Cải cách Giáo hội và cuộc chiến kế vị: trận chiến cuối cùng của Đức Phanxicô
nouvelobs.com, Constance Colonna-Cesari, 2023-09-13
Ở tuổi 86, Đức Phanxicô sẽ đến Marseille ngày 22 và 23 tháng 9, ngài biết thời gian của ngài có hạn. Đặc biệt vì nhóm bảo thủ không tha cho ngài việc ngài bảo vệ người di cư cũng như ngài đối thoại với hồi giáo và các cam kết của ngài về sinh thái.
Marseille, điểm dừng chân cuối cùng? Vài tuần trước khi đi Marseille ngày 22 và 23 tháng 9, cuộc họp báo kinh ngạc ngày 4 tháng 9 trên chuyến bay đưa ngài từ Oulan-Bator, thủ đô Mông Cổ về Rôma vẫn còn đọng lại trong tâm trí người đọc. Ngài sắp bước qua tuổi 87 và gần như chỉ di chuyển bằng xe lăn, ngài đã có những lời lẽ làm tò mò. Ngài nói, những chuyến đi quan trọng tiếp theo sẽ do “Gioan XXIV” thực hiện… Như thế Marseille sẽ có thể là chuyến đi cuối cùng của ngài. Cách đây 10 năm, con đường thập giá đã bắt đầu ở đảo Lampedusa để chống lại “sự thờ ơ toàn cầu trước thảm kịch của người di cư”.
Cho đến nay Đức Phanxicô chưa bao giờ dâng thánh lễ trên đất Pháp, lần này, không ngẫu nhiên mà ngài cử hành thánh lễ tại sân vận động Vélodrome trước 60.000 giáo dân. Nếu ngài nhận lời mời của hồng y Jean-Marc Aveline, tổng giám mục giáo phận Marseille và được sự ủng hộ của ông thị trưởng Benoỵt Payan – nhưng lại trước sự thất vọng to lớn của thị trưởng Lộ Đức -, thì chuyến tông du này sẽ tốt cho mọi thứ mà thành phố này đại diện. Ở trung tâm Địa Trung Hải, nơi mà năm 2014 ngài đã nói đây là “nghĩa trang vĩ đại”, Marseille là hiện thân hoàn hảo của các “vùng ngoại vi” thân yêu của ngài, vừa là điểm gặp gỡ cần thiết cho cuộc đối thoại hồi giáo-kitô giáo, một la bàn khác của ngài. Rồi sẽ đến lúc ngài phải trở về Rôma, nơi những kỳ hạn quan trọng khác đang chờ ngài. Và đây là cuộc chạy đua với thời gian của ngài.
Hồng y Jean-Marc Aveline: “Học cách nhìn Địa Trung Hải với Đức Phanxicô”
Vì ngài nhận thức thời gian của ngài sắp hết. Vào lúc chạng vạng triều của ngài, suy yếu, cô lập, phải vào bệnh viện thường xuyên, theo năm tháng, ngài càng tỏ ra ngày càng cứng rắn. Ngài đối xử thô bạo với những người gần gũi ngài, một mình đưa ra những quyết định luôn sắc bén nhất. Một số tố cáo sự cứng nhắc của ngài, một số khác xem đó là sự cố chấp của ngài. Linh mục Dòng Tên François Euvé, chủ bút tạp chí Études (Nghiên cứu) thốt lên: “Bất chấp tất cả những tấn công này, ngài vẫn không bỏ cuộc, ngài vẫn tiếp tục chiến đấu!”
Trên thực tế, ngài như muốn hoàn thành các cuộc cải cách của mình, đặc biệt thông qua “thượng hội đồng về tính đồng nghị” đầy tham vọng mà kết quả của nó có thể xác định lại chính hoạt động của Giáo hội công giáo. Ngài quyết tâm chiến đấu trong trận chiến cuối cùng này để cải tổ thể chế và để thể chế thích ứng với thế giới, trên con đường tiến bộ, chống lại nhóm bảo thủ. Để làm được, ngài phải tăng cường hơn nữa việc kiểm soát các đòn bẩy quyền lực chính, kể cả thành phần Hồng y đoàn, mà khi đến thời điểm sẽ chỉ định người kế vị ngài.
