Giám mục: một công việc điên rồ?

117

Giám mục: một công việc điên rồ?

Khoảng một trăm giám mục Pháp họp hội nghị khoáng đại tại Lộ Đức từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 11. Trong những năm gần đây, hàng giám mục Pháp có nhiều cuộc khủng hoảng, một số gây xôn xao dư luận, một số khác thì im lặng hơn. Tìm hiểu một “nghề” đang được tái thiết.

lavie.fr, Sophie Lebrun, 2023-11-03

Tháng 10 năm 2023, hai giám mục đến Paris gặp giáo dân đã thu hút nhiều chú ý: tổng giám mục Pascal Wintzer, giáo phận Poitiers đã phát biểu trước các cuộc họp toàn quốc của Hội nghị Công giáo những người Rửa tội nói tiếng Pháp (CCBF), vài ngày sau đến phiên giám mục Marc Aillet, giáo phận Bayonne, Lescar và Oloron, 64 tuổi tổ chức cuộc hội thảo tại một giáo xứ ở thủ đô.

Cuộc họp khoáng đại tương đồng về độ tuổi, về số lượng nhưng trên hết là về nhu cầu: mỗi người đều được hỏi về những ý tưởng cho tương lai, những lời hy vọng… một giám mục nhấn mạnh: “Dân Chúa cần được nói về ơn cứu độ. Cuộc khủng hoảng lòng tin tưởng mà giáo dân đang trải qua không những chỉ xảy ra dưới mắt của một số người đương thời, nhưng còn ảnh hưởng đến một số trong chúng ta đang bị chết điếng.” Ngày qua ngày, mục vụ của họ trở thành một nghề căng thẳng bị tầm thường hóa với các công việc quản lý âm thầm.

Khi chúng tôi gọi điện cho các giám mục Pháp để nói về “nghề” của họ, tất cả đều nói: làm giám mục không phải là một nghề cũng không phải là một công việc. Một giám mục thốt lên: “Lại càng không phải là ơn gọi!”, ngài nhắc “chúng tôi được gọi để làm linh mục và đã chấp nhận, trong ơn gọi này chúng tôi phục vụ với tư cách là giám mục”. Lắng nghe họ, chúng tôi không chắc cuộc khủng hoảng có ảnh hưởng đặc biệt đến họ hay không, một giám mục nhấn mạnh: “Nó ảnh hưởng đến toàn thể Giáo hội và như thế là với tất cả chúng tôi.”

Những con số đáng lo ngại

“Phá vỡ sự cân bằng”, “tình thế bị đánh dấu bằng một hỗn loạn sâu đậm”: đó là định nghĩa của tự điển Larousse mô tả từ “khủng hoảng”, tóm tắt rõ ràng những gì Giáo hội Pháp đã trải qua trong nhiều năm, bị tác động bởi những vụ bê bối xung quanh việc lạm dụng và quản lý yếu kém của các giám mục. Nhưng nhìn vào những con số liên quan đến các giám mục ở Pháp do báo La Vie tổng hợp, chúng ta có thể thấy cùng lúc một loại sóng thần khác đang âm thầm đánh vào hàng ngũ giám mục.

Ngày nay chỉ có hơn một trăm giám mục Pháp “hoạt động” (phụ trách một giáo phận). Và hơn 80 giám mục danh dự: vốn đã mất cân bằng lại bị nặng thêm do hơn một phần ba đã là tình trạng như thế từ bốn năm qua. Một giám mục ước tính “gần 10% (trong số họ) đã xin từ bỏ chức vụ của mình hoặc bị Rôma buộc phải từ chức”. Kể từ năm 2020, khoảng 30 giám mục tại chức đã phải đổi nhiệm sở, một nửa trong số thuyên chuyển là năm 2023 và khoảng 10 giám mục năm trước đó. Có một số giám mục yêu thích khám phá những thực tế khác nhau trong sứ vụ của họ, nhưng một số khác không thích thay đổi quá nhanh như vậy: “Thay đổi quá nhiều, quá thường xuyên sẽ làm bất ổn về mặt con người và vì thế liên quan đến dân Chúa.”

