fr.zenit.org, biết, 2023-09-01
Phái đoàn Giải thưởng “Đó là báo chí” trong cuộc gặp với Đức Phanxicô ngày 26 tháng 8-2023 / Phanxicô © Vatican Media
Sáng thứ bảy 26 tháng 8 năm 2023, Đức Phanxicô tiếp phái đoàn giải thưởng “Đó là báo chí” (È Giornalismo) tại Dinh tông tòa Vatican. Lý do của cuộc gặp là để trao giải danh dự này cho Đức Phanxicô.
Giải “Đó là báo chí” là giải được các nhân vật nổi bật trong nghề như Indro Montanelli, Enzo Biagi, Giorgio Bocca và Giancarlo Aneri thành lập năm 1995. Đó cũng là giải thưởng có giá trị tài chính đáng kể – khoảng 15.000 âu kim. Giải thưởng này từ lâu chỉ được trao cho người ý, Đức Phanxicô là người thứ ba không phải là người Ý nhận giải thưởng này sau một nhà báo người Anh và một nhà báo người Mỹ.
Sau đây là là bài diễn văn nhận giải thưởng của Đức Phanxicô.
Các bạn thân mến, xin chào các bạn!
Tôi xin chào và cám ơn các bạn về cuộc gặp gỡ này cũng như về việc trao giải thưởng “Đó là báo chí”. Như các bạn đã biết, trước khi tôi là giám mục giáo phận Rôma, tôi thường từ chối các giải thưởng như thế này. Tôi chưa bao giờ nhận bất kỳ giải thưởng nào và tôi cũng không muốn có một giải thưởng nào, tôi vẫn tiếp tục như vậy, ngay cả khi tôi là giáo hoàng. Nhưng có lý do khiến tôi chấp nhận giải thưởng này. Lý do này là sự cấp bách của một giao tiếp mang tính xây dựng nhằm cổ động cho văn hóa gặp gỡ chứ không phải một văn hóa đối đầu. Một văn hóa hòa bình chứ không chiến tranh, một văn hóa cởi mở chứ không thành kiến. Các bạn đều là những đại diện xuất sắc của báo chí Ý. Vì vậy, hãy để tôi giao phó cho các bạn niềm hy vọng và nhờ sự giúp đỡ của các bạn. Nhưng tôi không xin các bạn tiền đâu, xin đừng lo!
Hy vọng của tôi là thế này: trong thời đại mà mọi người dường như bình luận về mọi thứ mà không quan tâm đến sự thật, và thậm chí trước khi được thông tin, chúng ta sẽ tìm lại được thói quen trau dồi thực tế. Thực tế luôn tốt hơn ý tưởng, thực tế của sự kiện, tính năng động của sự thật, không bao giờ đứng yên mà luôn phát triển theo hướng tốt hay xấu vì chúng ta không muốn mạo hiểm biến xã hội thông tin thành một xã hội thông tin sai lệch.
Thông tin sai lệch là một trong bốn tội của báo chí. Thông tin sai lệch, khi báo chí không đưa tin hoặc đưa tin xấu. Vu khống (đôi khi xảy ra). Phỉ báng khác với vu khống, nhưng nó có tính hủy diệt. Và cuối cùng là bệnh thích tai tiếng, thích chuyện bẩn thỉu. Những chuyện này làm báo chí bán được. Thông tin sai lệch là tội đầu tiên của các tội này của ngành báo chí.
Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải truyền bá một văn hóa gặp gỡ, đối thoại, một văn hóa lắng nghe người khác và các lý do của họ. Văn hóa kỹ thuật số đã mang lại cho chúng ta nhiều khả năng trao đổi mới, nhưng nó cũng có nguy cơ biến truyền thông thành khẩu hiệu. Không, giao tiếp luôn là đi qua đi về. Tôi nói, tôi nghe, tôi trả lời, nhưng luôn có đối thoại. Đó không phải là khẩu hiệu.
Tôi lo lắng khi có sự thao túng của những kẻ tung tin giả để kích động dư luận. Tôi xin các bạn, chúng ta đừng nhượng bộ trước logic đối lập. Chúng ta đừng bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ của hận thù. Trong hoàn cảnh bi thảm châu Âu đang trải qua vì cuộc chiến tranh Ukraine kéo dài, chúng ta được kêu gọi đánh thức lại ý thức trách nhiệm của mình. Tôi muốn có không gian cho những tiếng nói của hòa bình, cho những người cam kết chấm dứt cuộc xung đột này, giống như rất nhiều người khác, cho những người không nhượng bộ trước logic của Ca-in, logic của chiến tranh, họ vẫn tiếp tục tin tưởng logic hòa bình, đối thoại và ngoại giao.
Và bây giờ tôi xin nói về yêu cầu giúp đỡ của tôi. Chính vào thời điểm này, thời buổi nói thì nhiều, nhưng lại ít lắng nghe và khi ý thức về công ích có nguy cơ suy yếu thì toàn thể Giáo hội bắt đầu cuộc hành trình cùng nhau tái khám phá lời nói. Cùng nhau bước đi, cùng nhau đặt câu hỏi, cùng nhau chịu trách nhiệm về phân định của cộng đồng, có nghĩa là cùng nhau cầu nguyện như các tông đồ đầu tiên. Đây là tính đồng nghị mà chúng tôi muốn thấy trở thành thói quen hàng ngày, dưới mọi hình thức diễn tả.
Phái đoàn Giải thưởng Đó là báo chí trong cuộc gặp với Đức Thánh Cha Phanxicô © Vatican Media
Chính vì mục đích này mà chỉ trong một tháng nữa các giám mục và giáo dân từ khắp nơi trên thế giới sẽ gặp nhau tại Rôma trong Thượng hội đồng hiệp hành để cùng nhau lắng nghe, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau phân định. Lời nói cùng nhau là điều cần thiết. Chúng ta đang ở trong văn hóa loại trừ, một kiểu chủ nghĩa tư bản truyền thông. Có lẽ lời cầu nguyện thông thường cho việc loại trừ này là: “Tạ ơn Chúa, vì con không như thế này hay thế kia, con không…” Đây là cách chúng ta loại trừ chính chúng ta. Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì rất nhiều điều tốt lành.
Tôi hiểu, việc nói về Thượng Hội đồng về tính đồng nghị có vẻ hơi trừu tượng, mang tính tự quy chiếu, quá chuyên môn và ít được công chúng quan tâm, nhưng những gì đã thực hiện năm ngoái sẽ tiếp tục trong tháng 10 này và sau đó là giai đoạn thứ hai. Thượng Hội đồng sẽ tiếp tục năm 2024. Đây là điều thực sự quan trọng đối với Giáo hội. Đó là hành trình được Thánh Phaolô VI bắt đầu vào cuối Công đồng khi ngài thành lập Văn phòng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục vì ngài nhận ra trong Giáo hội Tây phương tính đồng nghị đã biến mất, trong khi ở Giáo hội Đông phương, chiều kích này vẫn còn hiện diện. Hành trình 60 năm này đang mang lại kết quả tuyệt vời. Chúng ta hãy tập thói quen lắng nghe nhau, nói chuyện với nhau và không chặt đầu nhau vì một lời nói. Đó là ân sủng mà chúng ta cần phải tiến về phía trước.
Đó là điều mà Giáo hội cống hiến cho thế giới ngày nay, một thế giới thường không có khả năng đưa ra quyết định, ngay cả khi sự sống còn của chúng ta đang bị đe dọa. Chúng ta thử học một cách mới để sống các tương quan, để lắng nghe nhau, để nghe và theo con đường của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đã mở các cánh cửa. Chúng ta đã mang đến cho mọi người cơ hội tham gia. Chúng ta đã tính đến nhu cầu và đề xuất của mọi người. Chúng ta muốn cùng nhau đóng góp vào việc xây dựng một Giáo hội nơi mọi người đều cảm thấy như ở nhà, nơi không ai bị loại trừ. Lời này của Tin Mừng rất quan trọng: tất cả mọi người. Không có người công giáo hạng nhất, hạng hai hay hạng ba. Tất cả cùng nhau, mỗi người. Chính Chúa mời gọi chúng ta.
Đó là lý do tại sao tôi dám xin sự giúp đỡ của các bạn, những chuyên gia báo chí, giúp tôi mô tả quá trình này như thực tế, bỏ qua logic của những khẩu hiệu và những câu chuyện dựng sẵn. Không, chỉ thực tế thôi. Có người đã nói: sự thật duy nhất, đó là thực tế. Đúng, thực tế! Tất cả chúng ta sẽ được hưởng lợi từ đó và tôi chắc chắn, đây cũng là báo chí, “đó là báo chí”!
Các bạn thân mến, một lần nữa tôi xin cám ơn các bạn về cuộc gặp này, về ý nghĩa của nó đối với cam kết chung của chúng ta với sự thật và hòa bình. Tôi phó thác tất cả các bạn cho lời cầu bàu với Đức Maria và xin các bạn đừng quên cầu nguyện cho tôi!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Phanxicô xin các nhà báo nói với Thượng Hội đồng nên vượt ra ngoài logic của các khẩu hiệu