Emilce Cuda: “Kết toán mười năm triều giáo hoàng Phanxicô là ngài đã làm người công giáo tăng trưởng hơn”

123

Emilce Cuda: “Kết toán mười năm triều giáo hoàng Phanxicô là ngài đã làm người công giáo tăng trưởng hơn”

Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023

Đối thoại với bà Emilce Cuda, phụ nữ Chánh văn phòng đầu tiên của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, bà đánh giá mười năm triều giáo hoàng của ngài.

lanacion.com, Elisabetta Piqué, phóng viên tại Ý, 2023-03-12

Tiến sĩ Emilce Cuda, phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh

Bà Emilce Cuda là một trong số phụ nữ hiếm hoi có vị trí lãnh đạo tại Vatican. Là phụ nữ đầu tiên có bằng tiến sĩ Thần học Luân lý Xã hội tại Đại học Công giáo Argentina (UCA) tháng 2 năm 2022, bà được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, một vị trí chưa từng có phụ nữ nào đảm nhiệm trước đây. Được xem là người hiểu rõ tư tưởng của giáo hoàng nhất vì bà là học trò của linh mục Dòng Tên Juan Carlos Scannone – thần học gia về dân tộc và là thầy của Đức Bergoglio, tác giả quyển sách “Đọc Đức Phanxicô” (Para leer a Francisco), trong một phỏng vấn với nhật báo La Nación, bà thú nhận bà không bao giờ tưởng tượng có một giáo hoàng người Argentina, lại càng không nghĩ có ngày bà làm việc ở Vatican. Sinh ở Buenos Aires, bà kết hôn với một người Mỹ và là mẹ của hai người con trai đã lớn. Bà học Khoa học Chính trị tại Đại học Northwestern ở Chicago, giảng dạy tại nhiều trường đại học khác nhau ở Hoa Kỳ và Châu Mỹ Latinh.

Tiến sĩ Emilce Cuda, phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh

Bà rút ra được điều gì từ mười năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô?

Tiến sĩ Emilce Cuda. Sau 10 năm triều giáo hoàng của ngài, tôi thấy người công giáo tăng trưởng hơn. Theo nghĩa nào? Chúng ta thường thấy trong công việc của các nhà xã hội học, của những người nghiên cứu các hành động tôn giáo, số người công giáo đã sụt giảm như thế nào. Nhưng điều tôi nhận thấy là huấn quyền xã hội của ngài đã đánh thức tinh thần dấn thân truyền giáo nơi những người công giáo này, họ thường không nhận mình như vậy. Ví dụ, khoa học gia, chính trị gia, kinh tế gia, sinh viên và các nhà nghiên cứu từ các trường đại học phi giáo phái. Nhiều người trong số họ là người công giáo đã được rửa tội, nhưng họ không ở trong giáo xứ, họ không phải là người thường tự cho mình là người công giáo. Tuy nhiên, những người này, khi thấy tân huấn quyền xã hội của giáo hoàng, cũng cùng những điều kiện lịch sử, vốn tố cáo rất rõ trong chương trình nghị sự 2030, buộc họ phải xem trọng cuộc khủng hoảng sinh thái xã hội-môi trường, họ bắt đầu đánh giá lại hình ảnh của giáo hoàng.

Theo nghĩa nào?

Họ đánh giá cao điều này khởi đi từ một huấn quyền mà họ cảm thấy gần gũi, thấy cần thiết và hơn nữa, điều này thách thức họ đi truyền giáo hơn ngoài việc giúp chuẩn bị thức ăn cho một cuối tuần. Họ hiểu dấn thân vào đức tin, dấn thân rao giảng Tin Mừng, cũng là quan tâm đến tạo vật. Trước đây rất nhiều người công giáo có lẽ chỉ đi lễ mỗi cuối tuần hoặc làm một số công việc từ thiện, bây giờ họ biến những hoạt động này thành một phần trong cuộc sống nghề nghiệp của họ. Và họ tổ chức các cuộc hội thảo, phát triển nghiên cứu, cố gắng phổ biến các luật liên quan đến môi trường và một số vấn đề xã hội khác. Vì vậy, tôi tin rằng đây là điều mới lạ của Đức Phanxicô: chuyển hướng hoặc định hình lại các hoạt động, từ thuần túy văn hóa, hoặc chỉ giúp khi rảnh rỗi sang một dấn thân thực sự. Một dấn thân được thấy trong các trường đại học, trong công việc, trong các vị trí bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quốc gia. Và điều này đã được Đức Phanxicô tạo ra.

Đức Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 26 tháng 2 năm 2023.

Điều gì tác động đến bà nhất trong mười năm của ngài?

Là thần học gia, điều đánh động tôi nhất, đó là đức tính tiết độ, công bằng và sức mạnh của ngài, ba đức tính chủ yếu. Chắc chắn Đức Phanxicô có đức tính tiết độ: trước những thời điểm quan trọng, chúng tôi chưa bao giờ thấy ngài mất thăng bằng, mất hài hước. Còn đức tính công bằng: ngài luôn nói lên công bằng trong các bài diễn văn của ngài, như một đảm bảo cho hòa bình. Và công bằng cũng được thấy trong cách ngài phân chia các vị trí và bổ nhiệm, không chỉ trong giáo triều Rôma mà còn trong các giáo phận. Ngài là giáo hoàng công bằng, các chức vụ được phân phối cách bình đẳng, công bằng. Một triều giáo hoàng không như một chính phủ, nơi người có chức vị sẽ cố gắng đặt người của mình vào và sau đó, khi người khác đến, họ sẽ đặt người của họ vào. Giáo hội là một thể chế đã 2.000 năm tuổi, chính vì Giáo hội hiện thân cho triều giáo hoàng, là cây cầu nối các vị trí khác nhau, nhưng không triệt nhau. Sự trường tồn này của Giáo hội trong 2000 năm, chính là vì Giáo hội không đi theo hướng này hay hướng khác. Giáo hội đã duy trì cân bằng, đó là điển hình của công lý. Cuối cùng, tôi ngạc nhiên trước đức tính dũng cảm của ngài, ngài không để mình bị dồn vào chân tường vì giới truyền thông hoặc vì áp lực của những người muốn áp đặt chương trình nghị sự của họ.

Còn các điểm yếu của mười năm này?

Đức Phanxicô là người khiêm tốn và với nhiều người, điều này là một điểm yếu. Nhưng trong kitô giáo, điểm yếu chính là sức mạnh, và giáo hoàng là biểu hiện của điều đó. Điều này nói lên  quyền tự do ngôn luận mà triều giáo hoàng này cho phép. Mọi người có thể nói quan điểm của mình, phản biện, viết sách mà không ai lên án. Ở các thời điểm khác trong lịch sử, cũng không xa lắm, người ta không chỉ trích các giáo hoàng. Trong một triều  giáo hoàng mà ai cũng có thể phát biểu, không ai mất ghế, không ai mất chỗ trong giáo xứ, trong cộng đoàn, và như thế là rất tốt, không ai nói đây là một giáo hoàng yếu, nhưng là một giáo hoàng hoàn toàn mạnh mẽ và vững chắc đã cho phép  mọi người có tiếng nói.

Còn các chủ đề chưa được giải quyết?

Tôi nghĩ các vấn đề đang chờ giải quyết là đưa tông hiến Anh em hãy rao giảng Tin Mừng, Praedicate Evangelium của Giáo triều vào thực hành. Có rất nhiều điều trong tông hiến và lời mở đầu là chìa khóa: Tin Mừng phải được rao giảng bằng lời nói và hành động, và trong trường hợp không làm được, thì rửa chân, chạm vào thân xác đau khổ. Phần mở đầu này quan trọng hơn những điểm còn lại tiếp theo.

Bà thuộc Giáo triều la-mã, nơi nổi tiếng giam hãm, ngồi lê đôi mách, mưu mô, nói xấu (như chính Đức Phanxicô thường tố cáo): bà có thấy thế không?

Những người trong Giáo hội cũng là những con người, và chúng ta ở trong một thực tế được xây bởi trí tưởng tượng. Những lời xì xào bàn tán, những âm mưu, những lời dối trá, lấy từ một mảnh của thực tại rồi từ đó dựng lên câu chuyện có hại, gây hấn, điều này xảy ra ở mọi nơi. Tôi không hiểu vì sao mọi người mong ở Vatican, ở Tòa thánh, nơi có văn phòng, có quản trị chính quyền, mọi người lại bay bổng như thiên thần. Thành thật mà nói, không ai đối xử xấu với tôi, họ đối xử, đón nhận tôi rất tốt, họ rất tôn trọng tôi, tất cả chúng tôi đều làm việc.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: “Hạ thấp giáo hoàng qua một văn hóa khác, vì ngài là người nước ngoài, là đánh giá thấp giá trị của ngài”