Khi chúng ta chống nhau

223

Khi chúng ta chống nhau

Ronald Rolheiser, 2024-01-29

Đây là chuyện mới hay chỉ là do chúng ta đang ý thức rõ hơn về nó? Hận thù và khinh ghét xuất hiện khắp nơi. Có trong chính phủ, trong cộng đồng, trong Giáo hội, trong gia đình. Chúng ta vật lộn để cư xử có văn minh với nhau, mà hầu như lúc nào chúng ta cũng không làm được, để tôn trọng nhau lại càng khó hơn. Tại sao? Tại sao chuyện này lại xảy ra và ngày càng trầm trọng?

Hơn nữa, về cả hai phía, chúng ta thường biện minh cho sự thù ghét  bằng các căn cứ đạo đức, thậm chí là căn cứ Kinh Thánh, nói rằng Kinh cho chúng ta căn cứ để không tôn trọng. Kiểu như, chân lý của tôi quá đúng, còn anh thì quá sai, nên tôi không thể tôn trọng anh và tôi có căn cứ Kinh Thánh để làm thế.

Ngay cả chỉ nhìn lướt qua Kinh Thánh, cũng đủ để chúng ta nhận kiểu này là gì, là biện luận, là tư lợi và là điều xa rời Chúa Giêsu nhất.

Hãy bắt đầu với một điều được Chúa Giêsu dạy từ lâu. Trong sách thánh của Do Thái giáo, có đoạn: “Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật. Tất cả chúng ta chẳng có cùng một cha sao? Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao? Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau?” (Malachi 2, 8-10). Rất lâu trước khi Chúa Giêsu xuất hiện, linh đạo Do Thái giáo đã yêu cầu phải công bằng và không bao giờ được thiên vị. Tuy nhiên, nó vẫn cho phép ghét kẻ thù và báo thù khi bị ngược đãi, là “mắt đền mắt, răng đền răng”.

Chúa Giêsu đã lật đổ chuyện này. Trong con người và lời dạy của Chúa Giêsu, chính xác nhất là trong Bài giảng Trên núi, Ngài thách thức chúng ta theo một cách mới mẻ triệt để, rằng nếu muốn vào thiên đàng thì nhân đức của chúng ta phải hơn các kinh sư và biệt phái. Nhân đức của họ là gì?

Kinh sư và biệt phái vào thời đó rất giống với tín hữu kitô giữ đạo của thời chúng ta. Họ chân thành, về căn bản là thành thật, về căn bản là người tốt, giữ các điều răn và nghiêm ngặt về công lý. Nhưng theo Chúa Giêsu, như thế là không đủ. Tại sao? Nếu là người chân thành, trung thực, giữ điều răn và công bằng với tất cả mọi người, vậy thì còn thiếu gì nữa? Cái còn thiếu là cái nằm ở trọng tâm giáo huấn đạo đức của Chúa Giêsu, cụ thể là yêu thương và tha thứ vượt trên thù ghét và oán hận. Chính xác là gì?

Về công lý và công bằng, chúng ta vẫn có quyền ghét người ghét mình, và trả đũa tương xứng với người đã hại mình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại yêu cầu một chuyện khác. “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời… Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. (Mt 5, 43-48)

Đây là thực chất của luân lý kitô giáo. Có thể yêu thương người ghét mình không? Có thể làm việc thiện với người muốn làm việc ác với mình không? Có thể tha thứ cho người ngược đãi mình không? Có thể tha thứ cho kẻ giết người không? Không phải vấn đề đặc biệt nào trong thần học luân lý, mà chính điều này mới là thử nghiệm cho người tín hữu kitô. Có thể yêu thương người ghét mình không? Có thể tha thứ cho người làm hại mình không? Có thể vượt lên khuynh hướng trả thù không?

Đáng buồn thay, ngày nay chúng ta đều không qua được phép thử này, về cả hai phía, và trong phạm vi tôn giáo hay hệ tư tưởng. Chúng ta thấy chuyện này nhan nhản khắp nơi, từ cấp cao nhất trong chính phủ, những cấp cao nhất trong Giáo hội, cho đến những tranh luận riêng tư và công khai, họ công khai tán thành sự thiếu tôn trọng, chia rẽ, thù ghét và trả thù – lại còn cố viện đến những căn cứ cao đẹp để làm thế. Các chính trị gia tầm cỡ công khai và thẳng thắn nói về việc thù ghét nhau, về việc báo thù những ai chống đối họ. Tệ hơn nữa, các Giáo hội và lãnh đạo Giáo hội đủ mọi dạng đang ủng hộ họ và cung cấp cho họ “Tin Mừng” để hỗ trợ cho họ ngả theo sự thù ghét và báo thù của họ.

Cần phải xác định và đương đầu với chuyện này: bất kỳ ai ủng hộ chia rẽ, thiếu tôn trọng, thù ghét và báo thù, thì đều đối nghịch với Chúa Giêsu và Tin Mừng. Cũng vậy, bất kỳ ai ủng hộ người như thế bằng cách viện đến Chúa Giêsu, Tin Mừng, hay luân lý chính cống, thì cũng đối nghịch với Chúa Giêsu và Tin Mừng.

Thiên Chúa là tình yêu. Chúa Giêsu là tình yêu hiện thể. Cho dù vì sự nghiệp gì, cho dù là giận dữ, cho dù đối diện cái sai thế nào, thì thiếu tôn trọng, thù ghét, chia rẽ và báo thù không bao giờ nên được rao giảng dưới danh Chúa Giêsu. Điều này không có nghĩa là chúng ta không được phản đối, tranh luận và tranh cãi gay gắt. Nhưng sự thiếu tôn trọng, thù ghét, chia rẽ và báo thù, dù chúng ta có cảm nhận chúng sâu sắc thế nào đi nữa, cũng không được lấy danh nghĩa sự thiện và Chúa Giêsu mà biện hộ cho chúng. Chia rẽ, thiếu tôn trọng, thù ghét và báo thù là những thứ phản Kitô.

J.B. Thái Hòa dịch