Yves Hamant: “Chúng ta phải thoát khỏi luật cấm nói về các vụ lạm dụng thiêng liêng”

90

Yves Hamant: “Chúng ta phải thoát khỏi luật cấm nói về các vụ lạm dụng thiêng liêng”

Hai cuộc điều tra lịch sử gần đây về hai anh em linh mục Thomas và Marie-Dominique Philippe đã cho thấy cơ chế lạm dụng thiêng liêng đi trước lạm dụng tình dục. Trong mười năm, tác giả Yves Hamant đã điều tra và lên án hiện tượng này trong các cộng đồng nhà tu.

cath.ch, Maurice Pagr, 2023-03-19

Theo ông Yves Hamant, Giáo hội cũng phải giải quyết vấn đề lạm dụng thiêng liêng | DR

Ông Yves Hamant là khách mời trong hội nghị truyền hình trực tuyến của đại hội đồng nhóm SAPEC (Nâng đỡ những người bị các linh mục công giáo lạm dụng) tổ chức ngày 16 tháng 3 năm 2023 tại Lausanne, Thụy Sĩ.

Vì sao ông quan tâm đến những vấn đề lạm dụng thiêng liêng?

Yves Hamant. Một người trong gia đình tôi đã tham gia vào hiệp hội Points-Coeur do ông Thierry de Roucy thành lập (ông bị cách chức năm 2018). Đó là một kinh nghiệm đau đớn và tôi phát hiện ra hậu quả của nó. Sau đó tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải làm một cái gì. Điều này dẫn đến điều khác, năm 2013 tôi nhận những chứng từ khác, cùng với một nhóm ít người, chúng tôi phát động “Lời kêu gọi Lộ Đức” đến Hội đồng Giám mục Pháp (CEF). Năm 2015, CEF đã thành lập một đơn vị dành cho các vụ lệch lạc tà phái, và chúng tôi có liên lạc với đon vị này. Tôi tập trung vào các vụ lạm dụng thiêng liêng trong các cộng đoàn, dù các vụ này cũng có thể ỏ dưới dạng cá nhân.

Làm thế nào để ông đánh giá tiến bộ đạt được kể từ đó?

Những tiết lộ gần đây, đặc biệt là về anh em linh mục Philippe, có nghĩa là chúng ta đã bắt đầu công nhận điều này tồn tại và đánh giá nó. Nhưng theo tôi, nhận thức dường như vẫn chưa đủ cả trong hàng giáo sĩ lẫn trong cộng đồng giáo dân.

Lạm dụng lương tâm, lạm dụng thiêng liêng, chi phối, lệch lạc tà phái… nhiều thuật ngữ khác nhau được sử dụng. Chúng ta có thể làm rõ mọi thứ thêm một chút không?

Thuật ngữ lạm dụng thiêng liêng tự nó tương tự như lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, nói đến lạm dụng tình dục, chúng ta hiểu ngay đó là điều sai trái. Ngược lại, lạm dụng thiêng liêng là một thực tế phức tạp đôi khi khó nắm bắt. Nguồn gốc tâm lý của lạm dụng là sự chi phối có thể tìm thấy bên ngoài bối cảnh tôn giáo.

 

“Cũng giống như lạm dụng tình dục, rất lâu sau nạn nhân của lạm dụng thiêng liêng mới lên tiếng”

 

Lạm dụng thiêng liêng có phổ biến và thường xuyên hơn lạm dụng tình dục không?

Rất khó để đo lường, nhưng nhiều nguồn khác nhau ở Vatican và của Hội đồng Giám mục Pháp xác nhận cảm nhận này. Thông thường, cũng như lạm dụng tình dục, nạn nhân không lên tiếng cho đến rất lâu sau đó. Họ xấu hổ vì đã bị lừa, nhưng trên hết họ cần phá vỡ những ràng buộc cá nhân và những ràng buộc tình cảm có thể đã có với cộng đồng.

Làm thế nào để có thể mô tả ảnh hưởng?

Đó là sự thu tóm hoàn toàn ý riêng của một người, tước bỏ tự do cá nhân và làm tê liệt quan hệ cá nhân của họ với Thiên Chúa. Chính khía cạnh cuối cùng này phân biệt tác động của chi phối trong bối cảnh tôn giáo. Và đó là thứ gây thiệt hại nặng nhất. Các nạn nhân thường gặp khó khăn lớn trong việc kết nối lại với Chúa.

Hiện tượng là nó tiến dần dần. Họ đánh vào trò dụ dỗ, rồi sau đó khi thì nạn nhân được thương, khi thì bị thất sủng. Những người đi lạm dụng biết bắt con mồi, biết khai thác điểm yếu và các khát vọng của nạn nhân. Đó là trò mèo vờn chuột. Những người trẻ khi vào các cộng đoàn này họ rất khao khát lý tưởng, họ muốn dấn thân phụng sự Thiên Chúa với tất cả lòng quảng đại của họ.

Làm thế nào để phát hiện sự chi phối?

Đối với một người từ bên ngoài, rất khó khăn để phát hiện. Các ‘guru’ luôn sống hai mặt. Rất khó để phát hiện ra hành vi đồi bại của họ, nếu không muốn nói là không thể. Ví dụ gần đây là trường hợp ông Jean Vanier, một ví dụ chứng minh hoàn hảo nhất. Nhiều người đã không tin và nhiệt tình bảo vệ, cho đến khi bằng chứng của sự thật cho họ thấy rõ. Như triết gia Hannah Arendt nói, ‘mọi người từ chối tin những chuyện này có thể  xảy ra.’ Nhìn từ bên ngoài, vụ giám mục Santier khi bắt những người đi xưng tội cởi hết áo quần trước Thánh Thể là một chuyện hoàn toàn lệch lạc.

 

“Một cuộc điều tra giáo luật đòi hỏi những điều kiện khắt khe. Nó sẽ có thể được làm mà không công bố”

Chúng ta có thể liệt kê một số tiêu chuẩn để phân định không?

Năm 2014, nữ tu Chantal-Marie Sorlin đã thành lập một đơn vị về lệch lạc tà phái cho Hội đồng Nam nữ Tu sĩ Pháp  (CORREF), họ có một mạng để xác định những lệch lạc tà phái trong các tổ chức Giáo hội. Danh sách sơ đưa ra vẫn là một tài liệu tham khảo chuẩn. Ngoài việc lạm dụng lương tâm hoặc tôn sùng người sáng lập, danh sách còn nói đến mối liên hệ với đức khó nghèo, quản lý gian lận các khoản quyên được, bóc lột sức lao động của các thành viên, gây nguy hiểm cho sức khỏe, v.v.

Làm thế nào thẩm quyền nhà dòng có thể phản ứng để ngăn chặn và xử phạt?

Một trong những biện pháp đầu tiên sẽ là củng cố các chuyến đi giáo luật. Thông thường, đây là những màn trình diễn mà họ đặt những đĩa thức ăn nhỏ trong những đĩa lớn để làm vui lòng khách, các câu trả lời được được chuẩn bị và và lặp đi lặp lại. Và khách nói những lời khuyến khích rất chung chung.

 

Lạm dụng thiêng liêng thường được xây như con nhện giăng mạng | wikimedia coomoons caphas CC-BY-SA 3.0

Một cuộc điều tra giáo luật thực sự sẽ đòi hỏi những điều kiện khắt khe. Nó có thể diễn ra không báo trước, có thể gặp tất cả  thành viên trong cộng đồng đủ lâu và nếu được ở một nơi trung lập. Cuộc điều tra được thực hiện bởi những người đã được đào tạo đặc biệt và bản thân không xuất thân từ những cộng đồng rối loạn chức năng. Cần phải cẩn thận để đảm bảo tính độc lập của các điều tra viên, nhằm tránh những xung đột có thể xảy ra về tính trung thực hoặc vì lợi ích.

 

“Các biện pháp trừng phạt thường là các biện pháp tạm giải hòa như trát vữa”

 

Một thiếu sót khác là không phỏng vấn được những người đã rời bỏ cộng đồng và gia đình của các thành viên. Chúng ta biết có một số gia đình thà không nói chuyện, còn hơn có nguy cơ bị cắt đứt liên lạc gia đình. Tôi không tin ở các đơn vị lắng nghe do chính các cộng đoàn thành lập.

Còn hình phạt thì sao?

Các biện pháp thường thấy nhất là biện pháp trát vữa. Gần đây tôi bị sốc khi nghe tin một linh mục liên quan đến các vụ lạm dụng tình dục ở một trường nội trú trong những năm 1990, bây giờ là nhân vật số 2 của cộng đoàn của ông. Tôi nghĩ họ không có đủ quyết tâm để xử phạt các hành vi lạm dụng.

Trong một vài trường hợp, thẩm quyền giáo hội đã đi đến mức giải tán các cộng đồng.

