Tomas Halik: “Để là tiếng nói có uy tín, Giáo hội phải chịu một cuộc cải cách sâu sắc”

172

Tomas Halik: “Để là tiếng nói có uy tín, Giáo hội phải chịu một cuộc cải cách sâu sắc”

la-croix.com, Céline Hoyeau et Malo Tresca, 2023-02-06

Nhà thần học và xã hội học về tôn giáo người Séc, linh mục Tomas Halik sẽ có bài phát biểu “giới thiệu thiêng liêng” ngày thứ hai 6 tháng 2 tại Hội nghị thượng hội đồng Âu châu về tương lai Giáo hội, được tổ chức tại Praha từ 5 đến 10 tháng 2. Linh mục Halik trả lời báo La Croix về những thách thức to lớn mà Giáo hội đang phải đối diện ở một châu Âu thế tục hóa.

Nhà thần học, linh mục công giáo người Séc Tomas Halik sẽ có bài phát biểu “giới thiệu thiêng liêng” ngày 6 tháng 2 tại Hội nghị thượng hội đồng Âu châu về tương lai của Giáo hội, ở thủ đô Séc. Hình: Roman Vondrous/AP

La Croix: Làm thế nào Giáo hội có thể phù hợp hơn với Âu châu trong các xã hội tục hóa của chúng ta? Giáo hội nên thích ứng với những tiến hóa của xã hội, hay phản-văn hóa?

Linh mục Tomas Halik: Sứ mệnh chính của Giáo hội là truyền giáo, bao gồm hội nhập văn hóa, một nỗ lực để truyền tinh thần Tin Mừng vào lối suy nghĩ và lối sống của con người ngày nay. Không có điều này, phúc âm hóa chỉ là một học thuyết hời hợt bên ngoài. Giáo hội không thể và không nên là một phần của phản-văn hóa hay phản kháng, ngoại trừ khi Giáo hội phải đương đầu với các chế độ đàn áp như chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Nỗ lực biến Công giáo – đặc biệt là giữa thế kỷ 19 và giữa thế kỷ 20 – trở thành phản-văn hóa chống lại xã hội, văn hóa, khoa học và triết học hiện đại đã dẫn đến sự tự cắt thiến trí thức, tạo sự xa cách với phần lớn tầng lớp lao động, trí thức và người trẻ.

Nỗi sợ và ác cảm đối với nền văn hóa hiện đại đã dẫn đến việc loại trừ vun trồng văn hóa, góp phần đáng kể vào quá trình thế tục hóa xã hội phương Tây. Những nỗ lực của Công đồng Vatican II để gắn bó với tính hiện đại và chủ nghĩa nhân văn thế tục đã đến quá muộn, vào thời điểm mà tính hiện đại đã sắp kết thúc. Xã hội hậu hiện đại đặt ra cho các Giáo hội những thách thức và cơ hội rất khác với xã hội hiện đại. Để trở thành tiếng nói đáng tin cậy và dễ hiểu trong thời đại đa nguyên triệt để, Giáo hội phải chịu một cuộc cải cách sâu sắc – và tôi hy vọng con đường đồng nghị sẽ là cuộc cải cách này.

Những biến đổi như vậy có nguy cơ làm tan biến thông điệp kitô giáo, dường như giáo hoàng lo sợ khi đối diện với những lập trường cực đoan nhất của con đường đồng nghị Đức không?

Đường lối đồng nghị Đức dường như rất xem trọng việc thay đổi cơ cấu thể chế. Họ mạnh dạn đặt ra những vấn đề không thể gọi đó là cấm kỵ và nói về những vấn đề mà giải pháp không thể bị trì hoãn đến vô thời hạn. Tuy nhiên tôi nhấn mạnh, những cải cách về thể chế – giống như những vấn đề chung quanh các điều kiện thi hành thừa tác vụ linh mục – phải đi trước và cùng đồng hành với nó là sự đào sâu về thần học và linh đạo.

Gần đây tôi phát hành quyển sách, “Buổi chiều của Kitô giáo” (L’Après-midi du christianisme), trong đó tôi suy nghĩ về thần học và về linh đạo của tân đồng nghị. Tôi áp dụng phương pháp mà tôi gọi là “kairology” – khoa chú giải thần học về sự thay đổi văn hóa và xã hội, lấy cảm hứng từ phương pháp “phân định thiêng liêng” của Thánh I-Nhã. Cần phải phân biệt giữa “tinh thần thời đại” (Zeitgeist) là “ngôn ngữ của thế giới”, và “dấu chỉ thời đại”, là ngôn ngữ của Thiên Chúa qua các biến cố thế giới.

