Hồng y Mario Grech: Nhân vật trọng tâm trong kế hoạch thay đổi Giáo hội công giáo của Đức Phanxicô
Giám mục Mario Grech của giáo phận Gozo, Malta, vỗ tay khi bắt đầu phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng Amazon tại Vatican vào ngày 7 tháng 10 năm 2019. Năm 2020, Đức Phanxicô bổ nhiệm ngài làm tổng thư ký của Thượng hội đồng Giám mục. (CNS/Paul Haring)
Năm 2008, Đức Bênêđictô XVI lên án mạnh mẽ lý thuyết giới tính, gây ra náo động trong giới vận động cho LGBTQ, ba công dân Malta đồng tính công khai tuyên bố họ ra khỏi Giáo hội công giáo để phản đối.
Trả lời, giám mục Mario Grech của giáo phận Gozo, Malta lúc đó đưa ra một thông điệp thẳng thừng: “Bất cứ ai không chấp nhận những lời dạy của Chúa Kitô thì nên trung thực với chính mình và tự ra khỏi Giáo hội.”
Những lời đó giống như cái tát vào mặt nhóm giáo dân Malta địa phương trong nhóm Drachma, được thành lập năm 2004 với mục đích tạo nơi gặp gỡ cho người công giáo LGBTQ+ và những người có đức tin khác.
Vì vậy, mùa hè năm 2014, họ rất ngạc nhiên khi giám mục Grech xuất hiện ở một trong các hội thảo của nhóm Drachma tài trợ có tên “Giới tính, Tình dục và Tâm linh.”
Tháng 10 năm đó, ngài được bổ nhiệm làm đại biểu quốc gia tham dự thượng hội đồng về gia đình do Đức Phanxicô triệu tập để thảo luận về những thách thức lớn mà đời sống hôn nhân và gia đình phải đối diện.
Các giám chức rời buổi khai mạc Thượng hội đồng Giám mục bất thường về gia đình ngày 6 tháng 10 năm 2014. Trong phiên họp này, Đức Phanxicô xin các đại biểu phát biểu tự do và không sợ hãi. (CNS/Paul Haring)
Bà Joseanne Peregin, thành viên sáng lập Nhóm phụ huynh Drachma nhớ lại: “Ngài đến một cách khiêm tốn, nhút nhát và thận trọng.” Ngài nói với bà: “Tôi đến để nghe”, bà Peregin kể khi đó căn phòng chỉ có hơn 20 người.
Và đến khi bà Peregin phát biểu, bà thẳng thắn nói: “Tôi buộc cha phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc cha làm cho hai con trai tôi ra khỏi Giáo hội”, đặc biệt trích dẫn thông điệp ngắn gọn của ngài khi ngài bảo vệ những lời của Đức Bênêđictô XVI nói năm 2008.
Bà Peregin nói với trang tin NCR: “Lúc đó rõ ràng ngài rất xúc động. Ngài đặt tay lên trái tim và thay mặt Giáo hội xin được tha thứ.”
Bà tiếp tục: “Chúng tôi hiểu chúng tôi đang nói chuyện không phải với một giám mục, nhưng với một người hiểu được nỗi đau của các gia đình giống như cách Giáo hội được cho là một người mẹ. Sau đó mọi người thấy đã có một thay đổi. Rõ ràng là có điều gì đó đang nảy sinh.”
“Một sự kiện trong một tiến trình”
Năm 2019, Vatican thông báo tổng giám mục Grech được bổ nhiệm làm tổng thư ký Thượng hội đồng giám mục, đóng vai trò là người chỉ đạo hiệu quả của Đức Phanxicô không những trong việc tổ chức và giám sát các cuộc họp thượng hội đồng, diễn ra ở Rôma vài năm một lần về một chủ đề cụ thể – mà còn đặt tính đồng nghị làm trọng tâm của các cuộc cải cách dưới triều giáo hoàng Phanxicô.
Sau này hồng y giải thích, tính đồng nghị không chỉ là một sự kiện mà còn là một tiến trình và một cách thức mới để trở thành một Giáo hội giúp Giáo hội thành một thể chế toàn cầu mang tính cách tham vấn và lắng nghe dân Chúa nhiều hơn.
Tháng 3 năm 2020, Vatican tuyên bố chủ đề của thượng hội đồng tiếp theo: “Để có một Giáo hội đồng nghị: Hiệp thông, tham gia và truyền giáo,” và một năm sau, hồng y Grech đã bắt tay soạn lại toàn bộ tiến trình quy mô này.
Các thượng hội đồng sẽ không còn bắt đầu và kết thúc bằng một cuộc họp ở Rôma nữa. Thượng hội đồng về tính đồng nghị sẽ có ba giai đoạn chính bắt đầu bằng các phiên lắng nghe tại các giáo phận trên toàn cầu, tiếp theo là các hội nghị lục địa và cao điểm là hội nghị thượng đỉnh ở Vatican.
Tháng 10 năm 2021, Đức Phanxicô chính thức khai mạc Thượng hội đồng kéo dài nhiều năm, một quá trình được xem là “nỗ lực lớn nhất trong lịch sử thế giới về việc tham vấn”. Bên trong Giáo hội, các phản ứng rất gay gắt – một số người công giáo xem đây là một kỷ nguyên mới của thay đổi và đồng-trách nhiệm, một số người gièm pha thì cảnh báo, đây là “cách kiểm soát thù nghịch của Giáo hội” cần phải chống lại.
Ngày 10 tháng 10 năm 2021, Đức Phanxicô giảng trong thánh lễ mở đầu tiến trình dẫn tới Thượng hội đồng giám mục thế giới năm 2023 tại Đền thờ Thánh Phêrô. (CNS/Reuters/Remo Casilli)
Giờ đây, tuần tới, khi khoảng 464 giám mục công giáo, các đại diện tu sĩ và giáo dân đến Rôma để tham dự phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng (được mở rộng thành hai phần, dự kiến kết thúc tháng 10 năm 2024), cho một tiến trình sẽ quy tụ một số thành viên các đồng minh hàng đầu của giáo hoàng và một số nhà phê bình sắc bén nhất của ngài trong cùng một phòng, mọi con mắt đều đổ dồn vào người ở trọng tâm cơn bão thượng hội đồng –hồng y Mario Grech – người Đức Phanxicô trông cậy để giúp ngài chèo trong vùng nước xoáy này.
Một “người bảo vệ đức tin đích thực”
Khi được hỏi về gánh nặng của trách nhiệm này, hồng y nhấn mạnh, ngài không phải là nhân vật chính của hành trình đồng nghị.
Mùa xuân năm nay, ngài nói với trang NCR trong cuộc phỏng vấn kéo dài 90 phút tại văn phòng của ngài: “Công việc của tôi – của chúng tôi – là lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần đang cố gắng truyền cho Giáo hội qua mọi người. Lời kêu gọi của chúng tôi là xin Chúa Thánh Thần giúp chúng tôi khám phá cách thức mà dân Chúa có thể làm việc cùng nhau.”
Nhưng ý thức phân biệt và đồng hành kiên nhẫn này không phải lúc nào cũng xác định được những nhạy cảm về giáo hội của hồng y Grech.
Hồng y Grech sinh ra ở Gozo – hòn đảo lớn thứ hai của Malta, nhưng không lớn hơn Manhattan của Mỹ – năm 1957, thời điểm mà hầu hết người dân Gozo đi lễ hàng ngày. Dù có bản sắc công giáo sâu đậm, nhưng chỉ đến khi sắp vào đại học, chàng trai trẻ Grech mới bắt đầu cân nhắc ơn gọi linh mục của mình.
Hồng y Mario Grech, tổng thư ký Thượng hội đồng giám mục, người gốc ngôi làng nhỏ Qala trên đảo Gozo, Malta. Trong ảnh lưu trữ năm 2018 này, khách du lịch chụp gần những con sóng vỗ khi một ngư dân đang câu cá ở vùng nước mặn Xwejni bên ngoài Zebbug, Gozo. (CNS/Reuters/Darrin Zammit Lupi)
Vào thời đó, hồng y làm tình nguyện viên cho một tổ chức địa phương chăm sóc người khuyết tật và một ngày nọ, khi đang lái xe chở một thanh niên mới dùng xe lăn vì bị tai nạn, hồng y cho biết ngài bắt đầu suy nghĩ: “Đây là một thanh niên cùng tuổi với tôi, một người đầy sức sống. Anh là một nghệ sĩ. Vì sao là anh mà không phải là tôi?”
Hồng y Grech nhớ lại: “Điều này đã khơi dậy một số suy nghĩ trong lòng tôi. Tôi quyết định tôi phải làm điều gì đó cho người khác”.
Sau đó ngài vào chủng viện giáo phận địa phương, ngài chịu chức năm 1984. Tiếp theo là thời gian nghiên cứu ở Rôma, đầu tiên là tại Đại học Giáo hoàng Lateran và sau đó là tiến sĩ giáo luật tại Viện Angelicum.
Sau khi học xong, hồng y về lại Malta, trong 20 năm, ngài giữ một số nhiệm vụ mục vụ và chức vụ trong giáo phận cho đến khi Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận quê hương ngài vào cuối năm 2005, lúc đó ngài 48 tuổi.
Linh mục Eddie Zammit, người bạn cùng lớp tại chủng viện và bây giờ là chưởng ấn của giáo phận kể với trang tin NCR: “Là giám mục, nhưng không bao giờ ngài cư xử như một giáo sư, ngài luôn là người của giáo dân. Ngài yêu Giáo hội nhưng không thích những ‘trang sức’ đi kèm Giáo hội.”
Linh mục Eddie Zammit bên trái, người cùng học ở chủng viện với hồng y Mario Grech, chụp hình với người bạn cũ của mình ở Nhà nguyện Sixtine. (Được phép của Eddie Zammit)
Theo linh mục Zammit, hồng y Grech cũng là người của kỷ luật, nhưng khi giải quyết các vấn đề mục vụ, “ngài không cảm thấy mình có nhiều tự do. Ngài là người thực sự bảo vệ đức tin và rất nhiệt tình với đức tin”.
Khi Malta nghiên cứu việc hợp pháp hóa ly hôn năm 2011, hồng y Grech là người hàng đầu phản đối luật này. Và, bà Peregin nhớ lại, năm 2009, khi Đức Bênêđictô XVI kiên quyết bảo vệ lập trường với tình dục khác giới, hồng y Grech đã lặp lại lời của giáo hoàng trong một tuyên bố mà báo chí địa phương gọi là thông điệp “Nếu bạn là người đồng tính, bạn cứ ra đi”.
Linh mục Zammit nghĩ rằng quan điểm của hồng y Grech bắt đầu thay đổi sau cuộc bầu chọn Đức Phanxicô năm 2013, hồng y Grech đặc biệt cuốn hút bởi câu tân giáo hoàng luôn nói về Giáo hội như một “bệnh viện dã chiến”, trước hết là chăm sóc những người gặp khó khăn trước khi giải quyết các vấn đề về đạo đức và học thuyết.
Linh mục Zammit nhớ lại: “Hồng y bắt đầu cảm nhận được nỗi đau của người khác theo một cách mới. Trước đây ngài quan tâm đến việc áp dụng những lời dạy như một lý thuyết hơn là lắng nghe những mối quan tâm của người khác.”
Đức Phanxicô cử hành buổi cầu nguyện tại Đền thờ Quốc gia Ta’ Pinu ở Gozo, Malta, ngày 2 tháng 4 năm 2022. Hồng y Mario Grech, tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, lớn lên ở Gozo, hòn đảo chủ yếu có nhiều người công giáo, trước đây ngài là giám mục ở đây. (CNS/Paul Haring)
Thực hiện các cải cách của công đồng Vatican II
Kinh nghiệm đầu tiên của Grech với tính đồng nghị là năm 2012 với tư cách là đại biểu cho thượng hội đồng cuối cùng của Đức Bênêđictô XVI, tập trung vào chủ đề tân phúc âm hóa.
Nghĩ về thời gian này, hồng y Grech nói với hãng tin NCR, điều đáng chú ý nhất là nó không có gì nổi bật – và đó là một kinh nghiệm thật khác biệt khi ngài đến Rôma năm 2014.
Các thượng hội đồng dưới thời cả hai giáo hoàng, Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI nổi tiếng là bị kiểm soát chặt chẽ và ít có không gian cho những tranh luận thực sự, còn Đức Phanxicô, ngay lập tức ngài bắt đầu làm mọi thứ chấn động, ngài nói với các đại biểu tại thượng hội đồng đầu tiên năm 2014, xin họ phát biểu tự do và không sợ hãi.
Hồng y Grech, người không có nghiên cứu chính thức nào về lịch sử hoặc thần học về tính đồng nghị trong thời gian làm linh mục, với ngài, Thượng hội đồng năm 2014 là bước ngoặt trong việc mở ra với những gì có thể.
Ngài cười, nói: “Trên thực tế, đó là sự đào tạo của tôi, rửa tội của tôi.”
Năm 2015, trong phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng về gia đình, hồng y Grech nhắc lại bài phát biểu của Đức Phanxicô nhân kỷ niệm 50 năm ngày Đức Phaolô VI thành lập Thượng hội đồng giám mục.
Trong bài phát biểu đó, Đức Phanxicô đã đưa ra một điểm đánh dấu, tính đồng nghị là “biểu hiện rõ ràng nhất cho tính năng động của sự hiệp thông truyền cảm hứng cho mọi quyết định của giáo hội” và cho biết nó sẽ trở thành phương tiện chính của giáo hoàng để thúc đẩy cải cách trong triều của ngài.
Hồng y Grech nhớ lại ngài đã nghiêng người về giám mục ngồi bên cạnh, vào giữa bài phát biểu của giáo hoàng khi đang cố gắng tiếp thu những gì giáo hoàng đang nói, hồng y Grech thì thầm: “Chúng ta đang làm nên lịch sử.”
Grech nhớ lại: “Trong bài phát biểu đó, giáo hoàng đã trình bày một tầm nhìn cho tương lai và cố gắng chia sẻ với cả thế giới những hiểu biết sâu sắc của ngài về Vatican II.”
Theo hồng y Grech, cụ thể giáo hoàng cố gắng nâng cao một cách thích đáng những gì một trong những tài liệu chính của công đồng, Hiến chế Tín lý về Giáo hội (Lumen gentium), đã nói đến như tiếng nói tiên tri của tất cả những người đã được rửa tội và toàn thể dân Chúa.
Bà Joseanne Peregin, thứ hai từ phải sang, chụp cùng các con, bà là thành viên sáng lập của Nhóm Phụ huynh Drachma ở Malta, bà cho biết sau khi tham dự các buổi hội thảo do nhóm Drachma tổ chức tại Rôma năm 2014, quan điểm về người công giáo LGBTQ. của hồng y Grech đã dịu xuống. (Được phép của bà Joseanne Peregin)
Một năm trước đó, tại phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng về gia đình, hồng y cũng đã cố gắng đưa ra tiếng nói cho những người thường bị phớt lờ trong Giáo hội.
Chỉ vài ngày trước khi chuẩn bị đưa ra một vài nhận xét cho thượng hội đồng năm 2014, ngài nghe bà Peregin cũng sẽ đến Rôma để thuyết trình tại một sự kiện khác được tổ chức xung quanh Thượng hội đồng, hội thảo “Những con đường yêu thương”, tập trung vào việc chăm sóc mục vụ dành cho người đồng tính và chuyển giới.
Bà kêu gọi Thượng hội đồng xem lại ngôn ngữ dùng trong Sách Giáo lý của Giáo hội công giáo mô tả các hành vi tình dục đồng tính là “rối loạn nội tại”, để đoàn kết với những người trẻ LGBTQ muốn tự tử và tham gia vào một cuộc đối thoại mới với những người công giáo đồng tính và gia đình của họ.
Sau khi bà Peregin phát biểu, bà nhận e-mail của hồng y Grech xin bà bản sao toàn bộ bài phát biểu của bà.
Bà Peregin cho biết, sau khi nhận thư của bà, hồng y Grech trả lời: “Xin cầu nguyện cho tôi có được lòng dũng cảm như vậy.”
Ngày 8 tháng 10 năm 2014, hồng y Grech đã lên tiếng ở phòng họp thượng hội đồng Vatican, bài phát biểu đã làm cho bà Peregin và các thành viên khác của nhóm Drachma “bị sốc”, ngài kêu gọi Giáo hội thừa nhận những thực tế phức tạp của cuộc sống gia đình ngày nay và nhất là, Giáo hội nên xem lại cách Giáo hội nói về một số vấn đề.
Ngài nói: “Tôi phải thú nhận, tôi phải đối diện với sự cấp bách của nhu cầu này khi lắng nghe các gia đình những người đồng tính cũng như những người có khuynh hướng này, những người cảm thấy mình bị tổn thương vì ngôn ngữ nói về họ trong một số văn bản, như trong sách giáo ly nói. Cần phải học ngôn ngữ của người đương thời và thừa nhận nó như một cách truyền đạt sự thật và lòng bác ái của Tin Mừng.”
Tân hồng y Mario Grech của Malta dự công nghị tấn phong 13 tân hồng y tại Đền thờ Thánh Phêrô ngày 28 tháng 11 năm 2020. (CNS/Reuters pool/Fabio Frustaci)
Bà Peregin cho biết, một tháng sau khi Thượng hội đồng kết thúc, hồng y Grech quay lại dự một cuộc họp khác với nhóm LGBTQ, ngài cho biết, ngay lập tức sau bài phát biểu ngài nhận những phản ứng dữ dội. Nhưng ngài cũng nói, ngài đã nhận được một niềm an ủi lớn: Vài ngày sau đó, trong giờ nghỉ uống cà phê, Đức Phanxicô đã vỗ vào vai ngài và cám ơn vì ngài đã can đảm.”
“Quy trình trước các vấn đề”
Mùa hè năm 2019 khi hồng y Grech đang có chuyến hành hương của giáo phận đến Lộ Đức thì nhận được điện thoại của một số lạ. Ngài bước ra cửa hàng nơi ngài và bố mẹ ngài đang mua sắm các tượng ảnh để nghe điện thoại. Khi nhận ra giọng nói của giáo hoàng đầu dây bên kia, ngài ngồi xuống vỉa hè.
Đức Phanxicô nhắn ngắn gọn nhưng rất thân tình: ngài muốn hồng y đến Rôma để nói một số vấn đề. Họ sẽ nói chuyện với nhau vào giờ ăn sáng.
Hồng y Grech nhớ lại: “Ngài hỏi tôi có ăn uống kiêng khem gì không. Ngài để ý từng chi tiết nhỏ.”
Vài tuần sau, hồng y Grech đến Rôma. Ngài muốn đi thẳng vào vấn đề để khách của mình còn thưởng thức bữa ăn. Và không nói, nhiều, Đức Phanxicô xin hồng y Grech điều khiển văn phòng thượng hội đồng.
Hồng y Grech và Hollerich được Đức Phanxicô chọn để lãnh đạo một thượng hội đồng quyết định
Hồng y Grech nhớ lại, ngài đã liệt kê một số lý do vì sao ngài không phù hợp với việc này, nhưng giáo hoàng nhấn mạnh trên việc ‘anh phải làm bổn phận của anh’. Hồng y rời bữa ăn và nói với giáo hoàng, tôi về nhà và sẽ cầu nguyện về chuyện này.
Giáo hoàng nói: “Dù câu trả lời của anh là gì, chúng ta vẫn sẽ là bạn của nhau.” Grech nhớ lại: “Đối với tôi, đó là một tự do hoàn toàn.”
Nhưng Đức Phanxicô cũng nói với hồng y, nếu chấp nhận, ngài muốn hồng y đến Rôma để tham dự Thượng hội đồng vào mùa thu năm đó, tập trung vào nhu cầu của khu vực Amazon gồm chín quốc gia, để trực tiếp có kinh nghiệm về cách thức hoạt động của các thượng hội đồng ở hậu trường. Ngay sau đó, hồng y Grech đã nhận lời làm việc.
Ngay sau khi nhận trách nhiệm phụ trách văn phòng thượng hội đồng, đại dịch toàn cầu xảy ra và đã làm mọi sinh hoạt của thế giới bị gián đoạn, đã thay đổi hoàn toàn mọi khía cạnh hoạt động của xã hội, kể cả của Giáo hội.
Trong một phỏng vấn vào thời gian này – hồng y Grech được Đức Phanxicô phong hồng y tháng 11 năm 2020 – ngài đã không ngần ngại nói: “Sẽ là tự sát nếu sau đại dịch, chúng ta quay trở lại các mô hình mục vụ giống như chúng ta đã làm cho đến nay.”
Đức Hồng y Grech sẽ là tự sát nếu sau đại dịch chúng ta trở lại cung cách mục vụ như trước
Một phần trong ba năm qua của tiến trình Thượng Hội đồng là nỗ lực trả lời câu hỏi loại giáo hội nào – và quan trọng hơn, cơ cấu nào là cần thiết và không cần thiết – để giáo hội hoạt động trong thế giới ngày nay.
Khi các đại biểu chuẩn bị cuộc họp kéo dài một tháng tại Vatican, văn phòng Thượng hội đồng đã soạn bộ tài liệu dài 60 trang nêu ra một số câu hỏi nhằm hướng dẫn các cuộc thảo luận. Trong số các vấn đề mà những người tham dự phải đối diện trực tiếp có các vấn đề, khả năng phó tế của phụ nữ, khả năng tiếp cận chức linh mục cho các ông đã lập gia đình, sự hòa nhập của người công giáo LGBTQ+, và việc đền tội vì lạm dụng tình dục cũng như lạm dụng quyền lực, lương tâm và tiền bạc.
Đức Phanxicô chào hồng y Mario Grech, tổng thư ký Thượng hội đồng trong cuộc gặp với đại diện của các hội đồng giám mục từ khắp nơi trên thế giới về Vatican ngày 9 tháng 10 năm 2021, ảnh tư liệu. (CNS/Paul Haring)
Nhưng trong một phỏng vấn với hãng tin NCR, hồng y vấn đề các cơ cấu giáo hội (hay giáo hội học) phải được giải quyết trước khi giải quyết các vấn đề cụ thể.
Ngài nói: “Một khi chúng ta trở nên đồng nghị hơn, thì tôi nghĩ Giáo hội sẽ ở vị thế tốt hơn để giải quyết các vấn đề cụ thể. Đây là điều cơ bản: Các quy trình trước các vấn đề, không thể giải quyết mọi vấn đề mục vụ trong một thượng hội đồng.
Chiếc hộp Pandora?
Khi linh mục Zammit và hồng y Grech vào chủng viện vào đầu những năm 1980, chủng viện đang phát triển mạnh mẽ với hơn 40 chủng sinh được đào tạo để trở thành linh mục. Hiện nay chỉ có 10.
Trên hòn đảo có chưa đầy 40.000 người dân, nơi các gia đình Gozo có lịch sử hàng thế kỷ, linh mục Zammit nói một điều mà cha và hồng y Grech, hiện 66 tuổi, thường nói đến là “đời sống xã hội ở Malta đã thay đổi nhanh như thế nào”.
Linh mục Zammit cho biết, dù Gozo vẫn là khu vực có nhiều người công giáo nhất ở Malta, nhưng “thế tục hóa đang len lỏi vào”.
Linh mục nói, với thực tế này đã làm cho hồng y Grech thấy rõ, Giáo hội cần những chiến lược mới để truyền giáo.
Hồng y nói: “Văn phòng này phải kết nối với những người đã rời bỏ và những người không còn ở trong giáo hội. Đây là một phạm trù rất rộng, không chỉ bao gồm những người không giữ đạo mà còn bao gồm cả những người ở trong nhà thờ nhưng không hoàn toàn ở trong nhà thờ.”
Nhưng sự nhạy cảm này đã gây ra sự kháng cự quyết liệt, với những tuyên bố được công bố trước cuộc họp, cho rằng toàn bộ quá trình là một “cơn ác mộng độc hại”.
Tháng 8 vừa qua, một hồng y theo chủ nghĩa truyền thống Hoa Kỳ đã viết lời tựa trong quyển sách được gởi cho nhiều đại biểu thượng hội đồng, cảnh báo rằng thượng hội đồng về tính đồng nghị là “chiếc hộp pandora đe dọa phá hủy Giáo hội Thánh” (chiếc hộp lộ bí mật). Những người hoài nghi khác về thượng hội đồng cảnh báo, tiến trình này sẽ làm suy yếu quyền lực của các giám mục.
Khi được hỏi về những lời chỉ trích như vậy, hồng y Grech nở một nụ cười dịu dàng và nhấn mạnh “tôi hiểu họ”.
Ngài nói: “Những điều mới lạ có thể tạo ra sự e ngại, nghi ngờ. Nhưng đừng quên chúng ta có một truyền thống. Chúng ta tự hào về truyền thống và tôi tự hào về truyền thống này. Bất cứ điều gì có thể tạo ra rủi ro hoặc nguy hiểm đều có thể tạo ra e ngại.”
Đối với cáo buộc, tiến trình đồng nghị sẽ làm suy yếu thẩm quyền của các giám mục trong giáo hội – những người bảo vệ đức tin truyền thống – ngài nói “không có tính đồng nghị nếu không có các giám mục”.
Ngài giải thích: “Các giám mục ở đó để giúp chúng tôi đi theo đường lối. Tôi không dùng từ bảo vệ. Họ có trách nhiệm đảm bảo sự phân định của cộng đồng giáo hội là đúng đắn. Đây là một thách thức trên vai chúng tôi, nó không hề dễ dàng”.
Các thành viên trong ban thư ký Thượng Hội đồng Giám mục trong cuộc họp trực tuyến với đại diện các hội đồng giám mục vào ngày 15 tháng 6 năm 2021. Từ trái sang: nữ tu Nathalie Becquart, phó thư ký của Thượng hội đồng Giám mục; hồng y Mario Grech, tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục; và giám mục Luis Marín de San Martín, phó thư ký Thượng hội đồng giám mục. (CNS/Được phép của Thượng hội đồng giám mục)
Nhấn mạnh vào những thay đổi cụ thể có thể xuất hiện từ Thượng hội đồng, hồng y Grech lại tập trung vào tiến trình.
Là luật sư giáo luật được đào tạo chuyên ngành, ngài nói Vatican nên tập hợp một nhóm các nhà giáo luật, các nhà thần học chuyên về thần học giáo luật, để “phản ánh tính đồng nghị có thể trở thành xương sống của cơ cấu” của toàn thể giáo hội như thế nào.
Ngài nói: “Tôi rất muốn có điều đó ngày hôm nay, các cơ cấu công nghị đã tồn tại trong giáo luật – chẳng hạn như các hội đồng mục vụ và hội đồng tài chính cho các giáo xứ địa phương – và chúng cần được đưa vào các hoạt động của giáo hội tốt hơn.
Một kết quả cụ thể của Thượng hội đồng năm 2019 về Amazon là sự chấp thuận của một “hội nghị giáo hội” đầu tiên dành cho khu vực Amazon do giáo dân lãnh đạo, thay vì được các giám mục điều hành.
Khi được hỏi liệu đây có phải là một kết quả khác của thượng hội đồng hay không, với động thái hướng tới các hội nghị giáo hội hơn là các hội nghị giám mục, hồng y Grech nói ngài nghĩ rằng đó có thể không phải là sự chuyển đổi từ cấu trúc này sang cấu trúc khác, nhưng là sự hình thành các cấu trúc bổ sung.
Tuy nhiên, ngài khẳng định, không có gì được xác định trước cả: “Nếu tôi đến đây với một chương trình nghị sự hoặc những ý tưởng cố định, tôi sẽ không lắng nghe”.
“Một trái tim tự do”
Kể từ khi bắt đầu tiến trình đồng nghị hiện nay năm 2021, hồng y Grech đã tham dự hàng trăm cuộc họp qua Zoom với các Giáo hội địa phương, và khi đại dịch Covid lắng xuống, ngài bắt đầu đi khắp thế giới để nói về tính đồng nghị và có được cái nhìn trực tiếp về cách tiến trình này thực hiện. Chỉ trong giai đoạn lục địa của quá trình, trong vòng chưa đầy hai tháng, ngài đã tham dự các cuộc họp ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Trung Đông.
Suy ngẫm lại giai đoạn này, ngài nói, điều rõ ràng đối với ngài là “dân Chúa cởi mở hơn để hòa hợp với tiến trình này hơn là các giám mục chúng tôi.”
Ngài nói tiếp: “Tính đồng nghị đã ăn sâu vào bản chất của Dân Chúa. Đối với giáo dân, tôi cảm thấy chúng tôi không mang lại điều gì mới mẻ. Ngược lại, chúng tôi làm rung động một cung đàn đã có trong trái tim họ và họ sẵn sàng hát và nhảy theo cung đàn này.”
Mặc dù biết loại âm nhạc này có thể giống như những biểu tượng kêu vang với người khác, hồng y Grech nói, hãy nhìn về phía trước những gì sắp xảy ra, nó có “một trái tim tự do”.
Khi còn là giám mục, Mario Grech và Imam Mohammed El Sadi gởi thông điệp trước quan tài của 24 người di cư trong tang lễ liên tôn bên ngoài Valletta trên đảo Gozo ở Malta ngày 23 tháng 4 năm 2015. Hồng y Grech được bổ nhiệm làm tổng thư ký của Thượng hội đồng giám mục vào năm 2020 (CNS/Reuters/Darrin Zammit Lupi)
Tác giả Austen Ivereigh, người viết tiểu sử Đức Phanxicô, một trong những cộng tác viên đã giúp soạn thảo tài liệu làm việc ban đầu của Thượng Hội đồng cho giai đoạn lục địa và sẽ là người điều phối tại hội nghị thượng đỉnh Vatican sắp tới – nói rằng khi làm việc với hồng y Grech, ông đã chứng kiến một “hiểu biết sâu sắc về các động lực” của tính đồng nghị.
Ông đặc biệt thấy trong quyết định gia hạn Thượng hội đồng như một tiến trình kéo dài nhiều năm và qua hai cuộc họp ở Rôma, ông tin rằng đây là một minh chứng cho “sự tin tưởng lớn lao của hồng y Grech vào tiến trình này”.
Ông nói: “Tôi càng biết hồng y Grech, tôi càng hiểu những gì giáo hoàng đã nhìn thấy nơi hồng y”. Ông nghĩ đó là niềm tin chung vào “hoạt động của Chúa Thánh Thần” – điều mà tác giả Ivereigh cho rằng Đức Phanxicô đã nhìn thấy rõ nơi hồng y Grech năm 2014 tại Thượng hội đồng đầu tiên của ngài.
Hồng y Grech: “Nếu chúng ta không tin Chúa Thánh Thần thổi sức thì thượng hội đồng sẽ thất bại”
Giờ đây, trước thềm Thượng hội đồng đầu tiên dưới sự giám sát của hồng y Grech, bà Paola Lazzarini, chủ tịch của Phụ nữ phục vụ Giáo hội (Donne per la Chiesa), một nhóm các tổ chức phụ nữ công giáo, nói với hãng tin NCR, bà đánh giá cao những nỗ lực của hồng y Grech trong việc thực hiện và giám sát tiến trình hội nghị đầy tham vọng của giáo hoàng.
Bà còn đánh giá cao, đã có tiến bộ khi một trong những đại biểu hiện tại của hồng y Grech là nữ tu Nathalie Becquart – và lần đầu tiên trong lịch sử thượng hội đồng, phụ nữ được có quyền bỏ phiếu về tài liệu cuối cùng của hội đồng, bà nói, những phát triển này dưới sự lãnh đạo của hồng y không như mong đợi của nhiều tổ chức phụ nữ.
Bà nói, những mong chờ này, gồm sự bình đẳng của số phiếu cho phụ nữ và nam giới và sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong việc soạn thảo tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng mà bà hy vọng sẽ giúp nâng cao tiếng nói của các thần học gia nữ.
Bà Helena Jeppesen-Spuhler, đại biểu Thụy Sĩ tại Thượng hội đồng châu Âu, người sẽ đại diện châu Âu tại Thượng hội đồng tháng 10 đồng ý, cần có nhiều không gian hơn cho phụ nữ, nhưng “hiện tại, đây vẫn là thượng hội đồng giám mục”.
Bà nhớ lại những lần trò chuyện với hồng y Grech ở Praha và ở Rôma, bà thấy hồng y này “thực sự có tính đồng nghị” và thật ngạc nhiên là ngài có thể nói chuyện với những người ở cùng cấp độ. Bà nói: “Ngài không có kiểu ứng xử nào của một giáo sĩ, ngài không phải là người độc tài.”
Bà Helena Jeppesen hiểu việc áp đặt “bí mật trong thượng hội đồng”
Hồng y Grech cùng Đức Phanxicô trong cuộc gặp với đại diện các hội đồng giám mục từ khắp nơi trên thế giới tại Vatican ngày 9 tháng 10 năm 2021. Đức Phanxicô chính thức khai mạc Thượng hội đồng nhiều năm về tính đồng nghị tháng 10 năm 2021. (Ảnh CNS/Paul Haring)
Linh mục Zammitt suy ngẫm về tình bạn gần 50 năm của mình với hồng y Grech, linh mục nói tất cả các linh mục ở Malta đang theo sát tiến trình Thượng hội đồng, tất cả đều nhận thức rất rõ về sự phản kháng mà Thượng hội đồng đã gặp phải ở một số khu vực nhất định – nhưng tất cả đều tin tưởng hồng y Grech sẽ có được sự cân bằng không phản bội truyền thống của Giáo hội, đồng thời mở ra cho Giáo hội một điều gì đó mới mẻ.
Linh mục Zammit nói: “Ngài sẽ lắng nghe mọi người, ngài sẽ chân tình lắng nghe tất cả các vấn đề, nhưng ngài sẽ không thỏa hiệp với di sản thần học của chúng tôi”.
Với những người nghĩ rằng sẽ không có gì thay đổi, linh mục Zammit bác bỏ điều này: “Ngài ghét đi dự một cuộc họp mà chẳng đạt được kết quả gì. Ngài luôn hướng tới những kết quả cụ thể chứ không phải những kết quả hời hợt.”
Suy ngẫm về hành trình của chính gia đình mình, bà Peregin cho biết bà đã phải mất vài năm để chấp nhận con trai mình trở thành người đồng tính trước khi trở thành người công giáo sốt sắng, bà đấu tranh để con mình có một vị trí trong Giáo hội.
Bà nghĩ hồng y Grech đang trên hành trình của riêng ngài với dân Chúa, và đó là lý do vì sao giáo hoàng đã chọn ngài là nhân vật chính cho quá trình này.
Bà Peregin nói: “Trước đây ngài đã có một quan điểm rất rất mạnh và sau đó ngài đã thay đổi. Và lý do cho sự thay đổi này là ngài đã gặp mọi người. Tiến trình đồng nghị này, ngài đã sống. Ngài đã sống với nó. Nếu tôi là giáo hoàng, chính xác tôi muốn những người như thế này.”
Và với bà, hồng y Grech là hiện thân của bản chất của tính đồng nghị: cởi mở với hoán cải – và giống như sự hoán cải của toàn Giáo hội – vẫn luôn cần hoán cải.
Marta An Nguyễn dịch