Khi Ukraina và Nga cùng cầu nguyện cho hòa bình

183

Khi Ukraina và Nga cùng cầu nguyện cho hòa bình

Ngày thứ tư 26 tháng 1, đại diện của Nga và Ukraina đã tham dự buổi cầu nguyện cho hòa bình ở Rôma. Mỗi thứ bảy hàng tuần, đặc phái viên thường trực của báo La Croix, Vatican sẽ đưa quý độc giả vào hậu trường của quốc gia nhỏ nhất thế giới này.

Ngày cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraina thứ tư 26 tháng 1-2022

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2022-01-29

Tại vương cung thánh đường Santa Maria, Trastevere, chìm trong bóng mờ, các đại sứ ngồi cạnh nhau. Đại diện các quốc gia tham dự một buổi cầu nguyện: trong thế giới nhỏ bé của Tòa Thánh, cảnh tượng là bình thường, không có gì đáng nói. Ngoại trừ những người đại diện ở vị trí hàng đầu của họ ngày thứ tư 26 tháng 1, được các quốc gia mà cả thế giới đang chú ý cử đến: Ukraina và Nga. Giống như Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Vương quốc Anh hay Liên minh Châu Âu, các đại sứ này đã hưởng ứng “lời cầu nguyện cho hòa bình” do Cộng đồng Sant’Egidio tổ chức và được Đức Phanxicô mong muốn trong một bối cảnh đáng lo ngại.

Trong những giờ vừa qua, căng thẳng gia tăng giữa hai bên – với việc các quốc gia Baltic tuyên bố gởi tên lửa chống xe tăng đến Ukraina, đại sứ Mỹ tại Moscow gởi câu trả lời của Washington đến chính quyền Nga và NATO kêu gọi Nga hãy thực hiện “con đường ngoại giao nghiêm túc” – thì tối hôm đó ở Trastevere, các đại sứ đã nghe theo lời của một nhà ngoại giao khác, người mặc áo chùng trắng và đội mũ trắng: Đức Giám mục Paul R. Gallagher, bộ trưởng ngoại giao Tòa Thánh.

“Thật đáng buồn khi thấy toàn bộ các dân tộc bị chia xé bởi quá nhiều đau khổ gây ra không phải do thiên tai hoặc các sự kiện vượt quá sức người, mà do “bàn tay của con người”. Những từ đó, ngày đó, có sức mạnh đặc biệt. Và cho phép tất cả mọi người, trong một giờ, hy vọng cùng nhau có được hòa bình.

Marta An Nguyễn dịch