Vắc-xin Covid-19 là một phép lạ. Đúng, một phép lạ đích thực của Chúa
americamagazine.org, Brianne Jacobs, 2021-03-29
Một dược sĩ tiêm vắc-xin AstraZeneca Covid-19 cho một kh1ch hàng tại một tiệm thuốc ở Paris ngày 19 tháng 3-2021. (Ảnh CNS / Benoit Tessier, Reuters)
Cách đây hơn một năm tôi viết cho trang America một kinh nghiệm thần bí của tôi khi tôi đọc quyển sách The Overstory (Rừng cây Thế giới), của Richard Powers. Trước đây, tôi nghĩ cây cối chỉ đơn thuần là tự động, nhưng tôi đã học được, rừng là loài cộng sinh và tạo ra môi trường của chúng. Chúng thở ra không khí, hình thành trái đất và tạo ra hệ động vật. Chúng ta, những con người sinh vật thường có xu hướng xem không khí tách biệt với từng cái cây, nhưng rừng là một sinh vật thở, tích hợp và sáng tạo. Quyển The Overstory làm cho tôi cảm thấy tôi có quan hệ họ hàng với thực vật như chính điều kiện của hơi thở và con người của tôi. Dù vậy tôi vẫn không thể từ bỏ quan niệm nhân học, cho rằng con người là khác biệt.
Chỉ vài tháng sau khi tôi đọc xong quyển The Overstory Covid-19 đã cho tôi thấy lỗi lầm của tôi. Dù không ý thức, cả đời tôi đã hít thở không khí chung, được tạo ra bởi cơ thể của chúng ta. Đó là hơi thở của cuộc sống – niềm vui của tiếng cười, bữa ăn chung, các bài hát, tiếng khóc, khiêu vũ, các câu chuyện, chiến đấu, thờ phụng và sự mật thiết – nâng đỡ và tạo ra tôi như một phần của toàn bộ, như một khu rừng, cơ thể sống tích hợp vào sự sáng tạo. Nhưng từ một năm nay, phần lớn chúng ta đã không còn hơi thở này để duy trì và tiếp thêm sinh lực cho khối vướng víu chằng chịt.
Tôi ước tôi có thể hít thở với tất cả các bạn. Thay vào đó, là những tấm kính và tấm chắn, những cơ thể không có hơi thở.
Chúng ta cũng không có thánh lễ có thể ôm hôn chúc bình an. Thánh lễ cuối cùng tôi dự là Thứ Tư Lễ Tro năm 2020. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nhớ tôi đã được chạm vào một người mà tôi không sống cùng. Tôi nhớ tôi đã thận trọng chúc bình an, với cảm nhận sẽ không còn với lệnh cấm sắp đến. Tôi nhớ sự gần gũi của lời cầu nguyện thì thầm, “Hãy nhớ con là tro bụi và con sẽ trở về với bụi tro,” và ngón tay mát lạnh của linh mục trên trán tôi. Tôi có cảm tưởng như một năm sau tôi vẫn còn vết tro này trên trán.
Cắt đứt nhau, chúng ta mang khẩu trang và câm lặng. Tôi ước gì tôi có thể hít thở với tất cả các bạn: hơi thở cuộc sống của bạn, nhiệm thể Chúa Kitô cùng được chia sẻ, với chén thánh và sự náo động của đám đông. Thay vào đó, là những tấm kính và tấm chắn, những cơ thể không có hơi thở.
Vắc-xin Covid-19 sẽ mang chúng ta trở lại với nhau, cho phép chúng ta mang sự sống lại cho tro bụi. Đó là một phép lạ.
Thế nào là một phép lạ? Khái niệm về phép lạ đã thay đổi đáng kể trong hơn hai ngàn năm qua, khi chúng ta ở trong một thế giới thế tục hơn. Điều này không có nghĩa là chúng ta không còn ở trong tôn giáo, nhưng nó có nghĩa, chúng ta có nhiều khả năng chấp nhận những chuyện như chuyển động của thiên thể, thời tiết và bệnh tật là những chuyện tự nhiên, có thể được nghiên cứu và hiểu được nhờ các phương pháp khoa học. Chúng ta vẫn có thể chọn theo tôn giáo trong bối cảnh này, và thậm chí còn có thể quyết định đức tin của mình được nâng lên nhờ hiểu biết của nghiên cứu khoa học. Nhưng như triết gia Charles Taylor đã lưu ý, chỉ 500 năm trước (và chắc chắn là trong thời gian Chúa Giêsu làm phép lạ), những sự kiện mà ngày nay chúng ta cho là “tự nhiên” thì hồi đó được xem là hành động của Chúa. Thiên nhiên là “xốp” với Chúa, vì mọi vật đều là sự mở rộng của chuyển động và ý muốn của Chúa.
Vắc-xin Covid-19 sẽ mang chúng ta trở lại với nhau, cho phép chúng ta mang sự sống lại cho tro bụi. Đó là một phép lạ.
Vì lý do này, học giả Kinh thánh Donald Senior lập luận, những phép lạ của Chúa Giêsu sẽ được những người chung quanh Ngài hiểu, đó là sự mạc khải sâu đậm về quyền năng của Chúa trong tự nhiên – chứ không phải sự phá vỡ hay can thiệp của Chúa vào tự nhiên, đó là cách ngày nay nhiều người định nghĩa phép lạ. Vào thời Chúa Giêsu, chữa lành một căn bệnh hay được mùa được xem như phép lạ, biểu hiện rõ rệt quyền năng của Chúa. Vì vậy, nơi Chúa Kitô chúng ta thấy một quyền năng không xuất hiện bằng cách vi phạm tự nhiên mà bằng cách mặc khải thiên tính của Thiên Chúa.
Các phép lạ không tạo ra sự giàu có hay quyền lực, như những gì Sa-tan đã hứa trong sa mạc. Các phép lạ thể hiện quyền năng của Chúa để chiến thắng sự dữ: dẹp yên giông bão ở biển, giải thoát người bị giam cầm, làm cho người chết sống lại, chữa lành bệnh tật và phục hồi người bị coi thường. Mục đích luôn giống nhau: Nước Chúa, vương quốc của lòng trắc ẩn và lòng thương xót, trong đó mọi người đều được tìm kiếm và trân trọng. Như thánh Irênê viết, vinh quang của Thiên Chúa là con người, được thể hiện trong quyền năng các phép lạ của Chúa Kitô.
Vì vậy, với suy nghĩ của một người ở thế kỷ 21 như tôi, phép lạ không phải là điều gì đó bẻ cong thiên nhiên, nhưng điều gì đó, giống như công việc của Chúa Giêsu, thể hiện quyền năng của Thiên Chúa để phục hồi sự sống.
Nếu, sau năm nay, vắc-xin có thể khôi phục lại sự hiệp thông giữa chúng ta, thì việc phục hồi này sẽ không hoàn hảo. Covid-19 đã nêu bật nhiều rạn nứt – chủng tộc, kinh tế, chính trị – cần được sửa chữa và các mối liên hệ vẫn cần được khôi phục để cơ thể xã hội của chúng ta được toàn vẹn. Chúng ta đã mất nhiều hơn những gì chúng ta có thể hiểu, và chúng ta sẽ không có lại được thời gian hay những gì chúng ta đã mất. Cũng giống như cơ thể của Chúa Kitô, trở lại với sự sống nhưng đã mang vết thương do chấn thương, tất cả chúng ta sẽ thấy những lỗ hổng khổng lồ đủ rộng để nhét một ngón tay vào.
Những loại vắc-xin này sẽ phục hồi chúng ta trở lại với nhau, với khối lượng lớn vướng víu chằng chịt của sự sống, tro bụi được sống lại bởi hơi thở của sự sống hoàn toàn. Một phép lạ.
Marta An Nguyễn dịch
The Overstory (Rừng cây Thế giới), Richard Powers. Giải Văn chương Mỹ năm 2018, Giải Pulitzer năm 2019.