Linh mục Étienne Grieu: thần học gia của người bị sỉ nhục và người bị què quặt

63

Linh mục Étienne Grieu: thần học gia của người bị sỉ nhục và người bị què quặt

Dấn thân để giúp những người có hoàn cảnh rất bấp bênh và là giám đốc của Trung tâm Sèvres ở Paris, linh mục Dòng Tên chứng minh cho thấy nghèo đói là một vấn đề thần học chứ không chỉ là một vấn đề luân lý.

famillechretienne.fr, Clotilde Hamon, 2023-05-16

Chúng tôi gặp linh mục Étienne Grieu trong văn phòng nhỏ và khiêm tốn của cha ở Trung tâm Sèvres phong phú, một phân khoa Dòng Tên ở Paris, nơi cha dạy thần học và hiện là hiệu trưởng từ năm 2017. Cha nói với nụ cười dịu hiền và nồng ấm: “Chúng tôi có 350 sinh viên, trung tâm như một doanh nghiệp nhỏ”, đó là ngọn cờ tiên phong của Học viện Công giáo Paris, đã đào tạo 10.000 sinh viên, ở bên kia Đại lộ Raspail.

Trong hơn hai mươi năm, linh mục Dòng Tên 61 tuổi, kiên cường làm mục vụ giới trẻ và trong môi trường bình dân ở vùng ngoại ô Paris, người đối lập với một bộ máy. Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm nổi tiếng Paris (École normale supérieure), tiến sĩ địa lý và tiến sĩ thần học, thành viên của La Pierre d’Angle, một hội huynh đệ với những người ở những nước kém phát triển, cha làm việc trong nhiều năm để đào sâu những vấn đề thần học lớn dưới ánh sáng của những người ở trong những tình huống bấp bênh. “Khách hàng” của cha không xa với khách hàng của Chúa Kitô trong Tin Mừng: những người phải đi cầu xin, những người cơ cực, những người bị khinh miệt, những người bị bệnh, những tội nhân công khai, những người bị quỷ ám, những người kiệt sức. Những người mà Chúa Giêsu không vui khi đón nhận, nhưng Ngài đặc biệt đón nhận đức tin của họ, nhưng ngược lại, Ngài luôn ngạc nhiên về sự thiếu lòng tin của các môn đệ.

Chính trong lãnh vực này mà quyển sách mới nhất của cha khẳng định lại lời đáng lo ngại của Thánh Vinh Sơn Phaolô: “Người nghèo là thầy của chúng ta.” Một Thiên Chúa không không tính toán (Le Dieu qui ne compte pas, nxb. Salvator) đảo ngược những khuôn sáo thường nghèo nàn và theo khuôn thức chung quanh vấn đề người nghèo nơi người tín hữu kitô cũng như nơi những người khác. Cha làm rung chuyển thứ bậc sai lầm giữa các môn đệ và người vô gia cư, khi bước vào trong sự trần trụi của đức tin. Và làm sống lại mối quan tâm về vị trí mà chúng ta tự gán cho mình trong thang bậc tông đồ.

Một người bạn đồng hành lâu dài với những người bị bỏ rơi

Dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt dễ mến của một chàng rể lý tưởng, nhân cách kín đáo, cơ bản hướng về người khác, từ kinh nghiệm đồng hành với những người bị bỏ rơi, cha có nhân cách của một người khiêm tốn trước mọi thử thách. Khi chúng ta nói về người nghèo, chúng ta phải chú ý đến những gì chúng ta đang nói: đừng nhầm lẫn giữa khó nghèo theo Tin Mừng mà Giáo hội kêu gọi, với sự khốn cùng khi “tấn công con người đến tận tâm can”. Chúng ta cần nhớ trong đầu, kinh nghiệm kinh khiếp của sự nghèo đói cùng cực sẽ không thể làm cho người chưa có kinh nghiệm này thấm được.

Linh mục Grieu nói: “Chăm sóc người nghèo tối thiểu phải là một nghĩa vụ đạo đức, một trách nhiệm đạo đức. Nhưng vì Giáo hội không phải là một tổ chức Phi chính phủ đơn giản, như Đức Phanxicô thường lặp lại, chúng ta phải vượt qua điều này và hiểu rằng người nghèo có điều gì đó để dạy chúng ta. Thật rất khó để chấp nhận. Một cách tự nhiên, chúng ta xem người nghèo như một vấn đề cần giải quyết, là người cần được giúp đỡ. Học cách lắng nghe người nghèo sẽ đi ngược lại mọi phản xạ của chúng ta. Vì chúng ta phải có khả năng xem những người không có chuẩn mực, những người đang bị đe dọa loại ra khỏi xã hội loài người là những người đối thoại chính đáng; để tâm hồn xúc động trước ‘tiếng kêu’ của họ, những tiếng kêu không thuận tai trong những câu chuyện hàng ngày, làm xáo trộn các hoạt động bình thường của chúng ta khi những tiếng kêu này làm bật lên những vấn đề lớn về nguồn gốc, số phận và ý nghĩa của cuộc sống.”

Tận tâm lắng nghe và đồng hành

Mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa được thiết lập như thế nào trong cuộc sống con người: đây là câu hỏi đã làm cho linh mục hết lòng theo gương Thánh Inhaxiô quan tâm: tận tụy lắng nghe và đồng hành. Hành trình của những người tin, đọc lại cuộc sống, ngay cả và nhất là khi cuộc sống chỉ treo trên đầu giây sợi tóc. Và Thiên Chúa đã mạc khải như thế nào trong chiều sâu nhân loại, với những lúc an ủi sầu khổ, những lúc chết chóc, những lúc mạnh mẽ, những lúc vấp ngã và trỗi dậy của con người.

Một ý thức cụ thể được rèn luyện từ thời thơ ấu trong một gia đình công giáo ở Rouen, với cha mẹ sinh hoạt trong giáo xứ và một người chú linh mục đã cho ngài một tầm nhìn rất hiện thực và sống động về Giáo hội, thấm đậm những giai thoại bình dị trong đời sống giáo xứ. Trong số những nhân vật quan trọng trong hành trình đức tin của linh mục phải kể đến linh mục Michel Quoist (1921-1997) ở Le Havre, tác giả thiêng liêng và là nhân vật cuốn hút của giới trẻ thời bấy giờ, họ gặp nhau ở ban tuyên úy.

Linh mục kể: “Ở tuổi thiếu niên, mối quan hệ của tôi với Chúa ít có tính cách riêng tư. Khi đó linh mục Quoist đã loại bỏ trong tôi mối nghi ngờ rằng việc tin vào Chúa sẽ làm giảm nhân tính nhân loại của chính chúng ta. Tôi cảm thấy như ở trong nhà của cha, nhà các tu sĩ Dòng Tên, nơi gặp gỡ Chúa song hành với việc tái khám phá nhân tính của chúng ta”, cha vào tập viện Dòng Tên ở Lyon năm 24 tuổi cùng lớp với các đồng hữu François Boëdec và Jérôme Gué, hai nhân vật dấn thân trong thế giới Ignatiô và họ luôn giữ mối quan hệ rất bền chặt.

Những bậc thầy kinh ngạc trong hy vọng

Linh mục Étienne Grieu tâm sự: “Những người nghèo nhất mà cuộc sống của họ thường tồn tại bên bờ vực hỗn loạn, một cuộc sống gần như bị tấn công đến tận gốc, không được chúc lành, và họ luôn đứng dậy sau những vấp ngã, họ là những bậc thầy đáng kinh ngạc về hy vọng.” Cha trích dẫn rất nhiều về những người mà Giáo hội gặp ở những trung tâm tiếp đón: cùng chia sẻ chỗ ở, hành hương, các phong trào, các nhóm Lời Chúa…: “Những người không ai để ý, nhưng họ thực sự trông cậy vào Chúa, họ giúp chúng ta nhận thức cách Thiên Chúa hành động trong sự hiện hữu của họ và cùng đi với họ. Cuộc đời của họ là tiếng vang tự phát cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Kitô, trong lời loan báo Ơn Cứu Độ, không dễ nghe khi chúng ta tin chắc vào sức mạnh và công trạng của mình.”

Người nghèo có mức độ tương quan với Chúa khó thực hiện khi chúng ta bị đè nặng vì quá nhiều an toàn, dù là hiện sinh hay thiêng liêng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chiếc thắng mạnh nhất cho sự thỏa mãn tâm hồn là thoải mái, chứ không là một từ chối có ý thức với Chúa như người ta thường nghĩ? Nhà thần học so sánh những câu chuyện sa ngã và trỗi dậy này với lịch sử của người do thái, quan hệ Giao ước của họ với Chúa, mối liên hệ của họ với lời hứa, trái ngược với trí tưởng tượng tiến bộ do an toàn hiện sinh tạo ra. Câu hỏi dấn thân cho toàn Giáo hội: “Dân tộc mà chúng ta thành lập có được Giao ước hỗ trợ hay đó là một tổ chức chỉ chấp nhận những người có khả năng chứng minh kỹ năng của họ?”

Điều này luôn thay đổi tầm nhìn hoán cải của Giáo hội và mối quan hệ này với hiệu quả. Sau khi đã làm mọi cách để xua đuổi những kẻ quấy rầy và những kẻ ăn xin không ngừng bám theo Chúa Giêsu, các môn đệ đã dành cho họ vị trí đầu tiên trong Tân Ước, nơi mà nhiều điều xảy ra nhờ những người mà trước đó chúng ta nói chẳng có gì để chờ ở họ.

Linh mục Grieu nói thêm: “Không có người nghèo, Tin Mừng không được loan báo, và các môn đệ vẫn là những người què, bị cản trở vì một tầm nhìn quá con người về thành công sẽ có bằng cách bỏ lại phía sau những người làm chậm tiến trình. Chúng ta phụ thuộc vào nhau, và tất cả phụ thuộc vào Chúa. đây không phải là một lệ thuộc làm chúng ta tha hóa, nhưng ngược lại làm chúng ta trở nên chính mình.”

Và đó là cách hoạt động của công việc cứu rỗi.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch