Vatican xác nhận xin lỗi Maxcova sau phát biểu của giáo hoàng

177

Vatican xác nhận xin lỗi Maxcova sau phát biểu của giáo hoàng

Bộ Ngoại giao Nga đã nhận thư xin lỗi do hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin ký. Vatican | © Jacques Berset

cath.ch, I. Media, 2022-12-15

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin bộ Ngoại giao Nga đã nhận lời xin lỗi của Tòa thánh sau những nhận xét của Đức Phanxicô về người Buryats và người Chechnya. Hãng tin đã tham dự cuộc họp báo với bà Maria Zakharova, phát ngôn viên của bộ ngày 15 tháng 12 năm 2022.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí America đăng ngày ngày 28 tháng 11, Đức Phanxicô đã tạo làn sóng phản đối kịch liệt ở Nga khi ngài nói về sự tàn ác của những người dân tộc thiểu số này như một phần của quân đội Nga, bà Maria Zakharova cho biết bà đã nhận một thông điệp qua hệ thống ngoại giao từ Hồng y Quốc vụ khanh Tòa thánh Pietro Parolin, trong đó ngài bày tỏ “lời xin lỗi của ngài đến Nga.” Theo bà Maria Zakharova, “Tòa Thánh có sự tôn trọng sâu sắc đối với tất cả các dân tộc Nga, phẩm giá, đức tin và văn hóa của họ, cũng như đối với các quốc gia và dân tộc khác trên thế giới”.

Một tín hiệu gián tiếp về việc mở cửa với Maxcova?

Khi được hãng tin I. Media liên hệ, Văn phòng Báo chí của Tòa thánh đã xác nhận “các liên hệ ngoại giao theo hướng này”.

Bà Maria Zakharova đảm bảo: “Chúng tôi tin rằng vụ việc đã được giải quyết và chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với Vatican.”

Đức Phanxicô đã làm Nga tức giận khi trong cuộc phỏng vấn ngài tuyên bố: “Theo quy định, những kẻ tàn ác nhất trong quân đội Nga có lẽ là những người đến từ Nga nhưng không theo truyền thống Nga, chẳng hạn như Chechnya, Buryats, v.v.” Nếu những lời này chắc chắn nhằm mục đích làm giảm bớt tiếng tăm bạo lực mù quáng của quân đội Nga, và do đó để gởi một tín hiệu gián tiếp cởi mở với Moscow, thì tác dụng của những lời nói này lại ngược lại. Bà Maria Zakharova tố cáo lời của giáo hoàng là “xuyên tạc sự thật” cáo buộc ngài muốn chia rẽ các lực lượng Nga: “Chúng tôi là một gia đình với Buryats, Chechens và các đại diện khác của đất nước đa quốc gia, đa tôn giáo của chúng tôi.”

Theo những người chỉ trích Điện Kremlin, các nhóm thiểu số tập trung ở các vùng nghèo và xa xôi của Nga cũng có nhiều binh sĩ thiệt mạng tại mặt trận ở Ukraine hơn so với người dân tộc Nga. Nhưng những nhóm thiểu số này cũng bị cáo buộc có vai trò trong các hành động tàn bạo mà Kyiv quy cho lực lượng Nga, như vụ thảm sát tại Boutcha.

Sự phẫn nộ của Nga

Một số nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo trong các khu vực này cũng lên án nhận xét của giáo hoàng, nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov cho rằng “người đứng đầu Vatican là nạn nhân của tuyên truyền và sự tàn nhẫn của các phương tiện truyền thông nước ngoài”.

Đại sứ Nga tại Tòa thánh, Alexander Avdeev, người mà Đức Phanxicô thường đánh giá cao “chủ nghĩa nhân văn” của ông cũng phản đối các cơ quan ngoại giao của Vatican. Ông tuyên bố với RIA Novosti: “Tôi bày tỏ sự phẫn nộ sau những lời bóng gió này và không có gì có thể lay chuyển được sự gắn kết và đoàn kết của người dân đa quốc gia Nga”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn về phân cực, về phong chức phụ nữ, các giám mục Hoa Kỳ và về nhiều chủ đề khác