Khi tính tự mê của tu sĩ là cơ sở của lạm dụng thiêng liêng

162

Khi tính tự mê của tu sĩ là cơ sở của lạm dụng thiêng liêng

katholisch.de, Felix Neumann, 2022-11-03

Hình minh họa huyền thoại tự mê

Trong một phỏng vấn với báo Công giáo Đức Katholische.de, bác sĩ tâm thần Martin Flesch cho biết: khi các tu sĩ là tội phạm thì ở giai đoạn đầu, rất thường xuyên họ dùng ơn gọi thế cho cách xử lý nhân cách riêng của mình. Vì thế đó là môi trường thuận lợi cho các lạm dụng thiêng liêng phát sinh từ cấu trúc nhà thờ.

Làm thế nào mà các vụ lạm dụng thiêng liêng lại xảy ra trong Giáo hội? Bác sĩ tâm thần Martin Flesch trả lời câu hỏi này trong quyển sách “Ảnh hưởng chết người” (Die Affected) trong đó tác giả mô tả và phân tích “các lãnh vực đau khổ tinh thần trong Giáo hội công giáo”. Ông tin chắc, đằng sau việc lợi dụng các mối quan hệ mục vụ, đằng sau những tổn thương và đau khổ, có một hệ thống thu hút và ủng hộ những kẻ gây tội ác. Trong cuộc phỏng vấn với báo Công giáo Đức, chuyên gia tâm thần và trị liệu tâm lý giải thích, bắt đầu từ đâu để những người có trách nhiệm đào tạo các linh mục phải khởi đi để thắng chủ nghĩa giáo quyền.

Thói tự mê là chữ chính bác sĩ dùng. Bác sĩ viết các cấu trúc lạm dụng phát sinh từ các chòm sao tự mê và xung đột. Tại sao thói tự mê là trọng tâm để giải thích việc lạm dụng thiêng liêng?

Bác sĩ Martin Flesch: Thói tự mê là nền tảng cơ bản cho các cấu trúc lạm dụng và chỉ là tiền đề cho chủ nghĩa giáo quyền để trường tồn. Đó là một hiện tượng của giáo hội mà những người lên ghế cầm quyền dùng để thoát mặc cảm không thích đáng của chính mình, nó chẳng có nghĩa lý gì hoặc chẳng là gì trong tư cách một con người “bình thường”. Những thiếu hụt tâm lý cần được bù đắp bằng cách làm giàu phạm vi ảnh hưởng của chính mình qua quyền lực và ảnh hưởng. Đó là lý do vì sao chúng ta luôn kết thúc với các cấu trúc tự mê mà chúng ta phải đối diện, nếu chúng ta cũng muốn ngăn chặn các cấu trúc lạm dụng.

Chỉ trích một hình ảnh phóng đại của các linh mục không phải là chuyện mới.

Tất nhiên, nhưng tôi không phát minh ra những phát hiện này. Các tuyên bố cũ hơn cũng có thể tìm thấy trên cơ sở sâu sắc hơn ở các tác giả được đào tạo về kỹ thuật như thần học gia Đức Eugen Drewermann (Kleriker năm 1989). Đây không phải là lý thuyết hay giả thuyết có trong đầu tôi hoặc tôi chép lại. Trước hết là tôi ghi nhận, và nhất là trên những ghi nhận này, chúng được xác nhận khi tôi hành nghề với những trường hợp cụ thể, và từ đó tôi rút ra, tôi kiểm chứng những giả thuyết này. Những gì thần học gia Drewermann phát hiện cách đây hơn 30 năm vẫn còn cập nhật và có thể kiểm chứng trong thực tế.

Bác sĩ Martin Flesch là chuyên gia về tâm thần học và tâm lý trị liệu, trọng tâm là tâm thần y pháp. Từ năm 2012, trong nghề của mình, ông hoạt động với tư cách là nhân chứng chuyên môn trong các lĩnh vực luật khác nhau, gồm cả giáo luật. Ông đã chữa trị cho rất nhiều nạn nhân bị lạm dụng thiêng liêng và tình dục. Quyển sách “Những người bị tác động. Không gian đau khổ về tình cảm trong Giáo hội công giáo” được nhà xuất bản Echter-Verlag phát hành.

Điều này được thể hiện như thế nào trong công việc của bác sĩ?

Với các tu sĩ và linh mục đến phòng khám của tôi, tôi tìm các thông tin tương tự liên quan đến nội dung và các tài liệu về hiện tượng học. Họ thường say mê tôn giáo từ khi còn rất nhỏ. Nhiều người nói ơn gọi đã và đang là con đường sống duy nhất của họ, họ không rút ra được tính hợp pháp cho chức linh mục ngoài cái được gọi là “được chọn”.

Lời kêu gọi này là nơi bảo vệ và an toàn, nhưng cũng trải nghiệm như một trao đổi vai trò và cuộc sống. Nhiều người có một mức độ hướng nội, họ thấy ơn gọi như một bù đắp cho những khiếm khuyết cá nhân. Nhưng nếu chúng ta tháp tùng họ đủ lâu, chúng ta sẽ thấy họ có một điểm chung, họ sợ khi phải đối diện với tính dục của chính mình, với kỹ năng quan hệ và sự tự do của họ ở thời điểm quyết định ơn gọi.

Chúng ta đang nói về các linh mục là thủ phạm tiềm năng hay các linh mục chính họ là nạn nhân của sự lạm dụng thiêng liêng dưới những hình thức này?

Trước khi chúng ta có thể nói về cấu trúc của các tội phạm, gần như không có ngoại lệ, những tính cách này ban đầu đều bị ảnh hưởng: họ thấy mình trong tình huống căng thẳng và đầy xung đột khi phải đối diện với những thiếu sót của chính mình, điều này khó có thể giúp họ hòa nhập vào những khiếm khuyết của nhân cách. Người ta nói về một bản sắc bị chia cắt vì nhiều người thực sự không biết họ là ai. Trên cơ sở này, tiềm năng và khoảng trống ban đầu vẫn còn lan tỏa cho việc lạm dụng mà sau này sẽ có thể được thực hiện.

Các ứng cử viên cho chức linh mục ngày càng lớn tuổi. Gần như không có ai bắt đầu là vào chủng viện ngay, đa số họ đã có một đời sống, một nghề nghiệp khi vào chủng viện. Vấn đề có được giảm nhẹ nhờ kinh nghiệm sống ngày càng tăng của các tân linh mục không?

Có thể được, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Câu hỏi được đặt ra: họ đã sống như thế nào cho đến giờ này? Sẽ chẳng khá hơn gì nếu tôi quyết định trễ hơn mười năm so với bình thường để đi tu, khi trong mười năm này, tôi vẫn ở mức độ trưởng thành khi tôi 18 hay 20 tuổi. Nếu tôi không tận dụng những cơ hội để phát triển bản thân khi đi tìm một con đường đúng đắn cho mình, thì những ứng viên lớn tuổi cũng nảy sinh những vấn đề tương tự. Đối với họ cũng thế, luôn có những câu hỏi về hội nhập giới tính, xu hướng tình dục, khả năng hình thành các mối quan hệ, một cách tự do và cá nhân trong đời sống của họ, những điều cũng đặt ra cho người trẻ.

Và làm thế nào điều này có thể áp dụng trong việc đào tạo linh mục?

Hiện tại, việc đào tạo chủ yếu bị tác động bởi chức năng hóa chức tư tế, dẫn đến sự không cân đối giữa con người và chức vụ. Như thế điều quan trọng phải để một không gian và phải phát triển tính chủ thể. Cuối cùng, tất cả những điều này có nghĩa, cấp thiết cần một hòa giải giữa con người và chức vụ. Đức tin như một hoàn thiện cho sự tồn tại của con người và thực tế cuộc sống của cá nhân phải được đặt lên hàng đầu. Nói một cách thực tế, điều này có nghĩa, việc đào tạo các linh mục mà chúng ta khẩn trương, cần phải có thời gian và mô hình đủ để thấy chính mình, để nhân cách được trưởng thành và nhất là phải tự nhận thức. Theo tôi, nếu không có những điều kiện tiên quyết này thì không một nhân cách linh mục nào có thể hòa giải được.

Bác sĩ có thấy các giám mục, những người có trách nhiệm cuối cùng trong việc đào tạo linh mục trong giáo phận đã có quyết tâm thay đổi như vậy chưa?

