Một khóa Chào mừng để chào đón các linh mục nước ngoài đến Pháp  

91

Một khóa Chào mừng để chào đón các linh mục nước ngoài đến Pháp

Ba lần một năm, Hội đồng Giám mục Pháp tổ chức một khóa dành cho các linh mục đến Pháp dưới 12 tháng, để họ phục vụ các giáo phận và cộng đồng. Một tuần trao đổi, cầu nguyện và huấn luyện. Chúng tôi gặp họ ở Lisieux (Calvados).

lavie.fr, Anne-Françoise de Taillandier, 2023-06-26

Các linh mục của Hồng ân Đức tin (Fidei Donum) được tiếp đón một tuần ở Lisieux. Linh mục Élie Delplace

Linh mục Jean Roland từ Madagascar đến Nantes bốn tháng trước đó chào mọi người ‘Bonjour!’. Nụ cười tươi của linh mục tương phản với bầu trời xám xịt ở nhà Ẩn thất (Ermitage) hôm đó, đó là căn nhà dành cho người hành hương ở Lisieux (Calvados), nơi linh mục sẽ cùng với 37 linh mục khác của Hồng ân Đức tin (Fidei donum) và hai nữ tu. Dịch vụ Quốc gia Truyền giáo và Di dân (SNMM) của Hội đồng Giám mục Pháp tổ chức hàng năm cho các linh mục mới đến Pháp chưa đầy một năm.

“Phá vỡ định kiến về Giáo hội Pháp”

Linh mục Élie Delplace phụ trách tiếp đón giải thích: “Mục đích của các buổi này là giới thiệu xã hội, văn hóa và Giáo hội Pháp để họ có thể đối thoại, bày tỏ cảm xúc và sống đời sống thiêng liêng sâu đậm.” Có từ 2 đến 3.000 linh mục từ các nước khác đến, họ đang phục vụ tại các giáo xứ, các cộng đồng ở các giáo phận Pháp, với tư cách là linh mục của Hồng ân Đức tin theo những từ đầu tiên trong thông điệp của Đức Piô XII năm 1957, khuyến khích các giám mục trên khắp thế giới để các linh mục của họ đi đến các giáo phận khác hỗ trợ sứ mệnh phổ quát của Giáo hội.

Linh mục Élie giải thích tiếp: “Thật khó để biết chính xác số lượng linh mục được gởi đi theo cách này, vì thường đây là quyết định giữa hai giám mục, không có một sự tập trung nào, và thường cũng khác nhau giữa giáo phận này với giáo phận khác. Chẳng hạn ở Verdun, hơn một nửa số linh mục thuộc Hồng ân Đức tin.” Linh mục Jean Roland đã đến Pháp hai lần để giúp trong các mùa hè trước khi được gởi đi ba năm, có thể gia hạn một lần, với tư cách là một thành viên của Hồng ân Đức tin. Nguồn gốc của sứ mệnh này: liên kết lịch sử giữa giáo phận gốc và giáo phận được gởi đến.

Linh mục Élie cho biết: “Trong số 40 linh mục tham dự khóa, có 37 linh mục đến từ Châu Phi, một từ Việt Nam, một từ Châu Mỹ Latinh và một từ Slovakia.” Các nhóm có chung quốc tịch: Togolese, Congo, Beninese, họ rất vui khi gặp lại nhau sau vài tháng phục vụ tại các giáo xứ, họ thường bị xa nhau.

Tại bàn thảo luận, các trao đổi tiếp tục chung quanh các vấn đề được đề cập đến trong buổi họp sáng nay: “Cuộc khủng hoảng do tội phạm ấu dâm và các con đường để đi ra” với bác sĩ Jean-Louis Dalleine, nhà trị liệu tâm lý và trưởng phòng lắng nghe của giáo phận Évreux. Chủ đề dẫn đến tranh luận đôi khi rất sôi nổi. Bác sĩ Dalleine giải thích: “Chúng tôi có nhiệm vụ làm cho các linh mục hiểu, những gì xảy ra với chúng tôi cũng có thể xảy ra với họ.”

