Giáo hội muốn nói gì khi nói một chính trị gia công giáo ủng hộ lựa chọn là tạo tai tiếng
americamagazine.org, Linh mục Dòng Tên Sean Salai, 2021-06-11
“Tai tiếng” (scandal) là một từ thường được các giám mục Hoa Kỳ dùng trong những tháng gần đây liên quan đến các cách tốt nhất để cung cấp chăm sóc mục vụ và truyền đạt giáo huấn đích thực của Giáo hội cho các chính trị gia công giáo ủng hộ lựa chọn. Nhưng từ này không nhất thiết khi nào cũng mang một ý nghĩa theo cách nói thông thường của nó. Giáo hội công giáo dạy gì về vấn đề này?
Các tuyên bố gần đây của các giám mục công giáo trong đó có tổng giám mục Samuel Aquila của giáo phận Denver, tổng giám mục Salvatore Cordileone của giáo phận San Francisco, giám mục Robert McElroy giáo phận San Diego và linh mục Louis Cameli của giáo phận Chicago (cũng như nhiều ý kiến công khai của các linh mục và nhà thần học công giáo) đều nói đến từ tai tiếng như một vấn đề đụng đến bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc rước lễ của các chính trị gia công giáo ủng hộ lựa chọn. Kinh thánh, Giáo lý của Giáo hội Công giáo, Giáo luật và các thư gần đây của Vatican cũng cho thấy sự phức tạp của một vấn đề mà hệ thống phẩm trật vẫn chưa giải quyết công khai và có thể không có cách giải quyết mục vụ hiệu quả.
Sách Giáo lý nói gì?
Dưới tiêu đề tôn trọng phẩm giá của con người trong Điều Răn Thứ Năm, Giáo lý của Giáo hội Công giáođề cập đến tai tiếng trong các số 2284-2287. Sách Giáo lý định nghĩa tai tiếng là “một thái độ hay một cách ứng xử lôi kéo người khác làm điều xấu”, sách Giáo lý nói tai tiếng mang tầm vóc nặng khi “vì thẩm quyền của những người gây ra hoặc sự yếu đuối của những người bị chịu tai tiếng”. Nói cách khác, thuật ngữ này có một sắc thái uyển chuyển trong giáo lý, không có trong cách dùng hàng ngày của chúng ta như một điều gì đó gây sốc hoặc phân biệt: một mối nguy hiểm khác của tai tiếng là nó có thể dẫn người khác vào tội lỗi.
Sách Giáo lý Công giáo định nghĩa tai tiếng là “thái độ hoặc hành vi có thể dẫn người khác làm điều xấu”.
Nói trực tiếp với các nhà lãnh đạo chính trị, Giáo lý cho biết thêm “họ phạm tội tai tiếng khi thiết lập luật pháp hoặc cấu trúc xã hội dẫn đến suy đồi đạo đức và băng hoại trong việc giữ đạo”, hoặc thiết lập những “điều kiện xã hội” làm cho việc giữ các đức tính kitô giáo thành khó khăn hơn. Bất cứ ai dùng quyền hành của mình để tạo tai tiếng “sẽ là người phạm tội tai tiếng và chịu trách nhiệm về điều xấu” mà họ khuyến khích.
Thánh Kinh nói gì?
Ý tưởng cho rằng hành vi công khai của một tín hữu có thể gây tai tiếng cho anh em giáo dân mình theo cách này có nguồn gốc trong Kinh Thánh. Cộng đồng các tín hữu đầu tiên mà Thánh Phaolô viết trong thư gởi tín hữu Cô-rin-tô dường như đã đấu tranh với nhiều trường hợp tai tiếng, trong đó có trường hợp một người đàn ông phạm tội loạn luân với mẹ kế của mình (1 Cr 5: 1) và những người có quan hệ với các cô gái điếm trong các ngôi đền ngoại giáo Aphrodite (1 Cr 6-7). Nhưng một trường hợp khác còn gần hơn với vấn đề tai tiếng trong trường hợp của các chính trị gia.
Ý tưởng cho rằng hành vi công khai của một tín hữu có thể gây tai tiếng cho anh em giáo dân mình có nguồn gốc trong Kinh Thánh.
Đoạn 8, thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô Thánh Phaolô trả lời về trường hợp các tín hữu ăn thịt cúng có thể làm phiền người khác khi những người này không ăn. Thiết lập một lập trường uyển chuyển nhưng kiên định, Thánh Phaolô viết cho tín hữu Cô-rin-tô: “Nhưng không phải mọi người đều hiểu biết như vậy đâu! Có một số người từ trước đến nay đã quen thờ ngẫu tượng, nên khi ăn các thức ấy thì cứ tưởng làm như vậy là ăn của cúng; và lương tâm yếu đuối của họ đã ra ô uế. Không phải của ăn làm cho chúng ta được gần Thiên Chúa. Không ăn những thứ đó, chúng ta chẳng thiệt; mà có ăn, cũng chẳng lợi gì. Nhưng hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh em nên dịp cho những người yếu đuối sa ngã. Thật vậy, nếu có ai thấy bạn là người hiểu biết mà lại ngồi dự tiệc trong đền trong miếu, thì lương tâm của người yếu đuối ấy lại chẳng dựa vào đó mà ăn của cúng sao? Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Ki-tô đã chịu chết để cứu chuộc! Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô! Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã. (1 Cr 8: 7-13)
Ở đây Thánh Phaolô làm hai chuyện. Đầu tiên, ngài lưu ý, những người mới theo đạo của ngài có quyền tự do ăn thịt cúng, vì bản thân thức ăn sẽ không làm hại cho họ về mặt đạo đức và họ biết điều đó. Thứ hai, ngài ghi nhận sự nguy hiểm của việc làm này trước mặt các tín hữu có lương tâm yếu hơn, làm họ cảm thấy không sao khi làm những việc trái nghịch với đức tin.
