Những bí mật cuối cùng của giám mục giữ tài liệu lưu khố Vatican  

195

Những bí mật cuối cùng của giám mục giữ tài liệu lưu khố Vatican 

 

fr.aleteia.org, Camille Dalmas, 2024-03-06

Khi đến tuổi về hưu, giám mục Sergio Pagano, đứng đầu văn khố Vatican từ năm 1997 tâm sự trong quyển sách “Bí mật” Secretum về sứ mệnh của ngài và vén một góc màn về những bí ẩn vẫn còn chung quanh kho văn khố Vatican.

Năm 2019, Đức Phanxicô đổi tên các văn khố Vatican, thay đổi lưu trữ “bí mật” thành lưu trữ “tông tòa”. Mục tiêu: để tránh bất kỳ sự nhầm lẫn nào về sứ mệnh của họ, tận tâm bảo tồn và phổ biến quá khứ của các giáo hoàng, chứ không che giấu. Nhưng các văn khố vẫn còn những bí mật, như đã được tiết lộ trong quyển sách có tựa đề rất thích hợp: Bí mật, (Secretum, nxb. Solferino, 2024), trong đó lần đầu tiên giám mục Sergio Pagano kể chuyện. Ngài vào văn khố năm 1978 và đứng đầu thư khố từ năm 1997. Khi gần đến tuổi nghỉ hưu, ngài đồng ý kể câu chuyện về “Luyện ngục trên giấy” với nhà báo Massimo Franco, cơ quan của Văn khố Tông tòa Vatican.

Giám mục Sergio Pagano trong văn phòng của ngài Vatican

Các văn khố của Vatican

 

Khi khám phá các tài liệu về phiên tòa xét xử Galilêô hay vụ ly dị của vua Henry VIII, khi mang đến cái nhìn sâu sắc tài liệu có giá trị về mạng lưới gián điệp của Đức Piô X và “sự im lặng” của Đức Piô XII, “người đứng đầu các bí mật” đã làm cho câu chuyện vĩ đại trở nên sống động từ bên trong “hầm” – biệt danh của văn khố Vatican. Nhưng ngài cũng kể một cách tuyệt vời các câu chuyện nhỏ, các giai thoại, những khám phá đáng kinh ngạc và những truyền thuyết xung quanh 86 cây số của các kệ văn khố của các giáo hoàng.

Kho lưu trữ “bí mật” / GIOVANNI CIARLO / LƯU TRỮ BÍ MẬT VATICAN / AFP

Các văn khố không quá bí mật?

Được thành lập vào thế kỷ 12, từ thế kỷ 16, một số ít người có đặc quyền đã có thể tham khảo kho lưu trữ của Vatican. Tuy nhiên, văn khố chỉ được chính thức mở cửa năm 1881, dưới triều giáo hoàng Lêô XIII. Giám mục Pagano cho biết, vào thời điểm đó, giáo hoàng Lêô đã hành động dưới áp lực. Nhà nước Ý non trẻ vừa mới thành lập các văn khố Nhà nước ở Rôma nhưng quỹ của họ quá ít ỏi. Sau đó nước Ý cũng như nước Đức thời Bismarck đã xúc tiến để có thể vào các văn khố của các giáo hoàng. Vấn đề nan giải rất đơn giản với Đức Lêô XIII: “Hoặc các kho lưu trữ của Vatican mở cửa cho thế giới bên ngoài, hoặc được sáp nhập vào các kho lưu trữ của Nhà nước ở Rôma”. Kể từ đó, bất kỳ học giả nào yêu cầu đều có thể vào được kho lưu trữ tài liệu của các giáo hoàng. Thuật ngữ bí mật từ lâu đã được duy trì theo nghĩa gốc của nó, có nghĩa là “riêng tư”.

Các văn khố ở Paris

Ngoài người Ý sau khi đất nước thống nhất, còn có nhiều người khác muốn tham khảo các văn khố. Trong thời gian thành phố Rôma bị tàn phá, gia đình Lansquenet của Charles Quint đã phá cửa để vào – và để lại những hình vẽ bậy trên tường mà bây giờ chúng ta vẫn còn nhìn thấy. Nhưng họ không làm hư bất cứ điều gì. Cú đánh mạnh nhất vào kho lưu trữ của giáo hoàng là cú của hoàng đế Napoléon giáng xuống, ông đã chuyển chúng về Paris, nơi ông có thời gian cân nhắc việc bổ nhiệm Đức Piô VII và chức vụ giáo hoàng. Tiến vào Rôma, các thuộc hạ của hoàng đế, được sự giúp đỡ của một “kẻ phản bội” trong các Kho lưu trữ đã có thể chuyển một khối lượng lớn tài liệu của giáo hoàng đến Paris, tại Hôtel de Soubise. Năm 1815, các tài liệu bắt đầu được trả lại nhưng gặp khó khăn vì người Pháp cố gắng “giữ lấy mọi thứ họ có thể”. Tuy nhiên, Giáo hoàng có thể tin tưởng vào quyết tâm của các sứ giả của ngài ở Paris, đặc biệt là nhà điêu khắc vĩ đại Antonio Canova, trong việc khôi phục các tài liệu… dù nhiều tài liệu ngày nay đã bị thất lạc hoặc phân tán. Điều đáng chú ý là chỉ dụ tuyệt thông của Napoléon năm 1809, ngày nay được bảo quản trong kho lưu trữ của Vienna.

Các kho lưu trữ bí mật “thực sự”

Trong “hầm trú ẩn”, giám mục Pagano tâm sự có một kho tài liệu nhỏ không ai có thể tham khảo được và được giữ bí mật cẩn thận. Đó là các tài liệu liên quan đến các mật nghị, đặc biệt là kết quả của các cuộc bỏ phiếu trước đó – các lá phiếu đã bị đốt, nhưng “bản tóm tắt” các lá phiếu vẫn còn. Một số tài liệu riêng tư của giáo hoàng và các hồng y, báo cáo về các phiên tòa hoặc quyết định của giám mục liên quan đến nhân sự của Tòa thánh cũng không thể truy cập được. Bí mật cuối cùng là bảo vệ tất cả các vấn đề hôn nhân và một số tài liệu nhất định mà Bộ trưởng Ngoại giao không muốn tiết lộ.

Những gì không có trong kho lưu trữ

 Quyển sách liệt kê một số sự kiện lịch sử nhưng cũng kể những truyền thuyết hoang đường nhất và khăng khăng nhất liên quan đến những gì được giấu trong kho lưu trữ của các giáo hoàng. Một trong những câu chuyện được lặp đi lặp lại nhiều nhất là kho vàng của Đức Quốc xã trong các tầng hầm của Vatican, nhưng chuyện này không có cơ sở. Hay sự hiện diện của Menorah – chân nến bảy nhánh – từ Ngôi đền đầu tiên ở Giêrusalem, chân nến đã bị hoàng đế Vespasian đánh cắp và được cho là được các giáo hoàng lấy lại được.

Giám mục Pagano đảm bảo, các kho lưu trữ không giữ những kho báu này. Họ cũng không có “Titulus crucis”, tấm biển có dòng chữ “INRI” được gắn trên Thánh Giá, và không có thánh tích “bí mật” nào của Chúa Kitô để giữ DNA của Ngài như một số bộ óc tưởng tượng đã có thể khẳng định. Ngài cũng xác nhận không có kệ nào chứa “hộp sọ người sao Hỏa màu xám”. Một lưu ý nghiêm trọng hơn, ngài đảm bảo “không có một dòng nào” liên quan đến những gì đã xảy ra với cô Emanuela Orlandi, con gái của một nhân viên Vatican đã mất tích một cách bí ẩn năm 1983.

Nguồn gốc của tất cả những truyền thuyết này? Giám mục cho biết, vô số ấn phẩm hư cấu đã phát triển mạnh trong nhiều thế kỷ với bối cảnh là các kho lưu trữ của Vatican. Ngài cho biết, các tác phẩm này khéo léo dàn xếp sự thật lịch sử một cách thoải mái vô tư – như The Vicar của Hochhuth hay Mật mã Da Vinci của Dan Brown – đã thành công lớn và đã gây hiểu lầm cho nhiều thế hệ độc giả.

Marta An Nguyễn dịch

Bí mật, (Secretum, Sergio Pagano, nxb. Solferino, 2024)