Giáo hoàng và phiền toái của cầu nguyện

122

Giáo hoàng và phiền toái của cầu nguyện

international.la-croix.com, Robert Mickens, 2022-09-09

Đức Phanxicô đã thành công đáng kể trong việc làm cho mọi người có một cái nhìn mới về các thách thức hoặc các vấn đề lớn của thế giới chúng ta. Ngài được giới truyền thông hỗ trợ trong việc này nhờ tình thân thiện với các nhà báo.

Nhưng điều này không có nghĩa mọi người đồng ý với những gì ngài nói hay có người thực sự xem trọng lời của ngài để hành động hoặc để thay đổi hành vi của họ.

Chỉ cần nghĩ đến những lời kêu gọi hòa bình không ngừng của ngài là đủ. Phải thừa nhận họ đã không chấm dứt nhiều chiến tranh, không một cuộc chiến nào.

Và kết quả của những lời van xin lặp đi lặp lại của ngài để tôn trọng tạo vật – con người, đời sống động thực vật và tất cả các yếu tố của môi trường là gì?

Gần như tất cả mọi người – kể cả ở Vatican – không biết hoặc không quan tâm nhiều đến thực tế là chúng ta đang ở trong “Mùa tạo dựng”, một sáng kiến đại kết kéo dài 5 tuần nhằm tìm cách bảo vệ “ngôi nhà chung”. Và đó là điều Đức Phanxicô rất hỗ trợ.

Dù sao những vấn đề được báo chí quan tâm chủ yếu là nhờ những người trong giới truyền thông, vì ngay cả truyền thông thế tục cũng công nhận giáo hoàng có một thẩm quyền đạo đức nhất định, dù ngài không phải là chuyên gia về các vấn đề môi trường, ngoại giao quốc tế hay xây dựng hòa bình.

Bậc thầy của cầu nguyện

Đức Phanxicô là linh mục, là giám mục công giáo, như vậy về cơ bản, ngài là nhà lãnh đạo “thiêng liêng”, có nghĩa chuyên môn của ngài là các vấn đề tâm linh. Và một trong những điều quan trọng nhất là cầu nguyện.

Có lẽ nhiều người không biết ngài để cả năm để dạy cầu nguyện trong các buổi tiếp kiến chung hàng tuần. Ngày 6 tháng 5 năm 2020, khi mở đầu loạt bài giáo lý hàng tuần, ngài đã tuyên bố: “Cầu nguyện là hơi thở của đức tin; đó là cách diễn tả đúng đắn nhất của cầu nguyện. Giống như tiếng kêu vang vọng từ trái tim của những ai tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa.”

Ngài tiếp tục giảng về cầu nguyện hai tháng tiếp theo trước khi tạm dừng các bài giáo lý để nói với công chúng về sự cấp bách của việc “chữa lành thế giới” trước những tai họa xã hội sâu đậm mà đại dịch coronavirus đã gây ra.

Đầu tháng 10 năm 2020, ngài tiếp tục loạt bài giảng về cầu nguyện cho đến tháng 6 năm 2021. Tổng cộng, ngài giảng 38 bài về chủ đề cầu nguyện. Nhưng phần lớn các bài này không được trang La Croix Quốc tế chú ý, tôi rất tiếc phải nói lên như vậy.

Một chủ đề quá phiền toái hay quá thân mật?

Có lẽ người công giáo chúng ta không mấy thoải mái khi công khai nói về cầu nguyện vì chúng ta sợ bị cho là “người đi giảng” hoặc “người của giáo hội”.

Nhiều người công giáo – có lẽ thực sự là hầu hết – ngượng ngùng khi nói với người khác về “đời sống cầu nguyện”, nhưng không ngượng ngùng khi nói về đời sống tình dục của họ! Có phải vì họ không có đời sống cầu nguyện chăng? Hay họ thấy việc công khai nói về cầu nguyện là quá riêng tư và thân mật?

Khi tôi nói “họ”, tất nhiên tôi muốn nói đến “chúng ta” – tất cả chúng ta.

Tôi ngờ rằng một trong những vấn đề của hầu hết người công giáo chúng ta là chúng ta không được dạy nhiều về cầu nguyện, ngoài việc đọc thuộc lòng các Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, giữ đạo cho riêng mình và đi lễ.

Chúng ta đã thấy điều này trong những nỗ lực vụng về để lấp khoảng trống do các nghi lễ công cộng bị đình chỉ trong các đợt cách ly khác nhau của đại dịch. Có vẻ như công việc hướng dẫn thiêng liêng, các tài liệu đồng hành của người công giáo chúng ta – nói chung – đã không làm tốt lắm để cung cấp cho giáo dân công cụ giúp họ xây dựng một đời sống nội tâm.

Cầu nguyện không chỉ là đến nhà thờ ngày chúa nhật

Thậm chí sau 60 năm kết thúc Công đồng Vatican II (1962-65), Giáo hội vẫn tiếp tục truyền thông điệp “phép thử”, là người công giáo la-mã chỉ cần trung thành tuân theo “nghĩa vụ” đi lễ ngày chúa nhật và các ngày lễ buộc.

Dĩ nhiên có những cố gắng lớn để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng hậu Công đồng như suy gẫm, lectio divina, tập trung cầu nguyện, v.v. Nhóm lần chuỗi Mân Côi trước thánh lễ hoặc nhóm chầu sau thánh lễ cũng như các “việc thờ phụng” khác tiếp tục tự hào giữ vị trí của họ.

Theo một nghĩa nào đó, mọi linh đạo đều là Thánh Thể, vì việc cử hành Thánh Thể là “nguồn mạch và đỉnh cao” của đức tin và đời sống Giáo hội. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục kéo dài nỗi ám ảnh thời trung cổ về các yếu tố của bí tích Thánh Thể.

Và chúng ta có khuynh hướng kéo cầu nguyện xuống thành những lời xin Chúa giúp đỡ (cho bản thân hoặc cho người khác), tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa ban, tất cả đều rất tốt.

Trừ một vài ngoại lệ, các linh mục và giám mục công giáo chúng ta đã không giúp giáo dân khám phá truyền thống cầu nguyện chiêm niệm của Giáo hội. Và đó có thể là do nhiều người trong số họ chưa được dạy cách làm như vậy.

Đến với chiêm niệm để đi trong một thế giới biến động mạnh

Không nhất thiết phải là tu sĩ hay nữ tu mới chiêm niệm được, chỉ cần ngồi tĩnh lặng với Chúa. Nhưng một số hình thức chiêm niệm là cần thiết để thành thế nào là người tín hữu dù mình tự cho là người công giáo.

Tôi không phải là nhà tiên tri, nhưng tôi thấy rõ ràng chúng ta có thể đang ở giai đoạn bắt đầu cuộc biến động lớn nhất và có thể nói là ấn tượng nhất trong lịch sử loài người.

Hàng loạt thông tin (và thông tin sai lệch) đang được lan truyền ngày nay với tốc độ chóng mặt đã làm cho các cộng đồng, các thể chế mất ổn định, dù đó là những điểm tham chiếu chắc chắn của chúng ta.

Không ai biết sự xáo trộn này sẽ kéo dài bao lâu và để lại những nạn nhân nào. Và Giáo hội, vì Giáo hội cũng thuộc về thế gian này nên Giáo hội cũng không tránh được.

Theo tôi, cách duy nhất để chèo chống trong sự biến đổi to lớn này là đến với chiêm niệm. Điều này không có nghĩa là chạy trốn hoặc xem thường thực tế.

Vượt lên loại nhị nguyên vì nhị nguyên không mang tinh thần kitô giáo

Chiêm niệm và hành động không đối nghịch nhau. Cái này không thể tồn tại lành mạnh nếu không có cái kia. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 5 tháng 5 năm 2021, Đức Phanxicô tuyên bố: “Trong Chúa Giêsu Kitô, trong con người của Ngài và trong Tin Mừng, không có đối lập giữa chiêm niệm và hành động. Không. Trong Phúc âm và trong Chúa Giêsu không có mâu thuẫn. Điều này có thể do một số triết gia thời tân-plato, nhưng chắc chắn nó liên quan đến thuyết nhị nguyên, vốn không phải là sứ điệp kitô giáo.”

Richard Rohr, linh mục Dòng Phanxicô người Mỹ, người thầy thiêng liêng của Đức Phanxicô cho rằng, chiêm niệm chính xác là suy nghĩ không nhị nguyên. Ở đây, linh mục nói về cách Chúa Giêsu xử lý “cách chiêm niệm” trong các Phúc âm về thực tại của điều thiện và điều ác: Chúa Giêsu không ngần ngại nói điều thiện và điều ác một cách nhị nguyên và cho thấy điều ác là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, Ngài không dừng lại ở đó. Ngài thường nói bằng hình ảnh nhị nguyên, đặc biệt khi liên quan đến các vấn đề của cải và quyền lực: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6: 24).

Tuy nhiên, Ngài tiếp tục vượt lên những nhị nguyên này bằng tinh thần chiêm niệm và không nhị nguyên.

Chúng ta có thể và nên ngay thẳng với điều ác, thậm chí có nguy cơ làm cho một số người khó chịu; nhưng chúng ta không được trở nên thù ghét và cũng không cần phải trừng phạt những “con dê” trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta tiếp tục đi xa hơn cho đến khi chúng ta có thể yêu họ, tìm kiếm sự chữa lành và biến đổi họ.

Hành vi bên ngoài cần được hướng dẫn thiêng liêng

Linh mục Rohr, người thành lập Trung tâm Hành động và Suy ngẫm, khẳng định không thể có đối lập giữa hành động hiệu quả và chiêm nghiệm đích thực.

Ngài nói: “Từ quan trọng nhất trong tên của Trung tâm chúng tôi không phải là từ Hành động cũng không phải là từ Chiêm nghiệm; đó là từ… và. Chúng ta vừa cần cả hành động và chiêm nghiệm cho cuộc hành trình tâm linh.”

Linh mục kết luận: “Nếu không có hành động, đời sống thiêng liêng của chúng ta trở nên vô hồn, không mang lại hoa trái đích thực. Nếu không có suy ngẫm, mọi việc làm của chúng ta đều xuất phát từ cái tôi, ngay cả khi nó trông có vẻ vô vị lợi, và nó có thể làm hại nhiều hơn là làm lợi. Hành vi bên ngoài phải được kết nối và hỗ trợ bởi sự hướng dẫn tâm linh.”

Chúng ta quay trở lại và xem xét kỹ hơn Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ (2015) và Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti (2020), chúng ta sẽ thấy trong hai thông điệp này, Đức Phanxicô cũng rút ra cùng kết luận.

Và dĩ nhiên nếu chúng ta suy gẫm hơn một chút về cầu nguyện trong các sách Phúc âm, chúng ta sẽ khám phá Chúa Giêsu cũng làm như vậy.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Câu chuyện ngắn về sự quan trọng của cầu nguyện