Ngoại giao của Đức Phanxicô ở Ukraine là ngoại giao linh động

81

Ngoại giao của Đức Phanxicô ở Ukraine là ngoại giao linh động

 

fr.aleteia.org, Cécile Séveirac, 2022-10-04

 

Phỏng vấn ông François Mabille, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia, CNRS, giám đốc đài quan sát địa chính trị của các tôn giáo thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS)

Ngày chúa nhật 2 tháng 10, Đức Phanxicô trực tiếp lên tiếng xin tổng thống Vladimir Putin chấm dứt chiến tranh Ukraine. Một phát biểu trái ngược với những can thiệp trước đây của ngài kể từ đầu cuộc chiến Ukraine. Theo nhà nghiên cứu François Mabille “quan điểm mới nhất của Đức Phanxicô cho thấy ngài trở lại với các nguyên tắc cơ bản của Tòa Thánh trong vấn đề hòa giải và hòa bình”.

Aleteia: Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, đây là lần đầu tiên Đức Phanxicô trực tiếp lên tiếng với Vladimir Putin vào ngày chúa nhật tuần này, xin tổng thống Putin chấm dứt vòng xoáy bạo lực và chết chóc. Theo ông, những lời này có tạo một đối lập không?

François Mabille: Có một thay đổi kép ở giáo hoàng: đây là một trong những lần đầu tiên ngài không có xu hướng đặt kẻ xâm lược và kẻ bị tấn công ngang hàng, có nghĩa là không tìm cách đưa ra trách nhiệm kép giữa các bên tranh chiến. Chúng ta nhớ lại, trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Corriere Della Serra, Đức Phanxicô đã nói NATO “sủa” trước cổng nước Nga, như thế ngài dường như chỉ định người Ukraine, người châu Âu và đồng minh của họ là Bắc Mỹ đồng trách nhiệm trong cuộc xung đột. Thay đổi thứ hai, và là thay đổi quan trọng nhất: giáo hoàng phân tích xung đột liên quan đến luật pháp quốc tế, bằng cách lên án cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập các khu vực Ukraine. Tất nhiên, ngay từ đầu cuộc xung đột, lẽ ra Đức Phanxicô phải lập luận rõ cách tiếp cận của ngài với pháp lý trên cơ sở Hiến chương Liên hiệp quốc, đặc biệt chương VII liên quan đến các mối đe dọa chống lại hòa bình và các hành động xâm lược.

Đức Phanxicô đã nỗ lực để đặt quan điểm của Tòa Thánh và rộng hơn là của người công giáo, những người đại diện cho hòa bình.

Liệu lời kêu gọi “trực tiếp” này với tổng thống Nga có nằm trong chính sách được Vatican áp dụng kể từ đầu cuộc xung đột không? Nếu có thì như thế nào?

Tôi nghĩ điều đáng đặt vấn đề ở đây không phải là chính sách của Tòa thánh, có nghĩa công việc ngoại giao của Quốc vụ khanh và các sứ thần mà là thái độ cá nhân của Đức Phanxicô. Để hiểu được thái độ của ngài kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, chúng ta phải gom lại ba điểm quan trọng: đầu tiên khi chọn Phanxicô là tên liên hệ đến Thánh Phanxicô Assisi, Đức Phanxicô đã xem hòa bình là trọng tâm triều giáo hoàng của ngài. Thực tế ngài đã tiếp các nhà lãnh đạo Palestine và Israel tại Vatican, hành động của ngài ở Cuba, ở Colombia và trong nhiều bối cảnh khác nhau ở Miến Điện, Congo, Cộng hòa Trung Phi, cả xung đột Ukraine, ngài đã nỗ lực không ngừng để đặt quan điểm của Tòa Thánh và rộng hơn là của người công giáo, những người đại diện cho hòa bình. Điểm thứ nhì: Giáo hoàng thích đưa ra các sáng kiến, thử mở các cánh cửa: ngoại giao của ngài là ngoại giao di động, như chúng ta đã thấy với các bên tham gia khác nhau như Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Điểm thứ ba: ngài ưu tiên các liên hệ cá nhân, điều này có thể thấy cả trong nội bộ, khi điều hành Giáo hội và trong các mối quan hệ của ngài với các chính trị gia. Ba điểm này giải thích cách tiếp cận của ngài với cuộc xung đột Ukraine, chuyến đi đến sứ quán Nga của ngài ra ngoài các khuôn khổ ngoại giao, sẵn sàng gặp Vladimir Putin, cuộc gặp trực tuyến với thượng phụ Kyrill và lời kêu gọi gần đây với cả tổng thống Putin và tổng thống Zelensky. Tất cả cũng là dấu hiệu của những giới hạn: Giáo hoàng cư xử như người kiến tạo hòa bình, gây phương hại cho cách tiếp cận ngoại giao truyền thống của Tòa Thánh, mong muốn thành nhà hòa giải hòa bình không theo một phân tích sáng suốt về cuộc xung đột này, về chế độ Putin, về tòa thượng phụ Matxcova trong chính sách quốc tế của Nga.

Ông có thấy sự tiến hóa trong quan điểm của Đức Phanxicô về cuộc chiến ở Ukraine không?

Kể từ năm 2015, và một cách khuếch đại từ tháng 3 năm 2022, khá khó khăn cho người quan sát để hiểu tình hình ở Ukraine được Vatican giải thích như thế nào. Sự thiếu chính xác của từ vựng, tôi đặc biệt nghĩ đến sự tố cáo chủ nghĩa dân tộc, mà không nêu rõ chủ nghĩa nào, công thức gay gắt như hồi tháng 2 năm 2015 khi ngài nói “cuộc chiến giữa những kitô hữu” tái xuất hiện vào tháng 2 năm 2022 trong một cách nói lỗi thời về cuộc xung đột thành cuộc chiến giữa “các dân tộc tự hào là kitô hữu” nhưng xem nhau “như kẻ thù”, việc từ chối nêu tên những người chịu trách nhiệm cuộc xung đột, sự đu dây giữa các phương pháp tiếp cận tôn giáo, như việc dâng hiến Ukraine và nước Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria ngày 25 tháng 3 – 2022, đến đu dây chính trị khi tháng 5, ngài tố cáo NATO “sủa” trước cổng nước Nga (là một trong các nguồn gốc của cuộc xung đột), tất cả các yếu tố này cho thấy giáo hoàng thiếu khả năng phân tích tình hình.

Quan điểm mới nhất của Đức Phanxicô cho thấy ngài trở lại với các nguyên tắc cơ bản của Tòa Thánh trong vấn đề hòa giải và hòa bình.

Chúng tôi nói thêm, thường thường Tòa thánh tuân thủ luật pháp quốc tế (trong trường hợp này cho phép chúng tôi chỉ định Nga rõ ràng là một quốc gia xâm lược) và dường như đã quên bất kỳ điều khoản pháp lý nào. Cuộc phỏng vấn của Đức Phanxicô với nhật báo Corriere della Serra vào tháng 5 năm 2022 chắc chắn là điểm cao cho thấy ngài thiếu khả năng phân tích, ngài từ chối gửi vũ khí cho Ukraine, nhưng lại yêu cầu giúp đỡ cho Ukraine, đề xuất hòa giải với Putin khi nhấn mạnh ông không trả lời ngài: ấn tượng trước những nhận xét này, trước hết là ý kiến của một giáo hoàng, chứ không phải sự phân tích chu đáo của một nhà lãnh đạo tôn giáo đứng đầu một trong những mạng lưới ngoại giao quan trọng nhất thế giới. Tiến trình bắt đầu từ ngày 22 tháng 5 khi tổng giám mục ngoại trưởng Paul Richard Gallagher, phá vỡ những nhận xét của giáo hoàng như đã nhắc ở trên, giải thích rằng việc giúp đỡ người Ukraine, bao gồm cả về mặt quân sự là hợp pháp, đưa vào cách tiếp cận thông thường của Tòa Thánh và học thuyết, đó là vũ trang tự vệ. Quan điểm mới nhất của Đức Phanxicô cho thấy ngài trở lại với các nguyên tắc cơ bản của Tòa Thánh trong vấn đề hòa giải và hòa bình.

Các lời nói của ngài thực sự có gây ra hậu quả gì không?

Đã có một sự mất lòng tin giữa người Ukraine và giáo hoàng, dẫn đến việc ngoại trưởng Ukraine triệu tập sứ thần tại Ukraine. Lời nói của ngài có thể nối lại hoặc giảm bớt sự phẫn nộ của người Ukraine. Nói một cách tổng quát và biểu tượng hơn, với đặc thù của Tòa thánh trên trường quốc tế, việc tố cáo sự leo thang quá độ và xung đột hạt nhân cho thấy điều mong chờ, đó là thẩm quyền thiêng liêng và có thể thu hút sự chú ý của những người đã không chú ý đủ đến tầm quan trọng của cuộc xung đột này.

Vatican có thể có tiếng nói trong việc giải quyết cuộc chiến ở Ukraine không?

Sự khuê trương quân sự và hiếu chiến hiện đang chiếm ưu thế; kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, tiếng nói dai dẳng của nước Pháp cố gắng gây ảnh hưởng đến Vladimir Putin ít được nghe thấy; trong bối cảnh này, bất kỳ đề xuất hòa giải nào, dù cơ hội thành công thấp đến đâu, cũng đều đáng giá. Và Tòa Thánh, bất chấp những sai lầm đã thấy, vẫn tiếp tục có những lá bài chủ đáng kể để ngăn chặn tình hình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Tầm hoạt động của Đức Phanxicô ở Ukraine bị hạn chế

Chiến tranh ở Ukraine: Đức Phanxicô có thể làm gì để ngăn chặn Putin?