấu phẩy. Ngài còn cho thấy một vài lỗi chính tả trong bài viết… Đó là điều đã xảy ra! 

Nhưng ngài vẫn còn khá kín đáo về cảm xúc của ngài. Có phải do địa vị hay do tính cách của ngài?

Tôi nghĩ ngược lại, ngài nói không sàng lọc, đơn giản nhưng chân thành. Trong chương ngài kể lại mật nghị bầu ngài làm giáo hoàng, ngài tâm sự cảm xúc của ngài khi thấy mọi người chờ ngài ở Quảng trường Thánh Phêrô. Khi đó ngài nhớ đến cha mẹ và tất cả những người bị bị ruồng bỏ ngài đã gặp trong đời.

Quyển sách không tập trung vào cảm xúc của ngài, nhưng xoay quanh câu chuyện và thông điệp ngài muốn dành cho giới trẻ. Trên hết, nó nói lên lòng tốt, sự tha thứ, đức tin: đó là câu chuyện về một nhân cách có đức tin mạnh mẽ đến mức cho phép ngài vượt lên – và tha thứ – cho sự tàn ác của con người.

Còn ông, ông có tự do trong các câu hỏi ông của ông không?

Hoàn toàn, tất cả những gì tôi hỏi đều được trả lời. Không có gì cấm kỵ, ngài trả lời mọi hiếu kỳ của tôi, ngay cả những chủ đề ngài chưa bao giờ muốn nói một cách cởi mở, những năm dưới chế độ của nhà độc tài Argentina Videla (1925-2013), ông cai trị đất nước từ năm 1976 đến năm 1981, khi ngài là bề trên Tỉnh Dòng, hoặc ngài nói về cô bạn gái cũ của ngài.

Tôi thấy ngài có một tinh thần cởi mở và sẵn sàng trả lời, như vụ Emanuela Orlandi, một chủ đề bị cho là cấm kỵ ở Vatican (cô là công dân của Nhà nước Vatican đã mất tích một cách bí ẩn ngày 22 tháng 6 năm 1983). Ngài bình thản và quả quyết sự thật phải được sáng tỏ.

Ông không sợ tác phẩm sẽ bị chỉ trích là quá mang tính giai thoại và không đủ tính thần học không?

Như Đức Phanxicô nói: “Sự phê bình làm chúng ta lớn lên. Điều quan trọng là chỉ trích rõ ràng và không làm sau lưng.” Tôi nghĩ có những đoạn thiêng liêng rất quan trọng, cho thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện và lòng tôn kính Đức Mẹ lớn lao của ngài. Về thần học, ngài đã viết rất nhiều văn bản. Nhưng ở đây, một câu chuyện được kể lại, về cuộc đời của ngài, không sàng lọc giữa những điểm mạnh và điểm yếu.

Marta An Nguyễn dịch

Sống, câu chuyện đời tôi qua Lịch sử (Vivre : Mon histoire à travers la grande Histoire)

Tiểu sử của Đức Phanxicô: “Tôi sẽ không bao giờ được gọi là giáo hoàng danh dự”