Linh mục từ các nơi khác đến: lòng biết ơn và thực tại vào giờ kết toán

56
Linh mục từ các nơi khác đến: lòng biết ơn và thực tại vào giờ kết toán
Sắp đến ngày về lại quê hương. Các linh mục Hồng ân Đức tin (Fidei donum) nhìn lại kinh nghiệm và chia sẻ những khám phá, niềm vui và thực tế của các giáo xứ họ phục vụ.
lavie.fr, Anne-Francoise de Taillandier, 2023-06-27
Hàng chục linh mục thảo luận về chức vụ của họ và thực tế họ gặp trên địa bàn. CORINNE SIMON
Tại nhà mẹ của các tu sĩ Hội Truyền giáo Ladarô, nơi rất nhiều nhà truyền giáo từ thế kỷ 17 ra đi, rất ít người mang cổ cồn la-mã nhưng nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt họ. Hàng chục linh mục Hồng ân Đức tin tham dự “khóa đi về-nhìn lại” được Dịch vụ Quốc gia Truyền giáo và Di dân (SNMM) của Hội đồng Giám mục Pháp tổ chức khi nhiệm vụ của họ ở Pháp sắp kết thúc.
Họ cho biết, “Đây là năm thứ bảy tôi ở Rodez, tôi chờ vé máy bay để về Đảo Ngà mùa hè này”, “Tôi đã sống sáu năm ở Aix-en-Provence và tôi sẽ về Cộng hòa Dân chủ Congo”, “Tôi đến giáo phận Autun năm 2017 và sẽ về Madagascar mùa hè này”.
“Một kinh nghiệm rất đẹp và tích cực”
Giữa giữa những kỷ niệm tốt đẹp đã qua và tương lai không chắc trước mặt, bầu khí tuy vui vẻ nhưng vẫn còn những câu hỏi đang chờ. Linh mục Élie Delplace phụ trách các khóa Chào mừng (Welcome) cho các linh mục khi họ bắt đầu sứ vụ nhận xét: “Các linh mục mới đến Pháp, họ đặt những câu hỏi cơ bản nhưng hơi ngây thơ; sau vài năm họ đặt những câu hỏi sâu sắc hơn. Họ có cái nhìn thực tế về kinh nghiệm của mình, hiểu rõ cuộc sống hơn và những vấn đề của những người họ gặp, họ có khả năng đưa ra các sáng kiến truyền giáo.” Một nửa các linh mục tham dự các khóa chào mừng này khi họ đến.
Trong nhà nguyện nhỏ của Tu hội Truyền giáo Vinh sơn (dòng Thánh Ladarô), bài thánh vịnh được cất lên một cách tự nhiên trong thánh lễ và giờ kinh chiều để kính các thánh tông đồ Philiphê và Giacôbê: “Thông điệp của họ đi khắp trái đất.” Chủ đề của ngày là “Vượt qua”, đoạn Chúa Giêsu sống lễ Vượt Qua của Ngài, vào thời điểm đó, sứ mệnh của Ngài gần như thất bại, vị chủ tế nhận xét sau khi đọc Tin Mừng.
Nhưng trực giác của họ rất tích cực. Nhiều linh mục trong số họ được giáo dân nhân từ đón nhận. Linh mục Wilson Wilson Rakotonirina nói: “Khi rời Madagascar, tôi nghĩ người Pháp theo chủ nghĩa cá nhân, nhưng khi đến giáo phận Autun, tôi lại thấy một thực tế khác: giáo dân đã giúp đỡ tôi rất nhiều, họ mời tôi về nhà và rất muốn gặp tôi”, linh mục giữ liên lạc với các bạn Pháp của mình. Linh mục Guillaume Mingiebe, từ Cộng hòa Dân chủ Congo nhận xét: “Bà Colette, một giáo dân ở Épernay, dù tuổi cao nhưng bà còn lái xe, bà chở những ai không có phương tiện đi lại để đưa họ đi lễ. Bà mời các bạn đến nhà ăn bánh quy bà tự làm. Bà là một trong những giáo dân mang lại an ủi lớn lao cho tôi về mặt tinh thần. Ở Pháp, giáo dân sống đức tin của họ hàng ngày.” Linh mục là linh mục Hồng ân Đức tin trong giáo phận Châlons-en-Champagne từ ba năm nay.
Trước khi đến Âu châu, nhiều linh mục sợ phải phục vụ trong những nhà thờ vắng người, và họ đã ngạc nhiên thú vị khi thấy tinh thần kiên trì của giáo dân và cách sống đức tin của họ. Linh mục Wilson Wilson Rakotonirina nhận xét: “Ca đoàn giáo xứ Digoin của tôi ít tập hát nhưng họ tham gia tích cực vào đời sống xã hội và các hội đoàn; họ yêu thương đón nhận người tị nạn.” Linh mục François Oliano, giáo phận Perpignan phụ trách truyền giáo cho biết thêm: “Đúng là có ít người đi lễ, nhưng trong các tang lễ, đám cưới và lễ rửa tội thì nhà thờ thường thiếu chỗ, nên chúng tôi phải nắm những dịp này để làm mục vụ”, linh mục sẽ về lại Guinea Conakry vào tháng 9. Đa số các linh mục cho biết, kinh nghiệm truyền giáo ở Pháp là tốt đẹp và rất tích cực. 
Những lúc khó khăn
Tuy nhiên trong bữa cơm tối, các trao đổi nói lên những lúc khó khăn. Linh mục Guillaume Mingiebe nhận định: “Khi thấy trong lòng Giáo hội, giữa các linh mục với nhau vẫn có phân biệt chủng tộc, điều đó tác động mạnh đến tôi. Một số linh mục nghĩ chúng tôi đến để xâm chiếm họ, họ cho rằng người Phi châu đến đây vì tiền chứ không phải linh mục mang lời Chúa.” Linh mục Élie Delplace nói thêm: “Một số gia đình yêu cầu rõ ràng không để linh mục da đen cử hành tang lễ, nhưng đó chỉ là giai thoại.”
Dù sao sự thích ứng là cần thiết khi đối diện với sự khác biệt về văn hóa, kể cả trong mối liên hệ với cái chết. Linh mục Védaste Nsengiyumva kể lại: “Đã có lần tôi ở một mình với người hấp hối để ban các bí tích; một trong các bạn của tôi đã ôm một người chết trong tay của anh, họ không có người thân thích. Với chúng tôi, đây là cú sốc văn hóa. Vì ở Rwanda, điều này là không thể tưởng tượng được, cả làng sẽ đến bên cạnh tang gia.” Linh mục Fidèle Feruzi người Congo phục vụ ở giáo phận Aix-en-Provence ngạc nhiên thấy sự khác biệt đáng kể trong việc công nhận địa vị của linh mục: “Linh mục bị cho là người của thờ cúng, người cung cấp dịch vụ. Khi dâng thánh lễ, họ biết đó là linh mục nhưng ra đường họ gọi chúng tôi là ông.”
Dù hầu hết các linh mục này thông thạo tiếng Pháp, nhưng ngôn ngữ cũng là trở ngại với một số linh mục. Linh mục Lota-Germain Konate là tín hữu duy nhất ở Burkina Faso, cha học tiếng Pháp khi 18 tuổi, cha kể: “Khi tôi giảng bài giảng đầu tiên ở giáo phận Versailles, cuối thánh lễ, một phụ nữ đến nói với tôi bà không hiểu gì. Vì thế tôi phải tập nói to, chậm rãi và phát âm chuẩn.”
Cha có lời khuyên nào cho những linh mục truyền giáo mới đến thấy mình phải đứng trước các khác biệt văn hóa này? Linh mục Noël Baya, người gốc Burkina Faso, đang phục vụ ở giáo phận Verdun cho biết: “Phải nghe nhiều. Dù mình nghĩ mình đã có kinh nghiệm linh mục nhưng khi ở một văn hóa khác, mình phải quan sát rất nhiều và nhận lời khuyên.”
Các sự kiện thời sự hiện nay như các vụ đình công liên quan đến tuổi về hưu, dịch bệnh Covid, báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (báo cáo Ciase) cũng tác động trên sứ vụ của họ tại Pháp. Linh mục Lota-Germain Konate nhớ lại: “Tôi xấu hổ và thất vọng khi phát hiện báo cáo Ciase, nhưng hy vọng là có thể.” Sự khác biệt giữa mong chờ và thực tế tại địa bàn có thể làm ngạc nhiên, linh mục Hervé Amoussouhoui, người gốc Bénin cho biết: “Giống như bất kỳ người châu Phi nào, tôi biết nước Pháp qua những gì truyền thông đưa tin: thành phố, xe hơi, nhà đẹp…, nhưng tôi lại gặp những người buồn bã, những người cảm thấy xấu với chính mình. Kinh nghiệm của tôi ở đây đã cho tôi có một cái nhìn công bằng hơn về châu Âu và về Giáo hội với những điểm yếu của nó”. Linh mục Pierre Labo cũng có nhận xét tương tự về Giáo hội công giáo: “Khi tôi rời Cameroon, tôi tin chắc khi đến Pháp, tôi sẽ đến cội nguồn của đức tin: vì một người Pháp đã rửa tội cho tôi, và giám mục đầu tiên của giáo phận tôi là người Pháp. Vì vậy, khi tôi dâng thánh lễ đầu tiên ở đất nước này, với năm, sáu giáo dân trước mặt, tôi tự hỏi mình sẽ học được gì từ những người này, những người đã mang đạo công giáo đến cho chúng tôi. Nhưng khi đi về, tôi nhận ra B.A.-BA của sách giáo lý không còn nữa. Thật là một bất ngờ lớn: Tôi không thể tưởng tượng được người Pháp không còn đức tin nữa.”
Những ghi nhận và các khác biệt văn hóa này đã giúp họ biến những năm tháng ở Pháp thành kinh nghiệm truyền giáo thực sự theo đặc sủng riêng của mỗi người. Linh mục Bernard Koffi ở Đảo Ngà, phục vụ ở giáo phận Rodez tin chắc: “Hơn cả kiến thức, các linh mục châu Phi mang đến sự gần gũi của con người và một ý nghĩa của cộng đồng, ngược với cá nhân chủ nghĩa.” 
Và bây giờ?
Một vài tháng trước khi trở về quê hương, các linh mục này bị dao động, giữa nỗi nhớ, lòng biết ơn, những điều không chắc chắn và những kế hoạch cho tương lai. Linh mục Lota-Germain Konate ghi nhận: “Có một gắn bó thực sự, nhưng việc ra đi là một phần trong bản sắc truyền giáo, trong cuộc sống của chúng tôi với tư cách là linh mục nói chung”. Linh mục Noël Baya nói: “Đã đến lúc.” Còn linh mục Célestin N’Guessan, từ Đảo Ngà chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi vâng lời giám mục của tôi, nhưng tôi muốn được tham khảo hơn. Vẫn còn nhu cầu ở đây.” Trong phòng họp của Tu hội Truyền giáo Vinh sơn, linh mục Éric Millot, giám đốc Dịch vụ Quốc gia Truyền giáo và Di dân của Hội đồng Giám mục Pháp, ngài cũng từng là linh mục Hồng ân Đức tin ở Chad, đặt câu hỏi: “Kinh nghiệm sống này, tôi phải làm gì với nó cho cuộc sống của tôi và cho việc phục vụ Giáo hội?”
Wilson Wilson Rakotonirina, người đã tận dụng thời gian ở Pháp để học về hệ thống tổ chức và sáng tạo kinh doanh, dự định dùng kỹ năng của mình để mở chương trình chống đói nghèo ở Madagascar. Tất cả sẽ tìm lại chỗ đứng của mình trong cộng đoàn mà họ đã rời đi trong vài năm. Linh mục Lota-Germain Konate nhận xét: “Dù muốn hay không, sự vắng mặt đã làm thay đổi, vì thế phải thích nghi lại.” Linh mục Éric Millot khuyên họ nên bỏ thì giờ để viết kinh nghiệm những gì mình đã sống để có thể hữu ích cho người khác. Theo linh mục Bernard Koffi, viết lại kinh nghiệm sống là cũng đứng về phía các giáo xứ và các cộng đồng đón nhận: “Để cải thiện mọi thứ, việc đánh giá nên được thực hiện theo cả hai hướng.”
Một hiến chương cho sứ vụ
Giám mục Denis Jachiet, giáo phận Belfort-Montbéliard, Chủ tịch Hội đồng Truyền giáo Phổ quát của Giáo hội ghi nhận: “Việc tiếp nhận các linh mục Hồng ân Đức tin là một câu hỏi chúng tôi đặt giữa các giám mục. Năm 2017, hội nghị khoáng đại đã xác định một hiến chương để phối hợp các cách làm việc của chúng tôi. Xác định một số nguyên tắc thiết yếu, trong đó gồm: việc gởi đi có sự đồng ý của giám mục này với giám mục kia, dẫn đến một quy ước, sẽ diễn ra trước tiên trong một năm khám phá trước khi bổ nhiệm ba năm, cần phải có sự chuẩn bị của các cộng đồng đón nhận, sau đó là theo dõi và đào tạo đặc biệt cho các nhà truyền giáo. Đây là những thực tiễn đã được tiến hành, nhưng cần được thống nhất.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Các linh mục từ nơi khác đến, ơn gọi ở đây!
Một khóa Chào mừng để chào đón các linh mục nước ngoài đến Pháp
“Điều tôi muốn là được trở thành một linh mục thánh thiện”