Vatican đang âm thầm làm việc như thế nào để cải thiện quan hệ với Trung Quốc
Ngày thứ hai 29 tháng 1, Rôma công bố phong tân giám mục Antôn Tôn Văn Quân (Sun Wenjun), sinh năm 1970 được đào tạo đặc biệt ở Ai-len và là giám mục đầu tiên của giáo phận Duy Phường, được sự đồng ý của chính phủ. Đó là tiến trình đã bắt đầu từ vài tháng trước nhằm giảm căng thẳng giữa Tòa thánh và Bắc Kinh.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2024-01-29
Phái đoàn Vatican kín đáo rời Rôma để đi Bắc Kinh. Cuối tháng 11, một số nhân viên Vatican phụ trách việc thương thuyết tế nhị nhất của triều giáo hoàng đã bay đi Trung quốc. Đứng đầu nhóm nhỏ này là giám mục người Ý Claudio Maria Celli được Đức Phanxicô giao phó việc điều hành các mối quan hệ của ngài với Bắc Kinh. Chính giám mục Celli là người thương thuyết thỏa thuận được ký tháng 10 năm 2018 và vẫn còn hiệu lực kể từ đó, để Vatican và Trung quốc có thể bổ nhiệm các giám mục theo thỏa thuận chung. Ngày thứ hai 29 tháng 1, Vatican công bố phong giám mục Antôn Tôn Văn Quân ở Duy Phường, đông bắc Trung quốc, bốn ngày sau lễ phong tân giám mục Tađêô Vương Nguyệt Sanh (Wang Yuesheng) của Trịnh Chaâu, miền đông Trung Quốc.
Theo thông tin của chúng tôi, một bổ nhiệm mới sẽ được tiếp tục vào ngày thứ tư 31 tháng 1. Một sự gia tăng ngoạn mục sau nhiều tháng căng thẳng và ngưng trệ. Lễ phong giám mục cuối cùng là tháng 9 năm 2021, đó là lần thứ sáu được hai bên đồng ý kể từ năm 2018. Kể từ đó, không có giám mục nào được Rôma và Bắc Kinh cùng bổ nhiệm. Trung quốc có từ 10 đến 12 triệu người công giáo, đã cắt đứt mọi đối thoại với Vatican trước sự tuyệt vọng của Vatican, viện dẫn đại dịch để trì hoãn việc tổ chức bất kỳ cuộc gặp song phương nào trong nhiều tháng.
Lễ phong tân giám mục Tađêô Vương Nguyệt Sanh của Trịnh Châu ngày 25 tháng 1-2024
Lễ phong tân giám mục Antôn Tôn Văn Quân ở Duy Phường, đông bắc Trung quốc ngày 29 tháng 1-2024
Căng thẳng càng gia tăng khi tháng 11 năm 2022, Trung quốc bổ nhiệm “giám mục phụ tá Giang Tây” không có sự đồng ý của Vatican, giáo phận Giang Tây không được Tòa thánh công nhận, đó là lần vi phạm đầu tiên. Sau đó vào tháng 4 năm 2023, Trung quốc vi phạm lần thứ hai, Bắc Kinh tuyên bố bổ nhiệm một tân giám mục ở Thượng Hải, cũng không có thỏa thuận. Trên thực tế các bổ nhiệm là “thuyên chuyển” từ giáo phận này sang giáo phận kia, việc này tạo mối lo lớn cho Rôma. Một nguồn tin thân cận với các cuộc thương thuyết giải thích: “Điều này tạo ra rất nhiều căng thẳng. Lần thuyên chuyển thứ ba có thể xem như một gián đoạn.”
“Bây giờ các giám mục Trung quốc được chính quyền tham khảo ý kiến về bất kỳ cuộc bổ nhiệm mới nào”
Để xoa dịu tình hình, nhóm nhỏ của giám mục Celli đã đi Bắc Kinh, họ đến thăm trụ sở “Hội Công giáo Yêu nước” và Hội đồng Giám mục Trung quốc, cũng ở cùng một trụ sở. Cuộc họp không lọt ra ngoài, nội dung thỏa thuận không bao giờ được tiết lộ. Một nhân viên cao cấp ở Rôma nói: “Nhưng chính những cuộc họp này đã cho phép chúng tôi đi tới đàng trước”, có nghĩa được bổ nhiệm các tân giám mục.
Diễn biến đáng chú ý, một nguồn tin rất gần với các thương thuyết giải thích: “Các giám mục Trung quốc hiện đang được chính quyền tham khảo ý kiến về bất kỳ một bổ nhiệm mới nào, điều này trước đây đã không xảy ra”, như thế cũng cho phép họ thông báo cho Rôma hồ sơ của giám mục tương lai mà Bắc Kinh dự tính. Theo một số nguồn tin, chính phủ Trung quốc cũng đã thay thế các nhân viên trách nhiệm đối thoại với Giáo hội bằng một nhóm “nhân từ” hơn.
Bầu khí thoải mái
Bầu khí thoải mái này có được nhờ các việc làm của hồng y Dòng Tên Stephen Chow giáo phận Hồng Kông, ngài được phong hồng y trong công nghị ngày 30 tháng 9-2023. Tháng 4 -2023, theo lời mời của Hội Công giáo Yêu nước Trung quốc, giám mục đứng đầu Hồng Kông đi Bắc Kinh. Lần đầu tiên được công bố công khai, sau đó, theo thông tin chúng tôi, những chuyến đi đi về về của ngài ở các giáo phận khác trong nước kín đáo hơn. Một nguồn tin ở Rôma cho biết “Bắc Kinh tín nhiệm ngài”, điều này đã không có được với các vị tiền nhiệm của ngài.
Chính khi đi cùng với hồng y Chow trong chuyến tông du Mông Cổ tháng 9 năm 2023, Đức Phanxicô đã đưa ra một thông điệp rõ ràng hướng về chính quyền Trung quốc để thoa dịu, ngài gởi “lời chào nồng nhiệt đến người dân Trung quốc cao quý: “Tôi xin người công giáo Trung quốc hãy là người tín hữu kitô tốt và là người công dân tốt.”
Cố vấn cho Đức Phanxicô ở Bắc Kinh
Theo cách kín đáo hơn, những dấu hiệu thoải mái khác cũng đã xuất hiện. Vào tháng 7, hai nhà báo thân cận với Vatican đã được một trang tin địa phương mời đến Trung quốc. Chuyến đi này không thể có nếu không có sự đồng ý của chính quyền, chính quyền dư biết, đó là một người làm việc cho Vatican News, cơ quan truyền thông chính thức của Vatican, người kia là nhà báo của nhật báo L’Avvenire, tờ báo của Hội đồng Giám mục Ý.
Vài tháng sau, vào tháng 10, hai giám mục Trung quốc đi dự Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội, chuyến đi này được chú ý nhiều. Họ luôn có người phiên dịch đi cùng và tham dự một phần vào công việc ở Rôma. Cuối cùng, tháng 12 năm 2023, linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, một trong những người đứng đầu bộ văn hóa và cố vấn không chính thức cho giáo hoàng đi Bắc Kinh để mừng lễ Giáng sinh. Nhiều sự việc được Đức Phanxicô theo dõi, ngài xem Trung quốc là một trong những ưu tiên của ngài. Một trong những vị khách thường xuyên đến Nhà Thánh Marta, nơi giáo hoàng sống và làm việc, cho biết: “Ước mơ của ngài là được đến Trung quốc. Một giấc mơ ngài không bao giờ bỏ.”
Linh mục Aantonio Spadaro, giám đốc tạp chí Văn minh Công giáo, trong lần đi Trung quốc dịp lễ Giáng sinh 2023, ngài tìm thấy tạp chí Văn minh Công giáo từ những ngày đầu ở thư viện Zikawei cổ của Thượng Hải và có cả bản dịch ra tiếng Trung hoa.
Tuy nhiên, về mặt riêng tư, các quan chức cao nhất của Tòa Thánh, kể cả hồng y Pietro Parolin, từ lâu được xem là nhân vật chính trong việc nối lại quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh, không còn che giấu khoảng cách mà họ đang tiến tới với thỏa thuận được xem là “ít tệ nhất có thể”. Những lời chỉ trích này càng mạnh mẽ hơn khi có một số tiếng nói tại chỗ tố cáo sự gia tăng căng thẳng gây ra do một thế lực mong muốn “hán hóa” tôn giáo.
Một số nhà quan sát giải thích với báo La Croix, ở một số khu vực, chính phủ Trung quốc đang lợi dụng thỏa thuận với Vatican để kiểm soát chặt chẽ người công giáo. Một người hiểu biết về công giáo trong vùng giải thích: “Ngay cả ở những khu vực cởi mở nhất, không có gì lạ khi thấy cảnh sát đứng ở lối vào nhà thờ để cấm trẻ vị thành niên vào nhà.” Theo hãng tin Tin tức Á châu Quốc tế (Asian News International), một số giám mục cũng mất tích. Người mới nhất là giám mục Phêrô Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin), dường như đã bị bắt cóc vào đầu tháng 1. Giám mục Zhumin đã từng bị bắt cóc trước đây, ngài luôn phản đối thỏa thuận với Vatican.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch