Giáo hoàng chấp nhận đơn từ chức của tổng giám mục Aupetit “vì những lời đàm tiếu”

169

Giáo hoàng chấp nhận đơn từ chức của tổng giám mục Aupetit “vì những lời đàm tiếu”

Ngày thứ hai 6 tháng 12, trên máy bay từ A-ten về Rôma, Đức Phanxicô có cuộc họp báo, ngài cho biết lý do ngài chấp nhận đơn từ chức của giám mục Michel Aupetit, giáo phận Paris.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2021-12-06

Đức Phanxicô trên máy bay từ A-ten về Rôma ngày thứ hai 6 tháng 12. ALESSANDRO DI MEO / AP

Đức Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của tổng giám mục giáo phận Paris vì “những lời đàm tiếu” làm ngăn “công việc quản trị” của giám mục. Về thực chất, đây là câu trả lời của Đức Phanxicô trên chuyến bay đưa ngài từ A-ten về Rôma sau chuyến tông du Sýp và Hy Lạp. Chuyến đi này bắt đầu cùng ngày ngài chấp nhận đơn từ chức của tổng giám mục giáo phận Paris. Ngài nói: “Ai đã lên án tổng giám mục? Dư luận quần chúng, những lời đàm tiếu. Nhưng giám mục đã làm gì? Chúng ta không biết gì.” Ngài nói với các nhà báo: “Xin quý vị điều tra. Nếu quý vị biết những gì giám mục làm, quý vị cứ nói. Và quý vị sẽ hiểu tại sao.”

Nhưng ngay sau khi khuyến khích báo chí “điều tra”, trong bối cảnh này, dường như ngài đã đưa ra một số câu trả lời. Xác nhận cựu tổng giám mục giáo phận Paris là “người có tội”, ngài kể chi tiết “lời buộc tội” đã đến tai ngài: “Đó là một thiếu sót về phần giám mục, một thiếu sót với điều răn thứ sáu, không phải hoàn toàn nhưng là những mơn trớn nhỏ, những xoa bóp cho thư ký của ngài.”

Ngài nói thêm: “Đây là một tội. Nhưng không phải là tội nặng nhất. Bởi những tội xác thịt không phải là những tội nặng nhất.” Theo thông tin báo La Croix có được, e-mail mà báo Le Point đưa ra liên quan đến đời tư của giám mục Aupetit bị gởi nhầm cho thư ký của ngài nhưng là của một phụ nữ khác.

Vì thế giáo hoàng đã chấp nhận đơn từ chức của tổng giám mục, vì “khi tin đồn ngày càng tăng, làm hoen ố danh tiếng của một người, thì người đó không còn cai trị được nữa.” Đó là vụ từ chức do “ngài đã mất danh tiếng chứ không phải do tội của ngài”.

“Trên bàn thờ của đạo đức giả”

Ngài cho biết: “Một người mà danh tiếng  bị tổn hại trước công chúng thì không còn có thể cai trị được nữa. Và đó là một bất công. Và đó là lý do vì sao tôi chấp nhận để tổng giám mục Aupetit từ chức, không phải trên bàn thờ của sự thật, nhưng trên bàn thờ của đạo đức.”

Một chủ đề khác liên quan đến nước Pháp, ngài cũng trả lời các câu hỏi của các nhà báo về bản báo cáo Ciase về bạo lực tình dục trong Giáo hội Pháp từ năm 1950 đến nay, về vấn đề này, ngài không giấu những biện pháp phòng ngừa của mình: “Khi làm loại báo cáo này, chúng ta phải cẩn thận về cách diễn giải những gì chúng ta làm.”

Đặc biệt, ngài cho rằng với một “tình huống mang tính lịch sử” luôn phải được “diễn giải theo chú giải thời đó”. Nói cách khác: chúng ta không thể dùng các tiêu chuẩn của ngày hôm nay để hiểu các sự kiện của ngày hôm qua.

Báo cáo Ciase? “Tôi chưa đọc nó”

Ngài nhận xét: “Các lạm dụng cách đây 100 năm, 70 năm trước, là tàn bạo. Nhưng cách người dân sống thời đó không cùng một cách như bây giờ, ngày nay chúng ta không được bao che các vụ lạm dụng.”

Ngài nói thêm: “Tôi chưa đọc bản báo cáo, và cũng chưa nghe ý kiến của các giám mục Pháp. Trong thực tế, tôi không biết phải trả lời như thế nào.” Theo lẽ Đức Phanxicô sẽ tiếp các thành viên của ủy ban Ciase vào ngày 9 tháng 12 tại Rôma, nhưng cuộc gặp đã hoãn lại vì lý do sắp xếp lịch trình, báo La Croix có được nguồn tin này từ Vatican.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, tổng giám mục Éric de Moulins Beaufort, hai phó chủ tịch và tổng thư ký Hội đồng Giám mục Pháp sẽ có mặt tại Rôma ngày 12 và 13 tháng 12, và sẽ gặp giáo hoàng trong dịp này. Ngài nói: “Tôi sẽ gặp các giám mục Pháp trong tháng này và tôi sẽ xin họ giải thích cho tôi những gì đã xảy ra và những gì mới.”

Một cuộc gặp “trong tương lai gần” với Thượng phụ Kirill của Matxcơva

Ngày thứ hai 6 tháng 12, lần đầu tiên Đức Phanxicô chính thức xác nhận trong tương lai gần, ngài sẽ gặp Thượng phụ Kirill của Matxcơva. Ngài cho biết: “Tôi sẵn sàng đi Mátxcơva để đối thoại với người anh em”, để cho thấy sự sẵn sàng tiếp tục đối thoại của “người anh em này với người anh em kia”, với “thẩm quyền cao nhất của tòa Thượng phụ Matxcova. Một cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa hai người đã diễn ra ở Cuba năm 2016.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch