Ma quỷ, đồng tính… Linh mục TikTok Matthieu Jasseron trả lời các tranh cãi
Phỏng vấn
Linh mục Matthew Jasseron. Felicien Delorme /Flammarion
Linh mục Matthieu Jasseron nổi tiếng trên mạng xã hội TikTok, cha đã tạo nhiều phản ứng mạnh mẽ sau khi cha đăng một số video. Cha trả lời những gì liên quan đến ma quỷ và đồng tính.
la-croix.com, Céline Hoyeau, 2023-02-06
Một số video TikTok của cha đã tạo phản ứng, đã có khiếu nại gởi về Rôma và giám mục của cha. Đặc biệt, trong một video tháng 6 năm 2022, có vẻ như cha nói ma quỷ không tồn tại như một thực thể bên ngoài con người, trong khi sách Giáo lý nói về ma quỷ như một tạo vật…
Linh mục Matthieu Jasseron: Ngược với những nhận xét mà báo La Croix gán cho tôi gần đây, tôi xin khẳng định, tất nhiên, ma quỷ hiện hữu. Đây là một thực tế mà tôi phải đối diện mỗi tháng; tôi cố gắng giúp mọi người tự bảo vệ mình trước nó, làm phép nhà khi chủ nhà có cảm tưởng mình thấy những hiện tượng siêu nhiên trong nhà, tôi đồng hành với những người đang trong trận chiến tâm linh hoặc những người khác, mong manh hơn, nghĩ mình là nạn nhân của một cuộc chiến tâm linh. bùa chú, bị ám ảnh hay không làm chủ bản thân …
Bây giờ, ma quỷ không nhất thiết phải như những gì mọi người tưởng tượng: một thực thể có thể đi vòng quanh ở một khúc quanh trong một con phố tối, hoặc trong bối cảnh của một cuốn phim kinh dị, lao vào chúng ta để tước đoạt ý chí tự do của chúng ta. Ma quỷ, như tên gọi của nó, là kẻ làm chia rẽ. Satan có nghĩa là kẻ buộc tội. Vì thế, chính sức mạnh này – mà tất cả chúng ta đều mang từ đầu – thúc đẩy chúng ta hành động xấu cho chúng ta và cho những người chung quanh chúng ta. Đó là điều mà những người cùng thời với chúng ta cần cảnh giác, hơn cả một ác tâm theo tinh thần các bộ phim Hollywood.
Trong video cha nói về “tiềm năng” của tính chia rẽ trong chúng ta, dường như cha muốn xóa bỏ ý tưởng về một thực thể bên ngoài con người mà chúng ta vẫn tìm thấy trong truyền thống kitô giáo…
Nó không chỉ là một tiềm năng: nó là một sức mạnh bên ngoài chúng ta, gợi ý cho chúng ta. Đơn giản, nơi tôi muốn làm rõ là ma quỷ không phải là một phần của Kinh Tin Kính, của đức tin chúng ta. Cũng tương tự như những lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức mà một số người có thể nghi ngờ, mà không bị cho là tín hữu kitô không tốt. Câu hỏi của tôi không phải là hù dọa các tín điều nhưng cùng đồng hành với mọi người hướng đến Chúa và đến những điều được hứa cho tất cả chúng ta, đó là sự thánh thiện. Tôi không nghĩ việc lặp đi lặp lại thần học với những từ ngữ thần học cho những người không có hoặc có rất ít khái niệm về thần học có thể giúp ích cho họ.
Đức Phanxicô và đồng tính: 5 tuyên bố chính của Đức Phanxicô
Trong 2000 năm, truyền thống đã dùng một ngôn ngữ không còn nhất thiết phải có cùng ý nghĩa với ngày nay. Thần học cần phải quay trở lại với Kẻ Chia Rẽ, Kẻ Buộc Tội này để giải thích cho chúng ta rõ nó là gì. Chúa Giêsu nói, sự dữ không đến từ bên ngoài thân xác con người mà từ những gì xuất phát từ tâm hồn con người. Theo tôi, ngụ ý cho rằng ma quỷ chỉ là một thứ gì đó bên ngoài chúng ta, thứ sẽ đến để tiêu diệt tự do chúng ta, sẽ không tôn vinh Tạo vật mà Chúa đã thực hiện trong con người. Tất cả chúng ta đều có tự do này, đây chắc chắn là một trong những khía cạnh tốt nhất của việc chúng ta nên giống Chúa. Nếu Chúa cũng đã tạo ra một thực thể có thể kiềm chế theo cách này trong chúng ta, thì điều này sẽ tạo ngạc nhiên vì nó sẽ phủ nhận phẩm giá nội tại nhất của chúng ta.
Trong một video khác năm 2021 nói về đồng tính, cha nói không chỗ nào trong Kinh thánh và Giáo lý công giáo cho rằng đồng tính hoặc thực hành đồng tính là tội. Đôi khi cha có vượt ra ngoài huấn quyền khi cha muốn cho công chúng thấy một Giáo hội cởi mở hơn, đón nhận hơn không?
Sách Giáo lý nói rõ trắng đen, chúng ta phải chào đón và mở đường cho mọi người đến với Chúa, kể cả những người đồng tính. Vì thế tôi tìm cách đi theo hướng dẫn, cố gắng chứng tỏ chúng ta không nên phán xét, vì lương tâm của mỗi người là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Có thể tôi đã hơi vội vàng khi trình bày và tôi muốn xin lỗi những người có thể đã ngạc nhiên trước những nhận xét của tôi, nhưng không chỗ nào trong Kinh thánh cũng như trong sách Giáo lý nói đồng tính hoặc việc thực hành đồng tính là có tội.
Nhưng còn đoạn 2396 của Sách Giáo Lý Giáo hội công giáo thì sao: “Trong số những tội trái ngược nghiêm trọng với đức khiết tịnh, chúng ta phải kể đến thủ dâm, gian dâm, khiêu dâm và thực hành đồng tính”?
Đoạn này là phần tóm tắt của chương về đời sống tình cảm và tình dục, nhưng trong phần tổng hợp này có một luận điểm mới không xuất hiện trong các trang mà nó nhằm mục đích tóm tắt. Chúng ta biết đồng tính bị xếp vào loại “tội chống lại sự khiết tịnh”. Và điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là, khi chúng ta đọc toàn bộ Sách Giáo lý của Giáo hội công giáo, không chỗ nào có khái niệm “tội phạm đến đức khiết tịnh” này. Vì vậy, ở đây một lần nữa, có một cái gì đó mới lại xuất hiện, trong một bản tóm tắt, một cái gì đó chưa từng được phát triển ở bất kỳ đâu trước đây và đó là một yếu tố mới chưa được giải thích trước đó…
Các bản tóm tắt không phải là sự phát triển thần học của Sách Giáo lý. Chính các chương đã tạo nên nội dung của môn học. Làm sao chúng ta có thể chấp nhận trong một tổng hợp những quan niệm mới bên ngoài luận điểm?
Trước đó một đoạn, đó còn là vấn đề “suy đồi nghiêm trọng”, về những hành vi “rối loạn từ bản chất”: đó chẳng phải chính là những đoạn mà một số hiệp hội những người đồng tính đang yêu cầu viết lại hay không?
Đúng, vì Sách Giáo lý xuất bản từ năm 1992, không còn cập nhật nữa, bằng chứng là đoạn về án tử hình. Những người đương thời, thường xa rời Giáo hội, đã tự hỏi liệu một hành động như vậy như kia, một chiều kích này chiều kích kia của con người họ, có phải là tội hay không. Tội làm họ sợ hãi – chắc chắn là có lý do chính đáng – nhưng họ có một hình ảnh tưởng tượng về nó. Có rất nhiều kitô hữu trên mạng xã hội, những người theo tin lành, những người công giáo hoặc những người khác xem đồng tính là một tội rất nặng, cho rằng họ sẽ bị thiêu đốt vĩnh viễn. Tôi không tin đây là sự thật hay những gì được viết trong Sách Giáo lý: không nơi nào trong truyền thống Giáo hội công giáo nói rằng đó là một tội sẽ làm chúng ta vào lửa hỏa ngục đời đời.
Sau đó, các văn bản mô tả thực tế này với những chữ mà chúng ta phải biết cách tiếp nhận, giải thích. Những chữ như “suy đồi” hoặc “hành vi rối loạn nội tại” sẽ không rõ ràng với mọi người, và chắc chắn sẽ tạo nhiều tổn thương. Họ sẽ được hữu ích nếu được làm sáng tỏ và như thế sẽ mang tính mục vụ hơn. Những người sống với người đồng giới và yêu thương họ theo những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta đã được thấy rõ hơn một trăm năm trước. Đây là một chủ đề của xã hội, và Giáo hội phải có một diễn từ trung thực, phù hợp với những gì Giáo hội đã hiểu về Chúa Giêsu và người đương thời của chúng ta cũng có thể hiểu được.
Sách Giáo Lý sẽ hữu ích nếu được cập nhật từ vẻ đẹp của thần học vốn suy nghĩ lại về thực tại của chúng ta ngày nay. Tốt hơn là phải luôn mài dũa thực tế của những gì Chúa đã truyền cho chúng ta để giúp những người đương thời của chúng ta có một con đường giúp họ đến với Chúa.
Cha làm việc với các văn bản trong các video của cha như thế nào?
Trên hết, cuộc sống thực địa giúp tôi tìm ra những từ để có thể đến được với mọi người trên màn hình hoặc trong một nhóm. Tôi cũng may mắn giữ được mối quan hệ rất tốt với các giáo sư thần học tại chủng viện và có một nữ thần học gia nổi tiếng giúp đỡ tôi. Ngoài ra, nhóm tình nguyện viên đồng hành với tôi thường hiệu đính các kịch bản của tôi. Nhờ tất cả những tháp tùng này, tôi mới dám tin các video của tôi mang hương vị thực sự của Giáo hội và cũng có một số tín nhiệm thần học nhất định.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch