Đưa bí mật của chúng ta ra ánh sáng như thế nào

207

Đưa bí mật của chúng ta ra ánh sáng như thế nào

Đức Phanxicô trong chuyến đi thăm thành phố Mosul hoang tàn đổ nát vì bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng tàn sát năm 2014, trong chuyến đi Iraq từ ngày 5 đến 8 tháng 3-2021

Ronald Rolheiser,  2021-03-08

Bạn bệnh hoạn cũng như bí mật không lành mạnh nhất của bạn! Đúng là câu thành ngữ quá khôn ngoan. Cái bệnh hoạn trong chúng ta vẫn cứ mãi bệnh hoạn, trừ khi chúng ta phơi bày nó ra với người khác và phơi bày ra ánh sáng. Bao lâu còn là bí mật, thì nó còn là thứ bệnh hoạn. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề không nằm ở những gì chúng ta giữ bí mật, nhưng ở sự việc chúng ta giữ bí mật. Có lẽ bệnh hoạn chính là bí mật, chứ không phải những gì chúng ta xem là bệnh hoạn.

Chúng ta tất cả đều có những đấu tranh dằn vặt, và chúng ta có thể tạ ơn Chúa vì điều đó. Hình ảnh của Chúa trong chúng ta không đơn thuần là một biểu tượng đẹp đẽ được ghi khắc vào tâm hồn. Mà nó thật ra là một ngọn lửa thần thiêng, vô độ, thao túng chúng ta. Theo bản chất, chúng ta có những phức cảm vốn khó mà hài lòng với con người chúng ta thích hình dung về mình. Chúng ta đều có những ảo tưởng hoang dại và ám ảnh tối tăm. Nếu những mơ mộng hão huyền của chúng ta bị tiết lộ, chúng hẳn sẽ phơi bày rằng chúng ta đều là những kẻ nuôi dưỡng ảo tưởng tự đại, thù hận, bao biện, cũng như cho thấy chúng ta bị kìm kẹp trong những ám ảnh cảm xúc và tình dục đủ loại. Trong mơ mộng hão huyền của mình, chúng ta có những thứ mà chúng ta xấu hổ không dám nói ra. Chúng ta đều nuôi dưỡng những ảo tưởng hoang dại, trần tục, tự đại và ái kỷ. Vậy nên chúng ta giấu diếm chúng và xử lý chúng bằng cách xem chúng là bệnh hoạn hoặc bằng cách chối bỏ chúng.

Chúng ta xem những ảo tưởng của mình là bệnh hoạn khi chúng ta thấy nó là thứ chỉ có mình chúng ta vướng phải, một thứ bệnh hoạn đáng xấu hổ và chỉ có mình chúng ta chịu. Nó là một thứ mà chúng ta không bao giờ muốn người khác biết. Và kết quả là, những ảo tưởng và ám ảnh của chúng ta trở thành một thứ đáng xấu hổ, một bí mật đen tối, một thứ bệnh hoạn trong con người bình thường của chúng ta.

Một chọn lựa khác là chối bỏ. Chúng ta có thể chủ tâm chối bỏ rằng chúng ta từng có những suy nghĩ và cảm giác đó. Sự chối bỏ cho chúng ta thoát khỏi cảm giác hổ thẹn, nhưng cuối cùng, chúng ta lại phải trả một cái giá khác. Chối bỏ suy nghĩ và cảm giác của bản thân cũng gần giống như sống trên tầng trệt của một ngôi nhà và nếu có rác rến hay bất kỳ thứ gì mà chúng ta chẳng muốn xử lý thì cứ việc ném xuống tầng hầm rồi đóng cửa lại. Miễn là chúng ta khỏi thấy nó, khỏi nghĩ đến nó là được. Dù chỉ trong một thời gian. Khi đẩy đống rác đó vào tầng hầm, đâu có nghĩa là nó tan biến không còn tồn tại nữa. Đến cuối cùng, nó sẽ lên men chua, và phun khí ga độc hại qua những ống thông hơi lên lại tầng trên và làm nhiễm độc không khí chúng ta hít thở.

Tuy nhiên, đây cũng là điểm mấu chốt, những khát khao, ám ảnh và sự tự đại phức tạp trong linh hồn chúng ta không phải là thứ bệnh hoạn, cũng không phải là thứ chúng ta cần chối bỏ. Linh hồn chúng ta, dù vô cùng hoang dại, nhưng không bệnh hoạn. Vấn đề là chúng ta chưa hiểu thấu phần thâm sâu hơn trong linh hồn mình, phần tăm tối của mình, và thế là chúng ta tin rằng ở đó có gì đó bệnh hoạn, nhưng chính việc giấu kín nó mới thực sự là bệnh hoạn.

Bóng tối của chúng ta là gì? Nền văn học phổ biến đã cho chúng ta một khái niệm một chiều về thứ tạo nên bóng tối của chúng ta. Theo quan niệm phổ biến, bóng tối của chúng ta là nơi tối tăm, đáng sợ, một hoang mạc nội tâm mà chúng ta bằng mọi giá không vào, là những con quái vật nội tâm mà chúng ta chủ tâm muốn tránh né. Dù nhiều lúc chúng ta cảm thấy sợ như thế khi đối diện với bóng tối của mình, nhưng bóng tối của chúng ta hoàn toàn không phải là thứ tăm tối. Ngược lại mới đúng.

Bóng tối của chúng ta hình thành như thế này. Khi một đứa bé ra đời. Nó rạng ngời, cởi mở và ý thức vô cùng, mở đôi mắt nhìn quanh và nuốt lấy hiện thực. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, đứa bé chưa biết suy nghĩ vì nó thiếu cái tôi và do đó thiếu ý thức về bản thân. Để hình thành cái tôi và có ý thức về bản thân, đứa bé phải có những sự co rút tâm thần lớn lao, mỗi lần như thế đóng chặt nó khỏi một phần ánh sáng rạng ngời của nó. Trước hết, mới đầu, nó phân biệt bản thân nó là gì và người khác là gì, nó hiểu mình không phải là mẹ mình. Rồi chẳng mấy chốc, nó biết phân biệt giữa vật sống và vật không sống, con cún con thì sống, hòn đá thì không. Rồi sau đó, nó bắt đầu phân biệt thể xác và tâm trí, thể xác thì cứng cáp, tư tưởng thì khác. Cuối cùng, và đây là phần thiết yếu để tạo thành bóng tối của chúng ta, đến thời điểm nào đó, đứa bé sẽ có sự phân biệt giữa cái nó có thể ý thức đương đầu trong lòng nó và cái quá áp đảo đến nỗi nó không thể ý thức đương đầu. Và khi đó, nó tạo nên bóng tối bằng cách tách một phần lớn ánh sáng của mình (chính là hình ảnh giống Thiên Chúa trong bản thân) khỏi nhận thức chủ tâm của nó. Hãy nhớ rằng, bóng tối của chúng ta được tạo nên từ ánh sáng chứ không phải từ sự tối tăm trong lòng. Điều này đã được bà Marianne Williamson viết ra rất hay trong một câu mà về sau Nelson Mandela trích lại trong diễn văn nhậm chức, “cái ta sợ là chính ánh sáng, chứ không phải bóng tối của mình”. Trong một người lành mạnh, những bí mật tối tăm nhất thường giấu những thứ bắt nguồn từ ánh sáng cực đại, từ sinh lực thần thiêng, khát khao vô hạn và sự vĩ đại như của Chúa vốn ở sẵn trong chúng ta. Khi đưa chúng ra ánh sáng, thì chúng ta sẽ thấy chúng chẳng tăm tối cũng không bệnh hoạn. Không đưa chúng ra ánh sáng mới chính là bệnh hoạn.

J.B. Thái Hòa dịch

Bài đọc thêm: Lời mời gọi đến với cái cao đẹp hơn