Đức Phanxicô: “Phụ nữ là những người dời núi”
cath.ch, I.Media, 2022-12-11
Đức Phanxicô nhắc lại sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong việc phát triển sinh thái | © CAFOD-Thư viện ảnh/Flickr/NC-ND
Trong Ngày Miền núi Thế giới, vào giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 11 tháng 12 năm 2022, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến “vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường và gìn giữ truyền thống của các dân tộc miền núi.”
Trong dịp này, Đức Phanxicô bày tỏ mối quan tâm của ngài với đất nước Ukraine, Nam Sudan và vinh danh một tân chân phước Brazil.
Đức Phanxicô, tác giả của thông điệp Laudato si’ (2015) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vùng núi với nhân loại, đó là “nguồn tài nguyên tuyệt vời cho sự sống của hành tinh”. Ngài nói, những người leo núi có ý thức cộng đồng mạnh mẽ và họ cùng đi với nhau.
Ngày 12 tháng 2 năm 2023, Tòa Thánh sẽ tổ chức một cuộc họp tại Vatican nhân Ngày Núi Thế giới, diễn ra với sự hiện diện của tổng giám đốc Cơ quan Lương nông Quốc tế FAO người Trung quốc Qu Dongyu và Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục, hồng y José Tolentino de Mendonça.
Cầu nguyện trước máng cỏ Giáng sinh cho Ukraine
Sau giờ Kinh Truyền Tin, Đức Phanxicô xin giáo dân cầu nguyện trước máng cỏ cho trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt cho trẻ em Ukraine, phải sống những ngày khủng khiếp trong bóng tối chiến tranh.
Đức Phanxicô cũng ban phép lành cho các bức tượng trang hoàng Giáng Sinh, một truyền thống của các giáo xứ Rôma từ hơn 50 năm nay, họ đem tượng đến Quảng trường Thánh Phêrô để được ban phép lành. Năm 2019, Đức Phanxicô công bố một tông thư đặc biệt về máng cỏ Admirabile Signum, trong một thế giới bạo lực, máng cỏ mang hình ảnh của một hòa bình.
Kêu gọi hòa bình cho Nam Sudan
Đức Phanxicô lo ngại cho tình hình bạo lực diễn ra ở Nam Sudan trong những ngày gần đây. Ngài xin Chúa ban hòa bình và hòa giải dân tộc cho đất nước ngài sẽ đến thăm vào tháng 2 năm 2023, ngài yêu cầu các cuộc tấn công ngừng lại và người dân được tôn trọng.
Trong những ngày gần đây, giao tranh dữ dội đã diễn ra trên cả nước. Liên Hợp Quốc cho biết hàng ngàn người đã phải trốn khỏi đất nước. Không đầy hai tháng nữa, Đức Phanxicô sẽ đi Nam Sudan từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 2 năm 2022. Trong nhiều năm, ngài đã lo lắng giúp cho quốc gia nhỏ bé này, một đất nước bị nội chiến kể từ ngày thành lập năm 2011. Kể từ đó, phe chính phủ và một số phong trào đối lập, tập hợp trong Liên minh các phong trào đối lập Nam Sudan chống nhau trong một cuộc đấu tranh đẫm máu để dành quyền lực.
Tháng 4 năm 2019, hình ảnh tạo ấn tượng: Đức Phanxicô quỳ xuống trước các nhà lãnh đạo thù địch của Nam Sudan và hôn chân họ để xin họ hòa giải trong một cuộc họp được tổ chức tại Vatican. Để mang đến cho họ một hy vọng cụ thể, ngài bày tỏ mong muốn đến thăm đất nước non trẻ sau khi cuộc xung đột được giải quyết và tình hình ổn định hơn.
Hành trình đại kết
Đối diện với những xung đột giữa các bộ lạc, Tòa Thánh không hành động một mình. Ở đất nước có tỷ lệ người công giáo không chiếm đa số (37,5% dân số), Rôma có một chiến lược ngoại giao đại kết từ đầu. Để truyền tải thông điệp hòa bình, Giáo hội công giáo kêu gọi tín hữu anh giáo Scotland và người tin lành Calvin cùng làm việc cho hòa bình ở đây, họ có mặt nhiều ở thuộc địa cũ của Anh này.
Với sự cộng tác của các Giáo hội này, chuyến đi đã được dự trù từ năm 2017. Trong cuộc gặp lần cuối tại Vatican năm 2019, tổng giám mục anh giáo Justin Welby và Đức Phanxicô tuyên bố sẵn sàng cùng nhau đi Nam Sudan nếu có những tiến bộ đáng kể được thấy.
Tử đạo ở tuổi 20
Cuối giờ Kinh Truyền Tin, Đức Phanxicô vinh danh chân phước Isabel Cristina Mrad Campos (1962-1982), người Brazil vừa được phong chân phước một ngày trước. Ngài bày tỏ lòng kính trọng với người phụ nữ trẻ bị sát hại “vì đã bảo vệ phẩm giá trong tư cách phụ nữ và giá trị của sự khiết tịnh”.
Xuất thân trong một gia đình sốt sắng ở Barbacena, đông nam Brazil, đi lễ và chầu Thánh Thể hàng ngày, cô mơ ước thành bác sĩ nhi khoa ở châu Phi để chăm sóc những người yếu đuối nhất.
Năm 20 tuổi, cô bị một công nhân sát hại khi từ chối yêu cầu của ông. Lần chuỗi tràng hạt khi bị tấn công, cô chống lại người cưỡng hiếp mình và bị đâm nhiều nhát. Bộ Phong thánh xem đây là vụ giết người vì “hận thù đức tin”, đồng nghĩa với tử đạo.
Thánh lễ phong chân phước được hồng y Raymundo Damasceno Assis, tổng giám mục giáo phận Aparecida, tại Thánh địa Nossa Senhora da Piedade ở Barbacena cử hành.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch