Thượng hội đồng Praha: những căng thẳng cần thiết để tiến lên

54

Thượng hội đồng Praha: những căng thẳng cần thiết để tiến lên

Vài giờ trước khi kết thúc giai đoạn lục địa của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, ngày 8 tháng 2 năm 2023, hai tham dự viên đến từ Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp và một tham dự viên từ Ticino đã chia sẻ với trang Công giáo Thụy Sĩ (cath.ch) cảm giác đầu tiên của họ về một Thượng hội đồng “sâu đậm”, trong đó họ tham dự trực tuyến từ Wislikofen (AG).

cath.ch, Bernard Halle, 2023-02-08

Phiên họp chuyên sâu và “dày đặc” dành cho những người Thụy Sĩ tham dự trực tuyến tại Thượng hội đồng Praha | DR

Bà Malika Schaeffer, ban truyền thông của Giáo hội công giáo vùng Vaudois, đồng nghiệp của bà là bà Marie-Antoinette Lorwich, từ mục vụ đường phố, và bà Valantina Anzini từ Ticino, điều phối viên mục vụ giới trẻ của giáo phận Lugano, ba người cùng ngồi với nhau sau màn hình để thực hiện cuộc phỏng vấn trực tuyến họ thực hiện cho trang Công giáo Thụy Sĩ. Họ cho biết họ có ít thì giờ. Phiên họp và họp trực tuyến đã diễn ra được ba ngày. Và tất cả làm việc nhanh cho đến ngày kết thúc, ít nhất là với giáo dân.

Ngay lập tức, họ bày tỏ mối quan tâm liên quan đến thông báo trong ngày, về việc xuất bản một bản văn tóm tắt thứ hai do các giám mục viết và sẽ được gửi về Rôma. Các chủ tịch của các hội đồng giám mục hiện diện tại Praha sẽ tiếp tục công việc cho đến ngày 12 tháng 2. Văn bản này sẽ chứa những gì và nó sẽ định vị như thế nào trong mối quan hệ với tài liệu lục địa? “Chúng tôi chưa biết gì hơn vào lúc này.”

Đặt những câu hỏi đúng

Bà Malika Shaeffer, một trong mười người Thụy Sĩ tham dự Thượng hội đồng Praha trực tuyến từ Wislikofen cho biết: “Tôi yên tâm vì thực tế là Giáo hội đang bắt đầu tự đặt ra những câu hỏi đúng đắn và đồng ý đặt câu hỏi về chức năng của mình.” Bà nghĩ rằng, với thượng hội đồng, chúng ta đang bước vào một cách hiểu Giáo hội và sống trong đó và không còn chấp nhận việc đi lui lại đằng sau.

Bà Marie-Antoinette Lorwich, phụ trách mục vụ đường phố cho biết thêm: “Giáo hội phải học cách lắng nghe chứ không phải chỉ biết lắng nghe những gì làm cho mình bằng lòng. Kể từ khi khai mạc giai đoạn châu lục này của Thượng Hội đồng vào ngày 6 tháng 2, đã có nhiều can thiệp ở Praha, nơi các đại biểu đã lên bục thảo luận về các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng mà Giáo hội Công giáo đang trải qua.

Các can thiệp khá suôn sẻ

Bà Marie-Antoinette Lorwich lưu ý: “Các can thiệp khá suôn sẻ, sự độc thân của các linh mục hầu như không được đề cập đến.” Đã có cuộc nói chuyện về những “nỗi đau” do lạm dụng tình dục, thiêng liêng và quyền lực gây ra. Những căng thẳng về học thuyết/mục vụ đã phát sinh nhiều quan điểm, cũng như sự đối lập giữa lòng thương xót và sự thật. Nhưng bà nhấn mạnh: “Tuy nhiên, những căng thẳng cần thiết để cho phép chúng ta tiến về phía trước và tìm thấy sự hài hòa.”

Bà Marie-Antoinette Lorwich nhận xét: vẫn còn sự hiện diện của nam giới chiếm đa số ở thượng hội đồng. | © Bernard Hallet

Bà Lorwich nói: “Chúng tôi mong đợi nhiều hơn nữa để lên tiếng về vị trí của phụ nữ trong Giáo hội,” Bà Valentina Anzarini và Malika Schaeffer đồng ý quan điểm của bà Lorwich. Bà cảm thấy mình được đại diện tốt trong các nhận xét của các đại biểu Caritas có mặt tại Praha về người nghèo. Bà vui mừng nhận xét: “Bài phát biểu của họ có thể là của tôi.

“Chăm sóc”, “Hiệp thông”, “Hoán cải” là những từ khóa của cuộc gặp gỡ ở Praha này.

Các cuộc họp trực tuyến

Nếu họ không thể can thiệp được trong các phiên họp ở Praha, thì các phụ nữ này không chán. Sau khi tham dự các cuộc họp kéo dài khoảng ba giờ, đại diện các nước họp trực tuyến từ xa theo nhóm ngôn ngữ đã có dịp thảo luận các vấn đề họ quan tâm. Những lạm dụng trong Giáo hội là tâm điểm trao đổi của nhóm nói tiếng Pháp. Nhóm nói tiếng Ý là đồng hành với người trẻ trong Giáo hội và về “việc đào tạo… Bắt đầu bằng tính đồng nghị! Nhiều người vẫn chưa biết nó là gì!”

Các cuộc họp không ngừng nghỉ, với “nhịp điệu dồn dập”. Sẽ cần thời gian để họ “tiêu hóa hết”. Ngay từ đầu, bà Marie-Antoinette Lorwich nghĩ bà đến trong tư cách là người chiến đấu nhưng bà nhận ra, bà sẽ thanh thản ra về, vì bà bị đánh động bởi sự tương phản giữa các Giáo hội ở châu Âu. “Tôi như được di chuyển từ nơi này qua nơi khác khi tôi nghe chứng từ”.

Bà Malika Schaeffer và bà Marie-Antoinette Lorwich trước khi lên đường đi Wislikofen tham dự trực tuyến. | © Bernard Hallet

Còn với bà Malika Schaeffer thì đây là một bất ngờ lớn cho bà, chẳng hạn, “Giáo hội Latvia mới chỉ có bản dịch của Công đồng Vatican II cách đây 5 năm!” Bà có thể nhận ra sự nghèo nàn của các Giáo hội ở các nước phương Đông, nơi tín  điều quan trọng hơn những cân nhắc về mục vụ. Và nhận ra vấn đề của người này không liên quan gì đến mối quan tâm của người khác.

Ba phụ nữ cho biết, tuy xa Praha nhưng bầu khí ở Wislikofen rất tốt, chúng tôi đã mở rộng căn lều và chúng tôi đã sống một quá trình đồng nghị nhỏ. Mọi người đều nỗ lực, đặc biệt ở cấp độ ngôn ngữ để giao tiếp và lắng nghe. “Các trao đổi hài hòa hơn sau ba ngày của thượng hội đồng.”

Nhiều cảm nhận đến mức nhóm quyết định viết một thư ngỏ về những gì họ đã trải qua và sẽ chia sẻ rộng rãi sau cuộc họp.

Marta An Nguyễn dịch

Giáo hội Đức muốn truyền quan điểm của mình cho người công giáo Âu châu ở thượng hội đồng Praha