Đức Hồng y Sako: “Có một cái gì đó đã thay đổi ở Iraq”

66

Đức Hồng y Sako: “Có một cái gì đó đã thay đổi ở Iraq”

Người dân Iraq thuộc mọi tín ngưỡng đang chờ Đức Phanxicô đến đất nước họ ngày mai, thứ sáu, ngày 5 tháng 3. Đức Thượng Phụ Can-đê, hồng y Sako rất hy vọng cho một sự đổi mới của tinh thần huynh đệ. Ngài nói với giới truyền thông về việc chuẩn bị chuyến tông du của Đức Phanxicô (ANSA)

vaticannews.va, Stefano Leszczynski và Linda Bordoni, 2021-03-04

Chuyến thăm nước ngoài lần thứ 33 của Đức Phanxicô đến Irak từ ngày 5 đến ngày 8 tháng Ba. Chuyến tông du bắt đầu tại thủ đô Baghdad, nơi ngài dự kiến gặp các nhà cầm quyền chính trị và dân sự cũng như đại diện của Giáo hội công giáo. Sau đó, ngài sẽ đi về phía nam đến thánh địa Najaf để gặp Đại ayatollah Ali al-Sistani, thuộc hồi giáo shi’a, ayatolla là nhà lãnh đạo hàng đầu của Iraq, Đức Phanxicô cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng các tín ngưỡng khác.

Đối với cộng đồng tín hữu kitô ở Irak, điểm nổi bật sẽ là chuyến đi đến miền bắc của đất nước, nơi hàng ngàn tín hữu kitô đã bị tàn sát dưới thời Nhà nước Hồi giáo Tự xưng cai trị từ năm 2014 đến năm 2017.

Hàng trăm ngàn người buộc phải rời bỏ nhà cửa khi họ phải đối diện với bạo lực và ngược đãi. Tại đây, ngài sẽ đến thăm các thành phố Erbil, Mosul và Qaraqosh để gặp gỡ người dân đang nỗ lực xây dựng lại cộng đồng và nhà thờ của họ.

Đức Phanxicô sẽ về lại Rôma ngày thứ hai, ngày 8 tháng 3.

Hồng y người Iraq Louis Raphael Sako, Thượng phụ Babylon của người Can-đê nói với nhà báo Stefano Leszczynski của Đài phát thanh Vatican, “khi toàn thể người dân đang chuẩn bị chào đón Đức Phanxicô thì có một điều gì đó đã thay đổi trong quốc gia này”.

Hồng y Sako cho biết, các tín hữu kitô cũng như hồi giáo đang bận rộn chuẩn bị các áp phích chào mừng, và tất cả các phương tiện truyền thông đều nói “Chào mừng Đức Thánh Cha Phanxicô! Chúng tôi rất vui được chào đón ngài!”

Hồng y nhắc lại cuộc trò chuyện gần đây với một phụ nữ Hồi giáo, bà cho rằng, chuyến thăm này là “hy vọng cuối cùng của chúng tôi”. Ngài nói, “một cái gì đó đang thay đổi và chuyển động” trong xã hội Iraq, mọi người hy vọng sự hiện diện của Đức Phanxicô sẽ giúp chuẩn bị một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân.

Bên cạnh tất cả các công việc chuẩn bị hậu cần và dọn dẹp đường phố và thành phố, ngài còn cho biết cách các tín hữu kitô chuẩn bị nhà thờ, các phòng ốc cho thánh lễ, cho các buổi họp ở bất cứ nơi nào Đức Phanxicô đến thăm. Ngài nhấn mạnh, một trong những trọng tâm của chuyến tông du là tình huynh đệ: “Một tình huynh đệ thiêng liêng”, điều sẽ nổi bật khi Đức Phanxicô đến thăm thành phố Ur, nơi sinh của Tổ phụ Apraham.

Hồng y Sako nói tiếp, đứng hàng đầu vẫn là khía cạnh liên tôn của chuyến đi, ngoài ra Đức Phanxicô còn gặp ayatollah Al-Sistani: “Cuộc gặp này sẽ có tác động lớn đối với kitô giáo cũng như với người hồi giáo.”

Một mô hình hòa giải cho Trung Đông?

Khi được hỏi liệu ngài có nghĩ Iraq sẽ là một ví dụ về hòa giải ở Trung Đông hay không,  hồng y Sako trả lời: “Đây là hy vọng của chúng tôi. Trong khi chờ đợi, hiện nay mọi người đã sẵn sàng để thực hiện bước đầu tiên”.

Ngài kết luận, chắc chắn người dân Iraq dường như đã thực sự chuẩn bị địa bàn vì tất cả mọi người, từ chính phủ đến các tổ chức tôn giáo, người hồi giáo, người sunni cũng như người shi’a – và dĩ nhiên là người công giáo – cùng toàn dân Irak đều nhiệt tình chuẩn bị, mong chờ ở chuyến đi này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Chuẩn bị ráo riết trước khi Đức Phanxicô gặp ayatollah Iraq