Năm 2013, khi đối diện với những vấn đề này, tôi đã hỏi ý kiến hồng y Thụy Sĩ Georges Cottier, một cựu thần học gia của phủ giáo hoàng. Ngài không loại trừ việc giải thể có thể được áp đặt. Điều này rõ ràng đòi hỏi phải có hỗ trợ đầy đủ đi kèm. Tuy nhiên, những thiết bị này hiện không tồn tại. Những người rời cộng đoàn ra ngoài đã bị ấu trĩ hóa, họ không hòa nhập vào xã hội, họ bị mất khả năng quyết định. Họ lâm vào tình trạng không tiền, không nhà ở, không việc làm, không biết gì về các quyền của mình.

Đó là chưa nói đến họ không có hỗ trợ cần thiết về tinh thần và tâm lý mà họ có thể có từ gia đình, vì những nhịp cầu đã bị cắt đứt, hoặc vì gia đình trách móc họ đã bỏ ơn gọi.

Như một biện pháp phòng ngừa, ông có đề cập đến khả năng thành lập một “hồ sơ S” của các cộng đoàn, như ở Pháp đã làm “hồ sơ S” cho những kẻ khủng bố không?

Việc liệt kê các cộng đồng có vấn đề vào một hồ sơ có thể là một công cụ hữu ích cho các giám mục, khi họ phải đối diện với yêu cầu thành lập một cộng đồng hoặc cho những người chịu trách nhiệm hướng dẫn ơn gọi cho người trẻ. Vài năm trước, tân giám mục giáo phận Blois đã sẵn sàng chào đón một cộng đồng, may mắn là ngài được bạn bè kịp thời cảnh báo và cộng đoàn đã không được thành lập.

 

“Chúng ta phải ra khỏi lệnh cấm nói omerta. Nếu không, công lý giáo hội không đạt được mục tiêu của mình, đó là ngăn ngừa và chữa lành ”

 

Việc công khai công bố các cuộc điều tra và các biện pháp trừng phạt có thể là một biện pháp cần thiết khác.

Ngay cả khi vụ việc bắt đầu từ cuối những năm 1950, trường hợp của anh em hai linh mục Philippe vẫn là một trường hợp điển hình. Việc thiếu công khai các biện pháp trừng phạt đã làm cho họ có lợi thế tiếp tục phạm tội trong nhiều thập kỷ.

Trong những trường hợp gần đây, việc không công khai hầu như ít rõ ràng hơn. Thông thường, chúng ta chỉ biết sự việc qua rò rỉ. Đối với hội Points Coeur mà tôi theo dõi sát sao, thực tế không có tài liệu điều tra nào được công bố. Chúng ta phải ra khỏi lệnh cấm nói omerta. Nếu không, công lý giáo hội không đạt được mục tiêu của mình, đó là ngăn ngừa và chữa lành.

Người ta thường xuyên ghi nhận có mối liên hệ giữa lạm dụng thiêng liêng và lệch lạc về học thuyết.

Tôi không phải là nhà thần học hay triết gia, nhưng khi đào sâu hơn một chút, chúng tôi nhận ra thường có một lỗ hổng thần học ngay từ đầu. Vấn đề là những lý thuyết lệch lạc này không được viết ra. Để nhắc lại trường hợp anh em linh mục Philippe, những chuyện này không ở trong các văn bản, nhưng được truyền miệng hoặc qua thư riêng.

Người ta có thể thấy khuynh hướng của một thuyết ngộ đạo ở đó. Trong ngộ đạo, cái đúng và cái sai đan xen chặt chẽ với nhau và những người am hiểu xem mình đứng trên luật chung, kể cả luật đạo đức. Tôi ngạc nhiên khi thấy cách thức “ngộ đạo” của anh em linh mục Philippe được truyền cho các đệ tử của họ cho đến cả các cộng đoàn bây giờ, do đó tạo ra một loại chòm sao.

Tác giả Yves Hammant

Là chuyên gia về văn minh Nga, Liên Xô và hậu Xô Viết, ông là tùy viên văn hóa của sứ quán Pháp tại Liên Xô và dạy tại Đại học Nanterre, Pháp. Tinh thần dấn thân nâng đỡ các tín hữu kitô ở Liên Xô của ông làm cho ông được Đức Gioan-Phaolô II tiếp nhiều lần và có được tình bạn với hồng y Lustiger. Ông có mối quan hệ với nhà văn Alexandre Solzhenitsyn và là tác giả quyển tiểu sử linh mục chính thống giáo Nga Alexander Men bị ám sát năm 1990.

Marta An Nguyễn dịch