Linh mục Emmanuel Mulowayi-Katumbayi đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo chưa đầy một năm nói: “Tôi đã nghe nói về đồng tính, nhưng tôi vẫn chưa hiểu rõ cụ thể.” Linh mục Benjamin Nkembo-Kuape cũng đến từ Congo đã dự khóa đào tạo về những vấn đề này, linh mục rất vui khi được mở rộng tầm nhìn: “Đồng tính không phải là một căn bệnh, và Giáo hội quy tụ mọi người lại với nhau, không loại trừ ai. Chúng ta biết vấn đề đang tồn tại, vì thế chúng tôi tự hỏi làm thế nào để làm mục vụ trước thực tế này.”

Một ngày trước đó, ông Jean-Christophe Peaucelle, cố vấn về các vấn đề tôn giáo tại Bộ Ngoại giao và châu Âu, đã phát biểu về nước Pháp và chủ nghĩa thế tục. Linh mục Godefroy Lwabeya, 56 tuổi, có 25 năm linh mục, được mọi người gọi là “đại tá” vì linh mục là cha tuyên úy trong quân đội Congo, cha cho biết: “Tôi hiểu đức tin ở Pháp tách biệt với đời sống hàng ngày. Nó giúp tôi hòa nhập tốt.” Linh mục Élie Delplace giải thích: “Chủ nghĩa thế tục, tội phạm ấu dâm, chỗ đứng của giáo dân, sự công nhận của xã hội với chức vị linh mục thì rất khác biệt với châu Phi, tầm quan trọng của sự dấn thân của phụ nữ và sự thiếu vắng người trẻ trong các giáo xứ, tất cả đều là những chủ đề mà các linh mục phải đối diện và giải quyết. Chúng tôi cố gắng cho họ chìa khóa. Đây cũng là việc phá bỏ những định kiến về Giáo hội Pháp, bị cho là đang sụp đổ hoàn toàn.” Linh mục Désiré Mvumbi phục vụ ở Évreux cho biết: “Tôi tưởng tượng Giáo hội Pháp đang chết một chút, nhưng tôi thấy Giáo hội vẫn sống động dù có ít người, các hoạt động của giáo xứ vẫn tiếp tục.”

Linh mục Christian Agbelekpo người Togolese nhấn mạnh: “Có một cái gì đó đã được gieo và nó tiếp tục. Nhiều người Pháp đi tìm một đời sống thiêng liêng, người lớn tuổi vẫn còn đi lễ, họ có kinh nghiệm và có hy vọng.” Khi mới 12 tuổi, linh mục Christian đáp trả ơn gọi bằng cách nói với cha mẹ: “Con muốn đi một chuyến đi”, đi một chuyến đi là vào tiểu chủng viện cách làng 12 cây số. Sau đó, Chúa quan phòng gởi linh mục đi một chuyến đi… đến Vannes, nước Pháp. Vào cuối bữa ăn, một bài hát cất lên với nhiều giọng ca: “Cùng với tất cả người dân Congo, chúng tôi hát để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, cho tất cả các chị em, các bà mẹ của chúng tôi và những phụ nữ có mặt ở đây.” Vào đúng ngày quốc tế phụ nữ, mọi người cười vui.

Một kinh nghiệm về đức khiêm nhường

Buổi chiều được dành cho những trao đổi về hội nhập văn hóa. Các diễn giả từ Phái đoàn Hợp tác Công giáo (DCC) đưa ra hình ảnh đáng chú ý về một quả kiwi trong giỏ chanh. “Kiwi phải cảm thấy thế nào? Làm thế nào các trái chanh đón nhận kiwi cho đúng cách? Tôi có bao giờ cảm thấy mình như quả kiwi chưa?” Mọi người trao đổi về kinh nghiệm của mình trong bầu khí vui vẻ, tất cả nói lên cách mình đối phó với cú sốc văn hóa. Linh mục Jean Roland nhận xét: “Chúng tôi dần dần quen từng chút một với cái lạnh.” Linh mục Việt Nam Phêrô Trần Thanh than thở: “Tôi gặp rất nhiều khó khăn khi học tiếng Pháp.” Linh mục Désiré Mvumbi người Congo nói đùa: “Tôi không ăn phô mai, tôi không thích nó dính vào dạ dày của tôi qua đêm. Tôi vừa thi rớt lái xe thêm một lần nữa, bằng lái của tôi không được công nhận ở Pháp, vì vậy các giáo dân phải chở tôi đi mọi nơi.”

Linh mục Élie Delplace, người tổ chức các khóa “nhìn lại-xem lại” cho các linh mục Hồng ân Đức tin vào cuối sứ mệnh công nhận: “Khi những linh mục này đến khóa Chào mừng, họ tràn đầy nhiệt huyết và năng động, trong mong muốn tái kitô giáo hóa châu Âu, nhưng sau sáu, bảy năm sau, chúng tôi đối diện với những người đã trưởng thành, đương đầu với những tình huống phức tạp hơn là họ nghĩ ban đầu. Giống như tất cả những người truyền giáo ở xa, họ phải trải nghiệm ‘cái chết’ và ‘phục sinh’, điều này đòi hỏi rất nhiều khiêm nhường.”

Linh mục Donald Zago từ Đảo Ngà đến giáo phận Lyon từ tháng 10 ngạc nhiên: “Khi bạn loan báo Tin Mừng, đó là nhằm mục đích hoán cải. Những nhà truyền giáo đầu tiên đến châu Phi với mong muốn này. Bây giờ đến lượt chúng tôi, chúng tôi đến châu Âu và chúng tôi được dặn là không nên làm xáo trộn người dân. Tuy nhiên, sự thái quá của xã hội Pháp bây giờ còn tệ hơn bùa chú của người châu Phi ngày xưa, nhưng chúng tôi được khuyên không nên làm xáo trộn người dân.” Khi khám phá Giáo hội-mẹ, nguồn gốc kitô giáo của đất nước họ, nhiều người ngạc nhiên khi không tìm thấy ở đây những gì họ mong đợi, một linh mục nói: “Ở Pháp, người dân có thể nhận phép rửa mà không buộc phải giữ đạo, ở Cameroon là không thể. Đây không phải là điều mà các nhà truyền giáo đã dạy chúng tôi.”

Linh mục Miguel từ Colombia kín tiếng: “Tôi phải là người pháp với người pháp, giống như Thánh Phaolô là người do thái với người do thái. Bạn phải trở nên giống như người khác dù phải rất cố gắng.” Nhưng linh mục Élie nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa các sứ mệnh của đầu thế kỷ 20 và kinh nghiệm của Hồng ân Đức tin ở châu Âu: “Lịch sử không lặp lại chính nó. Đây không phải là quay trở lại truyền giáo từ Nam lên Bắc. Không giống như các nhà truyền giáo trong quá khứ, các linh mục này chỉ ra đi một vài năm và vẫn rất gắn bó với đất nước và gia đình gốc của họ. Họ không cần phải hội nhập vào một văn hóa, mà phải tự hỏi làm thế nào để mình cởi mở với sự khác biệt trong khi vẫn bám rễ. Chính cuộc gặp gỡ này vừa là nguồn phong phú cho chúng tôi, vừa góp phần vào sự phát triển con người và tinh thần cho họ.” 

Các quan hệ anh em được thiết lập

Sự phong phú của những trao đổi này phần lớn tùy thuộc vào cách cộng đồng chủ nhà đón nhận các linh mục nước ngoài. Linh mục Élie Delplace tiếp tục: “Họ đến để bù vào chỗ thiếu, nhưng chúng tôi phải tự hỏi, làm thế nào đảm bảo để họ không cảm thấy mình là kẻ lấp chỗ trống và trở thành chứng nhân đích thực của đức tin.”

Bà Sylvie, một giáo lý viên ở Chaource, thuộc giáo phận Troyes, bà tháp tùng một linh mục mới từ Brazzaville, Congo đến giáo xứ của bà trong suốt khóa học, bà kể lại sự đón nhận dành cho linh mục: “Linh mục đến thay thế cho một linh mục Đảo Ngà, linh mục này bị rơi vào trầm cảm. Giáo dân phàn nàn, họ nói: ‘Lại thêm một người da đen nữa, thực tế chúng tôi không hiểu họ nói gì’, và giáo dân rất khó chịu khi nghe bài giảng kéo dài. Còn tôi, tôi nghĩ tất cả các linh mục nên theo khóa này với một trong các giáo dân của họ. Chúng tôi rất vui khi có họ, vì thế chúng tôi phải cố gắng để hiểu họ.”

Nữ tu Thérèse, đại diện giáo phận cho Sứ mệnh Truyền giáo hoàn vũ ở Arras, sơ liên hệ với 21 linh mục Hồng ân Đức tin trong giáo phận của sơ, sơ cố gắng thắt chặt các mối quan hệ trong tình huynh đệ, không phải lúc nào họ cũng nhận được trong giáo xứ của họ, sơ than phiền: “Giáo dân muốn các linh mục từ nơi khác đến để cử hành thánh lễ và ban các bí tích, nhưng phần còn lại, họ muốn các linh mục để họ yên. Tôi nhớ các giáo dân tự cho mình như những ông chủ, đến mức họ không giao chìa khóa nhà thờ cho các linh mục!” Sơ nhấn mạnh phải cho các linh mục này một năm thích nghi trước khi nhận ba năm truyền giáo, thay vì phải nhấn chân vào bàn đạp ngay lập tức.”

Mối quan hệ giữa giáo sĩ và giáo dân là một trong những điều mới lạ được khám phá, điều này buộc những linh mục từng là nhân vật có quyền ở đất nước họ phải khiêm tốn. Linh mục Élie nói: “Một số linh mục đã giữ trách nhiệm lớn như cha xứ hoặc giám đốc chủng viện, họ chẳng là gì khi đến Pháp, thật đáng buồn. Một linh mục tôi biết, là linh mục tổng đại diện ở giáo phận gốc, một giáo dân nhận xét, linh mục này đã ký tất cả thư từ với chữ cuối, ”trong khiêm tốn”.

Linh mục David 36 tuổi, được biết đến ở giáo xứ Lomé, trước khi được giám mục của cha gởi đi truyền giáo ở Seine-et-Marne, linh mục nói: “Giám mục gởi người ngài tin tưởng vì chính danh tiếng của ngài cũng sẽ bị liên hệ theo, nhưng đó là món quà quảng đại của ngài. Và mỗi chúng tôi thực sự đã hy sinh rất nhiều khi ra đi. Nhưng Giáo hội phổ quát là dành cho Chúa Kitô, nếu chúng tôi đã nói xin vâng với Ngài, thì chúng tôi chấp nhận tất cả.”

Linh mục Benoỵt Hagenimana, người gốc Rwanda, xúc động trước lòng hiếu khách của người Pháp, cha được các giáo dân tận tụy đón nhận, cha quyết định nhập giáo phận Créteil, cha là linh mục đại diện của tòa giám mục trong nhiều năm, sau khi đến Pháp với tư cách là linh mục sinh viên và là một trong những linh mục Hồng ân Đức tin đầu tiên của giáo phận Toulouse vào đầu những năm 1990. Linh mục làm chứng: “Tôi vẫn còn gắn bó với đất nước gốc của tôi và cộng đoàn đã hình thành nên tôi, nhưng tôi cảm thấy sứ mệnh chức thánh của tôi được triển nở ở đây hơn ở đó.” Giáo phận Créteil ngày nay được kết nghĩa với giáo phận Butare, ở Rwanda, giáo xứ Saint-Maur-des-Fossés hiện tại của linh mục hoàn toàn do các linh mục Rwanda cai quản.

Thấu hiểu nhu cầu cộng đồng

Cuối giờ kinh chiều ở nhà nguyện Ẩn thất, bài Magnificat được cất lên một cách tự nhiên trước khi một nghi thức khác diễn ra ở tiền sảnh: đó là trận bóng đá PSG-Bayern Münich. Tập trung xung quanh màn hình nhỏ, các linh mục nhiệt tình với những cầu thủ “từ nơi khác đến”. Một linh mục bình luận: “Cầu thủ này từ bộ lạc của tôi, nhưng bây giờ anh là người Đức, anh không đấu cho Congo được nữa”.

Họ giữ lại gì từ khóa này? “Tôi hiểu, sứ mệnh trước hết là quan sát, sau đó là thích nghi với nhu cầu của cộng đồng được giao cho tôi. Tôi không đến như Thiên sai, nhưng như một tín hữu kitô gặp các tín hữu khác.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Linh mục từ các nơi khác đến: lòng biết ơn và thực tại vào giờ kết toán
Các linh mục từ nơi khác đến, ơn gọi ở đây!
“Điều tôi muốn là được trở thành một linh mục thánh thiện”