Kể từ lần cách ly đầu tiên ở Ý, ngày 9 tháng 3 năm 2020, Vatican, trụ sở của Giáo hội đã trải qua một năm đặc biệt, đánh dấu bằng sự vắng bóng đột ngột của hàng triệu khách hành hương thường gặp mỗi ngày tại Quảng trường Thánh Phêrô. Một giai đoạn lạ lùng của thể chế luôn dựa vào dòng người công giáo đông đảo và đã phải tự đổi mới hoàn toàn. Một chuyến thăm xung quanh quảng trường hoang vắng…
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2021-04-03
Ảnh: Quảng trường Thánh Phêrô, Rocco Rorandelli / TerraProject, La Croix L’Hebdo Minh họa: Davide Bonazzi.
Bỗng, bảy triệu du khách biến mất. Ngày 9 tháng 3 năm 2020, nơi mà mọi năm du khách và khách hành hương đổ về đã biến mất, vẫn còn khắc sâu trong ký ức của bà Barbara Jatta. Ngày hôm đó, giám đốc Viện bảo tàng Vatican đi thăm lại những nơi bà thuộc lòng như lòng bàn tay, bà làm việc ở đó đã 25 năm. Bà đến từng phòng, từng ban và xin nhân viên lấy đồ đạc của họ, những gì họ có thể cần để làm việc tại nhà. Và ngày hôm sau không quay lại. Bà nhớ lại: “Giống như sắp có chiến tranh xảy ra, chúng tôi không có một hy vọng nào mở cửa lại. Thế hệ chúng tôi chưa bao giờ biết điều này. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra, tôi xin mọi người cầu nguyện để được bình an.” Một chấn thương.
Và vài tháng sau, đó là một nỗi cô đơn to lớn đối với người mà ở đây gọi bà là il Direttore, bà là một trong số ít người cùng với ban thư ký và một vài vệ sĩ canh gác đến làm việc.
Bà kể: “Trong khoảng thời gian này, không có ai đến đây.” Với lần cách ly đầu tiên này, khoảng trống rợn người của các viện bảo tàng, nơi có hàng ngàn kiệt tác đột nhiên thấy mình đơn độc, như thể bị bỏ mặc và tình trạng này kéo dài cho đến ngày 1 tháng sáu. Trong các hành lang, các phòng tranh, các lô của Raphaël, nhà nguyện Sistine, tất cả im lặng như tờ.
Bà Barbara Jatta, giám đốc Viện bảo tàng
Cũng như viện bảo tàng, cả Vatican đột nhiên trống rỗng. Những người làm việc và sinh sống ở đây bỗng thấy thấy nơi này mang một hình ảnh khác. Từ các hồng y đến các linh mục, từ giáo dân đến các cận vệ Thụy Sĩ, mỗi ngày họ từng đi qua trung tâm của đất nước nhỏ nhất thế giới, giờ đây trống rỗng, nơi là trọng tâm và mang tính biểu tượng nhất: Quảng trường Thánh Phêrô. Kể từ tháng 3 năm 2020, lối đi dạo trong khung cảnh ba-rốc và hàng cột nổi tiếng được giáo hoàng Alexander VII ủy thác cho nhà điêu khắc Bernini xây đã bị bỏ hoang. Có lẽ tình trạng này là tình trạng chưa từng có kể từ ngày hàng cột này được xây từ thế kỷ 17. Cỏ thậm chí còn bắt đầu mọc giữa những khuôn đá cuội, buộc Tòa thánh Vatican phải nhờ nhân viên phụ trách bảo trì các khu vườn lấy máy cắt ra… Trong những tháng này, Quảng trường Thánh Phêrô đôi khi giống như bản vẽ của một em bé ngồi trên một cái bàn quá lớn. Hay đó là một cảnh trong phim kinh dị của điện ảnh gia Hitchcock, những buổi tối với hàng chục ngàn khách du lịch chen chúc nhau được thay bằng hàng chục con mòng biển kêu la?
Từ căn hộ của mình, trên tầng bốn của một trong những tòa nhà nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô, Hồng y Joao Braz de Aviz, 73 tuổi có một khung cảnh nhìn tuyệt đẹp. Trong mười năm, vị tổng giám mục Brazil, người là “bộ trưởng” của Đức Phanxicô về đời sống tôn giáo và tu viện, đã chứng kiến khách du lịch và người hành hương nườm nượp đi giữa các hàng cột Bernini. Một dòng người đi không ngừng, cả ngày lẫn đêm, khung cảnh đã thành quen thuộc của ngài từ cửa sổ phòng khách. Ngài nhớ lại: “Một di động toàn cầu, mọi người thuộc mọi ngôn ngữ, mọi màu da, từ khắp nơi trên thế giới đổ về.” Ai có thể hình dung nơi này bây giờ thành nơi trống vắng. Mênh mông. Và thinh lặng. Và theo ngài, là một “thinh lặng có tiếng nói cực mạnh.” Trong những tháng gần đây, ngài đã suy gẫm rất nhiều về sự thinh lặng này. Sự thinh lặng đột ngột giáng xuống trước Đền thờ thánh Phêrô có giống như sự “thinh lặng của bóng đêm”, khi hàng chục chiếc xe tải lăn bánh chở thi thể của tất cả những người mà các nhà xác ở miền bắc nước Ý không thể chứa được, vì thiếu chỗ khi đầu đại dịch đó không? Hay nó giống với lời thì thầm, “trong thinh lặng” khi tiên tri Ê-li nghe tiếng Chúa gọi không?
Chính tại đây, trong khoảng trống của im lặng nặng nề và bí ẩn này là “nơi đã thay đổi dung mạo” khi giữa lòng đại dịch, Đức Phanxicô đã bất ngờ đến vào ngày 27 tháng 3 năm 2020 để cầu nguyện cho mọi người. Ngày hôm đó, quảng trường mang hình ảnh của một bộ phim ấn tượng kiểu Mỹ, khi người mặc áo bước ra trong màn đêm, trong mưa, cầu nguyện cho một thế giới cách ly đối diện với đại dịch toàn cầu. Im lặng hoàn toàn. Chỉ có tiếng còi xe cứu thương làm tan bầu khí thinh lặng. Cách đó vài trăm mét, bệnh viện Santo Spirito, một trong những bệnh viện Rôma đang tràn ngập bệnh nhân Covid.
Hồng y Joao Braz de Aviz
Hồng y Aviz nhớ lại: “Tôi nhìn ra cửa sổ, tôi nhìn người mặc áo trắng, một mình, trong mưa, dưới chân thánh giá.” Đức Phanxicô nói câu nói, mà bây giờ câu này luôn đi kèm với hình ảnh của ngài trên quảng trường trống vắng: “Chúng ta nhận ra, chúng ta cùng ở trên một chiếc thuyền, tất cả đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả đều được gọi để cùng nhau chèo, tất cả đều cần an ủi nhau.” Trong những tuần tiếp theo, ngài tiếp tục gởi thông điệp đến với thế giới, và hồng y tiếp tục các suy gẫm của mình, nhân việc các chuyến đi nước ngoài bị hủy bất ngờ và sự biến mất đột ngột của tất cả các du khách, kể cả các giám mục từ khắp nơi trên thế giới về, họ thường đến đây để đi thăm Vatican và gặp giáo hoàng.
Chuyển động vĩnh viễn
Ở tòa nhà của mình, hồng y cảm thấy trống trải. Ngài nói: “Sự thay đổi đột ngột này đã tạo những nơi chốn nội tâm mới. Nhìn hình ảnh chiếu trên truyền hình, các xe tải chạy suốt đêm, tôi chợt nhận ra sự mong manh và hữu hạn của mình. Tôi nghĩ, ở tuổi 73, mọi thứ có thể kết thúc vào ngày mai. Đây không phải là một lo âu, nhưng là phải xét mình.” Từ cửa sổ nhìn ra quảng trường trống vắng, ngài cầu nguyện. “Không chỉ để mọi thứ trở lại như trước, nhưng còn để hiểu ý nghĩa những gì đang xảy ra. Cái chết ở khắp nơi đặt vấn đề về sự đối diện giữa sự sống, tiền bạc và quyền lực. Những cuộc tranh giành tiền bạc và quyền lực vô nghĩa có đáng không, đến mức đôi khi chúng ta quên mình còn sống hay đã chết?” Và câu hỏi, ngày càng sâu đậm về ý nghĩa công việc của ngài ở Rôma. “Vatican là một tổ chức, một xã hội nhỏ đáp ứng với các quy tắc được rèn luyện trong hơn một thiên niên kỷ. Thói quen đã ăn sâu và đôi khi chúng ta quên sứ mệnh của mình hoặc những giá trị mà chúng ta đang có ở đây.” Làm việc qua lời cầu nguyện và suy tư, hồng y đã viết trong những ngày đầu tháng 9 một bức thư ngài gởi cho giáo hoàng để xin từ nhiệm. “Tôi đã ở đây mười năm và tôi có thể không còn năng lực của một người trẻ nữa. Tôi xin giáo hoàng cho tôi từ chức nếu ngài muốn. Trong khi ngài đang cải tổ Giáo triều, tôi muốn ngài hoàn toàn tự do để cho tôi về nhà. Tôi gởi thư ngày 1 tháng 10. Ngày hôm sau, ngài gặp tôi và xin tôi ở lại thêm năm năm. Tôi thú nhận là tôi hơi bất ngờ…”
Hồng y không phải là người duy nhất ở bên cạnh giáo hoàng trong giai đoạn này. Chung quanh Đức Phanxicô, công việc phải tiếp tục, dù guồng máy nặng nề, cỗ máy Vatican ít quen thuộc với nhịp điệu thế tục bị đảo lộn. Chúng ta có cả một vĩnh cửu trước mặt, ở đây người ta thường hay nói: thời gian của Giáo hội không phải là thời gian của loài người. Dù vậy. Đàng sau Dinh Tông Tòa thời Trung cổ là văn phòng Phủ Quốc Vụ Khanh, tương đương như Bộ Nội vụ, công việc vẫn tiếp tục, ngay cả trong thời kỳ cách ly nghiêm ngặt nhất. Mỗi ngày, trước 8 giờ sáng, các nhân viên của giáo hoàng, đa số là các linh mục băng qua Quảng trường Thánh Phêrô vắng vẻ để đi qua dưới mái vòm cửa Thánh Annà chỉ cách đó vài mét.
Các nhà ngoại giao không thể làm việc tại nhà trong cách quản trị nơi mọi thứ vẫn hoạt động trên giấy tờ, và không thể đem các hồ sơ tế nhị nhất ra khỏi văn phòng. Ở đây không có chuyện dùng e-mail vì nỗi sợ rất lớn. Một linh mục-ngoại giao giải thích, “vì nạn tin tặc của Trung quốc”, linh mục chưa bao giờ vắng mặt một ngày ở văn phòng. Nền ngoại giao của giáo hoàng, một trong những nền ngoại giao nhiều thông tin nhất thế giới là mục tiêu không ngừng của các vụ tấn công trên mạng của Bắc Kinh.
Ở Nhà Thánh Marta, Đức Phanxicô không còn các chuyến đi, không còn các buổi tiếp kiến chung với giáo dân, điều mà theo nhiều người thân cận của ngài cho biết, đã giúp ngài có thêm năng lực để điều hành Giáo hội dù ngài đã 84 tuổi. Vì vậy, ngài quyết định tập trung vào chuyện nội bộ. Dù không lường trước được đại dịch toàn cầu, nhưng ngài cũng lợi dụng thời gian này để cải tổ Giáo hội và guồng máy giáo triều của ngài. Giữa hai mùa xuân, 2020 và 2021, ngài làm việc không ngừng trong văn phòng giữa hai căn phòng của Nhà Thánh Marta, nơi ngài không bao giờ rời kể từ mật nghị 2013, bỏ những căn phòng xa hoa của dinh giáo hoàng. Trên bàn làm việc của ngài có ba hồ sơ lớn: cải cách hoạt động của Giáo triều, cuộc chiến chống những kẻ lợi dụng Vatican làm nơi rửa tiền để tài trợ cho khủng bố hoặc làm giàu cho bản thân thông qua trung gian mafia, và tội ấu dâm.
