Giải Nobel Kenzaburo Oé, người con trai khuyết tật và đàn ngỗng trời

134
Giải Nobel Kenzaburo Oé, người con trai khuyết tật và đàn ngỗng trời
Shutterstock I LABETAA Andre
fr.aleteia, Henri Quantin, 2023-03-22
Nhà văn Henri Quantin vinh danh Kenzaburo Oé, người được giải Nobel văn chương năm 1994 vừa qua đời ngày 3 tháng 3 năm 2023. Ông Kenzaburo Oé có người con trai bị thiểu năng trí tuệ mà sự nhạy cảm nghệ thuật cực độ đã truyền cảm hứng để ông viết những trang cực đẹp về chủ nghĩa nhân văn chân chính.
Khi nhà văn Nhật Kenzaburo Oé qua đời, một số độc giả đã tìm đọc lại các tác phẩm của ông. Những người muốn biết về ông, họ tìm đọc bài diễn văn khi ông nhận giải Nobel ở Stockholm, trong bài diễn văn, ông giải thích điều gì đã thúc đẩy ông viết văn, ông đến từ một xứ sở được biết với công nghệ điện tử hoặc sản xuất xe hơi hơn là di sản văn hóa.
Tiếng chim hót
Trong bài diễn văn nhận giải Nobel, dĩ nhiên ông nói về đất nước của ông, tội lỗi từ Thế chiến thứ hai. Ông nói về chủ nghĩa nhân văn, hòa giải, những phẩm chất tạo nên con người theo kiểu mẫu của nhà văn Georges Orwell: đàng hoàng, nhân đạo, lành mạnh và thân thiện hài hước. Ông tỏ lòng kính trọng bậc thầy văn học của ông, một chuyên gia về thời kỳ Phục hưng ở Pháp và là người đầu tiên dịch Rabelais sang tiếng Nhật. Tuy nhiên, lời tuyên bố về chủ nghĩa nhân văn và lòng khoan dung này có vẻ hơi hình thức, thậm chí rất thông thường, nếu ông không nói lên dưới khía cạnh cá nhân. Như để xin lỗi cho điều cuối cùng, mà đó là lời nhận xét đẹp nhất, ông tuyên bố: “Tôi ngờ có nhiều người trong quý vị cho việc kể những giai thoại cá nhân sẽ không phù hợp trong những bối cảnh này.” Thật may mắn là ông đã không theo những nghi thức sai lầm này của lễ trao giải.
Phần cá nhân mà ông nhấn mạnh là ông nói đến đứa con trai Hikari thiểu năng của ông, Hikari có nghĩa là “ánh sáng”. Một cách rất xúc động, giai thoại đã biến văn chương thành cây cầu trên không nối tuổi thơ của người cha với tuổi thơ của người con, vượt lên khoảng cách trí tuệ rõ ràng chia cách hai cha con. Khi còn là đứa trẻ trong Thế chiến thứ hai – ông sinh năm 1935 -, Kenzaburo Oé kể lại ông đã ngạc nhiên khi đọc Hành trình kỳ diệu của Nils Holgersson, từ đó ông rút ra một “lời tiên tri” trẻ con: một ngày nào đó ông sẽ nói chuyện với các loài chim. Và điều kỳ diệu là chính con trai ông, chứ không phải ông, đã ứng nghiệm lời tiên tri. Đúng vậy, khi còn nhỏ, Hikari gần như chỉ nghe tiếng chim hót líu lo, Hikari không có phản ứng gì với giọng nói của con người. Nhưng khi vào khoảng tuổi người cha Oé đọc sách của Nils Holgersson, thì đột nhiên Hikari lần đầu tiên nói ngôn ngữ của loài người: “Trong một ngôi nhà gỗ trên núi, khi lần đầu tiên Hikari nghe tiếng hót của hai con chim cuốc ở lùm cây bên nước, Hikari lấy giọng như giọng của người bình luận trên đĩa ghi âm các bài hát của loài chim hoang dã: ‘Đây là bài hát của con chim cuốc’”. Và từ đó Hikari trao đổi được với cha mẹ.
Ca ngợi sinh hoạt nghệ thuật
Lớn lên, đứa bé khuyết tật chuyển từ tiếng chim hót sang âm nhạc của Bach và Mozart. Hikari bắt đầu sáng tác, và biến việc sáng tác thành “thói quen sống của mình”. Trong âm nhạc của con trai, Kenzaburo Oé cảm nhận được chiều sâu ngày càng tăng, cũng như một “khối buồn u ám mà từ trước đến nay không thể dò tìm được”.
Trong vũ trụ này, chúng ta không thể nói liệu giải Nobel nâng cao tinh thần thiểu năng hay thiểu năng trí tuệ nâng cao giải thưởng Nobel.
Từ giai thoại cá nhân này, Oé rút ra lời ca ngợi hành động nghệ thuật vừa có khả năng xoa dịu vừa có khả năng chữa lành, ông không phủ nhận “khối u buồn” của người con, mà cả những u buồn của những người nghe Hikari đàn.
Chúng ta tiếc cho ai chỉ thấy đây là giai thoại của người được giải Nobel, một ông già kể câu chuyện đời mình. Nhưng qua câu chuyện đan xen giữa những bài đọc của trẻ con, những thử thách của cuộc sống, sự phong phú lẫn nhau qua tiếng hót của loài chim, âm nhạc của con người và lời của các nhà văn, đó là cả một vũ trụ mà Oé tiết lộ. Trong vũ trụ này, người ta không thể nói liệu giải Nobel nâng cao tinh thần thiểu năng hay thiểu năng trí tuệ nâng cao giải thưởng Nobel. Nâng cao, là từ dành cho bất kỳ ai nhận ra rằng ngỗng trời có thể có nhiều bộ mặt. Oé, có thể tiếp tục cười khẩy hay khéo léo ngáp, gán cho một trong số họ hình ảnh của vợ mình.
Trung thành với đứa trẻ
Vinh danh các người thầy, vinh danh các bài đọc tuổi thơ, vinh danh  vợ, vinh danh con tật nguyền…, “chủ nghĩa nhân văn” được truyền đi, khi nó không phải chỉ là lời nói mòn hay có tấm bình phong che giấu những ý tưởng mập mờ . Oé không kể về gia đình và thời thơ ấu của mình để “trả thù cho giống nòi”, như Annie Ernaux vẫn làm, mà rút ra từ đó cái phổ quát. Có nhiều cách hiệu quả hơn những cách khác để trung thành với đứa trẻ mà chúng ta đã từng…
Marta An Nguyễn dịch