Một thiểu số nhỏ người công giáo ở Trung Á đến gặp Đức Phanxicô

81

Một thiểu số nhỏ người công giáo ở Trung Á đến gặp Đức Phanxicô

Thánh lễ tại Quảng trường Expo, chiều thứ tư 14-9-2022

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, (đặc phái viên tại Nur-Sultan, Kazakhstan), 2022-09-14

Trong số 7.000 người đến dự thánh lễ Đức Phanxicô cử hành chiều thứ tư, 14 tháng 9 tại quảng trường Expo có nhiều người nói lên chứng từ của thực trạng thiểu số người công giáo rất nhỏ ở các nước trong khu vực.

Tấm voan xanh đậm trên mái tóc trắng, bà là một trong số những người đến Quảng trường Expo chiều nay. Mặt trời sưởi ấm không gian, sơ Renata Dòng Vinh Sơn đã chờ Đức Phanxicô hai giờ. Cùng với một số giáo dân, nữ tu 58 tuổi người Ba Lan đến từ nước láng giềng Uzbekistan, sơ đã ở Kazakhstan bảy năm, trước khi đi truyền giáo ở Nga. Qua bao nhiêu năm tháng, giống như nhiều tu sĩ ở Trung Á, sơ đã học để hiểu “điều chính yếu không phải là số lượng có bao nhiêu người công giáo, nhưng là chất lượng”. Câu nói có thể xem như lời an ủi. Nhưng ở đây, thực sự nó là nguyên tắc sống còn.

Ở Uzbekistan, năm 2018 chỉ có khoảng 2.700 người công giáo,  so với 200.000 người ở Kazakhstan, nhưng nữ tu tin chắc, các giáo dân sơ gặp là những người có “đức tin rất mạnh”. Một nữ tu người Argentina cũng xác nhận như vậy. Sơ đến từ Tajikistan, một quốc gia láng giềng, sơ đi cùng với ba giáo dân. Tổng cộng, đất nước sơ được gởi đi truyền giáo có… hai nhà thờ. Nhưng sơ cho biết, ở đó nên kín đáo giấu tên.

Mười lăm giáo dân

Trong đám đông nhỏ – 7.000 người – đang chờ Đức Phanxicô, sơ Renata gặp lại linh mục dòng Phanxicô, một người quen cũ của sơ cũng là người Ba Lan, đã định cư ở Nur-Sultan 15 năm. Linh mục Pawel Blok mỉm cười: “Tôi là mục tử của giáo xứ lớn thứ hai ở thủ đô Kazakhstan.” Thưa cha thành phố có bao nhiêu nhà thờ? Cha trả lời: “Có hai! Tuần trước tôi có khoảng mười lăm giáo dân. Một con số bình thường!”

Cũng như sơ Renata, cha công nhận người công giáo ở đây chỉ chiếm một thiểu số rất nhỏ: không quá 1% trong số 19 triệu người dân trải dài trên đất nước bao la này (lớn thứ chín trên thế giới). Cha nói: “Khi tôi đến đây, tôi nghĩ tôi hoán cải mọi người. Nhưng thực tế, họ mới là người hoán cải tôi. Tôi học cách sống giữa họ, đơn giản làm chứng cho đức tin của tôi.”

“Quan hệ tốt với tất cả mọi người”

So với những năm ở Ba Lan, đây là một thay đổi lớn trong cương vị linh mục: “Tôi có 200 giáo dân tham dự thánh lễ, tôi giải tội cho những ai đến gặp tôi, tôi có nhiệm vụ dạy giáo lý. Nhưng ở đây họ xin tôi dạy tiếng Anh hoặc dạy dương cầm. Còn xưng tội, mỗi tháng tôi giải tội cho một người. Không hơn.”

Linh mục Blok nhấn mạnh đến sự đơn giản trong quan hệ với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác trong nước, và “quan hệ tốt với tất cả mọi người”. Mối quan hệ tốt đẹp, thể hiện qua sự hiện diện của nhiều người Kazakhstan theo đạo hồi trong buổi lễ chiều nay. Đối với nhiều người, đây là thánh lễ đầu tiên họ dự.

 “Một sự kiện lịch sử”

 Anh Nurkean, 24 tuổi làm chứng: “Tôi làm nhiệm vụ của tôi, tôi phải đến đây. Đây là sự kiện lịch sử ”, anh đang làm tiến sĩ luật hành chính, theo học ở một trường đại học gần đây. Anh nói tiếp: “Chúng ta đang trải qua những giai đoạn khó khăn, mọi người đều đau khổ vì chiến tranh, gia đình ly tán, một số người đã mất ý thức chung để chỉ nhìn thấy những gì ngăn cách họ. Vì vậy, đến đây để gặp giáo hoàng là để nói, chúng ta đang đoàn kết trong một trái tim, một tâm hồn.”

Còn về phần anh Cyril, anh giải thích: “Câu hỏi người ta hỏi tôi nhiều nhất là tôi đã đến Vatican chưa.” Anh Cyril người Pháp 43 tuổi đến thủ đô Kazakhstan năm 2018 để dạy tiếng Pháp trong một trường trung học quốc tế. Anh nói: “Thông thường, khi biết tôi đạo công giáo, các học sinh hỏi tôi có đúng là chúng tôi uống rượu vang trong nhà thờ không và bánh thánh có mùi vị gì.” Trong thánh lễ ngày chúa nhật anh thường gặp khoảng 50 người: “Tôi gặp một vài người Kazakhstan ở đó, họ là người chính thống giáo Nga đã trở lại, hoặc những người hồi giáo trở lại nhưng đa số là người nước ngoài, như người Phi Luật Tân hoặc Ấn Độ.”

Khi chúng tôi hỏi cha Pawel liệu cha có sợ sẽ không còn người công giáo nào không, cha suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Có, nỗi sợ vẫn ở đó. Nhưng hy vọng mạnh hơn sợ hãi. Tôi hy vọng đạo công giáo sẽ phát triển trên đất nước này.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Bức khảm của thiểu số người công giáo ở Kazakhstan