Đức Phanxicô sẽ gặp “Hội đồng các Nhà hiền triết hồi giáo” ở Bahrain
cath.ch, I.Media, 2022-11-01
Thượng giáo sĩ Ahmad Al-Tayeb của Học viện Hồi giáo Al-Azhar là chủ tịch Hội đồng các Nhà hiền triết hồi giáo | © week.ahram.org.eg
Trong chuyến tông du đến Vương quốc Bahrain, ngày thứ sáu 4 tháng 11, Đức Phanxicô sẽ gặp các thành viên của Hội đồng các Nhà hiền triết hồi giáo, một tổ chức được thành lập năm 2014 để cổ động cho hòa bình trong thế giới hồi giáo, gồm các nhà lãnh đạo hồi giáo ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta xem lại tầm quan trọng cuộc họp này với giáo hoàng, và chỗ đứng của Hội đồng trong thế giới hồi giáo ngày nay.
Chủ tịch của Hội đồng là thượng giáo sĩ Ahmed al-Tayyeb, người đã đồng ký Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại với giáo hoàng năm 2019 ở Abu Dhabi. Thẩm phán Mohamed Abdelsalam, thư ký của Hội đồng là cố vấn thân cận nhất của thượng giáo sĩ, một trong những người viết văn bản cổ động tình huynh đệ sự hợp tác giữa các tôn giáo để chống lại chủ nghĩa cực đoan và bảo vệ tự do tôn giáo.
Một hội đồng trực tiếp liên kết với Học viện Hồi giáo Al-Azhar
Hội đồng trực tiếp liên kết với Học viện Hồi giáo Al-Azhar, rất uy tín và lâu đời ở Cairo, trụ sở chính ở Abu Dhabi, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Mục tiêu của Học viện: “Tập hợp các quốc gia hồi giáo lại với nhau để dập tắt ngọn lửa đe dọa các giá trị nhân đạo và các nguyên tắc khoan dung của hồi giáo, chấm dứt chủ nghĩa bè phái và bạo lực đã gây ra cho thế giới hồi giáo từ nhiều thập kỷ nay”.
Trang web của Hội đồng nhấn mạnh: “17 thành viên của Hội đồng là các học giả, chuyên gia và các nhà lãnh đạo hồi giáo nổi tiếng vì khôn ngoan, ý thức công lý, tính độc lập và sự trung dung của họ. Một số thành viên của hội đồng đã gặp giáo hoàng như thượng giáo sĩ Allahchukur Pashazadeh của Caucase đã gặp giáo hoàng ở Azerbaijan, ở Rôma và gần đây là ở Kazakhstan tháng 9 vừa qua.
Hội đồng muốn là đại diện cho các trào lưu và thực tế khác nhau của hồi giáo. Các thành viên đến từ 15 quốc gia khác nhau, từ Trung Đông, Đông Nam Á, Caucase và Châu Phi. Cần ghi nhận sự vắng mặt của một số nhân vật khổng lồ trong thế giới hồi giáo như: Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh (đó là các quốc gia hồi giáo đông dân thứ 2, 3 và 4 trên thế giới) và cả Iran, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Algeria (thứ 7, 8 và 9 đại diện cho 200 triệu tín hữu hồi giáo).
Đại diện các trào lưu tôn giáo khác nhau
Các thành viên thuộc các trào lưu tôn giáo khác nhau của hồi giáo. Giáo phái chiit được thượng giáo sĩ Sayyed Ali bin Mohamad el-Amine, một học giả Liban đối lập với Hezbollah đại diện. Các trào lưu chính của giáo phái sunni, nhánh đa số của hồi giáo do trường phái Malikite châu Phi, chủ nghĩa Hanbal của Ả Rập Xê Út, chủ nghĩa Hanafan của Ai Cập và Jordan và chủ nghĩa Chafi châu Á đại diện. Bằng cách dựa vào mối quan hệ đặc biệt của ngài với thượng giáo sĩ Ahmed al-Tayyeb để đối thoại với hồi giáo, một lần nữa Đức Phanxicô có thể đối thoại với Hội đồng các Nhà hiền triết mà ngài đã gặp năm 2109. Hội đồng được thành lập để đáp ứng sự gia tăng quyền lực của chủ nghĩa hồi giáo chính trị và chủ nghĩa khủng bố cực đoan, Hội đồng đã thành cơ quan đối thoại có thẩm quyền trong một thế giới hồi giáo bị chia cắt thành nhiều trung tâm quyền lực.
Trong lần phỏng vấn với hãng tin I.Media, linh mục dòng Đa Minh Emmanuel Pisani giải thích, Hội đồng các Nhà hiền triết hồi giáo được xem là phản ứng của Học viện Hồi giáo Al-Azhar đối với các học giả hồi giáo của Tổ chức Anh em Hồi giáo. Linh mục Pisani là chuyên gia về hồi giáo, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông phương của dòng Đa Minh nhấn mạnh đến hai thuật ngữ ‘hiền triết’ ngược với ‘học giả’, dấu hiệu cho thấy Học viện Hồi giáo Al-Azhar cho rằng các ngành khoa học có thể bị chính trị chi phối, phục vụ cho bạo lực hoặc chủ nghĩa cực đoan. Linh mục Pisani cho biết, ngày nay, tác động của Viện Al-Azhar đã giảm đáng kể, tuy nhiên ngài tin thượng giáo sĩ đang khôi phục hình ảnh của Viện qua các hoạt động quốc tế cổ động cho đối thoại. Thêm nữa, quan điểm này nhận được sự ủng hộ của một số cơ quan chính trị quan tâm đến việc duy trì hòa bình xã hội giữa các nhóm hồi giáo khác nhau cũng như với các nhóm thiểu số, đặc biệt là với các tín hữu kitô.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Bahrain: giáo hoàng trong sự hợp lý của hòa bình giữa tín hữu kitô giáo và hồi giáo