Thích nghi với quan điểm của cộng đoàn về tai tiếng, Thánh Phaolô nhắc tín hữu Cô-rin-tô về giá trị và nhu cầu của những người khác trong cộng đoàn, khuyên họ nhớ trách nhiệm chung của mình trong việc bảo vệ sự hiệp nhất trong Giáo hội. Cuối cùng, Thánh Phaolô tuyên bố, các tín hữu công khai làm một điều mà họ biết là gây tai tiếng cho những tín hữu khác hành động dựa trên tự do rối loạn nhằm nâng cao ý kiến của họ lên trên lợi ích của cộng đồng. Vì thế, sách Giáo lý nói họ phạm tội chống lại Đấng kitô, dù họ không thực hiện hành động đó (ví dụ: làm thịt cúng).
Thánh Phaolô tuyên bố, các tín hữu công khai làm một điều mà họ biết là gây tai tiếng cho những tín hữu khác hành động dựa trên tự do rối loạn nhằm nâng cao ý kiến của họ lên trên lợi ích của cộng đồng.
Như thế với tín hữu Cô-rintô cúng thịt cho ngẫu tượng trong các đền thờ lương dân là tội trọng, nhưng theo Thánh Phaolô, ăn thịt cúng không nhất thiết là có tội. Tội là khi ăn trước mặt người khác, biết rằng ăn như vậy là tạo phiền đau và hoang mang cho họ.
Giáo luật nói gì?
Giống như thánh Phao-ô trong đoạn Kinh Thánh trên, Giáo Luật năm 1983 hiểu tai tiếng là bất kỳ hành động nào dẫn đến làm cho người khác phạm những hành vi đáng trách. Về sự hợp tác này, điều 1329 nói về sự cộng tác trong một hành động sai trái (hoặc “phạm tội” theo danh từ pháp lý của bộ luật) đáng bị phạt đối với thủ phạm chính và những người âm mưu cùng nhau thực hiện một hành động tội lỗi. Nhưng điều 1314 nói rằng, chung chung một hình phạt cho sự cộng tác như vậy là bản án áp đặt, ferendae sententiae, có nghĩa là nó không ràng buộc một bên có tội cho đến sau khi nó bị áp đặt. Điều này theo truyền thống được hiểu, một giám mục cần phải nói chuyện với một người công giáo bị buộc vào tội làm tai tiếng và phải kiểm một số điều trước khi áp dụng hình phạt vạ tuyệt thông hoặc hạn chế quyền có được bí tích.
Đức Phanxicô: “Tất cả các cuộc thảo luận về các vấn đề giáo lý, luân lý hoặc mục vụ không cần thiết phải được giải quyết bằng sự can thiệp của huấn quyền.”
Các triển khai gần đây
Ngày 7 tháng 5, hồng y Dòng Tên bộ trưởng Bộ Tín Lý Luis Ladaria, S.J., đã gởi một thư cho tổng giám mục José H. Gomez, chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ để trả lời cho một thư của giám mục gởi đến Bộ ngày 30 tháng 3. Trong thư, tổng giám mục Gomez viết Hội đồng Giám mục Mỹ đang chuẩn bị soạn thảo một tài liệu cho cuộc họp tháng 6 về “sự xứng đáng để rước lễ” của các chính trị gia công giáo ủng hộ luật cho phép phá thai, an tử hoặc các tệ nạn luân lý khác.
Hồng y Ladaria xin thư trả lời của ngài được chia sẻ với tất cả các giám mục Hoa Kỳ và cảnh báo, cuộc thảo luận trong lần họp của các giám mục về chính sách quốc gia liên hệ đến các chính trị gia ủng hộ lựa chọn đi rước lễ, có thể “trở thành nguồn của bất hòa hơn là thống nhất”. Ngài nói, chỉ sau một đối thoại “sâu rộng và bình thản” trong hai giai đoạn, đầu tiên là giữa các giám mục và sau đó là với các chính trị gia ủng hộ lựa chọn, thì sau đó mới nên bắt đầu thảo luận chính thức về một chính sách như vậy.
Sự can thiệp này có vẻ quan trọng trong bối cảnh của triều giáo hoàng hiện nay. Nói chung, Đức Phanxicô áp dụng nguyên tắc bổ trợ triệt để cho chính hệ thống phẩm trật công giáo hơn so với các vị tiền nhiệm của ngài đã làm, giao các quyết định về mục vụ áp dụng giáo luật cho các cấp quản trị giáo hội địa phương nhiều nhất. Khi người công giáo trên thế giới ép ngài với những câu hỏi gây tranh cãi về kỷ luật mục vụ, khác với những câu hỏi về việc thay đổi giáo huấn, ngài thường khuyến khích họ tự quyết định thay vì chờ chỉ dẫn của Bộ Tín Lý.
Sau tông huấn Tông huấn Niềm vui Yêu thương, Amoris Laetitia, năm 2016, Đức Phanxicô đã từ chối áp đặt cách giải thích tập trung cho một chú thích dưới trang dường như tạo lối thoát cho người công giáo ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ. Trong đoạn ba của tài liệu này, ngài viết, “tất cả các cuộc thảo luận về các vấn đề giáo lý, luân lý hoặc mục vụ không cần thiết phải được giải quyết bằng sự can thiệp của huấn quyền. Sự hiệp nhất giữa giảng dạy và thực hành chắc chắn là cần thiết trong Giáo hội, nhưng điều này không loại trừ nhiều cách khác nhau để giải thích một số khía cạnh của giáo huấn hoặc rút ra những hậu quả nhất định từ đó.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch