Triết gia Laurence Devilllairs: “Không nên biến Blaise Pascal thành người mộ đạo”

180

Triết gia Laurence Devilllairs: “Không nên biến Blaise Pascal thành người mộ đạo”

Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh Pascal, triết gia Laurence Devillairs nói lên tầm quan trọng quan điểm triết học của Pascal, vượt ra ngoài chủ đề tôn giáo của ông. Bà Laurence Devillairs, Trường Cao đẳng Hành chánh, tiến sĩ triết, giáo sư thỉnh giảng ở Paris 1 Panthéon-Sorbonne

la-croix.com, Élodie Maurot, 2023-06-19

Bà Laurence Devillairs là tác giả quyển Triết học Pascal. Nguyên tắc khắc khoải. Hannah Assouline

Xin bà cho biết, bà nhìn thế nào về mối quan hệ rất đặc biệt của người Pháp với tác phẩm và hình ảnh của Pascal?

Laurence Devilllairs: Tôi nghĩ có một nền triết học Pháp, vượt ra khỏi biên giới quốc gia, gồm cả Pascal và cả Nietzsche, người khẳng định “dòng máu Pascal” chảy trong huyết quản ông và ông chỉ “viết theo dưới sự chỉ bảo của Pascal”. Triết học kiểu Pháp này đặc biệt đặt câu hỏi về cái tôi, nói một cách khác, đó là một phát minh của Pascal. Vì thế triết học này trộn cả các hình ảnh và ý tưởng. Nó có một giọng điệu mỉa mai và đạo đức, theo nghĩa nó nói lên sự nực cười và lo lắng, những lang thang lầm lạc và những khát vọng của con người. Pascal là liều thuốc giải độc cho văn hào Pháp Voltaire: đó là người tín hữu kitô cay độc, thông minh, người đưa ra ánh sáng những điểm yếu và sự vĩ đại của chúng ta, người cười nhạo, đồng thời làm cho chúng ta sợ hãi.

Điều gì giải thích cho bà di sản của ông? Cùng với Thánh Augutinô, ngày nay có lẽ ông là nhà thần học duy nhất được người bên ngoài Giáo hội đọc…

Pascal là người thừa kế của Thánh Augutinô, trong phong cách, trong luận điểm được bảo vệ và trong thực tế rằng điểm khởi đầu là con người nội tâm, thậm chí còn hơn thế nữa: con người mà tôi là, tôi. Điểm khởi đầu mật thiết” này đương đầu với cùng lúc với sự không thể an ủi của chúng ta – “không gì có thể an ủi chúng ta”, chúng ta đọc trong Tư tưởng – và với khát vọng của chúng ta về một điều gì đó vĩ đại hơn chính chúng ta – “Con người vượt xa con người vô cùng,” Pascal nói. Ngay từ đầu, chúng ta đã bị các tác giả này đưa lên tàu.

Tư tưởng thì cũng giống như Tự thú của Pascal: chúng bao gồm rất ít luận điểm hoặc sự phát triển thần học, nhưng chúng đưa ra một mô tả về thân phận con người. Nhà thần học Pascal không phải là nhà thần học của Tư tưởng, mà là của các Bài viết về ân sủng hay các tác phẩm thiêng liêng như Cẩm nang các bệnh hay Về sự hoán cải của kẻ có tội. Nếu Pascal chỉ viết những loại sùng kính này, chúng ta sẽ không còn đọc ông nữa… hay ít nhất ít đọc như của Bérulle chẳng hạn.

Pascal cũng như Âugutinô thành công trong việc viết thần học cho mọi người, một tác phẩm của trí tuệ và đức tin, nơi triết học và kitô giáo tạo nên một liên minh. May mắn thay, kitô giáo có thể dùng di sản này! Đó là một di sản vô giá.

Khắc khoải của Pascal là gì, những khắc khoải mà bà đã đưa ra rất khéo léo trong quyển sách mới nhất của bà (1), khắc khoải này có gần với khắc khoải của con người thế kỷ 21 không?

Tôi luôn cảm thấy chán với những bài đọc của Pascal theo thuyết nhị nguyên manikêô: một mặt là hạnh phúc của người trở lại, mặt kia là khốn cùng của con người không có Chúa; một bên là ân sủng, một bên là tội lỗi. Giữa tự nhiên và ân sủng, là con người khắc khoải chống với con người giải trí. Bằng những thú vui liên tục của chúng ta – từ chính trị đến khoa học, từ bàn đánh bài đến qụy lụy nịnh thần, chúng ta quay lưng lại với suy nghĩ về bản thân, về ý nghĩa của sự tồn tại chúng ta.

Người ta thường nói nơi Pascal, giải trí là cách để không nghĩ đến cái chết. Nhưng đó là một cách ngắn gọn để không suy nghĩ gì! Vì nghĩ về những gì chúng ta là và làm, chúng ta sẽ thấy những gì chúng ta không muốn nhìn thấy. Như thế sẽ hiểu “không gì có thể an ủi chúng ta”. Chúng ta không thể an ủi được và chúng ta dành cả cuộc đời để khất thực an ủi… nhưng không có.

Ngược lại, lo lắng là nhìn thẳng vào cuộc sống, đối diện với sự thật và thực tế, sự khủng khiếp của thực tế, theo cách nói của Pascal. Để suy nghĩ, trước hết chúng ta phải lo lắng. Pascal muốn khuấy động những tiện nghi của chúng ta, quấy rầy những bình yên hão huyền của chúng ta. Tôi thấy chúng ta không có đủ chỗ cho sự lo lắng này, trong khi với Pascal, đó là một trong những đặc điểm của thân phận con người, cùng với sự buồn chán và vô thường.

Trong dự án biện giải rất tấn công của ông, Pascal muốn làm cho người không có Chúa bối rối. Có phải ông cách xa tính hiện đại của chúng ta như vậy sao?

Về phần tôi, tôi nói về triết lý của Pascal. Tôi lấy làm tiếc, tác phẩm Tư tưởng của ông bị giảm xuống thành biện giải, làm cho chúng ta lướt qua quá nhanh và thậm chí bỏ lỡ sức mạnh khái niệm liên quan đến nó. Giải trí, mà chúng ta vừa nói đến, là một khái niệm.

Nó hoạt động trong phạm vi biện giải, dĩ nhiên, nhưng nó cũng hoạt động như một khái niệm tự trị: làm thế nào để giải thích sự kích động, sự bận rộn quá mức, hoạt động điên cuồng, nỗi ám ảnh của chúng ta với làm – đi bộ đường dài, thiền định…? Nếu bản thân cuộc sống đã là một hạnh phúc, tại sao cứ phải “giải trí” không ngừng? Đây là những gì Pascal cho thấy. Và tôi không thấy một phân tích hiện đại nào mạnh mẽ như thế.

Cuộc tìm kiếm hạnh phúc này liên tục tạo thất vọng, vì những gì chúng ta mong muốn vượt quá mong muốn của chúng ta, cái khao khát điều tuyệt đối này, nếu bạn muốn, không có hiện đại nào mô tả nó một cách mạnh mẽ như vậy. Tôi nghĩ, với điều kiện đừng biến Pascal thành người sùng đạo, mà phải đọc ông như một triết gia, thì chúng ta mới có thể hiểu được sức mạnh khái niệm này đã hoạt động trong quyển Tư tưởng. Nó hơi ngắn nếu chỉ xem đó là một biện giải cho kitô giáo. Tất cả tín hữu kitô không phải là Pascal! Ngược lại.

Điều gì hấp dẫn bà nhất trong tác phẩm của ông? 

Tôi bị Pascal mê hoặc từ rất nhỏ, nhưng tôi dè chừng với những mê hoặc của tôi. Tôi trở lại với Pascal và tôi sẽ không bao giờ xa ông nữa, nhờ công lao của Philippe Sellier, người đã dạy tôi mọi thứ. Pascal đối với tôi là một trường học của tự do, và tôi không thể nghĩ ra điều gì quý giá hơn, cho đức tin cũng như cho triết học.Triết học Pascal.

Nguyên tắc khắc khoải (Philosophie de Pascal. Le principe d’inquiétude, Laurence Devillairs. Nxb. PUF)

Marta An Nguyễn dịch

“Với người cùng thời chúng ta, đa thần hiệu quả hơn đơn thần”