Tôi đã nhìn tận mắt ánh mắt của những người di cư

66

“Tôi đã nhìn tận mắt ánh mắt của những người di cư”

Đức Phanxicô kêu gọi đưa hình ảnh của người di cư lên hàng đầu | © Charles-André Habib / Flickr / CC BY-NC-ND 2.0

cath.ch, I.Media, 2022-09-18

Trong một phỏng vấn dài dành cho nhật báo Napolitain Il Mattino phát sóng ngày chúa nhật 18 tháng 9 năm 2022, Đức Phanxicô kể lại một số nỗi đau làm ảnh hưởng thế giới và những điều này đã làm cho ngài nhìn lại vấn đề. Người di cư, chiến tranh Ukraine, đại dịch, tội phạm, nợ nần… ngài đưa ra cái nhìn thực tế và tìm cách báo động các nhà lãnh đạo thế giới.

Nhật báo Il Mattino của thành phố Naple, nước Ý đã phỏng vấn Đức Phanxicô. Ngay lập tức, ngài bộc bạch: “Vấn đề di cư làm tôi nhớ đến Buenos Aires. Vì đó là miền nam, và tôi đến từ miền nam”, ngài đề cập đến vấn đề di cư ở Địa Trung Hải. Ngài kể: “Tôi đã tận mắt nhìn ánh mắt của những người di cư. Tôi thấy nỗi sợ hãi và hy vọng, tôi thấy những giọt nước mắt và nụ cười chứa đầy hy vọng, nhưng thường lại bị phản bội.”

“Dễ dàng làm cho dư luận sợ hãi khi làm cho người khác sợ”

Ngài thố lộ, ngài không bao giờ quên lời của thượng phụ Constantinople Bartholomew trong chuyến đi Lesbos năm 2016, thượng phụ viết trong thông điệp gởi người di cư: “Ai sợ anh chị em, họ đã không nhìn thẳng vào mắt anh chị em. Ai sợ anh chị em, họ đã không nhìn thấy mặt anh chị em. Ai sợ anh chị em, họ đã không thấy con cái anh chị em”.

Sau đó, Đức Phanxicô nhấn mạnh “thật dễ dàng làm cho dư luận sợ hãi khi làm cho người khác sợ”, nhưng “khó hơn khi nói chuyện để gặp gỡ người khác, tố cáo sự bóc lột người nghèo, các chiến tranh phần lớn được tài trợ, các thỏa thuận kinh tế được thực hiện sau lưng người dân, các hành động buôn bán vũ khí thường bí ẩn”.

“Chúng ta đã không lắng nghe tiếng kêu của người nghèo”

Về chủ đề chiến tranh Ukraine, ngài nhắc lại lời Đức Gioan-Phaolô II tuyên bố năm 2001 khi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York sụp đổ: “Trật tự bị phá vỡ có thể được khôi phục hoàn toàn khi kết hợp công lý và tha thứ. Các trụ cột của hòa bình thực sự là công lý và tha thứ, đó là hình thức đặc biệt của tình yêu.”

Ngài nhấn mạnh: “Đừng cam chịu với ý nghĩ để đánh bại cái ác, chúng ta phải dùng vũ khí của chính mình. Như tôi đã nhắc các nhà lãnh đạo tôn giáo trong cuộc gặp ở Kazakhstan, chỉ có đối thoại là cách cần thiết và không thể khác đi. Chúng ta phải nói chuyện với tất cả mọi người”.

Nhớ lại khi bắt đầu đại dịch, ngài tâm sự với các nhà báo của tờ Il Mattino: “Chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ luôn lành mạnh trong một thế giới bệnh tật”. Vì vậy, “chúng ta đã không thức tỉnh trước các cuộc chiến và trước các bất công trên thế giới, chúng ta đã không lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và tiếng kêu của hành tinh đang bị bệnh nặng của chúng ta”.

Ngài nói: “Vì thế bây giờ là thời điểm thử thách, thời điểm của quyết định. Quyết định cái gì quan trọng và cái gì chóng qua,  để tách biệt những gì cần thiết với những gì không cần thiết”.

Cách giáo hoàng báo động cho các nhà lãnh đạo thế giới

Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Phanxicô đề cập đến các lời cầu xin ngài gởi đến các nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị quốc tế: “Đã nhiều lần tôi yêu cầu và tôi vẫn tiếp tục yêu cầu, nhân danh Chúa, xin các tập đoàn tài chính và tổ chức tín dụng quốc tế cho phép các nước nghèo đảm bảo các nhu cầu cơ bản của người dân và xóa những khoản nợ thường được ký kết chống lại lợi ích của chính các dân tộc này”.

Đức Phanxicô cảnh báo: “Để người di cư không hội nhập là nguy hiểm”

Ngài còn đi xa hơn, ngài yêu cầu “các doanh nghiệp lớn ngừng phá rừng, gây ô nhiễm sông biển và đầu độc con người và thực phẩm”. Một lần nữa, ngài xin: “Tôi tiếp tục kêu gọi các nhà sản xuất và buôn bán vũ khí ngừng hoàn toàn các hoạt động của họ, những hoạt động đang thúc đẩy bạo lực và chiến tranh, làm cho hàng triệu sinh mạng gặp hiểm nguy. Cũng như tôi đã yêu cầu những công ty khổng lồ công nghệ ngừng khai thác sự yếu đuối của con người vì lợi nhuận, không khuyến khích hành vi thao túng tâm lý trẻ vị thành niên trên web, có lời lẽ kích động thù địch, tin tức giả mạo, thuyết âm mưu, thao túng chính trị, nhưng ngược lại tôi xin tự do hóa quyền truy cập vào nội dung giáo dục”.

Với các chính quyền và các chính trị gia, Đức Phanxicô xin họ  “làm việc vì lợi ích chung, can đảm nhìn thẳng vào mắt người dân của họ, để biết rằng lợi ích của một dân tộc không chỉ là một sự đồng thuận giữa các đảng”. Ngài cũng khuyên họ không nên chỉ nghe theo “giới tinh hoa kinh tế thường là phát ngôn viên cho những ý thức hệ hời hợt trốn tránh các vấn đề thực tế của nhân loại”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Những người di cư của giáo hoàng”, bên trong hành lang của một quy trình hành chính lâu dài