Ngoại trưởng Vatican gặp ngoại trưởng Nga tại Đại hội đồng Liên hợp quốc

94

Ngoại trưởng Vatican gặp ngoại trưởng Nga tại Đại hội đồng Liên hợp quốc

americamagazine.org, Junno Arocho Esteves, 2022-09-23

Hồng y Pietro Parolin, ngoại trưởng Vatican (hồng y Quốc vụ khanh) chào mừng bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov bên lề cuộc họp Liên Hợp Quốc tại New York ngày 22 tháng 9 năm 2022. (Ảnh chụp màn hình CNS / Bộ Ngoại giao Nga qua Twitter)

Vatican News đưa tin, hồng y Pietro Parolin, ngoại trưởng Vatican, đã gặp gỡ ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York ngày thứ năm 22 tháng 9. Văn phòng báo chí Vatican không đưa ra tuyên bố nào liên quan đến cuộc gặp của hồng y Parolin, nhưng bộ Ngoại giao Nga đã tweet một đoạn video ghi lại lúc hai người bắt tay và chào hỏi nhau.

Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố: “Chúng tôi cám ơn ngài đã gợi ý tổ chức cuộc gặp này. Chúng tôi đánh giá cao các nỗ lực của ngài trong thời điểm không mấy yên tĩnh này.” Thật không may,” hồng y Parolin trả lời, cắt ngang sự chào đón của ngoại trưởng Lavrov.

Ngoại trưởng Nga tiếp tục bày tỏ sự đánh giá cao của mình với những nỗ lực của hồng y “để thúc đẩy tình hình được ổn định hơn, công bằng hơn, công chính hơn và tất nhiên là có pháp quyền”. Đoạn video của Nga dừng lại ở đó.

Hồng y cảnh báo, “khi căng thẳng toàn cầu gia tăng và khi chúng ta nghe những bài diễn văn đe dọa dùng vũ khí hạt nhân, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải làm cho Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện có hiệu lực”.

Trong một tuyên bố được công bố sau cuộc họp, bộ Ngoại giao Nga cho biết ngoại trưởng Lavrov “đã nói rõ lý do của cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong quan hệ giữa Nga và phương Tây” và đổ lỗi cho căng thẳng gia tăng là do “cuộc thập tự chinh của khối NATO nhằm hủy diệt Nga và chia rẽ thế giới”.

Sau cuộc phản công của Ukraine đẩy quân đội Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, ngày 21 tháng 9, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố điều động một phần quân trừ bị và đe dọa dùng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga.

Ngoại trưởng Lavrov nói với hồng y Parolin, “các bước mà Nga thực hiện được thiết lập để đảm bảo độc lập và an ninh, cũng như để chống lại tham vọng bá quyền của Hoa Kỳ nhằm kiểm soát tất cả các quá trình toàn cầu”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh nhu cầu đối thoại, dù phải đối thoại “với các Quốc gia gây chiến”.

Một ngày trước cuộc họp của họ, hồng y Parolin đã phát biểu tại cuộc họp lần thứ 10 của Hiệp hội Bằng hữu của Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện.

Trong bài phát biểu này, hồng y cảnh báo rằng “khi căng thẳng toàn cầu gia tăng và khi chúng ta nghe những bài diễn văn đe dọa dùng vũ khí hạt nhân, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải làm cho Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện có hiệu lực”.

Hiệp ước đa phương, cấm tất cả các vụ nổ thử vũ khí hạt nhân dân sự và quân sự, đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 1996. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, trong số này có Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã không phê chuẩn hiệp ước.

Phát biểu với các nhà báo ngày 15 tháng 9 sau chuyến thăm Kazakhstan, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến nhu cầu đối thoại, dù phải đối thoại “với các Quốc gia gây chiến”. Ngài nói: “Tôi không loại trừ đối thoại với bất kỳ loại quyền lực nào đang có chiến tranh, ngay cả khi đó là kẻ xâm lăng. Nó có thể ‘có mùi’ nhưng chúng ta phải đối thoại. Chúng ta phải luôn đi trước một bước, với bàn tay dang rộng, luôn luôn! Nếu không, chúng ta đóng cánh cửa hợp lý duy nhất dẫn đến hòa bình”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Sau bài phát biểu của Putin, tổng giám mục Matxcova bảo vệ đối thoại