Một số nhà thần học – như Karl Barth và Dietrich Bonhoeffer – đã đặt câu hỏi liệu kitô giáo có phải là một tôn giáo hay không. Tôi nghĩ kitô giáo của ngày mai sẽ là một tôn giáo theo một nghĩa rất khác với trước đây. Từ tôn giáo (religio) bắt nguồn từ động từ religare, họp lại; tôn giáo là sức mạnh hội nhập (“ngôn ngữ chung”) của toàn bộ xã hội. Nhưng từ tôn giáo (religio) cũng có thể bắt nguồn từ động từ relegere, “đọc lại”. Kitô giáo nên đưa ra một lối chú giải mới, một cách đọc mới, và một sự hiểu biết sâu sắc hơn về nguồn gốc của chính nó – Kinh thánh và Truyền thống – mà còn về “các dấu chỉ của thời đại”.

Quá trình thế tục hóa đã gia tăng mạnh ở Âu châu vì cuộc khủng hoảng lạm dụng. Làm thế nào điều này có thể được xem là “dấu chỉ thời đại” đối với Giáo hội?

Theo tôi, lạm dụng tình dục đóng một vai trò tương tự như vai trò của những vụ tai tiếng liên quan đến việc buôn bán các ân xá, ngay trước thời Cải cách. Lúc đầu, hai hiện tượng này có vẻ ngoài lề. Nhưng cả hai đều cho thấy những vấn đề hệ thống sâu sắc hơn nhiều. Trong trường hợp buôn bán ân xá, đó là về mối quan hệ giữa Giáo hội và tiền bạc, Giáo hội và quyền lực, giáo sĩ và giáo dân. Trong trường hợp các lạm dụng tình dục, tâm lý và thiêng liêng, đó là căn bệnh của hệ thống mà Đức Phanxicô gọi là “chủ nghĩa giáo quyền”. Trên hết, đó là lạm dụng quyền lực và thẩm quyền.

Giáo hoàng kêu gọi chuyển đổi hệ thống quyền lực giáo sĩ cứng nhắc thành Giáo hội như một mạng lưới hợp tác hỗ tương năng động, một con đường chung (syn-hodos). Hành trình này tất yếu dẫn đến sự siêu việt hóa các ranh giới thể chế và tinh thần hiện tại của Giáo hội, đến một chủ nghĩa đại kết sâu xa hơn và rộng lớn hơn – đến lời mời gọi phổ quát cho tất cả mọi người trên con đường dẫn đến mục tiêu cánh chung của “tình huynh đệ phổ quát”. Tầm nhìn vĩ đại của Đức Phanxicô chứa đựng trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti có thể đóng một vai trò trong thế kỷ 21 tương tự như vai trò của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền trong thế kỷ 20.

Diễn biến tương lai của tiến trình đồng nghị sẽ cho thấy liệu Giáo hội chỉ cống hiến những viễn tượng tươi đẹp cho nhân loại ngày nay (chỉ là lời nói, lời nói, lời nói) hay liệu Giáo hội sẽ thể hiện lòng dũng cảm “tự siêu việt” hay không. Căn tính của kitô giáo không phải là một cái gì tĩnh tại và bất biến. Căn tính và tính xác thực của kitô giáo nằm ở việc tham dự vào bi kịch Phục sinh – mầu nhiệm của cái chết và của phục sinh. Rất nhiều chuyện trong Giáo hội phải chết đi để phục sinh diễn ra – và phục sinh không phải là một “hồi sinh”, một quay trở lại đằng sau, mà là một biến đổi triệt để.

Làm thế nào để phát triển và duy trì một văn hóa đồng nghị ở châu Âu, khi các Giáo hội “quốc gia” là một phần của các thực tại giáo hội khác nhau như vậy?

Nỗi ám ảnh về “nguyên tắc quốc gia”, dù trong Nhà nước hay trong Giáo hội, kéo theo nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc, của chủ nghĩa vị kỷ dân tộc, một trong những căn bệnh của thời hiện đại, của thế kỷ 19, ngày nay tái xuất hiện như một cám dỗ nguy hiểm với chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa cực đoan trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa.

Chủ nghĩa dân tộc là nguyên nhân của hai thế chiến và thế chiến thứ ba hiện nay khi Nga bắt đầu với cuộc diệt chủng ở Ukraine – một mối đe dọa toàn cầu mà phương Tây đánh giá thấp một cách đáng trách – cũng do chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đế quốc nguy hiểm của Nga và chủ nghĩa cứu thế quốc gia gây ra. Đức Phanxicô nói rõ: người tín hữu kitô không nên là người theo chủ nghĩa dân tộc.

Linh mục thần học gia Tomas Halik: Phương Tây tỏ ra ngây thơ với Putin

Theo tôi, suy nghĩ trong biên giới quốc gia phải vượt lên “địa phương tính” (khái niệm suy nghĩ toàn cầu và hành động địa phương). Sự biến đổi đồng nghị của Giáo hội sẽ góp phần biến toàn cầu hóa thành “địa phương hóa”, do đó chuyển hướng tới tình liên đới, tôn trọng và chia sẻ lẫn nhau hơn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Chiến tranh ở Ukraine: “Sự chữa lành thế giới giả định cần một lực thiêng liêng đầy cảm hứng”