Đức tin của ông Joe Biden sẽ hình thành nhiệm kỳ tổng thống của ông như thế nào
hds.harvard.edu, Jonathan Beasley, 2021-01-19
Ông Joe Biden dự thánh lễ ở Nhà thờ Morris Brown AME, Charleston, SC, ngày 7 tháng 7 năm 2019. Ảnh: Creative Commons, Biden For President
Trong một bài xã luận tháng 10 năm 2020 cho trang kitô giáo Christian Post, ông Joe Biden đã viết: “Đức tin công giáo của tôi đã rèn luyện một chân lý cốt lõi: mọi người trên trái đất đều bình đẳng về quyền và phẩm giá, vì tất cả chúng ta đều là con yêu dấu của Chúa”. Với tư cách là tổng thống, ông nói tiếp: “Đó là những nguyên tắc sẽ định hình tất cả những gì tôi làm và đức tin của tôi sẽ tiếp tục là mỏ neo cho tôi, vì nó là như thế trong suốt cuộc đời tôi”.
Jonathan Beasley
Tôi là Jonathan Beasley và đây là bài pop-up đặc biệt của Đấu tranh Tôn giáo ở Harvard (Harvard Religion Beat). Hôm nay, tôi thảo luận với giáo sư Eugene Joseph Dionne Jr., người mà nhiều người biết đến như một nhà báo, tác giả và nhà bình luận chính trị. Giáo sư giảng dạy tại đại học Georgetown và ở đây, đại học Harvard và Phân khoa Thần học và Khoa học Tôn giáo tại Harvard, Harvard Divinity School, HDS. Ngay trước cuộc bầu cử, ông là đồng tác giả bài viết “Một thời gian để chữa lành, một thời gian để xây dựng,” (A Time to Heal, A Time to Build) cùng với bà Melissa Rogers (*) của Viện Brookings, nơi ông là nhà nghiên cứu chính trong các Nghiên cứu về Quản trị.
Tôi muốn nói chuyện với giáo sư Dionne để có được cái nhìn sâu sắc của giáo sư về cách mà đạo công giáo của ông Biden sẽ định hình cách ông điều hành trong cương vị tổng thống và đức tin của ông sẽ có vai trò nào trong tiến trình để biết chính quyền của ông sẽ giải quyết những bất công kinh tế, quyền bình đẳng, tự do tôn giáo và công bằng chủng tộc như thế nào trong nỗ lực chữa lành một quốc gia rất chia rẽ.
Phân khoa Thần học và Khoa học Tôn giáo tại Harvard – Làm thế nào đức tin của ông Joe Biden sẽ định hình nhiệm kỳ tổng thống của ông?
Phân khoa Thần học và Khoa học Tôn giáo tại Harvard (HDS): Xin cám ơn giáo sư đã nhận lời thảo luận với chúng tôi.Trước khi chúng ta nói đến chính quyền của tổng thống Biden sắp tới, xin giáo sư cho biết, đức tin của ông Biden đã đóng vai trò nào trong sự nghiệp chính trị của ông cho đến thời điểm này? Có một đường lối có thể định danh trong suốt sự nghiệp chính trị của ông cho thấy đức tin đã ảnh hưởng như thế nào đến vai trò lãnh đạo chính trị của ông không?
Giáo sư Dionne: Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải xem ông Biden như một người công giáo ở một tuổi nào đó và một loại nào đó. Theo tôi nghĩ, đức tin của ông là cực kỳ quan trọng, nhưng không nhất thiết phải theo nghĩa trực tiếp của một quan điểm tôn giáo X, dự luật Y, hoặc đề xuất Y. Đúng hơn, tôi nghĩ ông Biden là sản phẩm của thời đại mà nhà sử học chuyên về chính trị và tôn giáo ở Mỹ, Garry Wills, gọi là thời đại của hai John – John F. Kennedy và John XXIII. Và đạo Công giáo của ông phản ánh rất nhiều từ định hướng này. Cần phải nói, về nhiều mặt, ông Biden là người công giáo mộ đạo và kiểu xưa. Nếu bạn có tên trong danh sách báo chí, nhận thông cáo báo chí và báo cáo của ông, thì bạn biết, ông luôn ở nhà thờ vào chiều thứ bảy hoặc sáng chủ nhật. Ông luôn ở nhà thờ trong những ngày lễ trọng bắt buộc, điều mà nhiều người công giáo thực sự cũng không đến nhà thờ trong những ngày lễ này. Nhưng ông Joe Biden ở đó.
Ông nói ông luôn mang theo tràng chuỗi trong người. Đó là giữ đạo truyền thống. Nhưng ông cũng đã đến một độ tuổi vào chính thời điểm mà đạo công giáo mở ra với thế giới. Và khi đạo công giáo thực sự chấp nhận dân chủ và phát triển một mối quan hệ tích cực biện chứng với hiện đại, nếu tôi có thể nói như vậy. Luôn chỉ trích tính hiện đại, nhưng trên một vài khía cạnh, ông lại rất cởi mở với những cách thức mà tính hiện đại có thể dạy Giáo hội, ngay cả khi Giáo hội cũng có những điều dạy cho hiện đại về giá trị của cộng đồng và truyền thống. Và tôi nghĩ đó là nguồn gốc của ông Biden.
Tôi cũng nghĩ, ông ở trong cánh công giáo mà chúng tôi mô tả một cách nhẹ nhàng là “những người Công giáo công bằng xã hội”. Hiển nhiên tôi biết nhiều người công giáo rất phản đối việc phá thai, họ ở trong cánh công bằng xã hội. Nhưng cuộc tranh luận ở giáo hội trong những năm gần đây, thực sự đi đến một lập luận quá nhấn mạnh. Vấn đề phá thai quan trọng như thế nào so với vấn đề công bằng xã hội?
Và tôi nghĩ đến một vị giáo hoàng khác, hiển nhiên, Joe Biden đang, và sẽ gắn bó chặt chẽ với, đó là Đức Phanxicô. Và tôi cũng nghĩ điều đập mạnh vào mắt tôi, đó là có một sự chia rẽ thực sự trong đạo công giáo ở Mỹ, giữa những người ủng hộ Đức Phanxicô, ở phía tiến bộ hơn của giáo hội và những người chỉ trích ngài rất nặng ở phía bảo thủ hơn. Chúng ta có thể thấy ở đây thực sự có một nghịch lý, ông Joe Biden sẽ gần với các quan điểm của Đức Phanxicô hơn là quan điểm của nhiều giám mục bảo thủ trong hệ thống giáo phẩm công giáo.
Bây giờ, dĩ nhiên, ông Joe Biden ở phía phò-chọn lựa trong vấn đề phá thai. Điều này rõ ràng đã làm phiền nhiều người công giáo phò-sự sống. Nhưng điều thực sự cũng đáng chú ý là chủ nghĩa cực đoan của Donald Trump – chủ nghĩa cực đoan của cánh hữu – đã lay chuyển nhiều người công giáo phò-sự sống. Giáo sư John Carr ở đại học Georgetown, nơi tôi giảng dạy môn Sáng kiến Tư tưởng Xã hội Công giáo, giáo sư đã viết một bài tán thành mạnh mẽ về Joe Biden. Và giáo sư John chưa bao giờ thực sự bước vào chính trường. Và đó là một phản ứng – giáo sư không đồng ý với ông Biden về việc phá thai – nhưng đó là một lập luận rất mạnh, rằng trong cuộc bầu cử này có những vấn đề vượt qua tính đặc biệt của vấn đề phá thai, liên quan đến dân chủ, nhân quyền, khuôn phép và những gì nó thực sự có nghĩa phò-sự sống trong phạm vi rộng nhất.
Vì vậy, tôi nghĩ, để quay trở lại nơi chúng ta bắt đầu, những cam kết của Biden về công bằng xã hội, theo tôi, được định hình rất nhiều bởi tư tưởng xã hội công giáo. Và, ngay lập tức, khi chúng ta nhìn vào cách mà ông Biden đóng dấu ấn của riêng mình vào chương trình giải cứu và kích thích kinh tế mà ông muốn được thông qua ngay lập tức sau khi nhậm chức, ông đã thêm khoản tín dụng giảm thuế trẻ em vào danh sách những điều ông muốn. làm. Điều này rất phù hợp với việc đạo công giáo nhấn mạnh, một bên là công bằng xã hội và bình đẳng hơn, nhưng bên kia cũng cần hỗ trợ các gia đình.
Và tôi nghĩ, đó là một loại liên kết chính trị Dân chủ-kitô giáo và dân chủ-xã hội. Và tôi nghĩ, chúng ta sẽ thấy Joe Biden là một phần của Dân chủ-kitô giáo và Dân chủ-xã hội trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
HDS: Vì chúng ta đang thảo luận về công bằng xã hội, ông Biden đã nói đến việc loại bỏ “tệ nạn nghèo đói lan tràn”. Tại Hoa Kỳ, có hơn 1 triệu cựu chiến binh được cấp phiếu thực phẩm và 22 triệu trẻ em mỗi ngày phụ thuộc vào các chương trình ăn trưa ở trường để không bị đói. Giáo sư nghĩ đức tin của ông Biden sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cách ông giải quyết những bất công kinh tế ở nước Mỹ?
Giáo sư Dionne: À, thêm một lần nữa, tôi nghĩ, bí mật được giữ kín tốt nhất của Giáo hội công giáo la mã là giáo huấn xã hội, có từ năm 1891 củaThông điệp Tân sự, Rerum Novarum, một thông điệp vĩ đại về quyền lao động và bình đẳng và đã được xây dựng qua năm tháng, bởi các giáo hoàng mà chúng ta cho là bảo thủ. Các thông điệp của Đức Bênêđictô XVI là công bằng kinh tế, theo một cách nào đó, đó là cánh tả của Đảng Dân chủ, khi Tổng thống Obama còn đương nhiệm. Tôi đã rất vui khi viết một bài trong lần tổng thống Obama đến thăm Đức Bênêđictô XVI. Tôi đã nói, người ở cánh tả trong cuộc nói chuyện này, khi nói về kinh tế sẽ là Đức Bênêđictô XVI, ngài từng chỉ trích công khai chủ nghĩa tư bản nhiều hơn tổng thống Obama. Và Đức Gioan-Phaolô II, vì những lý do dễ hiểu và theo một cách nào đó, được nhiều người cho là khá bảo thủ. Nhưng ngài cũng rất, rất chỉ trích chủ nghĩa tư bản không kiềm chế, nhấn mạnh đến mạng lưới an toàn, ngài đã viết toàn bộ thông điệp về quyền của người lao động.
Và vì vậy, nếu chúng ta xem truyền thống công giáo từ 100 năm trở lại đây, thì đó là truyền thống không bài-thị trường, theo nghĩa giáo hội không nói thị trường không có vai trò gì. Nhưng rất chỉ trích nếu thị trường không hạn chế, không điều chỉnh. Như thế, Đức Gioan-Phaolô II đã nói, lao động ưu tiên hơn vốn. Và thật vậy, tổng thống Abraham Lincoln cũng đã nói như vậy. Và tôi nghĩ, theo một cách nào đó, một cách vô thức hay có ý thức, tất cả những lời dạy này đã ảnh hưởng đến cách ông Biden nhìn thế giới.
Thêm một lần nữa, tôi nghĩ điều quan trọng là phải tạo một liên kết giữa người công giáo ngoan đạo kiểu cũ với người công giáo công bằng xã hội. Bởi vì, theo một cách nào đó, ông Joe Biden được thấm nhuần theo truyền thống. Không phải Joe Biden có bằng tiến sĩ đạo đức xã hội. Và tôi không nói điều này theo bất cứ cách nào để gợi ý cho rằng ông không suy nghĩ về những điều này. Tôi đang nói điều này để nói lên một sự thực, một cách nào đó, còn đi xa hơn thế. Đó là con người của ông, một phần của truyền thống lâu đời đi suốt cuộc đời của ông.
Và tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy tác động của điều này theo những cách đáng ngạc nhiên. Và khi làm phó tổng thống, ông thường xuyên gặp các nhà lãnh đạo công giáo, những người quan tâm đến tư tưởng xã hội công giáo. Những người như Nữ tu Carol Keehan của Hiệp hội Y tế Công giáo, sơ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy chương trình Obamacare vượt quá làn ranh.
Khi nhiều giám mục công giáo phản đối Obamacare vì vấn đề phá thai, Sơ Carol đã ở đó để lên tiếng, không, thực ra chương trình Obamacare – hay Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng – không ủng hộ việc phá thai, và nó phù hợp với giáo huấn xã hội công giáo đã có 150 năm mà chúng ta cung cấp bảo hiểm sức khỏe cho mọi người.
Như tôi thường nói, vì thế ông đã duy trì những mối quan hệ cá nhân, củng cố mạnh hơn cho sự kết hiệp trong tư tưởng công giáo.
HDS: Một bài báo gần đây trên Washington Post tuyên bố rằng chương trình về những người đồng tính nam nữ, song tính và chuyển giới, LGBTQ của Biden sẽ làm cho ông trở thành tổng thống phò-bình đẳng nhất trong lịch sử. Một vài tổ chức pháp lý kitô giáo bảo thủ như Liên minh Bảo vệ Tự do (Alliance Defending Freedom) lo ngại ông Biden đảo ngược một số chính sách về LGBTQ của ông Trump có thể ảnh hưởng đến “những người Mỹ muốn sống theo xác tín của họ”. Giáo sư thấy chính quyền Biden đang lèo lái trong vùng nước rất hỗn loạn của tự do tôn giáo như thế nào?
Giáo sư Dionne: Chà, tôi nghĩ điều quan trọng là phải giữ trong đầu các vấn đề của LGBTQ, trong khi nhiều nhà lãnh đạo của các nhóm tôn giáo có tổ chức và các giáo hội đã chỉ trích cách mà những tiến bộ trong quyền của những người LGBTQ, mà theo quan điểm của họ đã cản trở tự do tôn giáo. Thực tế, trên nền tảng, quyền của người LGBTQ được rất nhiều người ủng hộ.
Theo thăm dò, trong số những người ủng hộ có nhiều người công giáo, tin lành và cả những người theo phái phúc âm. Có một sự phân chia thế hệ rất lớn giữa những người có tôn giáo cũng như những người thế tục. Những người trẻ có tôn giáo ủng hộ cho quyền của người LGBTQ nhiều hơn người lớn tuổi. Và đó là A và B.
Có một sự thay liên tục trong việc ủng hộ quyền của người LGBTQ trên toàn nước Mỹ. Một số học giả trong môi trường đại học cho biết, đây là sự thay đổi quan điểm rõ ràng và triệt để nhất về bất kỳ vấn đề nào mà chúng ta thấy kể từ buổi ban đầu của các cuộc thăm dò ý kiến. Và tôi nghĩ chuyện này là do quá nhiều người đồng tính đã công khai giới tính của mình từ lâu rồi. Và đột nhiên, nhiều người Mỹ có thể đã từng lo lắng về đạo đức, bỗng nhận ra những người họ yêu thương và quan tâm lại là những người đồng tính nam hoặc đồng tính nữ. Và điều này đã thay đổi hình ảnh họ có. Và đã xảy ra cho – con trai, con gái, anh họ, đồng nghiệp nam, nữ của chúng ta – đã làm thay đổi vấn đề một cách cơ bản. Tôi nghĩ điều này thực sự quan trọng, phải nhớ trong đầu chuyện này khi chúng ta xem xét những lập luận về quyền tự do tôn giáo này.
Tôi nghĩ đây sẽ là một trong những vấn đề phức tạp nhất mà Biden phải giải quyết. Tại Quốc hội, có hai phiên bản luật về bình đẳng, chủ yếu là luật dân sự của người LGBTQ. Một luật không có một thỏa hiệp nào cho các nhóm tôn giáo. Luật kia với nhiều thỏa hiệp hơn mà cộng đồng người LGBTQ khó có thể chấp nhận.
Tôi nghĩ Biden sẽ thực hiện một số nỗ lực để mở đối thoại với các nhóm tôn giáo, để nói có thể có những lĩnh vực mà chúng ta có thể tìm một chỗ đứng chung. Tôi nghĩ, rõ ràng, bản chất của Tu chính án thứ nhất là chính phủ, không thể ép buộc các giáo phái khi họ không muốn cử hành hôn nhân đồng tính. Nhưng tôi nghĩ nó đã thực hiện rồi. Về phía LGBTQ, quan điểm của họ là phải có sự thỏa hiệp thích đáng.
Một vài vấn đề có thể nảy sinh ở các trường đại học hoặc cao đẳng tôn giáo từ chối hôn nhân đồng tính, hôn nhân với người cùng giới. Và như thế sẽ rất phức tạp. Vì thế nếu ông hỏi tôi có trực giác gì, tôi nghĩ, cuối cùng, Biden sẽ từ chối quyền LGBTQ. Tôi nghĩ ông sẽ cố gắng để có một thỏa hiệp nhưng sẽ rất hạn chế. Và phải nói, như quý vị biết, tôi không làm điều này để tấn công các nhóm tôn giáo. Tôi làm điều này vì tôi nghĩ quyền của LGBTQ là trọng tâm.
Điều tôi hy vọng là một cuộc đối thoại mới về tự do tôn giáo. Như chúng ta đã nói trước khi cuộc trò chuyện bắt đầu, đồng nghiệp của tôi là bà Melissa Rogers và tôi – Melissa là người đứng đầu Văn phòng dựa trên đức tin ở Nhà Trắng thời Obama (Faith-Based Office in the Obama White House), nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Obama. Cả hai chúng tôi đều nghĩ, thật xấu hổ khi thuật ngữ “tự do tôn giáo” đáng lý phải đoàn kết chúng ta, thì lại trở thành khẩu hiệu ý thức hệ được những người bạn bảo thủ của chúng tôi sử dụng. Và chúng tôi có nhiều người bạn bảo thủ. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến với rất nhiều người bảo thủ khi viết báo cáo đó. Nhưng những người bạn bảo thủ của chúng tôi, trong một số trường hợp, trì lại trên những tiến bộ nhất định mà chúng tôi cho là thích ứng.
Mặt khác, chúng tôi nhận thấy được mối quan tâm của họ. Chúng tôi cũng tôn trọng tự do tôn giáo. Chúng tôi cũng nghĩ có những lãnh vực mà các thỏa hiệp là thích hợp. Vì vậy, chẳng hạn, cả hai chúng tôi đều ủng hộ việc áp dụng các biện pháp tránh thai phổ biến theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng. Nhưng cả hai chúng tôi đều nghĩ là hợp lý khi tìm cách để các cơ sở tôn giáo – chẳng hạn như các trường đại học công giáo, trường đại học giáo phái phúc âm – những trường không muốn cung cấp loại trợ giúp này, để tránh cung cấp trực tiếp thứ này, mà vẫn đảm bảo cho phụ nữ tiếp cận với các phương pháp tránh thai.
Nhưng chúng tôi cũng nghĩ, khi chúng ta nghe chữ “tự do tôn giáo” thì đây là lúc tôi nghĩ Biden có cơ hội tuyệt vời để biến đổi cuộc trò chuyện. Đây cũng là quyền tự do cho người hồi giáo Mỹ. Là quyền tự do nói rằng, chúng ta không nên có các chính sách bắt nguồn từ việc từ chối quyền nhập cư hoặc tị nạn dựa trên cơ sở tôn giáo của đương sự.
Và tôi nghĩ đây là sự thay đổi lớn trong xã hội chúng ta. Tôi nghĩ, sự thay đổi xã hội học lớn nhất, đối với những nhà nghiên cứu về tôn giáo ở Hoa Kỳ, đó là sự gia tăng các “không một ai” nones – được đánh vần là NONES – nơi có tới 40% thanh niên dưới 30 tuổi, hoặc dưới 35 tuổi hoặc dưới 40 tuổi, hiện đang không dính vào một tôn giáo nào. Và điều rất quan trọng, vì khi chúng ta nói về mối quan hệ đối tác của chính phủ với tất cả các nhóm xã hội dân sự hoạt động tốt trong xã hội, thì rất nhiều nhóm dựa trên đức tin, chúng ta cũng cần nói về tất cả các nhóm thế tục làm công việc này.
Một trong những đề xuất mà chúng tôi đưa ra trong báo cáo mà chúng tôi gọi là “Thời gian để chữa lành, thời gian để xây dựng”, nơi chúng tôi thực sự đang cố gắng hàn gắn một số chia rẽ tôn giáo, là nghĩ về quan hệ đối tác với các nhóm dựa trên đức tin đã là một vấn đề kể từ thời chính quyền Bush. Mặc dù thực sự họ đã bắt đầu ngay từ đầu nước cộng hòa chúng ta. Và tổng thống Clinton đã mở đầu một số quan hệ đối tác này.
Chúng tôi nghĩ chúng ta phải suy nghĩ lại, đây là quan hệ đối tác rộng rãi giữa chính phủ và xã hội dân sự, bao gồm và vinh danh công việc của các nhóm tôn giáo, nhưng cũng vinh danh công việc của các nhóm phi tôn giáo. Và chúng tôi nghĩ, điều này có thể làm hạ nhiệt một số vấn đề tôn giáo.
Giáo sư Dionne là Giáo sư thỉnh giảng về Văn hóa Chính trị và Tôn giáo / Ảnh: Stephanie Mitchell, Ảnh tập tin Harvard
HDS: Vậy cụ thể, giáo sư có thể dự đoán chính quyền Biden sẽ hợp tác với các tổ chức tín ngưỡng và các nhà lãnh đạo tín ngưỡng đặc biệt trên các lãnh vực nào? Tôi suy nghĩ đặc biệt đến vấn đề nhập cư, đặc biệt là theo cách mà bốn năm qua đã diễn ra dưới chính sách của tổng thống Trump trong lãnh vực này. Và có thể có những lĩnh vực khác mà các tổ chức tín ngưỡng và chính quyền Biden có thể hợp tác, chẳng hạn như công bằng chủng tộc và bình đẳng không?
Giáo sư Dionne: Đó là một câu hỏi hay. Và đó là điều mà chúng tôi nói đến rất nhiều trong báo cáo của chúng tôi. Thật vậy, khi chúng tôi tham vấn để viết báo cáo, với đủ loại người từ các quan điểm khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, kinh nghiệm khác nhau.
Joshua DuBois, người đứng đầu Văn phòng dựa trên đức tin trong nửa đầu của chính quyền Obama, đề nghị – và chúng tôi nhiệt tình đồng ý – rằng các nhóm dựa trên đức tin, vào thời điểm lịch sử này chúng ta, đặc biệt có thể được mời gọi để giúp chúng ta hướng về chủng tộc, công lý, để họ tham dự nhiều về các vấn đề chúng ta có thể gọi là tái thiết lần thứ ba mà đất nước chúng ta đang cần, đã thực sự ra đời năm 2020 – trở nên cấp bách vào năm 2020 – sau cái chết của George Floyd và rất nhiều người khác.
Và cũng liên quan đến đại dịch, khi đại dịch vừa làm nổi bật cả cái giá của bất bình đẳng chủng tộc vừa bất bình đẳng giai cấp ở đất nước chúng ta. Thực tế là tỷ lệ người Mỹ da đen mắc bệnh coronavirus cao hơn người Mỹ da trắng. Thực tế là, về mặt kinh tế, những người chúng ta gọi là công nhân thiết yếu, thực sự lại là những lao động bị lãng quên của chúng ta trước đại dịch, trong khi những người giàu có thể làm việc trên những chiếc máy nhỏ, lại làm công việc của họ trên những chiếc máy nhỏ như chúng ta nói chuyện với nhau bây giờ – họ hoặc mất việc hoặc phải làm việc – như nhân viên siêu thị, công nhân lò mổ, công nhân vệ sinh – phải làm việc trong những điều kiện nguy hiểm hơn nhiều. Vì vậy, chúng tôi nghĩ, vấn đề đối phó với đại dịch và đối phó với công bằng chủng tộc, là một dịp may cho các tổ chức tôn giáo của chúng ta – tất cả, trên tất cả bình diện – hoạt động trong lĩnh vực này.
Tôi cũng muốn nói đến cuộc bầu cử của Mục sư Raphael Warnock, ở Georgia. Và nếu cùng lúc tôi có thể nói ở Phân khoa Thần học và Khoa học Tôn giáo tại Harvard, thì mục sư cũng đã có một bài giảng rất thú vị ở Phân khoa cách đây một thời gian. Mục sư ngồi bên cạnh tôi. Mục sư Warnock đã viết một quyển sách có tựa Tư duy chia rẽ của Giáo hội người Da Đen: Thần học, Đạo đức và Nhân chứng công cộng (The Divided Mind of the Black Church: Theology, Piety, and Public Witness).
Và bạn tôi, tác giả John Gehring đã viết một bài rất mạnh mẽ gần đây ở trang Commonweal về cách mà mục sư Warnock đã kết hợp với sự đánh giá sâu sắc về lòng mộ đạo truyền thống của giáo hội người Mỹ gốc Phi – phụ tựa của quyển sách là “Thần học, Đạo đức và Nhân chứng Công cộng”, nhấn mạnh đến sự giải phóng của người Da đen của giáo sư thần học James Cone (1938-2018), người là chủ nhiệm luận án của ông, đã đề nghị một cách khác để suy nghĩ về đức tin.
Chúng ta đã dành ra 25 hoặc 30 năm để suy nghĩ về đức tin, gần như không tránh khỏi liên quan đến cánh cực hữu, bảo thủ cực hữu của ván bài chính trị Hoa Kỳ. Đó là thông tin cho bất cứ ai tham gia vào Giáo hội Da đen, cho hầu hết người Mỹ da đen trong một thời gian dài.
Và tôi nghĩ chúng ta có nhiều cách – đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc đâu là cánh tả tôn giáo, điều gì đã xảy ra với cánh tả của tôn giáo. Cánh tả tôn giáo bước vào Thượng viện Hoa Kỳ nơi nhân cách của Thượng nghị sĩ Warnock. Và vì vậy tôi nghĩ đây là thời điểm rất phấn khởi cho một khả năng mới.
Và cuối cùng, thêm một lần nữa, tôi xin được phép kêu gọi những người bảo thủ, kể cả các tu sĩ bảo thủ như các bạn tôi, Mike Gerson và Pete Wehner, những người thực sự ủng hộ ông Trump. Là những người thuộc giáo phái phúc âm, đã tuyên bố với các đồng hữu, rằng liên minh với chủ nghĩa dân tộc kitô giáo, với chủ nghĩa dân tộc kitô giáo của người Da trắng, là trái với truyền thống kitô giáo.
Và thêm một lần nữa, họ không nói với tư cách là tín hữu kitô cánh tả. Họ tự hào nói trong tư cách là tín hữu kitô giáo phái phúc âm, khẳng định, nếu bạn muốn, phải có một loại Cải cách – tôi biết giọng điệu này ở trong cộng đồng giáo phái phúc âm bảo thủ. Vì vậy, một lần nữa, tôi hết sức quan tâm, trong các cuộc bỏ phiếu, những người tự cho mình là người Da trắng giáo phái phúc âm – cũng như những người Da trắng tự cho mình thuộc giáo phái phúc âm – họ ủng hộ mạnh mẽ ông Trump, có một sự sôi sùng sục trong cộng đoàn này.
Và tôi nghĩ rằng điều quan trọng, những người trong chúng ta theo cánh chính trị tiến bộ hay theo tôn giáo-xã hội, là tu sĩ hay giáo dân phải thực sự đối thoại sâu sắc với nhau. Vì tôi nghĩ, đối thoại có thể giúp chúng ta thực hiện các biện pháp để làm giảm nhiệt trong bầu khí chính trị của chúng ta và giảm sự phân cực đã thực sự vừa bùng nổ – trên thủ đô khi những lá phiếu đó – lá phiếu của đại cử tri đoàn – đang được đếm .
HDS: Hiển nhiên đây là thời điểm trong lịch sử Hoa Kỳ mà có lẽ chúng ta chưa bao giờ bị chia rẽ như đã thấy trong thời gian vừa qua, ít nhất là kể từ sau cuộc Nội chiến. Ông Biden đã nói về sự cần thiết phải xích lại gần nhau như một quốc gia và yêu thương người anh em như chính mình, như Tân Ước đã khuyên nhủ. Khi đi vận động tranh cử, ông Biden thích nói: “Tôi tự hào là đảng viên đảng Dân chủ để đến với quý vị, tôi sẽ là tổng thống của tất cả người Mỹ”. Thưa giáo sư, điều này sẽ xảy ra như thế nào? Giáo sư thấy chính quyền Biden sẽ làm việc như thế nào để hàn gắn vết thương chia rẽ sâu sắc ở đất nước này?
Giáo sư Dionne: Đó là lời hứa tuyệt vời của ông Joe Biden. Lời hứa đúng đắn. Và thật phấn khởi, gần đây tôi phát hiện ra, đây là lời hứa đại diện cho tất cả mọi người chứ không chỉ những người đã bỏ phiếu cho ông, hoặc những người trong đảng chính trị của ông, lần về cuộc chạy đua vào Quốc hội lần đầu tiên của tổng thống Abraham Lincoln, ông cũng đưa ra lời hứa tương tự. Bà dân biểu Abigail Spanberger – đảng viên Đảng Dân chủ ôn hòa rất nổi tiếng, người đã dự phong trào Tiệc Trà (Tea Party) năm 2018, là một trong những nhân vật rất quan trọng đã lật tẩy quyền kiểm soát Hạ viện – đã thực hiện lời hứa đó trong khu vực của mình, biết rằng có bao nhiêu cử tri rất bảo thủ trong những người đi bầu. Tôi không nghĩ, bất cứ ai trong chúng ta có ảo tưởng về việc sẽ khó khăn như thế nào để giữ lời hứa đó. Tôi nghĩ con đường để làm mọi người lưu ý nằm trong nỗ lực cùng nhau giải quyết các vấn đề chung. Những người đã tham dự vào các hình thức đối thoại khác nhau trong nhiều thập kỷ, đối thoại đại kết và đối thoại chính trị, một chính sách mong muốn mọi người đi đến tận cùng các bất đồng của mình để cố gắng hiểu chúng. Chắc chắn có điều gì đó để nói về vấn đề này, nhưng tôi luôn ủng hộ một chính sách khác, có lẽ chúng ta có thể gác lại những bất đồng để cố gắng giải quyết một số vấn đề chung. Có lẽ chúng ta xem xét một số gốc rễ của mối hận thù của chúng ta và cố gắng cải thiện xã hội theo những cách để tránh hận thừ đi một chút.
Chính xác tôi nghĩ đến việc, khi chúng ta nhìn những thách thức kinh tế của người Mỹ da đen ở các thành phố và ở nhiều vùng nông thôn, của tầng lớp lao động da trắng, nhiều người trong số họ đã bỏ phiếu cho ông Trump, thì một số các lý do bất mãn của họ giống nhau. Giờ đây, người Mỹ Da đen phải đối diện với những hình thức phân biệt đối xử rất cụ thể, mà từ lâu không ai trong chúng ta là người da trắng phải đối đầu.
Nhưng ngoài ra còn có những mối quan tâm kinh tế chung, công bằng kinh tế, mà tôi nghĩ ông Biden có thể giải quyết. Nếu chúng ta làm một cái gì, để quay lại từ đầu, chẳng hạn như đề xuất về khoản tín dụng thuế trẻ em, điều này sẽ giúp ích cho rất nhiều người đang phải đối diện với những thách thức kinh tế trên mọi khía cạnh. Chương trình này sẽ giúp người Mỹ da đen, người Mỹ la-tinh, người Mỹ gốc Á, người Da trắng. Không có khác biệt trong nghĩa này.
Tôi cũng nghĩ đến cách mà ông nói về những điều này có thể quan trọng. Và tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông Biden, mà anh hùng của ông là Robert Kennedy – điều đáng nhớ là Kennedy đã thành công phi thường, đặc biệt là trong chiến dịch tranh cử cuối cùng của ông năm 1968, ông đến với cả người Mỹ da trắng và người Mỹ da đen, và tạo được tin tưởng ở cả hai nhóm.
