Tân hồng y Giorgio Marengo của thảo nguyên Mông Cổ 

271

Tân hồng y Giorgio Marengo của thảo nguyên Mông Cổ

Giám mục Marengo sẽ là hồng y trẻ nhất, ngài 48 tuổi. | © Vatican Media

cath.ch, I. Media, 2022-08-25

Sau khi là giám mục trẻ nhất thế giới năm 2020, trong vài ngày nữa ngài sẽ là hồng y trẻ nhất và là người đầu tiên sinh trong những năm 1970, vì thế Đức Phanxicô đã tạo bất ngờ khi sau giờ Kinh Nữ vương Thiên đàng ngày chúa nhật 29 tháng 5 ngài công bố tên các tân hồng y.

Mang quốc tịch Ý nhưng hồng y Marengo là đại diện cho Mông Cổ, sau thông báo này, ngài đã khơi dậy sự chú ý mạnh mẽ trong giới truyền thông, đánh dấu 30 năm lần đầu tiên các nhà truyền giáo công giáo đến quốc gia châu Á này, và thiết lập quan hệ với Tòa thánh. Việc phong hồng y cho giám mục Marengo là dịp để khám phá đất nước hiếm khi được chú ý và để mọi người nhìn thấy gương mặt non trẻ của một kitô giáo được sinh ra và phát triển trong bối cảnh thiểu số, nhưng không có mặc cảm tự ti.

Sinh ngày 7 tháng 6 năm 1974 tại Cuneo, Piedmont, nước Ý, Giorgio Marengo chịu chức năm 2001, ngài thuộc dòng truyền giáo Consolata, một dòng của Ý được thành lập vào đầu thế kỷ 20 và đồng hành với các Giáo hội trẻ. Sau khi lấy bằng tiến sĩ về thần học tại Đại học Urbaniana Rôma, cựu hướng đạo sinh kiêm nhà đấu kiếm bắt đầu phiêu lưu để gặp một dân tộc chưa bao giờ nghe nói tới Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu đôi khi rất khó hiểu trong tâm thức người châu Á, nơi mà kitô giáo thường được liên kết với lịch sử thuộc địa châu Âu.

Mông Cổ nằm trong đất liền giữa phạm vi ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc nhưng chưa bao giờ được các cường quốc châu Âu đến. Vì thế trong những năm 2000, linh mục Giorgio Marengo đến định cư ở mảnh đất nguyên khai, không một thành kiến nào, cha được đưa đến Avayheer, thị trấn nhỏ với 20.000 dân cư nằm ở trung tâm đất nước, nơi cha thành lập giáo xứ Đức Mẹ Lòng Thương Xót.

“Thì thầm Phúc âm trong lòng Châu Á”

Trong căn nhà cư trú đầu tiên với các anh em truyền giáo dòng Consolata, “chúng tôi thực sự là những người xa lạ như người từ Sao Hỏa đến Sao Thổ”, linh mục hài hước tâm sự trong chứng từ năm 2020 ở một đền thánh Ý.

Tại địa phương truyền giáo đầu tiên này trước đây không có một nhà thờ công giáo nào, ngài nói: “Mọi người coi chúng tôi như gián điệp hoặc như những phái viên mật của một Quốc gia. Chúng tôi phải mất nhiều thì giờ để tạo dựng mối quan hệ, tin tưởng nhau nhưng thật bỏ công đề làm!”

Tháng 5 – 2020, linh mục nói với hãng tin Telepace: “Người dân rất tò mò, thích mới lạ, đôi khi họ cũng nghi ngờ vì họ chưa biết gì nhiều về đạo, nhưng sau đó họ lại thích và mong muốn được biết.” Mục tiêu của linh mục trong tư cách nhà truyền giáo là “đức tin bắt rễ sâu trong lòng người dân Mông Cổ”.

Năm 2020, sau hơn 15 năm truyền giáo, ngài được Đức Phanxicô chọn làm Tông Tòa Ulaanbaatar và được hồng y Tagle, Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc phong giám mục. Sau đó, giám mục Marengo làm mục vụ trong tinh thần kiên nhẫn, khéo léo, hòa nhã mà các nhà truyền giáo được gọi để “thì thầm Phúc Âm trong lòng Á châu”. Ngài giải thích: “Là nhà truyền giáo không phải là người tuyên truyền hay phổ biến một hệ tư tưởng, nhưng là làm cho cuộc gặp với Chúa Giêsu trở nên cụ thể với những người không có cơ hội”.

Giám mục Marengo và giáo dân trong giáo xứ của ngài tháng 3 năm 2021

Ngài bày tỏ “niềm vui khi thấy Chúa hành động một cách bí ẩn và đưa mọi người đến với Giáo hội” như gương của một phụ nữ Mông Cổ 75 tuổi, sau khi cô con gái của bà học xong giáo lý, bà đã đến gặp giám mục xin rửa tội, bà không thể đưa ra lý do vì sao, bà chỉ đơn giản cảm thấy “tốt với Ngài”, bà vừa nói vừa chỉ vào tượng Chúa Giêsu trên thập giá.

“Can đảm và quyết tâm” của những người mới được rửa tội

Giám mục Marengo giải thích với Vatican News: “Những người chọn kitô giáo và sau đó họ xin rửa tội, họ sống đức tin trong can đảm và quyết tâm, dù điều này có nghĩa là kỳ lạ và họ đi ra ngoài tập tục và dễ bị chống đối, bị phân biệt đối xử, dù Mông Cổ là một nước dân chủ.”

