Sự gần gũi của hồng y Parolin với hồng y Zen và hy vọng ngừng bắn ở Ukraine
Hồng y Pietro Parolin ngày thứ năm 12 tháng 5 năm 2022.
vaticannews.va, Salvatore Cernuzio, Vatican, 2022-05-13
Bên lề một sự kiện của giáo hoàng Gioan-Phaolô I tại Học viện Gregorian, hồng y Quốc Vụ Khanh Parolin bình luận về trường hợp hồng y Zen bị bắt và sau đó được tại ngoại. Ngài nói đến hy vọng sẽ có ngừng bắn ở Ukraine, giám mục Gallagher sẽ đến Kyiv trong vài ngày tới. Hồng y nhắc lại ý muốn của Tòa thánh là làm tất cả cho hòa bình.
Hồng y nói: “Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi của tôi với hồng y Zen, ngài đã được trả tự do và được đối xử tốt”. Khi được hỏi về vụ bắt giữ tổng giám mục danh dự của cựu thuộc địa Anh ở Hồng Kông, hồng y lấy làm tiếc và giải thích, “không nên xem đây là “từ chối” thỏa thuận giữa Tòa thánh và Trung quốc về việc bổ nhiệm các giám mục, được ký vào năm 2018 và kéo dài trong hai năm. Hy vọng cụ thể nhất là những sáng kiến như thế này không thể làm phức tạp thêm con đường đối thoại vốn đã phức tạp và không đơn giản giữa Tòa thánh và Giáo hội ở Trung Quốc”.
Sứ mệnh của giám mục Gallagher tại Kyiv
Một vài ngày trước khi giám mục Paul Richard Gallagher, bộ trưởng Quan hệ với các quốc gia lên đường đi Kyiv, hồng y Parolin nhắc lại cuộc chiến ở Ukraine. Ngài giải thích, sứ mệnh của giám mục là tái khẳng định các mục tiêu Phủ Quốc vụ khanh “đã làm và đang làm hết sức có thể, vì các khoảng không gian rất hạn chế. Một lệnh ngừng bắn sẽ là điểm khởi đầu cơ bản để các giao tranh có thể kết thúc.” Ngài hy vọng có được “cuộc đối thoại nghiêm túc, không có điều kiện tiên quyết, để cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề”.
Vấn đề gởi vũ khí cho Ukraine
Hồng y Parolin cũng đề cập đến vấn đề nhạy cảm khi gởi vũ khí đến Ukraine. Ngài lặp lại quan điểm đã được thể hiện trong những ngày gần đây, cụ thể là “quyền được bảo vệ bằng vũ trang trong trường hợp bị xâm lược” như giáo lý Giáo hội công giáo đã khẳng định, nhưng “với một số điều kiện nhất định”. Ngài nhấn mạnh: “Điều kiện đầu tiên là sự tương xứng, thực tế không tạo thiệt hại lớn hơn hành động gây hấn. Trong bối cảnh này, chúng ta có thể nói đó là cuộc chiến chính nghĩa. Nhưng về mặt cụ thể thì khó xác định hơn, và chúng ta phải có các thông số rõ ràng để tiếp cận vấn đề vũ khí theo cách công bằng và vừa phải nhất có thể”.
Tìm giải pháp trước
Trích dẫn một phản hồi được nghe hôm qua về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, hồng y Parolin cho rằng Mátxcơva và Kyiv “sẽ phải tìm ra một giải pháp, họ không sống chung nhưng địa lý buộc họ sống gần nhau, họ có cùng hàng ngàn cây số biên giới.” Nhưng ngài lấy làm tiếc “thay vì tàn sát và tạo ra tất cả đống đổ nát này thì chúng ta đã không tìm ra giải pháp sớm hơn”. Và đó là điều Tòa Thánh luôn hy vọng. Theo ngài, vấn đề trong hàng chục năm gần đây là chủ nghĩa đa phương đã bị xói mòn, vì vậy đã trở thành hợp lý khi tất cả tập trung vào lợi ích riêng, theo quan điểm riêng của mình và không biết chia sẻ, không tìm ra các câu trả lời chung, rằng cuối cùng, chúng ta cũng đi đến đó”.
Tin tức Ukraine
Các nhà báo hỏi cũng hỏi tin hai người vợ quân nhân thuộc tiểu đoàn Azov bị kẹt ở nhà máy thép Azovstal được Đức Phanxicô gặp gần đây, hồng y giải thích, “chúng tôi đã cho biết mong muốn của chúng tôi là để thường dân được sơ tán nhưng sau đó, chúng tôi chưa nghe tin tức gì. Dù sao thì tôi cũng chưa nghe nói phần tiếp theo… Chính sứ thần đã có ý tưởng cùng đi đến đó với trưởng giáo chủ Zaporizhzhia, nhưng thực tế là không có một đảm bảo an ninh nào để có thể đi”.
Quan hệ với tòa thượng phụ Mátxcơva
Khi được hỏi về quan hệ với tòa thượng phụ Mátxcơva sau khi Đức Phanxicô quyết định không gặp thượng phụ Kyrill, hồng y Parolin công nhận “chúng ta đang ở trong thời điểm khó khăn, chúng ta phải nhận ra điều này, nhưng không có nghĩa là chúng ta ở điểm zero hoặc đóng băng giữa Giáo hội chính thống Nga và Giáo hội công giáo. Các con đường vẫn còn và các nỗ lực vẫn còn, nhưng, mọi thứ đã trở nên khó khăn hơn vì các sự kiện gần đây”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Việc bắt giữ Hồng y Zen làm suy yếu chế độ Bắc Kinh