Tôi nghĩ ông Biden đã vận động tranh cử theo cách xây dựng để được lòng tin của cả hai bên. Và tôi hy vọng – tôi không nghĩ chúng ta có thể từ bỏ nỗ lực để kéo đất nước lại với nhau chỉ vì nó sẽ khó khăn. Và chỉ vì có rất nhiều người sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, và có thể họ sẽ không bao giờ trả lời các cuộc thăm dò, rằng họ thực sự tán thành ông Joe Biden.
Nhưng tôi nghĩ loại phản ứng bản năng này, à, tôi không thực sự thích Biden, nhưng ông đang làm điều gì đó về X, là điều mà ông ở trong địa vị tốt nhất để làm – đó là cách theo tôi nghĩ, ông thực sự ở trong cương vị tốt để theo đuổi.
Và tôi nghĩ, với những ai trong chúng ta là người công dân tốt, tôi nghĩ chúng ta cần cố gắng hết sức có thể – kể cả thông qua các cộng đoàn tôn giáo của chúng ta, nếu chúng ta thuộc về các cộng đoàn này – để có các hình thức đặc biệt cắm gốc, thêm một lần nữa, không phải cố gắng đạt được đến tận cùng và giải quyết tất cả những khác biệt sâu đậm của chúng ta. Nhưng để nói, chúng ta có thể đoàn kết trong việc giải quyết một vấn đề trong cộng đồng hoặc quốc gia của chúng ta hay không?
Bởi vì tôi nghĩ, có nhiều người, trong thâm tâm của họ, những người mà tôi có thể có những bất đồng lớn về chính trị, vẫn đọc cùng một câu Kinh thánh. Và trong lòng dạ mình, họ hiểu bổn phận tiên quyết của chúng ta là bổn phận với những người thấp bé nhất trong chúng ta. Chúng ta hiểu, có lẽ có một vấn đề, những người trong cộng đồng tôn giáo thường hằn học với nhau trong những bất đồng chính trị của họ hơn những người bên ngoài.
Và tôi phải nói rằng, tôi mang ơn một người bạn bảo thủ. Bạn của tôi, Ramesh Ponnuru, ở National Review, một lần khi chúng tôi đối thoại, ông nói, có điều gì đó thực sự không ổn với tín hữu kitô giáo khi họ tranh luận về chính trị, họ tranh luận với một mức độ đặc biệt hung ác. Và có lẽ vì vậy, tôi có thể kết thúc bằng câu của một người vừa ra khỏi lãnh vực thông tin và bình luận, bạn của tôi, Mark Shields, người mà nhiều người biết từ những năm bình luận trên NewsHour, trên PBS NewsHour. Tôi luôn yêu thích câu nói của Mark rằng trong chính trị cũng như trong tôn giáo, thế giới được phân chia giữa những người săn lùng dị giáo và những người đi tìm con đường hoán cải.
Và tôi nghĩ rằng cả chính trị và tôn giáo đều có xu hướng tốt hơn khi chúng ta ưu tiên tìm kiếm hoán cải hơn là đi săn lùng dị giáo. Bởi vì hoán cải chấp nhận mỗi chúng ta đều có khả năng thay đổi suy nghĩ của mình. Và bởi vì nó đặt ra gánh nặng đặc biệt cho người đi tìm con đường hoán cải, ít nhất là cố gắng hiểu người mà chúng ta đang nói chuyện đến từ đâu. Và vì vậy tôi hy vọng – tôi nghĩ, ông Joe Biden, theo một cách bản năng, ông là người đi tìm con đường hoán cải. Và tôi nghĩ, một cách bản năng, cũng như Mark Shields, đã dạy chúng ta, đó là một điều tốt phải là.
HDS: Chúng tôi xin cám ơn giáo sư Dionne về thời gian và cái nhìn sâu sắc của giáo sư.
Quyển sách sắp phát hành của giáo sư Dionne: Báo động đỏ: Làm thế nào những người tiến bộ và ôn hòa có thể đoàn kết để cứu đất nước chúng ta (Code Red: How Progressives and Moderates Can Unite Unite to Save Our Country), quý vị có thể mua quyển sách này ngày 4 tháng 2, một ngày sau ngày sinh nhật của tôi, vậy… Chúc mừng sinh nhật tôi!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đâu là chân dung đại sứ Mỹ tiếp theo tại Vatican?
(*) Ông Biden tái bổ nhiệm bà Melissa Rogers, người đứng đầu văn phòng tôn giáo dưới thời Tổng thống Barack Obama