Hồng y Ouellet: sự thống trị phụ nữ là “thành quả của tội lỗi”

87

Hồng y Ouellet: sự thống trị phụ nữ là “thành quả của tội lỗi”

cath.ch, Raphael Zbinden, 2022-06-16

Hồng y Marc Ouellet, bộ trưởng Bộ Giám mục, chủ tịch Ủy ban giáo hoàng về Châu Mỹ La-tinh lấy làm tiếc là “trong nhiều thế kỷ, đàn ông đã bóp nghẹt đặc trưng của phụ nữ”. | © Nhà thờ Công giáo Anh / Flickr / CC BY-NC-ND 2.0

Ngày 14 tháng 6 năm 2022, phát biểu trong một cuộc họp về ảnh hưởng của đại dịch Covid trên phụ nữ vùng Châu Mỹ La-tinh, hồng y Ouellet tuyên bố: “Thật đáng tiếc, là đàn ông chúng tôi đã kiêu ngạo tự cho mình ở địa vị vượt trội.”

Trong một bài phát biểu trước các đại biểu của Trụ sở Quan sát Phụ nữ Thế giới thuộc Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới (WUCWO), được đăng trên trang Crux, hồng y Marc Ouellet nói: “Trong nhiều thế kỷ, chúng ta đã bóp nghẹt đặc trưng của nữ giới.” Ngài bình luận về kết quả báo cáo đầu tiên của nhánh Châu Mỹ La-tinh và vùng Caribê. Tài liệu trình bày cụ thể những hậu quả trên phụ nữ của đại dịch Covid-19 ở khu vực này trên thế giới.

Phụ nữ, nhân vật chính của lịch sử

Trong bài phát biểu, ngài nhấn mạnh: “Nữ giới là chìa khóa để đọc hiện tại và tương lai của xã hội chúng ta. Phụ nữ, nhân vật chính bây giờ phải được thiết lập và nam giới được kêu gọi để thành người trợ giúp thích hợp cho việc nhận thức về phụ nữ”.

Trích lời Đức Phanxicô, hồng y nói “phụ nữ là nhân vật chính của thời đại đang thay đổi” mà thế giới phải đối diện. “Không thể chọn từ nào tốt hơn là từ ‘nhân vật chính’. Phụ nữ luôn là nhân vật chính trong lịch sử, dù phụ nữ thường bị xóa thành vô hình”. Hồng y Ouellet thừa nhận, “nhiều ông có não trạng cố thủ quá mạnh để không nhận ra phẩm giá của mỗi phụ nữ, thay vào đó họ xem phụ nữ chỉ là món đồ và khai thác họ”.

Sự kiên cường của phụ nữ

Bà Maria Lia Zervino, chủ tịch tổ chức WUCWO giải thích: “Bản báo cáo cũng đã được trình lên Đức Phanxicô, khẳng định đại dịch đã làm cho tình trạng phụ nữ trở nên xấu hơn về các mặt như bạo lực trên cơ sở giới tính, nạn buôn người, di cư cưỡng bức. Những hạn chế này làm tăng tình trạng nghèo đói của phụ nữ, cản trở không giúp họ có được sự chăm sóc y tế và giáo dục dễ dàng, làm trầm trọng thêm khoảng cách và bất công vốn đã có.

Bà Monica Santamarina De Robles, Thủ quỹ của tổ chức WUCWO cho biết: “Bất chấp những bất bình đẳng này, phụ nữ đã thể hiện sức mạnh và khả năng phục hồi mạnh mẽ, sáng tạo lại các phương cách để sinh tồn”.

Giáo hội phải là một phần của cuộc đấu tranh cho quyền của phụ nữ

Tài liệu cũng trình bày các con đường để cải thiện cuộc sống của phụ nữ, như tạo ra không gian đồng hành và hỗ trợ giữa phụ nữ, đào tạo khả năng lãnh đạo của phụ nữ (cả trong lĩnh vực mục vụ), hoặc theo đuổi và phổ biến nghiên cứu về cấu trúc bạo lực, biểu tượng chống lại phụ nữ.

Nữ tu Alessandra Smerilli, thư ký Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, giám đốc Ủy ban Vatican về Covid tuyên bố trong cuộc họp: “Nếu nền kinh tế là phụ nữ, thì nền kinh tế này thực sự quan tâm đến lợi ích chung và chăm sóc con người. Chúng ta phải thúc đẩy việc đào tạo, có những luật mới và không gian mới cho sự tham gia của phụ nữ, trong sự hợp tác giữa Giáo hội, chính phủ, các phong trào xã hội và các tổ chức phi chính phủ.”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Phụ nữ, bình đẳng và chủ nghĩa nữ quyền