Những tiết lộ về Đức Gioan Phaolô II đặt ra những câu hỏi

327

Những tiết lộ về Đức Gioan Phaolô II đặt ra những câu hỏi

Ngày chúa nhật 5 tháng 3, một cuộc điều tra của báo chí Ba Lan được phát trên đài truyền hình đã đặt câu hỏi về việc quản lý các vụ án ấu dâm của hồng y Karol Wojtyla. Thông tin, vẫn còn phải được xác nhận, đặt câu hỏi cho Giáo hội Ba Lan hơn là về quá khứ của Đức Gioan Phaolô II.

la-croix.com, Arnaud Alibert, 2023-03-06

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, hồng y Karol Wojtyla, tổng giám mục giáo phận Krakow, Ba Lan được bầu làm giáo hoàng, ngài lấy danh hiệu là Gioan-Phaolô II.

Bộ phim tài liệu đặt vấn đề với Đức Gioan-Phaolô II như thế nào?

Một cuộc điều tra báo chí được phát sóng trên truyền hình tư nhân Ba Lan vào ngày chúa nhật 5 tháng 3 liên quan đến Đức Gioan-Phaolô II. Khi còn là tổng giám mục Krakow từ năm 1964 đến năm 1978, ngài đã che giấu các vụ tai tiếng ấu dâm do một số linh mục trong giáo phận phạm, để tránh tai tiếng, ngài thuyên chuyển họ từ giáo xứ này sang giáo xứ khác.

Ông Michal Gutowski, tác giả bộ phim tài liệu đã phỏng vấn một nạn nhân, ông xác nhận đã đích thân báo với hồng y Karol Wojtyla về các vụ tấn công tình dục của một linh mục năm 1973. Ngài xin ông đừng đem chuyện này báo cáo bất cứ đâu và nói sẽ tự lo liệu, nhân chứng ẩn danh cho biết thêm, hồng y hỏi rõ liệu câu chuyện có thể che đậy hay không.

Cho đến nay, nhiều người biện minh cho sự im lặng của ngài là do bối cảnh Ba Lan thời đó, điều này được sử gia Bernard Lecomte, người hiểu rõ về Đức Gioan-Phaolô II nhấn mạnh. Tác giả Bernard Lecomte, người viết tiểu sử của ngài nói: “Vì thận trọng, Đức Gioan-Phaolô II đã không làm theo những lời cáo buộc khi một trong các linh mục của ngài bị buộc tội ấu dâm”. Trên thực tế, các cơ quan chính trị của thời Xô Viết có thông lệ buộc tội các linh mục phạm tội ấu dâm, bất chấp sự thật, khi họ muốn loại bỏ tư cách của những linh mục này. Karol Wojtyla, với tư cách là một linh mục và sau đó là giám mục, đã nhiều lần chứng kiến các việc này. Qua nhiều năm, việc nghi ngờ những loại cáo buộc này đã trở thành nguyên tắc hành động của ngài. Điều này giải thích quy tắc thận trọng của ngài trong việc xử lý các sự việc.

Trong những điều kiện này, chính ngài muốn giải quyết vấn đề trong nội bộ hơn, dù phải che giấu các sự việc, việc này không ngạc nhiên gì  với tác giả Bernard Lecomte: “Vào thời điểm đó, tất cả các giám mục đều làm như vậy. Trong trường hợp này, vấn đề không phải là sự im lặng của ngài, nhưng đây là một thực tế phổ biến bên trong và bên ngoài Giáo hội. Chúng ta phải có khả năng đặt mình vào bối cảnh.”

Tuy nhiên, điều mới mẻ của cuốn phim tài liệu này nằm ở những nguồn tài liệu mà đạo diễn đưa ra: không chỉ những tài liệu từ bộ công an chính trị cộng sản, mà còn từ một số tài liệu hiếm hoi của Giáo hội mà ông có thể tham khảo được, và trên hết là lời khai của các nạn nhân, thân nhân, và các cựu nhân viên của giáo phận, mà ngày nay một người sành sỏi về hồ sơ có thể xác nhận.

Điều này có làm sáng tỏ triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II không?

Trong những năm gần đây, với những tiết lộ liên quan đến những lạm dụng của những người sáng lập các cộng đồng mới được ca ngợi dưới triều giáo hoàng của ngài, bắt đầu từ ông Marcial Maciel, người sáng lập hội dòng Đạo binh Chúa Kitô, người ta đặt câu hỏi về mức độ hiểu biết của ngài với những hồ sơ này. Những người xung quanh ngài có báo cáo cho ngài những phàn nàn bắt đầu xuất hiện vào cuối những năm 1990 không?

Theo tác giả Bernard Lecomte, Đức Gioan Phaolô II đã nhận thức được tính xác thực và mức độ nghiêm trọng của các sự kiện sau vụ hồng y tổng giám mục giáo phận Vienna, Hans Hermann Groër năm 1995 bị tố cáo ấu dâm, hồng y là chủ tịch Hội đồng Giám mục Áo. Vào thời điểm đó, ban đầu ngài đã bảo vệ hồng y trước khi các sự kiện được xác nhận qua cuộc điều tra của hồng y người Áo Christoph Schưnborn. Theo linh mục Bernard Ardura, người làm việc từ năm 1991 đến năm 2009 tại Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, thì chính vụ “Spotlight” (Đèn chiếu), hay nói cách khác là vụ tai tiếng về các linh mục ấu dâm của giáo phận Boston đã cho thấy có một thay đổi trong não trạng tại Vatican, sự cứng rắn mới này đã dẫn đến việc hồng y người Mỹ Bernard Law từ chức năm 2002.

  Spotlight: Một phim các hồng y, các giám mục phải xem

Theo tác giả Bernard Lecomte, vào thời điểm đó, Đức Gioan Phaolô II đã được hồng y Joseph Ratzinger, giáo hoàng Bênêđictô XVI tương lai, thúc đẩy để có một cách tiếp cận mới kết hợp nguyên tắc không khoan nhượng và tập trung hóa các hồ sơ để đảm bảo việc xử lý. Tuy nhiên, trọng lượng của phân tích này trước những nghi ngờ hiện tại của một số người ở Ba Lan, những người rất chỉ trích Giáo hội công giáo là gì?

Điều này có đặt nghi vấn về sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II không?

Theo cha Bernard Ardura, người gốc vùng Bordeaux, Pháp, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử thì “việc phong chân phước cho người nào không có nghĩa là mọi hành vi của người đó đều vô tội. Nếu vậy, sẽ không có ai là thánh. Một vị thánh là người sống đời sống tín hữu kitô của mình vượt quá mức bình thường theo các “đức tính anh hùng”. Theo nghĩa này, dưới mắt linh mục Ardura, những tiết lộ của đài truyền hình Ba Lan nếu được xác nhận, thì cũng không gây nghi ngờ gì về sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II, vì một vị thánh không phải là người hoàn hảo như chúng ta nghĩ, chỉ có Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo. Không ai có thể có được.”

Tham khảo với các cáo thỉnh viên của bộ Phong thánh, sử gia Joachim Bouflet đặt câu hỏi về việc “phong thánh ngay”, Santo Subito mà giáo dân hô vang tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày tang lễ của ngài đã mở đường cho tiến trình phong chân phước, chỉ 5 năm sau khi ngài qua đời. “Trong trường hợp của Đức Gioan Phaolô II, lẽ ra cần phải để áp lực của giáo dân giảm xuống và chờ những lời khác được lắng nghe. Khi đó có lẽ chúng ta đã không mở quy trình phong chân phước.” Theo ông  Bernard Lecomte, dù sao điều cần thiết hơn bao giờ hết là nên “đặt câu hỏi về thông lệ phong thánh cho các giáo hoàng hiện nay”.

 “Chúng ta thực sự có cần phong thánh cho các giáo hoàng không?”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Trước khi là giáo hoàng, Đức Gioan-Phaolô II bị cáo buộc che giấu các vụ ấu dâm ở Ba Lan

“Hồng y Karol Wojtyla đã hành động theo luật thời đó”