“Đức Gioan Phaolô II, có thực sự là thánh không?”

108

“Đức Gioan Phaolô II, có thực sự là thánh không?”

la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn, Tổng biên tập báo La Croix, 2023-03-08

Một câu hỏi kỳ lạ được đặt ra sau cuộc điều tra của báo chí Ba Lan  phát sóng về việc xử lý không đúng của hồng y Wojtyla với các linh mục phạm tội ấu dâm ở Krakow. Nếu đòi hỏi các thánh phải hoàn hảo là phi lý, thì một cách hợp pháp, chúng ta có thể lấy làm tiếc về việc phong thánh cho các giáo hoàng ngày càng phổ biến trong Giáo hội.

Đức Gioan Phaolô II có thực sự là thánh không? Một câu hỏi kỳ lạ, mà một số người đặt ra sau khi đài truyền hình Ba Lan phát sóng cuộc điều tra, chỉ trích cách quản lý của tổng giám mục Krakow từ năm 1964 đến năm 1978, về các trường hợp phạm tội ấu dâm do một số linh mục trong giáo phận của ngài phạm.

Những tiết lộ về Đức Gioan Phaolô II đặt ra những câu hỏi

Điều này có đủ để đặt vấn đề về sự thánh thiện của ngài không? Dĩ nhiên phải phân biệt các cấp độ. Sau một thời gian dài phủ nhận tầm quan trọng của lạm dụng tình dục trong Giáo hội, các giám mục Ba Lan mới bắt đầu nhận ra tầm mức rộng lớn của hiện tượng và tính chất hệ thống của nó. Vì thế chúng ta phải chờ một công việc được làm cho đúng, xét xử về mặt giáo hội và lịch sử được thực hiện. Việc hồng y Wojtyla vào những năm 1970, đã giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của sự thật, và thuyên chuyển linh mục tội phạm từ giáo xứ này sang giáo xứ khác, là triệu chứng của thế hệ ngài, với thận trọng tùy thuộc vào các yếu tố khác có thể bị phát hiện.

Giáo hoàng có thể là thánh không?

Thực ra, nên thánh không có nghĩa là hoàn hảo, không tỳ vết. Lịch sử tôn giáo đã cho thấy rõ điều này… Nhưng câu hỏi liệu Đức Gioan-Phaolô II có nên được phong thánh nhanh như vậy, mà không tôn trọng thời hạn hay không vẫn còn đó, và vì những lý do khác ngoài việc ngài quản lý giáo phận Krakow. Vì một giáo hoàng có thể là một vị thánh không? Ít nhất, chúng ta nên thận trọng. Tuyên bố thánh cho một giáo hoàng, người quản lý và hiện thân của Tòa thánh là thánh, nhất thiết có các yếu tố chính trị, thậm chí cả ý thức hệ liên hệ đi kèm với sự thánh thiện của ngài.

Trong một thế kỷ, việc phong thánh cho các giáo hoàng đã trở thành “mốt”, trước đó việc phong thánh cho giáo hoàng là cực kỳ hiếm. Quyết định về một giáo hoàng luôn là vấn đề chính trị, liên quan đến triều giáo hoàng. Vì thế việc Đức Phanxicô phong thánh cho Đức Phaolô VI năm 2018 là vì ngài muốn cập nhật thông điệp của Công đồng Vatican II. Dĩ nhiên Giáo hội phong thánh cho một người chứ không phải cho triều giáo hoàng. Và Đức Gioan-Phaolô II là một nhân cách đáng kể. Nhưng thật khó để phân biệt hai điều này, và có những nhóm áp lực ở Vatican tìm cách rút tỉa phần lợi cho họ khi tìm cách phong chân phước cho giáo hoàng này, hay giáo hoàng kia vì lý do chính trị hơn là vì lý do thiêng liêng.

Thao túng sự thánh thiện

Nói rộng hơn, khuynh hướng phong thánh cho giáo hoàng là dấu hiệu vừa cho thấy quyền lực của giáo hoàng ngày càng được củng cố kể từ cuối thế kỷ 19, nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy sự không chắc chắn to lớn của công giáo, vì thế họ cảm thấy cần phải củng cố người đứng đầu. Tiến trình này càng nghịch lý hơn, vì ban đầu các thánh được tuyên xưng do lòng tôn kính bình dân. Và, trong nhiều thế kỷ, chính Rôma đã tăng thêm các biện pháp bảo vệ (điều tra cấp giáo phận, thời gian phong chậm, phép lạ) để tránh sự thánh thiện thao túng đức tin.

Chắc chắn ngày nay cũng cần phải xem lại truyền thống thánh thiện này của đạo công giáo. Không phải để bỏ nó: đó là một di sản đẹp đẽ của kitô giáo đại chúng, một cách để “người dân” phản ứng với một thể chế đôi khi quá xa vời và thể hiện nó dưới hình thức gần gũi giữa con người với nhau. Chúng ta thánh thiện không phải vì những gì chúng ta làm nhưng vì phẩm chất đức tin của chúng ta được thể hiện. Nhưng nếu có mối quan hệ giữa lạm dụng tình dục và thánh thiện, thì chắc chắn nó ẩn trú ở đây: cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua cho thấy một cách sâu sắc, trong đạo công giáo có mối hiểm nguy của việc muốn tạo ra những “siêu anh hùng” trong một hiểu sai về sự thánh thiện. Tuyệt vọng đi tìm các “chủ chăn”, mù quáng đi theo “các cha sáng lập dòng” là những chuyện có nguy cơ mất hết tư duy phản biện. Chắc chắn việc ấu trĩ hóa là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng chi phối mà chúng ta phát hiện ra trong những năm gần đây. Vì vậy, phong thánh, đúng… với điều kiện chúng ta nhớ tất cả chúng ta đều được gọi để nên thánh!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Hồng y Karol Wojtyla đã hành động theo luật thời đó”