Dấu hiệu cho thấy sự cởi mở của đất nước, kể cả các nhà lãnh đạo phật giáo, một phái đoàn Mông Cổ đã được Đức Phanxicô tiếp ngày 28 tháng 5, một ngày trước khi Đức Phanxicô công bố mở công nghị. Vì thế giám mục tông tòa Ulaanbaatar đã có thể trình bày trực tiếp với Đức Phanxicô về kinh nghiệm đáng kinh ngạc này khi làm chứng Tin Mừng trong một xã hội không có bất kỳ tài liệu tham khảo nào của phương Tây.

Đức Phanxicô trong buổi gặp với phái đoàn phật giáo Mông cổ ngày 28 tháng 5-2022

Tuy nhiên, giáo hoàng đã không cho thấy một dấu hiệu nào cho biết giám mục Marengo sẽ là hồng y. Ngài chỉ bật mí bất ngờ này ngày hôm sau.

Giám mục Marenogo nói với truyền thông Vatican: “Tôi nhận được tin báo vào cuối thánh lễ chúa nhật khi tôi đang dâng lễ ở nhà dòng mẹ Nữ tu Thừa sai Consolata của chúng tôi, một giây phút chia sẻ bất ngờ và trong tình huynh đệ.” Sau đó ngài bày tỏ lòng biết ơn về “sự quan tâm đặc biệt của người kế vị Thánh Phêrô với các Giáo hội bên lề và nhỏ bé”.

Mông Cổ, một đất nước mênh mông lớn gấp ba lần nước Pháp và chỉ có ba triệu dân, có cộng đồng công giáo nhỏ nhất thế giới: sau sự tuyệt chủng của kitô giáo ở Nestorian và đã lan rộng ở Trung Á trong thiên niên kỷ đầu tiên, chỉ vào năm 1992, thời kỳ đầu mở cửa dân chủ cho đất nước, các nhà truyền giáo công giáo đầu tiên đã đến đây trong bối cảnh của một đất nước do phật giáo Tây Tạng thống trị.

Hiện nay, Giáo hội địa phương có tám giáo xứ và có khoảng 1.300 đến 1.400 người được rửa tội, một con số thấp hơn nhiều so với hầu hết các giáo xứ ở Ý, nhưng con số này không ngừng tăng lên. Sự xuất hiện của Giáo hội Mông cổ đã làm cho Đức Gioan Phaolô II rất quan tâm, năm 2003, ngài muốn đến thánh hiến nhà thờ Oulan-Bator nhưng dự án chưa bao giờ thực hiện.

Một chiến lược cá cược với Trung Quốc?

Sau thông báo này, trên diễn đàn đăng trên trang Regnum, một chuyên gia người Nga đánh giá, ngoài sự chú ý đến các vùng ngoại vi, vấn đề địa chính trị cũng có thể đã thúc đẩy Đức Phanxicô có lựa chọn này. Trên thực tế, Mông Cổ là một quốc gia đệm giữa Nga và Trung Quốc, và đáng ngạc nhiên, đây cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới duy trì quan hệ chặt chẽ cả với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và với Đài Loan, vì năm 1945 dưới thời tổng thống Tưởng Giới Thạch, nền độc lập của Mông Cổ được Trung Quốc chính thức công nhận.

Trong bối cảnh địa chính trị vĩ đại đang diễn ra ở châu Á, hồng y Oulan-Bator có thể mang lại mối liên hệ có giá trị cho Tòa thánh với Trung Á, Nga và khu vực ảnh hưởng của Liên Xô trước đây, đặc biệt là với Trung Quốc.

Trang Il Sismografo ghi nhận, một nước Trung quốc quyền lực không thể tiếp cận trực tiếp với Tòa thánh vì không có quan hệ ngoại giao chính thức và không thể phong một tân hồng y cho Trung quốc, xét theo thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục được ký giữa Rôma và Bắc Kinh năm 2018 tại Bắc Kinh. Vì thế có thể Đức Phanxicô mong muốn cộng đồng kitô giáo nhỏ bé lạc lõng giữa thảo nguyên Mông Cổ này trở thành cửa ngõ để vào một thế giới Trung Quốc vẫn còn ít được biết đến và khó tiếp cận, nhưng có thể trở thành một trung tâm chính cho sự phát triển của đạo công giáo trong những thập kỷ tới.

Cá cược của Đức Phanxicô là giải tập trung Hồng y đoàn với gốc rễ Âu châu và dần dần hướng tới các vùng ngoại vi truyền giáo, như thế sẽ mang lại cho Hồng y đoàn đầy đủ ý nghĩa. Tương lai sẽ cho thấy, giáo hoàng đầu tiên đến từ Châu Mỹ La-tinh cũng có thể là giáo hoàng có khuynh hướng hướng tới châu Á. Dưới triều giáo hoàng của ngài, khi còn là tu sĩ dòng Tên trẻ, ngài đã mơ được gởi đi truyền giáo ở châu Á, trên thực tế châu lục này đã có sự gia tăng lớn nhất về số lượng hồng y đại diện trong Hồng y đoàn, từ 9% năm 2013 lên đến 15% hiện nay.

Nếu sự tiến triển này tiếp tục trong thời gian dài, hồng y Giorgio Marengo sẽ là hồng y cử tri cho đến tháng 6 năm 2054, ngài sẽ tham dự vào một số mật nghị, có thể trở thành nhân vật chủ chốt trong những thay đổi lớn của kitô giáo trong thế kỷ 21.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Tân hồng y Marengo: một sứ vụ tôi sẽ sống trong niềm vui, khiêm tốn và trong đối thoại