Quá trình này lâu dài nhưng đang tiến về phía trước. Và nếu nếu việc tổ chức hành chánh chính phủ chưa xong, thì ngài cũng tận dụng thời gian cuộc khủng hoảng này để sửa đổi dự thảo Hiến pháp mới. Đồng thời, ngài giao cho các công tố viên của tòa án Vatican quyền điều tra chống mafia, tháng 9 năm 2020, ngài cất chức hồng y Angelo Becciu, người ngài đã nghi ngờ biển thủ tiền bạc và nhất là đầu tư đầy rủi ro vào các bất động sản sang trọng ở London, đã che giấu những mất mát khổng lồ. Vài tuần sau, ngài bật đèn xanh để xuất bản báo cáo kể chi tiết quá trình của cựu hồng y người Mỹ Theodore McCarrick, cựu Tổng giám mục Washington, kẻ săn mồi tình dục đã leo lên tất cả các cấp bậc cao nhất của Giáo hội, cho đến khi thành bạn thân thiết của Đức Gioan-Phaolô II cũng như với Đức Bênêđictô XVI. Bản báo cáo dài 450 trang bằng tiếng Ý và tiếng Anh nêu chi tiết các tên, các thư, thủ tục và vô số “thiếu sót nhỏ” đã giúp cho cựu hồng y không bao giờ ngừng chân trong bước đường thăng tiến của mình, bản báo cáo này có tác dụng như một quả bom. Sau cánh cửa phòng, Đức Phanxicô tiếp tục làm việc theo nhịp, như chúng ta đã biết về sức làm việc của ngài. Các chuyến đi ít hơn. Ngài thức dậy lúc 4:30 sáng và bắt đầu cầu nguyện lâu giờ trước khi bắt đầu làm việc. Ngài ít nghỉ giải lao, hiếm khi ra ngoài đi dạo trong các khu vườn Vatican ngay bên cạnh ngài. Những người ở gần ngài nói ngài là người “siêu hoạt động” dù cả trong thời đại dịch, khi lượng khách đến vẫn còn rất ít.
Trong khi chờ đợi Thánh Phêrô
Trước cửa phòng 201 của các hành lang tầng hai, Alexandre Furrer, người cận vệ Thụy Sĩ canh căn phòng nhỏ, nơi người ở là chủ đề của nhiều chuyện bí ẩn và bình luận. Trong những tháng gần đây, anh cận vệ trẻ là một trong những người được giao nhiệm vụ canh gác phòng giáo hoàng. Một nhiệm vụ được anh xem là vinh dự. Người thanh niên nói giọng Thụy Sĩ cho biết: “Tôi đã ở nhiều giờ trước phòng ngài, áp dụng biện pháp nghiêm ngặt để không truyền vi-rút cho giáo hoàng.” Đặc biệt vì ngài đã bị cắt bỏ một thùy phổi sau thời gian bệnh nặng khi còn trẻ, Đức Phanxicô sẽ là một trong những người rất dễ bị nhiễm Covid. Trên thực tế, bên ngoài Nhà Thánh Marta, mọi thứ đã thay đổi đối với Đội Cận vệ Thụy sĩ. Trong một thời gian ngắn, 130 cận vệ đã chứng kiến đời sống hàng ngày của họ thay đổi. Kinh Truyền Tin mỗi trưa chúa nhật Đức Phanxicô đọc ở cửa sổ trên tầng ba của Dinh Tông Tòa với đám đông tập trung ở Quảng trường Thánh Phêrô ư? Không còn. Các buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường Thánh Phêrô mùa hè, ở Hội trường Phaolô VI mùa đông ư? Đã bị ngưng. Các chuyến viếng thăm của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ được hộ tống với nhịp đi chậm theo nghi thức dọc hành lang dài được trang trí bằng những kiệt tác của các bậc thầy người Ý, dẫn họ đến căn phòng nơi giáo hoàng tiếp khách quý ư? Cũng không còn. Đức Giáo hoàng tiếp các vị khách quý? Không tồn tại.
Alexandre Furrer, cận vệ Thụy Sĩ
Một chút thất vọng, anh Alexandre Furrer nói: “Mọi thứ phục vụ danh dự và biểu tượng đã dừng lại. Ngoài một vài buổi trình ủy nhiệm thư của các đại sứ, còn ngoài ra thì giáo hoàng không còn nhận được nữa.” Thời gian đầu, anh thú nhận khi thấy nhịp làm việc thay đổi, anh cảm thấy nhẹ nhõm, anh cười: “Thực tế, trái với suy nghĩ của nhiều người, việc đứng yên trong hai tiếng đồng hồ không di chuyển, dưới trời mưa và lạnh thì khá mệt.” Thường đứng yên ở những hàng ghế đầu để quan sát đám đông khách du lịch, bây giờ không còn. Anh nói tiếp: “Chúng tôi đã đi từ tất cả mọi thứ đến con số không. Từ một Rôma với những con phố đông đúc, từ việc khách du lịch liên tục mỗi năm phút hỏi đường nào đến Nhà nguyện Sixtine, cho đến không còn ai hỏi… Thông thường, khi bạn ở lối vào Cổng Thánh Annà thì lượng người không bao giờ dừng lại. Trong khoảng từ 6 giờ sáng đến 1 giờ trưa, liên tục hàng hàng lớp lớp xe cộ, khách du lịch, du khách, giáo dân, khách mời… khi nào cũng có người gọi bạn. Chưa kể đến những người đứng trước mặt bạn, tự giới thiệu họ là nhà tiên tri, thậm chí còn cho mình là Chúa Giêsu! Đột nhiên, chúng tôi đã đi từ dòng nước chảy xiết đến giọt nước nhỏ giọt.” Anh Furreur là người vùng Montreux, một thị trấn ở cực đông của hồ Léman, Thụy Sĩ, anh đến Rôma cách đây năm năm sau khi đã là sĩ quan trong quân đội Thụy Sĩ. Chìm trong thinh lặng sau thời gian tràn ngập với các du khách!
Trong doanh trại, cuộc sống cũng chậm lại. Giống như nhiều bạn, đam mê âm nhạc đã giữ anh trong căn phòng của mình, ở tầng một của tòa nhà màu hồng với những bức tường dày nằm ngay phía trên Cổng Thánh Annà. Thời gian sống tập thể giảm rất nhiều và thật đáng buồn. đã giảm đáng kể. Chấm dứt đời sống trong doanh trại, vậy mà đó là một phần không thể thiếu trong kinh nghiệm của các cận vệ mới ngoài 20 đến Rôma trong hai năm để có những kinh nghiệm đầu đời của họ trong trại. Những tân binh đến trong năm rất đặc biệt này đã tuyên thệ nhậm chức ngày 6 tháng 5, và thề trung thành phục vụ giáo hoàng và các vị kế nhiệm của ngài “với lòng trung thành, trung thực và danh dự”, và cống hiến “nếu cần thiết, (cuộc sống của mình) để bảo vệ giáo hoàng”.
Nhưng, có Covid hay không, tất cả cận vệ đến Rôma dù sao cũng phải đối diện với khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế của họ. “Khi đến nơi, một vài người mơ những pha hành động, với những cảnh hơi giông giống như trong các phim hoạt động, máu me và súng đạn. Trong thực tế, sự hy sinh khá khác nhau. Có hay không có đại dịch, họ bắt buộc phải học kiên nhẫn. Và tôi phải thú nhận, tôi chưa bao giờ cầu nguyện nhiều như trong những giờ canh gác đơn độc như vậy.” Một bối cảnh thiêng liêng ở trọng tâm đời sống cận vệ, mà các thành viên tất cả là người công giáo giữ đạo, đều có dịp nói chuyện với cha tuyên úy của họ. Giờ đây, các cận vệ gác ở cổng các tòa nhà đơn độc hơn bao giờ hết, thêm nữa họ phải mang khẩu trang. Anh Alexandre tương đối hóa: “Về cơ bản, tình trạng này nhắc chúng tôi một chút lý do vì sao chúng tôi ở đây. Nếu chúng tôi làm công việc canh gác, điều này không phải vì vẻ đẹp, vì danh dự hay vì thẩm mỹ: bạn đang làm điều này cho Giáo hội và cho Đức Giáo hoàng.” Và anh bật cười vui vẻ: “Và chúng tôi hy vọng Thánh Phêrô sẽ nhớ những giờ phút lâu dài này khi chúng tôi đến trước ngài!”
Tiếng nói của hy vọng
Trong khi chờ đợi, Thánh Phêrô trông chừng một vương cung thánh đường đang ngủ yên. Và sự im lặng ngự trị ở đó ngược với thực tế của tiếng ồn ào do người mặc áo trắng gây ra, như thể khoảng trống này đã góp phần làm khuếch đại tiếng vang trong thông điệp của ngài. Dù sao đây là nhiệm vụ mà linh mục Felipe Herrera-Espaliat phải đối diện trong suốt cuộc khủng hoảng. Trong nhiều tháng, linh mục 43 tuổi người Chi-lê đến từ Santiago cách đây 3 năm, đã cùng với một giáo dân người Pê-ru thay phiên nhau trước hai màn hình và hai micrô của một ca-bin dịch thuật nhỏ nằm ở hành lang văn phòng truyền thông Vatican ở số 5 della Conciliazione. Ngày qua ngày, vị linh mục trẻ đã dịch và bình luận bằng tiếng Tây Ban Nha những lời của Đức Phanxicô trong suốt cuộc khủng hoảng, đặc biệt là những bài giảng thánh lễ buổi sáng của ngài. Chỉ trong vài tuần, từ Nhà Thánh Marta, giáo hoàng trở thành “mục tử thế giới.” Một thế giới mà tất cả nhà thờ đều đóng cửa, hàng trăm triệu giáo dân không còn đi lễ được. Từ ca-bin, cha Felipe biết điều này: tiếng nói của linh mục được hàng trăm triệu người công giáo, ở Tây Ban Nha và đặc biệt là ở Châu Mỹ La Tinh nghe khi các chính phủ trong vùng cũng bắt đầu đóng cửa mọi thứ. Các thánh lễ có lượng khán giả đặc biệt và số lượng khán giả trên Internet đã phá vỡ mọi kỷ lục. Trên tầng một của Palazzo Pio, một tòa nhà đối diện Castel Sant’Angelo, nơi quy lại nhiều dịch vụ liên lạc của quốc gia nhỏ nhất thế giới, kể cả Đài phát thanh Vatican, linh mục Felipe không cần phải đóng cửa sổ để tránh tiếng ồn. Linh mục cho biết: “Từ văn phòng của tôi, tôi chỉ có thể nghe thấy im lặng, và tiếng còi xe cấp cứu. Thật là không hiện thực”, cho đến bây giờ, linh mục vẫn chưa tin được mình đã trải qua một thời kỳ như thời kỳ này.
Linh mục Felipe Herrera-Espaliat
Khi linh mục rời cộng đoàn của mình ở Rôma lúc 6h30 sáng trên chiếc xe đạp, cha chỉ có một mình trên đường phố. Cha nói: “Khi đạp xe, trong nhiều tuần tôi cảm thấy một nỗi cô đơn. Hiện hữu. Tôi không ngừng nghĩ đến những người đang chết ở bệnh viện trong những giây phút này. Và khi đến văn phòng, điều duy nhất chúng tôi nói, là nỗi thống khổ của thế giới.” Linh mục cầm lại điếu thuốc. Và có một tai nạn. “Lúc đó là 6:40 sáng, tôi không đi sớm, hôm trước trời mưa và đường đá bị trơn một chút. Tôi bị té.” Dưới sức nặng của cú té, mắt cá chân bị đập mạnh, đầu gối bị trẹo. “Tôi té xuống đất trong bóng tối và đột nhiên tôi cảm thấy bóng tối và cô đơn. Đường phố vắng hoe, không ai ở đó để đỡ tôi dậy. Cùng lúc tôi nghĩ thánh lễ của giáo hoàng sắp bắt đầu và tôi phải đi. Tôi đứng dậy, bẻ tay lái bị vẹo và lê mình đến ca-bin dịch thuật, nơi tôi khập khễnh đứng dậy, mắt cá chân chảy máu và đầu gối sưng tấy.” Cuối cùng linh mục cũng gặp các đồng nghiệp nói tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ả Rập, tiếng Trung quốc. Ngày tháng đi qua và các buổi lễ tiếp tục. “Trong thời gian này, tôi nhận được nhiều tin nhắn từ khắp nơi trên thế giới, từ những người tin chắc tôi ở bên cạnh giáo hoàng mỗi buổi sáng.”
Và nếu bây giờ mắt cá và đầu gối của linh mục Felipe đã lành, Covid đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn của cha về Vatican: “Tôi nhận ra, công việc của chúng tôi là mang lại hy vọng cho thế giới qua lời của giáo hoàng. Dĩ nhiên chúng tôi đã biết điều này trước đây, nhưng nó đã trở nên rất cụ thể. Lúc đó, giáo hoàng đi vào các ngôi nhà trên thế giới. Và ngài đã mang lại một chút ánh sáng vào đó.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch