Linh đạo của thánh Eugene de Mazenod
Ronald Rolheiser, 2024-01-22
Trong những năm viết chuyên mục này, tôi ít khi nhắc đến tôi thuộc Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm. Đây không phải là lảng tránh, vì tôi rất tự hào với Dòng. Nhưng tôi hiếm khi nhắc đến chuyện tôi là linh mục và là tu sĩ thuộc một hội dòng vì tôi nghĩ những gì tôi viết ở đây và ở những nơi khác có chỗ đứng vững chắc trên những điều khác nữa ngoài các danh xưng đó.
Tuy nhiên, trong bài hôm nay, tôi muốn nói về Thánh Eugene de Mazenod, đấng sáng lập Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm, vì những gì ngài nói về cương vị môn đệ và linh đạo kitô hữu là một điều giá trị và quan trọng với tất cả mọi người, giống như di sản của các đấng sáng lập dòng khác như Thánh Bênađô, Thánh Phanxicô, Thánh Đa Minh, Thánh Angela Merici, Thánh I-Nhã, Thánh Vinh Sơn Phaolô và nhiều đấng khác.
Thánh Eugene de Mazenod (1779-1861) là giám mục người Pháp, xuất thân dòng dõi quý tộc, và thường được mọi người xem là gương mẫu cho giám mục trong quyển Những người khốn khổ (Victor Hugo). Ngài là người có bản tính tự nhiên nghiêm nghị, hướng nội, thần nghiệm và tư duy độc lập. Ngài không phải kiểu người mà đa số sẽ chọn khi muốn có bạn tán gẫu trong bữa ăn nhẹ, nhưng ngài là kiểu người thường được Thiên Chúa chọn để lập một hội dòng.
Triết gia Soren Kierkegaard từng nói, làm thánh là chỉ muốn một điều. Eugene de Mazenod rõ ràng đã làm như vậy, và trong trường hợp của ngài, điều đó có nhiều khía cạnh, và khi hợp lại, tạo thành một linh đạo rất cân bằng và phong phú – một linh đạo nêu bật nhiều khía cạnh tiêu biểu của cương vị môn đệ kitô hữu vốn thường bị lãng quên thời nay.
Điều gì hình thành nên linh đạo của Eugene de Mazenod và uy tín mà ngài để lại?
Trước hết, ngài nhấn mạnh về tính cộng đồng. Với ngài, sống tốt không chỉ là thành tựu cá nhân, sự trung tín hay ngay cả sự vĩ đại cá nhân, nhưng sống liên kết với sức mạnh nội tại trong cộng đồng. Ngài là người tin tưởng câu: điều chúng ta mơ một mình thì vẫn cứ là mơ, nhưng điều chúng ta mơ cùng người khác thì có thể trở thành hiện thực. Trong quan điểm của ngài, tình thương chỉ hiệu quả hơn khi mang tính tập thể, khi phát xuất từ một nhóm người hơn là từ một cá nhân. Ngài tin rằng nếu làm một mình thì chúng ta có thể tạo được gợn sóng, nhưng không tạo nên được khác biệt. Ngài lập một hội dòng vì ngài vô cùng tin tưởng điều này.
Trước mọi vấn đề của thế giới và Giáo hội thời nay, nếu có người hỏi ngài: “Đâu là một điều duy nhất mà tôi có thể làm để tạo nên khác biệt?” Ngài sẽ trả lời: “Hãy kết nối với những người thành tâm trong cộng đồng, quanh nhân thể Chúa Kitô. Một mình thì không cứu thế giới được. Nhưng cùng nhau thì có thể!”
Thứ hai, ngài tin một linh đạo lành mạnh chính là cuộc hôn nhân giữa chiêm niệm và công lý. Nhìn từ những nhạy cảm đương thời, diễn đạt cụ thể của ngài về chuyện này có lẽ hơi gượng gạo về mặt ngôn từ ở thời nay, nhưng nguyên tắc chính yếu của nó thì luôn có giá trị: nghĩa là chỉ có một hành động phát xuất từ một cuộc đời bén rễ trong cầu nguyện và thế giới nội tâm sâu sắc thì mới thật sự mang tính ngôn sứ và có hiệu quả. Mọi lời cầu nguyện đích thực và thế giới nội tâm đích thực sẽ tuôn trào từ hành động, nhất là những hành động vì công lý và người nghèo.
Thứ ba, trong cuộc đời cá nhân và linh đạo mà ngài đặt ra cho hội dòng của ngài, ngài chọn lựa ưu tiên cho người nghèo. Ngài làm thế không phải vì đó là điều đúng đắn về chính trị, nhưng vì đó là điều phải đạo, là việc mà Phúc âm yêu cầu chúng ta làm và là điều không thể thương lượng. Niềm tin của ngài đơn giản và rõ ràng: là kitô hữu, chúng ta được kêu gọi ở cùng và làm việc cùng những người mà chẳng ai muốn ở cùng và làm việc cùng. Với ngài, bất kỳ giáo huấn hay hành động nào không phải là Tin Mừng cho người nghèo thì không thể được xem là nói về Chúa Giêsu hay Kinh thánh.
Thứ tư, ngài đặt mọi sự dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ, đấng mà ngài xem là người bênh vực cho người nghèo. Ngài nhận thấy người nghèo hướng về Mẹ, vì chính Mẹ đã cất lên bài Magnificat.
Cuối cùng, trong cuộc sống riêng và lý tưởng của mình, ngài kết hợp hai khuynh hướng dường như đối lập: là tình yêu sâu sắc với Giáo hội thể chế và năng lực thách thức mang tính ngôn sứ. Ngài yêu Giáo hội, tin rằng chết vì Giáo hội là điều cao thượng nhất, nhưng đồng thời, ngài không sợ công khai đưa ra những lỗi lầm của Giáo hội hoặc thừa nhận rằng Giáo hội cần được liên tục thách thức và tự phê phán… chính bản thân ngài sẵn sàng cho việc này!
Tính của của ngài rất khác với tôi. Tôi không dám nghĩ ngài và tôi tự nhiên sẽ thích nhau. Nhưng hóa ra lại thích nhau thật. Tôi tự hào về di sản của ngài, tự hào được làm một người con của ngài, và tin tưởng linh đạo của ngài đủ để dâng cả cuộc đời mình.
J.B. Thái Hòa dịch