Kể từ năm 2020, gần 20 giám mục đã được bổ nhiệm. Trọng tâm của việc bổ nhiệm nhiều này vì thời gian chờ đợi để được bổ nhiệm kéo dài và vì công việc của giám quản tông tòa hoặc giáo phận tăng lên gấp bội. Một nửa tá giáo phận, ít nhất là chừng đó đã trải qua những giai đoạn chuyển tiếp, tâm điểm của những vụ tai tiếng truyền thông có quy mô quốc tế: Paris, Bordeaux, Lyon, Strasbourg… Sau khi báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ciase), các giám mục đã xin Rôma thực hiện “các chuyến kinh lý tông tòa” đến các giáo phận. Một giám mục bình luận: “Phản ứng tiêu cực từ Vatican. Nhưng ba phiên họp kéo dài hai ngày đã được đề nghị cho các giám mục nào muốn. Tôi đến đó: không có câu trả lời cho các câu hỏi của chúng tôi, không có cái nhìn sâu sắc, không có cái nhìn tổng thể, thật là đau khổ.”

Tin đồn về những khó khăn trong việc “tuyển dụng” lan truyền mạnh cho đến khi có một từ chối được công khai năm ngoái: Ivan Brient, được công bố chính thức là giám mục phụ tá tương lai của giáo phận Rennes đã từ chối trong một thư đăng trực tuyến. Lý do: mệt mỏi trong sứ vụ hiện nay.

Giám mục Jean-Pierre Batut: “Tôi không còn cảm thấy có tầm mức để đảm nhận một giáo phận nữa”

Vatican II đã tạo ra một con quái vật thần học

Đối với nhiều nhà quan sát – các nhà xã hội học, các nhà thần học hoặc các nhà giáo luật – và không phải là những người “cấp tiến” nhất, việc tổ chức Giáo hội xung quanh giám mục đang thất bại về mọi mặt. Bằng cách trao cho giám mục quyền lực trong nhiều khu vực trong giáo phận của họ, Công đồng Vatican II tạo ra một “con quái vật thần học”, một số người minh họa như thế, họ thấy những người đại diện này “tin, muốn tin hoặc phải được thấy như những có khả năng trong mọi việc và trên mọi việc.” Một trong số họ còn nói thêm “trước đó, các linh mục và giáo dân chỉ được gặp giám mục vài lần một năm, các phương tiện liên lạc không cho phép họ liên lạc mọi lúc và khoảng cách càng khó vượt qua. Bây giờ có e-mail, có tin nhắn hay đi một cuốc xe: họ đòi hỏi  quá mức vì phương tiện kỹ thuật cho phép”.

Một nhà thần học thân cận với Hội đồng Giám mục Pháp cho biết thêm: “Chính nền thần học của hàng giám mục, bộ ba thừa tác vụ của họ, đang gặp khủng hoảng. Họ được kêu gọi để giảng dạy nhưng không còn được lắng nghe nữa. Và, trong bối cảnh xã hội bị chia rẽ, họ không thể làm nổi bật lời tuyên bố cá nhân của họ hoặc đoàn kết xung quanh một tuyên bố chung mạnh mẽ. Họ phụ trách quản trị, nhưng họ là tù nhân của sơ đồ tổ chức và của các cuộc họp mọi nơi, mọi lúc với cuối chân trời là cuộc khủng hoảng tài chính hứa hẹn sẽ tàn phá. Tất cả những gì còn lại của họ là lãnh vực thánh hóa. Chúng tôi hiểu họ đã kiệt sức.” Một nữ tu nói thêm: “Cách suy nghĩ của chúng ta về Giáo hội tập trung vào thừa tác vụ giám mục, do đó gây ra một khủng hoảng được phản ánh trong toàn Giáo hội.”

Con tàu đắm của Giáo hội Pháp: đến lượt các giám mục

Tuy nhiên, một nhà quan sát của Giáo hội đưa ra: “Vị trí và ưu thế vượt trội của quyền lực giám mục đang bị cự lại. Có một biến đổi mà hiện tại chưa xảy ra. Nhưng với một số người, khủng hoảng giải phóng cho các năng lượng. Nhìn chung, nhiều giám mục có thiện chí: nếu họ nhận ra rằng các sáng kiến mục vụ của các đồng nghiệp của họ đang có hiệu quả, họ muốn làm theo.”

Một trận chiến tâm linh thực sự

Nhiều giám chức nhận thức được vũ trụ rạn nứt mà họ phải tiến triển trong đó, cũng như những cú giáng mà điều này mang lại cho họ. Một giám mục dày dạn công việc tâm sự: “Tôi cảm thấy bị sụp đổ trước hoàn cảnh này.” Một giám mục khác giải thích: “Càng lớn tuổi, chúng tôi càng bị giao cho nhiều con tàu lớn hơn, nhưng đó là những lựa chọn thiếu cân nhắc so với lực lượng của chúng tôi.”

Tổng giám mục Hervé Giraud, giáo phận Sens-Auxerre thỉnh thoảng vắng mặt trong các cuộc thảo luận nghiêm trọng về tình trạng của các giám mục, ngài tâm sự: “Tôi phải dành thì giờ cho gia đình. Tôi làm khoảng hai và một nửa thời gian trọn vẹn cho công việc giám mục. Bây giờ tôi phải chăm sóc mẹ rất lớn tuổi của tôi vài ngày trong tháng. Việc này cần có thì giờ nhưng nó kết nối tôi với thực tế.”

Giám mục Giraud đã làm giám mục 20 năm, ngài luôn tự hỏi: “Sứ mệnh này, nghề nghiệp này sẽ như thế nào trong tương lai. Tôi liên tục cố gắng hiểu thế giới này, trong đó chúng tôi được sai đến và đó là trận chiến tâm linh thực sự để trở thành giám mục tại địa bàn.”

Còn với giám mục Jean-Marc Micas, 65 tuổi, giáo phận Tarbes và Lộ Đức thì báo cáo của Ciase và hậu quả của nó là “một thay đổi lớn lao, tạo khủng hoảng về lòng tin tưởng và tức giận”. Nhưng ngài bình thản: “Người ta hỏi tôi có điều gì hối tiếc không: tôi không có điều gì hối tiếc. Lời kêu gọi này của Giáo hội đưa tôi trở lại phục vụ trong mối quan hệ mục vụ với mọi người, dân Chúa, đó chính là lý do cho ơn gọi của tôi. Nó làm cho mọi thứ có ý nghĩa, kể cả những điều khó khăn nhất và tôi rất vui vì điều này.” Giám mục Didier Noblot, giáo phận Saint-Flour cũng có tinh thần bình thản như thế: “Trên thực tế, không phải ai cũng nói với tôi về khủng hoảng. Tôi chứng kiến một năng lượng, một năng động trong các giáo xứ, các nhóm và các phong trào, và điều này đã nuôi dưỡng tôi. Đây là cuộc sống hàng ngày của tôi với tư cách là giám mục.”

Đang trong quá trình chuyển đổi

Trong những kẽ hở của một chương trình nghị sự tràn ngập, những cột mốc của một chuyển đổi xuất hiện ở nhiều nơi: ở đây, một bà tổng đại biểu hoặc một bà điều phối viên của giáo phận, ở kia, những thành quả của cách tiếp cận đồng nghị được thiết lập lâu dài trong tổ chức địa phương; gần như ở khắp nơi, các liên minh với các cộng đồng tôn giáo đang hồi sinh ở những nơi đã bị suy yếu. Tổng giám mục Pascal Wintzer nhắc lại: “Nguyên tắc bổ trợ là nguyên tắc của học thuyết công giáo, không phải mọi thứ đều phải được quyết định bởi một cơ quan có thẩm quyền tối cao, mà có thể có những ủy quyền thực sự.”

Tòa án Hình sự Giáo luật Quốc gia (TPCN) là một ví dụ về điều này trên quy mô quốc gia, một nhà quan sát người Pháp hiểu biết về công giáo nhấn mạnh: “Tuy chưa chiến thắng giữa họ cũng như với Rôma, nhưng các giám mục đã lên được chương trình. Tòa án này tạo một thay đổi thực sự: không chỉ các giám mục chấp nhận ủy quyền cho Tòa một thẩm quyền, mà cơ quan tư pháp này còn thực hiện việc công nhận thẩm quyền pháp lý và thiết lập thẩm quyền luân lý.”

Một phân tích về sự từ chức gần đây của các giám mục kiệt sức cũng có thể làm sáng tỏ trách nhiệm của các giám mục. Giám mục Didier Noblot, tổng giáo phận Poitiers nhận xét: “Chúng ta không thể trở thành giám mục theo hợp đồng có thời hạn sao? Tôi là giám mục vì tôi được yêu cầu làm giám mục, nhưng tôi có thể thực hiện một sứ mạng khác. Đó là cách để không đồng nhất với chức năng mà mình thực hiện”, ngài nhận thấy quá trình từ chức là “lành mạnh”: “Đó là dấu hiệu cho thấy, dù mình là ai, là giám mục đi chăng nữa, thì chúng ta có thể đọc lại cuộc đời mình và sứ mệnh đã nhận, đồng thời có quyền tự do nói với chính mình rằng mình có thể phục vụ theo một cách khác. Điều này mở ra một con đường đơn giản, chính xác và tôn trọng dân Chúa.”

Các lần tập họp lớn của năm đều là những dấu hiệu của động lực mới trong Giáo hội Pháp: kể từ mùa hè năm nay, ngọn lửa của Ngày Thế Giới Trẻ ở Lisbon, Bồ Đào Nha vẫn còn dư âm, niềm vui chào đón Đức Phanxicô ở Marseille, sức mạnh của những đề nghị truyền giáo của cuộc họp Kerygma gần đây. Một nhân viên làm việc với một số giám mục làm chứng: “Các giám mục, cùng với các linh mục và giáo dân, đã có những giây phút hạnh phúc này”.

Liên kết trong một chuỗi

Một số giáo dân truyền giáo làm việc với các giám mục cho biết, những năm gần đây là những năm thức tỉnh ý thức. Một trong số họ phân tích: “Mỗi người đều có thể nói lên bản thân mình, điều gì làm họ dễ bị tổn thương. Chúng tôi phải liên tục cân nhắc lời mình nói, chúng tôi gần như không còn thuộc về chính mình. Điều này đòi hỏi phải rất vững mạnh…” Một số giáo dân, được mời đến bàn giám mục trong các phiên họp toàn thể gần đây mô tả một mô hình mới, họ “khám phá mặt bên kia của bối cảnh”: “Mặc dù tôi biết một vài giám mục trong số họ, đã làm việc với họ, mời họ về nhà ăn cơm, nhưng khi gặp họ ở Lộ Đức, tôi nhận ra, họ đúng là những người kế vị các tông đồ, những mắt xích trong sợi xích nối kết họ, dù trái với ý muốn của họ. Họ đã hiểu vai trò đảm bảo tính liên tục, duy trì hệ thống của họ. Khi một trong số họ cho mình là tiên tri, đi chệch hướng một chút, điều đó không bao giờ kéo dài và gần như là tình cờ.”

Một giáo dân bình luận: “Nhiều người công nhận các giám mục đã làm một ‘công việc điên rồ’, hiểu theo nhiều nghĩa, kể cả làm cho mình mất thăng bằng”. Một người khác tin chắc rằng, việc bổ nhiệm giám mục sẽ như “cú ân sủng đến từ Trời, dù vậy họ dám nhận!”

Với phiên họp toàn thể cuối cùng của năm 2023, các giám mục đã không mời ai khác ngoài các “giáo dân thông thường”, đó là những người làm việc trong Hội đồng Giám mục Pháp. Lần đầu tiên chúng ta thấy các “nghị mẫu” ngồi quanh các bàn tròn cùng làm việc với các giám mục trên khắp thế giới, trong đó có người Pháp ngồi giữa họ. Một số người lấy làm tiếc, cho rằng đây là “dấu hiệu của một khác biệt có vấn đề”, trong khi một số khác nhắc lại, đây là quyết định đã được đưa ra tại một cuộc họp tháng 3, tiên đoán cho một thay thế trong tương lai giữa công thức “lỗi thời” và việc gặp theo hình thức đồng nghị. Chương trình thiết lập đã lấy lại được bầu khí đa nguyên, có nhiều chủ đề được đưa ra thảo luận như Thế vận hội Olympic 2024 ở Pháp, các bí tích, việc rao giảng đức tin và ngay cả cải cách thể chế.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Các linh mục trẻ Pháp muốn đưa Giáo hội thoát ra khỏi khủng hoảng như thế nào