Đức Phanxicô dưới mắt các đại sứ tại Tòa Thánh

181

Đức Phanxicô dưới mắt các đại sứ tại Tòa Thánh

croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2021-02-08

Ngày 8 tháng 2 Đức Phanxicô sẽ tiếp các nhà ngoại giao đại diện các Quốc gia của họ tại Tòa Thánh, ngài được xem là nhân vật mà tiếng nói quan trọng trong các quốc gia và là nhà lãnh đạo có các mối quan hệ rất đặc biệt.

Đức Phanxicô trong buổi tiếp các đại sứ tại Tòa Thánh sáng thứ hai 8 tháng 2 tại phòng Phaolô VI, Vatican.

Vừa giống và vừa khác. Đó là lời tóm tắt nhanh chóng của các đại sứ được báo La Croix hỏi về ngoại giao Vatican. Về cơ bản, trước hết, tất cả đều nhấn mạnh về tầm quan trọng vai trò của giáo hoàng và chính sách ngoại giao của ngài trong sự hòa hợp các quốc gia. Một đại sứ Âu châu phân tích: “Trái ngược với những gì một số người nghĩ, trong các cơ quan quốc tế, các bài diễn văn của Tòa Thánh luôn có nội dung phổ quát. Tòa Thánh không bao giờ hành động để tuyên truyền cho kitô giáo, ngay cả để bảo vệ một phạm trù đặc biệt.” Vị đại sứ này cũng cho biết, chính sách ngoại giao của giáo hoàng thường được nhấn mạnh đến việc bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo.

Một đại sứ khác nhấn mạnh đến năng lực phi thường của Vatican trong việc giải quyết xung đột, ngay cả trong những năm gần đây, khi chính sách do tổng thống Donald Trump lãnh đạo đã cản trở nghiêm trọng một số cuộc hòa giải do Tòa thánh khởi xướng.

Một nữ đại sứ khác nói thêm: “Rõ ràng tiếng nói này có một cộng hưởng đặc biệt, nhất là khi Đức Phanxicô can thiệp vào tất cả các chủ đề lớn của thế giới, như khí hậu, nạn buôn người, vấn đề di cư, vũ khí hạt nhân hoặc giải trừ quân bị”. Một nhà ngoại giao khác ca ngợi Đức Phanxicô là người “hóa giải xuất sắc những thách thức của thời điểm hiện tại”. Đặc biệt gần đây, cũng như các nhà lãnh đạo khác, Đức Phanxicô đã lên tiếng trong cuộc khủng hoảng sức khỏe, nhất là qua Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti, ngài đưa ra một thông điệp không khoan nhượng về tình trạng thế giới và nhấn mạnh sự cần thiết phải cùng nhau tái xây dựng “thế giới hậu-covid”.

“Họ có thể thách thức chúng tôi nhiều hơn”

Nhưng làm thế nào để tiếng nói của giáo hoàng hòa với tiếng nói của Giáo triều Rôma? Một đại sứ cho biết: “Ở Rôma, chúng tôi cảm thấy lời của giáo hoàng được cân nhắc, được rèn giũa bởi các chuyên gia của các bộ, các nhà nghiên cứu từ các Giáo hoàng Học viện, các nhà ngoại giao của Phủ Quốc Vụ Khanh”. Nhưng những người khác, như nữ đại sứ vừa mới tại nhiệm vài tháng nay nhận thấy đôi khi Giáo triều gặp một chút khó khăn khi theo chân Đức Giám mục giáo phận Rôma: “Ở Vatican, các nhà ngoại giao không tích cực như họ có thể, đôi khi có lẽ họ ở trong thế phòng thủ nhiều hơn. Họ có thể thách thức chúng tôi nhiều hơn để nâng cao các thông điệp, hoặc giới thiệu tầm nhìn của Đức Phanxicô một cách tích cực hơn…”

Một đại sứ khác kể, đôi khi bí mật và thứ bậc đè nặng lên mối quan hệ với các đối tác của Giáo triều, như lần này khi người đồng cấp của ông ở Vatican, sau khi để ông chờ lâu, đã lấy cớ không khỏe để tránh cuộc hẹn. Sau này chính người đó thú nhận, ông không được phép cấp trên để nói về chủ đề rất tế nhị mà hai người sẽ bàn thảo hôm đó.

Tuy vậy, nhân cách của Đức Phanxicô là yếu tố đáng kể để các quốc gia xem xét khi gởi các đại sứ của họ đến Tòa Thánh. Một nữ đại sứ của một quốc gia ở miền Nam, làm việc nhiều năm ở Vatican cho biết: “Tôi nghĩ Đức Phanxicô là một nhà ngoại giao tế nhị theo cách của ngài. Khi ngài tiếp bạn, hành vi, lời nói, cách ngài có mỉm cười hay không, đó mới đúng là biểu nhiệt kế cho chúng tôi thấy các mối quan hệ giữa Tòa thánh và đất nước chúng tôi. Ngài có thể rất nghiêm hoặc rất nồng nhiệt.”

Nhiều nhà ngoại giao tại Rôma cũng cho biết, đôi khi họ có mối quan hệ đặc biệt với giáo hoàng, họ có thể có trao đổi cá nhân, khác xa với mối quan hệ của một nguyên thủ quốc gia bình thường.

Một nữ đại sứ ở Rôma từ nhiều năm nay cho biết: “Trên lý thuyết, việc trình ủy nhiệm thư hay chào từ giã là một việc đã có khuôn khổ và theo nghi thức. Chúng tôi được chỉ dẫn của chính quyền và chuyển các thông điệp đến nguyên thủ quốc gia nước ngoài. Nhưng với giáo hoàng, có một loại giả kim thuật đặc biệt không liên quan gì đến chuyện này. Tôi phải nói, đây là giây phút khá xúc động. Trước hết, đó là diện đối diện, không có cố vấn, điều không bao giờ xảy ở những người khác, và sau đó là buổi lắng nghe thực sự từ Đức Phanxicô. Rất nhanh chóng bạn có cảm nhận ngài quan tâm đến bạn chứ không phải là cương vị của người đại sứ. Với người khác, bạn vẫn là đại sứ cho một nguyên thủ quốc gia.”

Hiện nay có 85 Quốc gia có tòa đại sứ ở Tòa Thánh thường trú ở Rôma. Nhiều tổ chức quốc tế như Liên hiệp các Quốc gia Ả Rập, Liên minh Âu châu, Tổ chức Di cư Quốc tế, Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn có đại diện của họ ở Tòa Thánh.

Tổng cộng có 187 quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, nhưng một số quốc gia không có đại diện thường trú tại Rôma, đó là trường hợp của các nước Cộng hòa Congo, Kenya hoặc Azerbaijan.

54 đại sứ quán hiện đang bỏ trống, trong đó có Mỹ kể từ khi ông Joe Biden đắc cử. Theo thông lệ, đại sứ Hoa Kỳ từ nhiệm ngay khi có thay đổi tổng thống.

Marta An Nguyễn dịch

Hình ảnh buổi gặp của Đức Phanxicô và ngoại giao đoàn sáng thứ hai 8 tháng 2 tại phòng Phaolô VI.