Ít nhất một phần nào đó, tôi thấy họ có một quyết tâm đối diện với các vấn đề này và thực hiện những thay đổi theo hướng này. Dù sao thay đổi các mô hình riêng lẻ trong việc đào tạo linh mục sẽ không đủ nếu không có những thay đổi đáng kể trong hệ thống giáo sĩ. Dĩ nhiên bản thân các giám mục cũng là một phần của hệ thống này, được gắn liền với cấu trúc của chủ nghĩa giáo quyền. Điều này tạo khó khăn cho việc cải tổ và khắc phục hệ thống. Nếu thiếu các điều kiện tiên quyết cần thiết cho một tầm nhìn sâu sắc, thì thực tế tâm hệ đằng sau cái hữu hình sẽ không được công nhận, đặc biệt là không có khả năng nhìn thấu sự mơ hồ của hệ thống giáo sĩ.

Việc đào tạo linh mục là then chốt để đặt nền móng ngay từ đầu để xây dựng chủ nghĩa giáo sĩ.

Trong quyển sách của bác sĩ, bác sĩ đưa ra tiếng nói của những người bị tác động, họ than phiền quá trình xử lý thiếu chặt chẽ và họ không được lắng nghe đủ.

Cũng cùng cấu trúc này đã làm cho lạm dụng có thể xảy ra, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến thực tế, các nạn nhân sau khi bị lạm dụng đã không được lắng nghe đầy đủ. Nếu tôi là giáo sĩ, tôi không có cái nhìn sâu sắc về những cấu trúc này và không tự vấn bản thân, ở chừng mực nào những chuyện này liên quan đến nhân cách của tôi, khi đó tôi sẽ không thể nâng cao mức độ nhạy cảm cần thiết khi giao tiếp với các nạn nhân. Rất nhiều linh mục và tu sĩ các dòng mà tôi đã tháp tùng, ngay cả các nhân viên phục vụ nhà thờ, họ thường đau khổ về sự lạnh nhạt tình cảm, không có khả năng nhận ra bản sắc của mình trong giao tiếp với giáo phận, với giáo xứ, với nhà dòng.

Trong các nghiên cứu đánh giá khác nhau, các giám mục và những người chịu trách nhiệm về nhân lực đã kiệt sức khi đối diện với các nạn nhân. Vậy những người lãnh đạo trong Giáo hội có thực sự cần trị liệu trước không?

Chắc chắn tôi sẽ nói có trong những trường hợp cá nhân. Với sự đều đặn đáng sợ, chính nơi những nhân cách này, những người đi theo con đường ơn gọi trên cơ sở của sự không đủ cảm xúc và cấu trúc, thì họ phù hợp với các cấu trúc giáo sĩ cao cấp, như chìa khóa trong ổ khóa, tất nhiên chức năng hóa của công việc cũng ảnh hưởng đến họ, họ tránh đối diện với bản thân và với những thiếu sót của chính mình. Chừng nào vẫn thiếu quyết tâm đặt vấn đề sâu sắc về cả cơ cấu, về cả tính tự mê mà hướng về quyền lực, thì họ sẽ hoàn toàn ở trong tình huống bất lực về mục vụ, sẽ không có cơ hội nào để thay đổi. Ngay cả các nhân viên ở các vị trí điều hành cũng chỉ có thể hỗ trợ đầy đủ cho nhân viên của mình khi họ đã nhận thức đúng về bản thân.

Có hy vọng nào cho Giáo hội và cho các nạn nhân bị lạm dụng thiêng liêng không?

Với các nạn nhân riêng lẻ, họ luôn có cơ hội tìm lại sự ổn định và phẩm chất cuộc sống nhờ tháp tùng trị liệu tùy mức độ chấn thương. Nhưng tôi cũng có hy vọng cho Giáo hội nói chung, vì Giáo hội tập trung vào việc sống theo sứ điệp trọng tâm của Chúa Giêsu. Sứ điệp này không bao giờ nói về cấu trúc quyền lực, về ảnh hưởng và chủ nghĩa giáo sĩ. Sứ điệp luôn loan truyền sự chấp nhận bản thân trên cơ sở phát triển nhân cách, để sau đó có thể sống và thực hiện lòng thương xót trên cơ sở này. Đó là niềm hy vọng cho Giáo hội.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch