Khi ngoại giao Vatican tìm thấy nguồn cảm hứng từ hai trăm năm trước
Các giám chức cao cấp cao nhất của Vatican tuần này đã bày tỏ lòng kính trọng đối với hồng y người Ý Ercole Consalvi đã qua đời cách đây hai thế kỷ. Mỗi thứ bảy hàng tuần, phóng viên thường trực của báo La Croix ở Rôma, Loup Besmond de Senneville đưa quý độc giả vào hậu trường của đất nước Vatican nhỏ nhất thế giới này.
Lễ tưởng niệm hồng y Ercole Consalvi tại Pantheon ở Rôma ngày 24 tháng 1-2024
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, 2024-01-27
Nhưng niềm đam mê của nhà ngoại giao đã qua đời cách đây hai thế kỷ đến từ đâu? Tuần này, một phần ngoại giao của Vatican cũng như các giám chức cao nhất của Vatican dường như đã tạm dừng một phần hoạt động của họ để tưởng nhớ hồng y đã qua đời cách đây đúng hai trăm năm. Hồng y Ercole Consalvi, sinh năm 1757, qua đời tại Rôma năm 1824 sau khi là Quốc vụ khanh phục vụ giáo hoàng Piô VII. Ở Ý, chính ngài là người đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước, là người thương thuyết Hiệp ước với nước Pháp của Napoléon.
Đây có phải là lý do vì sao hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và tổng giám mục bộ trưởng bộ Ngoại giao Paul Gallagher của Tòa Thánh đã dành toàn bộ hoặc một phần thời gian trong tuần để tỏ lòng tôn kính hồng y Consalvi, tham gia các hội nghị, thánh lễ, buổi hòa nhạc được tổ chức để vinh danh ngài ở Thành phố vĩnh cửu không? Trên thực tế, nếu ngày nay các nhà ngoại giao của Phủ Tông Tòa đi tìm “cảm hứng” của mình cách đây hai trăm năm, đó là vì hồng y Consalvi chính là người đã tham gia Đại hội Vienna năm 1815, bước đầu hướng tới chủ nghĩa đa phương rất thiết thân với Quốc gia nhỏ nhất thế giới này.
Một tiếng nói được tôn trọng ở dinh tông tòa nói: “Hồng y Consalvi đã trải qua thời của một thế giới bị rung chuyển bởi một loạt rắc rối và các cuộc cách mạng. Một thế giới có thể so sánh với thế giới ngày nay, liên quan đến các cuộc chiến tranh đang ảnh hưởng đến thế giới. Nhưng vào thời điểm đó, các nhà hoạt động chính trị vẫn có tiếng nói mạnh mẽ. Bây giờ ngày càng ít hơn.” Những điểm tương tự đáng được các quan chức ngoại giao cấp cao của giáo hoàng dành thời gian để bày tỏ lòng kính trọng.
Marta An Nguyễn dịch