Bất cứ chuyện gì ngài làm và nói, ngài đều chẻ thớ
Ở Rôma, người ta ý thức, cuộc chiến còn có nguy cơ “chẻ thớ” hơn nữa nơi người công giáo. Nhưng ngài đã quen với kiểu than phiền này. Bất cứ điều gì ngài làm và nói, ngài đều chẻ thớ. Ông Ivan Lebeau, người công giáo ngoài bốn mươi tóm tắt: “Phanxicô, rất đơn giản: hoặc chúng ta thán phục ngài, hoặc chúng ta ghét ngài. Với cha tôi, ông theo chủ nghĩa truyền thống, vì bác bỏ phụng vụ mới ông đã không đi lễ suốt 8 năm sau Công đồng Vatican II, thì nói về Đức Phanxicô với ông, chắc chắn sẽ có tranh cãi. Với ông, “giáo hoàng thực sự” cuối cùng vẫn là Đức Bênêđictô XVI. Ông Ivan không phải là trường hợp cá biệt. Sự từ nhiệm bất ngờ của Đức Bênêđictô XVI là cú sốc chưa từng có với người công giáo. Và cho đến khi ngài qua đời ngày 31 tháng 12 năm 2022, nhiều kẻ thù của Đức Phanxicô đã dùng thẩm quyền đạo đức và thần học không thể chối cãi của người tiền nhiệm để chống lại “kẻ phản bội, kẻ ly gián, kẻ phản giáo hoàng” này…
Đức Phanxicô trả lời cho những lời buộc tội lặp đi lặp lại này, tất cả những gì ngài hoàn tựu kể từ ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngày ngài được bầu chọn, cũng như những gì ngài thể hiện, là chính con người của ngài. Đến “từ nơi tận cùng thế giới”, như ngài tự giới thiệu khi ngài ở ban công dinh tông tòa, Quảng trường Thánh Phêrô tối hôm được bầu, ngài là giáo hoàng Dòng Tên, người Châu Mỹ Latinh đầu tiên của Giáo hội. Một giáo hoàng người Argentina xuất thân từ gia đình người Ý nhập cư, trốn khỏi một châu Âu nghèo đói phát xít thời đó. Một giáo hoàng khi còn thanh niên ở trong Đội cận vệ sắt, một phong trào thanh niên theo chủ nghĩa peron ở Argentina, thường đến chơi banh ở sân vận động bóng đá San Lorenzo, thường lui tới “các khu phố nghèo khốn cùng, khu ổ chuột” của Buenos Aires, nơi ngài cam kết dấn thân với những người kém may mắn. Một giáo hoàng, ngay từ những phút đầu tiên triều của ngài, đã khai mở phong cách quyền lực bằng những lời nói đơn giản đến kinh ngạc, sự lựa chọn tên Phanxicô Assisi, quyết định sống ở căn hộ hai phòng khiêm tốn ở Nhà Thánh Marta thay vì ở dinh tông tòa.
Tính cách và những khẩu hiệu của ngài có sự thu hút nhiều nhất với những người ở bên ngoài Giáo hội. Các ý kiến thế tục của phương Tây hoan nghênh ngài. Với ngài, một làn gió mới dường như bất ngờ cuốn đi các trận chiến của các giáo hoàng tiền nhiệm, chống phá thai, bao cao su, hỗ trợ sinh sản hoặc hỗ trợ cuối đời dưới danh nghĩa những giá trị trước đây được cho là “không thể thương lượng”. Một vài câu, đôi khi bị đưa ra khỏi bối cảnh, cũng đủ để khơi dậy cuộc tranh luận, như vào đầu triều, khi ngài nói: “Nếu một người đồng tính có thiện chí đi tìm Chúa, thì tôi là ai mà phán xét họ?” Và với những giáo dân này, điều đó không thành vấn đề nếu giám mục Rôma vẫn luôn phản đối những phát triển giáo lý thực sự về những chủ đề này…
Một giáo hoàng bị tấn công mạnh mẽ
Trong các bài phát biểu hoặc trong các giờ Kinh Truyền Tin ở Quảng trường Thánh Phêrô, ngài thường kêu gọi sự hoán cải hướng đến một “Giáo hội nghèo, vì người nghèo”. Một khuynh hướng hiện đại và không thể ngăn sứ điệp Tin Mừng, qua đó ngài bổ sung thêm sự cập nhật học thuyết xã hội của Giáo hội. Tư liệu cổ ra đời từ những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 19, trong tay ngài trở thành vũ khí để ngài sử dụng chống lại các bất công của thế kỷ 21. Không ngần ngại, ngài, người chứng kiến Argentina bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2001, đã nói lên sự phản kháng chống lại “sự chuyên chế của thị trường” và “văn hóa lãng phí” kèm theo nó. Ngài cũng không sợ, như ngài đã làm tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc tháng 9 năm 2015, tự nhận mình là người bảo vệ hành tinh, bảo vệ “ngôi nhà chung của chúng ta”. Thông điệp Laudato si’ xuất bản ba tháng trước đó là thông điệp đầu tiên hoàn toàn dành cho sinh thái. Tài liệu này khẳng định mọi thứ đều có liên quan với nhau: nạn cướp bóc tài nguyên trắng trợn, hiện tượng khí hậu nóng lên toàn cầu, tình trạng nghèo đói gia tăng. Hệ sinh thái ngài dùng để chống lại những cơ chế tàn phá này sẽ mang tính xã hội hoặc không mang tính xã hội, bao gồm và không độc quyền, dựa trên sự cần thiết phải thay đổi mô hình chủ nghĩa tư bản.
Một diễn văn tấn công như vậy có thể mang tính đại kết không? Hiếm khi có một giáo hoàng nào lại bị công kích mạnh mẽ như ngài, đầu tiên hết là trong nội bộ. Phải nói, cũng ngay lập tức Đức Phanxicô đã nhận trách nhiệm làm chấn động giáo triều Rôma. Trước lễ Giáng sinh năm 2014, ngài đã có bài phát biểu gây sốc về “mười lăm căn bệnh của giáo triều” trước các thành viên của giáo triều, cảnh báo họ chống lại “bệnh Alzheimer thiêng liêng” và “căn bệnh buôn chuyện”. Đây là lúc Thượng hội đồng về gia đình được tiến hành vào tháng 10 năm 2014, và tông huấn “Amoris laetitia” sẽ được công bố năm 2016 đã làm cho một nhóm hồng y bảo thủ cho ngài là dị giáo. Đằng sau việc cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ, trao cho linh mục được tự do quyết định, một cách rụt rè theo chú thích của tài liệu, họ đọc ở đây hồi kết của bí tích bất khả phân ly này.
Sự chống đối tiến một bước xa hơn vào năm 2018, với việc công bố bức thư ngỏ của tổng giám mục Carlo Maria Viganò, cựu sứ thần ở Mỹ, ông kêu gọi giáo hoàng từ chức. Một tấn công ở mức độ nghiêm trọng hiếm có, được khoảng 20 giám mục Mỹ ủng hộ! Và những mối đe dọa ly giáo đang hình thành. Sắp tới ngài sẽ phải từ bỏ việc nới lỏng quy tắc độc thân bất khả xâm phạm với các linh mục, điều mà ngài đã đưa vào chương trình nghị sự của thượng hội đồng về Amazon. Tuy nhiên, vấn đề chỉ là khắc phục tình trạng thiếu linh mục ở một số giáo phận rộng lớn trong khu vực này, bằng cách tiến hành truyền chức cho các ông đã lập gia đình chỉ ở những vùng lãnh thổ này… Nhưng viên thuốc này không có tác dụng. Vào tháng 1 năm 2020, khi ngài chuẩn bị công bố tông huấn về chủ đề này, một cú sốc mới mạnh mẽ xảy ra: một trong những đối thủ nguy hiểm nhất của ngài, hồng y Robert Sarah người Guinea, đã cùng ký với Đức Bênêđictô XVI một quyển sách bảo vệ luật độc thân của linh mục. Tất cả đều là sức nặng của những người bảo thủ và cựu giáo hoàng, nhà thần học lỗi lạc, đè nặng lên vai giáo hoàng đương nhiệm. Giáo Hội đang rung chuyển ở mức cao nhất.
Những cuộc tấn công nội bộ này càng đáng lo ngại hơn khi chúng có sự tham gia của những người thuộc các phong trào phúc âm ở Mỹ và các nhóm có bản sắc cực hữu ở châu Âu. Tất cả đoàn kết chống lại giáo hoàng! Từ Matteo Salvini đến Viktor Orbán, từ Eric Zemmour, Marion Maréchal, Jair Bolsonaro, Donald Trump hay cựu giám đốc truyền thông Steve Bannon, các thế lực phản động tiếp tục tấn công ngài.
Nhưng vì sao ngài lại có nhiều hận thù như vậy? Câu trả lời đơn giản. Trước hết là sự kiên định trong sứ điệp tiếp nhận người di cư của ngài. Jorge Mario Bergoglio xem vấn đề này là ưu tiên hàng đầu trong triều của ngài. Mức độ nghiêm trọng trong các bài phát biểu của ngài trong bài phát biểu ở Liên minh Âu châu là hệ quả tất yếu. Ngài nói châu Âu là “bà già vô sinh”, “quên mất lý tưởng thời trẻ”. Việc mùa xuân năm 2016, ngài từ đảo Lesbos về đem theo ba gia đình hồi giáo Syria cùng đi chuyến bay với ngài, bị cho là một hành động khiêu khích.
Điều này là quá sức đối với một số người, đặc biệt là khi ngài tiếp tục đối thoại với hồi giáo. Một tín nhiệm khác của triều giáo hoàng của ngài, tháng 2 năm 2019, ngài ký “Tài liệu về tình huynh đệ nhân loại” tại Abu Dhabi với Sheikh Ahmed el-Tayeb, viện trưởng người sunni của Viện Đại học al-Azhar ở Cairo, là một tổn thương cho các kẻ thù của ngài, với họ châu Âu kitô giáo sẽ bị đe dọa bởi tiến trình hồi giáo hóa phi mã. Kitô giáo của những phong trào này, dựa trên bản sắc, là tất cả những gì ngài muốn bác bỏ. Ngược lại, ngài tập trung vào “tình huynh đệ giữa mọi người”, sứ điệp trong thông điệp cuối cùng của ngài.
Một Thượng hội đồng thay đổi Giáo hội
Tại Hoa Kỳ, việc cấm án tử hình không được trôi chảy. Kể từ năm 2018, việc lên án này được đưa vào sách giáo lý phổ quát của Giáo hội một cách rõ ràng, và giống như các giáo hoàng tiền nhiệm của ngài, theo Đức Phanxicô, việc cấm án tử hình là một “biện pháp vô nhân đạo xúc phạm phẩm giá cá nhân”. Ở Mỹ, họ cũng không tha cho những thông điệp chống tư bản mạnh mẽ của ngài. Khi ở Santa Cruz, Bolivia năm 2015, ngài lên án “nền kinh tế giết người”, “tư bản được dựng lên thành thần tượng”, “chế độ độc tài tinh vi” này với mùi “phân quỷ” của nó. Những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ cho ngài là “đồng minh của cánh tả Mỹ Latinh!”, là “người theo chủ nghĩa peron, theo chủ nghĩa Mác-xít!”. Còn phần ngài, ngài không từ bỏ vũ khí, ngay ngày đầu tiên khi đến Kinshasa, thủ đô Cộng hòa Dân chủ Congo tháng 1 năm 2023, ngài vẫn giận dữ lên tiếng: “Hãy rút bàn tay của quý vị ra khỏi Phi châu, xin ngừng cướp bóc đất đai củ a họ, xin đừng tiếp tục ăn cắp sự giàu có của họ!”
Đứng trước với quá nhiều kẻ thù, làm thế nào để có thể tiếp tục và duy trì những tiến bộ đã đạt được khi thời gian còn lại quá ít? Chính trị đến cùng, ngài đặt những con tốt của mình lên trên đỉnh Giáo hội. Ngày 1 tháng 7, ngài bổ nhiệm một trong những người bạn thân đồng hương của ngài, giám mục Víctor Manuel Fernández, tổng giáo phận La Plata đứng đầu bộ Giáo lý Đức tin. Việc bổ nhiệm giám mục Fernández vào địa vị then chốt bảo vệ học thuyết bị cho là một tổn thương với những người bảo thủ trong giáo triều và còn hơn thế nữa, với phần lớn hàng giám mục Hoa Kỳ, một trong những tổ chức có thái độ thù địch gay gắt nhất với ngài. Đặc biệt trong việc bổ nhiệm này, ngài viết một thư đi kèm định hướng lại ơn gọi của “Tòa Dị giáo” cũ. Sứ mệnh mới của nó: không còn lên án hay loại trừ nữa, mà là chào đón và hỗ trợ. Ai ? Todos, todos, todos! “Tất cả, tất cả, tất cả!”, khi ngài kêu gọi đám đông cầu nguyện ở Đại hội Giới trẻ Thế giới ngày 3 tháng 8 tại Lisbon. Trong giới phản đối, các cuộc tấn công chống lại giáo hoàng “toàn diện” ngày càng gia tăng, ngài bị nghi ngờ muốn “giải cấu trúc Giáo hội”. Nhưng điều này chẳng là gì so với những gì Thượng Hội đồng về tính đồng nghị có thể tạo ra…
Một dự án to lớn được Đức Phanxicô bắt đầu cách đây hai năm, nhằm mục đích tìm hiểu tất cả những người đã được rửa tội – giáo sĩ và giáo dân – về những gì họ muốn thấy Giáo hội thay đổi. Ngài có ý định liên kết chúng với một hình thức quản trị giáo hội mới không còn theo hình chóp nhưng theo tinh thần “đồng nghị”, nghĩa là các quyết định sẽ được tranh luận và đưa ra tập thể. Và điều này là để đưa Giáo hội trở nên phù hợp với thế giới và các xã hội đang phải chịu rất nhiều thay đổi nhanh chóng và sâu sắc này.
Việc phong chức cho các ông đã lập gia đình, địa vị và trách nhiệm của phụ nữ, chức phó tế cho phụ nữ, bạo lực, lạm dụng, tiếp nhận những người hoặc các cặp vợ chồng bị đẩy ra ngoài cánh cửa của Giáo hội – dù đó là người đồng tính hay thành viên của các gia đình đa thê -, đây là một số chủ đề nóng bỏng, thậm chí mang tính hiện sinh mà Thượng hội đồng bắt đầu họp ở Rôma vào ngày 9 tháng 10 này sẽ phải giải quyết. Thượng hội đồng sẽ kết thúc tháng 10 năm 2024, với những lá phiếu sẽ định hình Giáo hội mà Đức Phanxicô sẽ để lại sau ngài.
Một người sành sỏi về những bí ẩn của Vatican mỉm cười nói: “Một giáo hoàng mưu mô. Sau khi thấy sự phản kháng to lớn do chương trình cải cách của mình gây ra, ngài vẫn tiếp tục nhưng thay đổi phương pháp. Vì phần lớn các giám mục của ngài đã chống lại mong muốn cởi mở của ngài, nên bây giờ ngài cắt đứt với nhóm của ngài, ngài bước ra trận tuyến. Vì tất nhiên, nếu nói chuyện với các tín hữu, chứ không chỉ các giám mục, thì chúng ta có cơ hội chiến thắng nhiều hơn!”
Marta An Nguyễn dịch
Trang bìa tuần báo L’Obs tuần này. Cải cách Giáo hội và cuộc chiến kế vị: trận chiến cuối cùng của Đức Phanxicô.