“Cứ tập trung vào các vấn đề về tình dục, cuối cùng đạo công giáo thần tượng hóa nó”

221

“Cứ tập trung vào các vấn đề về tình dục, cuối cùng đạo công giáo thần tượng hóa nó”

Hình minh họa – Nhà thờ theo phong cách baroque ở trung tâm Saint-Gervais-Les-Bains, với lối qua đường dành cho người đi bộ đầy màu sắc. Nhiếp ảnh của Aline DOLINKA / Hans Lucas.

lemonde.fr, Patrick C. Goujon, Linh mục thần học gia, 2024-02-12

Trong một chuyên mục trên báo Le Monde, linh mục thần học gia Patrick Goujon lấy làm tiếc, niềm tin “chỉ vào tình dục khác giới” đã thay thế tín điều trong Giáo hội công giáo, linh mục nhắc Tin Mừng “chỉ lên án mạnh mẽ những tiến sĩ luật chỉ nói mà không làm, họ đặt lên giáo dân những gánh quá nặng”.

Là người công giáo, sinh ra trong một gia đình giữ đạo vài năm sau Công đồng Vatican II, tôi được dạy một tôn chỉ giáo lý: “Tôi tin có một Thiên Chúa.” Nhưng bây giờ, dường như công thức này đã được thay bằng một công thức khác: “Tôi chỉ tin vào một giới tính.” Tôi tin vào tình trạng dị tính chỉ có trong hôn nhân để sinh con. Chính chuyên mục “Những chuyện thân mật” của Maïa Mazaurette, trên tờ Le Monde ngày 4 tháng 2, đã chợt làm cho tôi hiểu tôi đã nhầm lẫn trong đức tin của tôi. Khi vặn vẹo qua một câu, Maïa cho tôi thấy, với nhiều người – trong công giáo cũng như ngoài công giáo – ngày nay theo đạo công giáo có nghĩa là xác định bản thân trong mối quan hệ với tình dục.

Giáo hội công giáo đang vận động để tìm hiểu xem liệu chúng ta có thể chúc phúc cho các cặp đồng tính hay không. À, không, xin lỗi, những người sống trong các cặp đồng tính, các giám mục chính xác nói như thế, nhưng không phải tất cả đều đồng lòng. Họ còn lâu mới nhất trí. Hãy chúc phúc cho những người này, đúng, nhưng đừng lâu quá vài giây. Lời làm rõ (nguyên văn) đã được công bố trên trang web của Vatican vào ngày 4 tháng 1 năm 2024. Chú ý, sẵn sàng, bắt đầu! Hãy cho tôi biết bạn làm gì với giới tính của mình, tôi sẽ cho bạn biết bạn có phải là người công giáo hay không. Rõ ràng, trong thời gian này, những gì các giáo sĩ làm với con chiên vẫn chưa được đưa vào chương trình nghị sự.

Chúng ta có thể mỉm cười… hoặc không. Bị đe dọa trong tất cả những điều này, đó là cuộc sống của những người đi tìm ý nghĩa trong sự tồn tại của họ và tìm thấy nó trong tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta có thể tin hoặc không. Trong thế giới phương Tây, đức tin bị xói mòn đến mức nhiều người công giáo cần xác tín và dấn thân để tin. Nhưng những người ngày nay vẫn cho mình là người công giáo đi tìm Chúa “như đang dò dẫm”, theo đúng cách Thánh Luca nói. Nguy cơ là họ không ở lại Giáo hội vì những lý do chính đáng. Chúng ta có nên đọc kinh Tin Kính mới, “tin vào một giới tính duy nhất” không (Credo in unum sexum)?

Cách đây không lâu, tôi tiếp một thanh niên trẻ chưa đầy ba mươi. Là người công giáo, anh sống như vợ chồng, anh muốn kết hôn và có con với vợ. Nhưng anh bị bệnh, nên chỉ có thể sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản chứ không vì hiếm muộn. Một vấn đề đạo đức thực sự nảy sinh.

Sự căm ghét công nghệ

Nhưng thật không may, bạn không nghĩ đến điều này, Giáo hội đã kiên quyết phản đối. Quyển Tự điển về các thuật ngữ mơ hồ và gây tranh cãi về gia đình, cuộc sống và các vấn đề đạo đức, Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình công bố năm 2005 đã viết: “Khi thay thế một hành động kỹ thuật bằng việc ôm lấy cơ thể, chúng ta đã làm đồi bại mối quan hệ với đứa trẻ: đứa trẻ không còn là một món quà mà là một bổn phận.”

Thật là cả một thiếu phán xét! Bởi sự căm ghét công nghệ? Tất nhiên, trong tầm hiểu biết này có thần học chính xác nhất về nhập thể: chính trong việc ôm lấy thân xác mà sự sống được ban tặng. Sự sống, quà tặng của Thiên Chúa, đi qua xác thịt. Theo quan điểm giáo luật, một số người có thể vẫn còn nhớ một hôn nhân “không động phòng” có thể dẫn đến tan vỡ. Nhưng đây có phải chỉ là tiêu chuẩn duy nhất cho một mối quan hệ công bằng không?

Với một định nghĩa như vậy, Tự điển Từ vựng thánh hóa cực khoái của nam giới, biến nó thành khoảnh khắc thần thánh hóa. Vậy thì chúng ta có nên ngạc nhiên khi hai anh em linh mục Philippe – xem L’Affaire, của Tangi Cavalin (nxb. Cerf, 2023) – lại có thể gây ra nhiều bạo lực tình dục đến vậy trong một bối cảnh thiêng liêng về những cơn cực khoái của họ áp đặt lên rất nhiều nạn nhân? Đúng là trong số các tác giả quyển Tự điển nói trên đã che giấu một số kẻ lạm dụng, ngày nay đã bị Giáo hội trừng phạt, nhưng họ không bị kết án hình sự do hết thời hiệu.

Bài đọc thêm: Cuộc điều tra lịch sử làm sáng tỏ chính xác vụ hai anh em linh mục Philippe lạm dụng thiêng liêng

Trong các hồ sơ chi phối, chúng ta thường thấy hai anh em linh mục Philippe”

Kỹ năng của con người, trí thông minh của tâm trí và cơ thể là những món quà của Thiên Chúa giúp biến đổi mối quan hệ của chúng ta với bản chất sinh học. Đó là thân phận con người, do Chúa muốn! Một chút lý trí rất thiết thân với truyền thống thần học công giáo! Trên thực tế, kỹ thuật này không dẫn đến việc mất nhân tính trong các mối quan hệ của chúng ta, như thể lương tâm đạo đức của con người đột nhiên bị xóa bỏ đằng sau nó. Điều gì xảy ra liên quan đến việc sử dụng phẫu thuật kỹ thuật cao?

Những khẳng định cần thiết hơn

Tất nhiên, các câu hỏi về đạo đức nảy sinh nhưng chúng không thể được phán xét bằng những cú búa. Truyền thống luân lý chắc chắn nhất, kêu gọi sự phân định các tình huống, nhưng ngôn ngữ của Giáo hội thường cho thấy nó có giá trị ở mọi nơi và đối với mọi người theo cùng một cách. Tin Mừng không tiến hành như vậy. Tin Mừng không chỉ lên án mạnh mẽ những tiến sĩ luật nói mà không làm và đặt lên giáo dân những gánh quá nặng.

Khi tập trung vào các vấn đề về tình dục, đạo công giáo cuối cùng đã thần tượng hóa nó. Bằng cách loại bỏ mọi hình thức tình dục khác, đạo công giáo chỉ thần thánh hóa một loại. Ngoài loại này, không có cứu rỗi sao?

Ngay cả khi chúng ta chỉ bám vào Sách Giáo lý của Giáo hội công giáo, một tác phẩm không thể bị buộc tội là lỏng lẻo, chúng ta cũng tìm thấy điều gì đó đặc trưng cho đức tin một cách nhất quán hơn nhiều. Kinh Tin Kính không đề cập đến việc giữ đạo, thậm chí lại càng không đề cập đến việc thực hành tình dục. Trong giáo lý, tình dục xuất hiện rất lâu sau những khẳng định thiết yếu hơn. Thánh Phaolô tuyên bố: “Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa”. Đã đến lúc chúng ta, những người công giáo, phải trở về cội nguồn đức tin của mình và để mình cuốn theo đà hy vọng của mình. Như Thánh Phêrô mời gọi, chúng ta sẽ có thể giải quyết vấn đề đó với sự tôn trọng và dịu dàng.

Patrick Goujon, linh mục Dòng Tên, thần học gia, nhà nghiên cứu thần học và lịch sử tâm linh tại Campion Hall, Đại học Oxford. Linh mục là tổng biên tập tạp chí “Nghiên cứu khoa học tôn giáo”. Ngài đã xuất bản quyển sách đáng chú ý “Xin đừng lạm dụng” (Prière de ne pas abuser, nxb. Seuil, 2021)

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nỗi đau dai dẳng, phỏng vấn linh mục Dòng Tên Patrick C. Goujon