Việc phong thánh các thánh ngày 15 tháng 5 làm sống lại truyền thống

231

 Việc phong thánh các thánh ngày 15 tháng 5 làm sống lại truyền thống

Lễ phong thánh Marguerite Bays năm 2019 | © Bernard Hallet

cath.ch, I.Media, 2022-05-12

Sau hơn hai năm nghỉ vì đại dịch, chúa nhật 15 tháng 5 thánh lễ phong thánh sẽ được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô, bắt đầu lại truyền thống phong thánh theo nhóm, thường được tổ chức vào tháng 5 và tháng 10. Mười vị thánh mới sẽ được phong thánh, trong đó có năm thánh người Ý, một người Ấn Độ, một người Hà Lan và ba người Pháp: Charles de Foucauld, Marie Rivier và César de Bus.

Lần phong thánh cuối cùng là ngày 13 tháng 10 – 2019: năm vị thánh mới được phong trong đó có hồng y John Henry Newman. Không ai trong các giáo dân ở Quảng trường Thánh Phêrô lúc đó nghĩ rằng đó là lần phong thánh cuối cùng trước khi tạm nghỉ hai năm rưỡi vì đại dịch Covid đã làm trở ngại cho việc tụ họp động người và đi lại quốc tế.

Lễ phong thánh ngày 15 tháng 5 sẽ vừa đặc biệt vì số lượng các thánh mới – tổng cộng là mười thánh – vừa bình thường, do đó đây là ngày đánh dấu sự trở lại với truyền thống thường được tổ chức một năm hai lần, một năm, vào mùa xuân và mùa thu, để tạo điều kiện cho sự hiện diện giáo dân rộng lớn nhất có thể.

Nghi thức phong thánh tự bản thân đã tương đối giản dị và nhanh chóng: giáo hoàng đọc sắc chỉ phong thánh theo công thức của Bộ Phong thánh hiện do hồng y người Ý Marcello Semeraro đứng đầu. Sau nghi thức này là phần đọc tiểu sử ngắn các thánh mới và hát kinh cầu các thánh, giáo hoàng đọc sắc lệnh phong thánh bằng tiếng la-tinh.

 “Án phong thánh được làm khi có một phong trào phổ biến phát sinh chung quanh một người đã qua đời” Cha Remi Bazin

Linh mục Rémi Bazin người Pháp của Cộng đồng Thánh Martinô và là giám chức ở Bộ Phong thánh giải thích: “Đơn xin phong thánh bây giờ chỉ làm một lần, thay vì ba lần như trước đây.” Sau nghi thức này, thánh lễ diễn ra theo quy trình bình thường, bài giảng của giáo hoàng thường tập trung vào các bài đọc trong ngày hơn là về cuộc đời các thánh.

Án phong thánh, một quá trình chậm và phức tạp

Ngược với những gì nhiều người nghĩ, danh sách các thánh mới không nhất thiết phải liên quan đến lựa chọn cá nhân của giáo hoàng. Dù quyền công bố các sắc lệnh thuộc thẩm quyền của ngài, nhưng việc phong chân phước và phong thánh là kết quả của một quá trình rất dài, có thể mất vài chục năm, thậm chí có khi hàng thế kỷ. Trong trường hợp của chân phước Charles de Foucauld, thủ tục bắt đầu từ 95 năm trước. Linh mục René Bazin cho biết: “Trong số 2.000 đến 3.000 hồ sơ đang được Bộ Phong thánh điều tra, một số sẽ đi đến cùng, một số khác sẽ không.”

Cha giải thích tiếp: “Hồ sơ phong thánh được làm khi có phong trào phổ biến phát sinh chung quanh một người đã qua đời.” Quy tắc chờ đợi 50 năm sau khi qua đời đã được Đức Gioan Phaolô II giảm xuống còn 5 năm, để đưa các thánh đương thời lên bàn thờ nhanh hơn. Giám mục nơi đương sự qua đời phân định xem có nên mở án phong thánh hay không, và sau đó thủ tục được tiến hành ở cấp giáo phận. Kế tiếp hồ sơ được chuyển về Rôma. Nhưng yêu cầu không bao giờ đến từ giáo hoàng hay Vatican: sáng kiến luôn đến từ các cộng đồng địa phương, và Bộ Phong Thánh chỉ phụ trách hồ sơ sau khi kết thúc cuộc điều tra ở cấp giáo phận.

Các khó khăn về ngoại giao

Trước hết là việc xác định một người tử đạo vì “hận thù đức tin” hoặc vì “tính anh hùng của các nhân đức”, sau đó là việc công nhận các phép lạ liên quan đến lời cầu bàu của họ, đây là một công việc lâu dài. Cuộc điều tra này có sự tham gia của các nhà sử học, bác sĩ, thần học gia và dĩ nhiên trong các trường hợp gần đây nhất là nhân chứng trực tiếp. Một số phong chân phước gần đây liên quan đến trong vòng thân cận của tân chân phước: trường hợp được biết đến nhiều nhất là của chân phước Carlo Acutis, một thanh niên Ý qua đời năm 2006 và được phong chân phước năm 2020 tại Assisi với sự hiện diện của cha mẹ. Cựu chiến binh kháng chiến người Áo Franz Jägerstatter, bị Đức Quốc xã xử tử năm 1943, đã được phong chân phước tại Linz năm 2007 trước sự chứng kiến của góa phụ.

 “Đức Phanxicô đã phong thánh cho gần 900 vị thánh”

Kể từ triều giáo hoàng Đức Bênêđíctô XVI, các lễ phong chân phước thường được sứ thần tại quốc gia của tân chân phước cử hành. Lễ phong chân phước cho Charles de Foucauld ngày 13 tháng 11 năm 2005 được cử hành tại Đền thờ Thánh Phêrô là một ngoại lệ.

Tổ chức lễ phong chân phước tại Algeria sẽ tạo quá nhiều khó khăn về mặt thực tế và ngoại giao. Các vị tử đạo trong cuộc nội chiến Algeria những năm 1990, nhiều người đã được cảm hứng từ tấm gương của chân phước Charles de Foucauld đã được phong chân phước tại Oran ngày 8 tháng 12 năm 2018, ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Đức Phanxicô, người giữ kỷ lục phong thánh

Ngược lại, các lễ phong thánh gần như vẫn được cử hành một cách có hệ thống ở Rôma, ngoại trừ một số trường hợp liên quan đến các chuyến tông du như trường hợp phong các thánh tử đạo Hàn Quốc. Thường là phong thánh theo từng nhóm, riêng trường hợp Mẹ Têrêxa được phong thánh riêng vào tháng 9 năm 2016 do sự nổi tiếng của Mẹ, người sáng lập Dòng Thừa sai Bác ái. Năm 2014, Đức Phanxicô đã phong thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan-Phaolô II để đánh dấu sự liên tục lịch sử giữa các giáo hoàng. Vào năm 2000, Đức Gioan-Phaolô II cũng đã làm như vậy với hai chân phước Piô IX và Gioan XXIII.

Trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, ngài đã chủ trì 11 buổi phong thánh tại Quảng trường Thánh Phêrô và ba lễ khác khi tông du ở Sri Lanka, Hoa Kỳ và Bồ Đào Nha. Tổng cộng, ngài đã phong thánh cho gần 900 thánh. Tuy nhiên, số liệu thống kê này phần lớn là nhờ phong thánh cho nhóm 813 vị tử đạo trong vụ sát hại Otranto ở thế kỷ 15 do Đức Bênêđíctô XVI đã tiến hành trước.

Cuối cùng, Đức Phanxicô đã tiến hành một số phong thánh “tương đẳng” bằng một sắc lệnh đơn giản, mà không cần cử hành nghi thức phụng vụ và ngài đã làm năm 2013 với nhà thần bí Ý Angèle de Foligno và với linh mục Dòng Tên Pierre Favre, trong nhóm tu sĩ đầu tiên cùng với Thánh I-Nhã vào thế kỷ 16.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch