Internet và Dân chủ

243

Internet và Dân chủ

laciviltacattolica.com, Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, 2021-02-04

Bài viết của Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, giám đốc Tạp chí Văn minh Công giáo về Internet và Dân chủ trong trường hợp của ông Trump và các hậu quả đi kèm

 

Ngày 20 tháng 1 năm 2021, ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và bắt đầu vào Nhà Trắng. Việc chuyển giao quyền lực từ người tiền nhiệm của ông không dễ dàng. Ngày 6 tháng 1, những người ủng hộ Donald Trump đã xông vào Điện Capitol sau khi ông kích động họ, đặc biệt với 88 triệu người theo dõi ông trên Twitter, để giành lại chiến thắng, điều mà ông cho là ông đã bị “đánh cắp”.

Ngay sau đó, ngày 8 tháng 1, hội đồng quản trị Twitter quyết định khóa tài khoản của tổng thống sắp mãn nhiệm “vì có nguy cơ tiếp tục kích động gây bạo lực”. Facebook, Instagram, Twitch Snapchat cũng đình chỉ tài khoản của Trump. Apple Google loại bỏ quyền truy cập vào Parler, một ứng dụng mạng xã hội được những người ủng hộ ông sử dụng rộng rãi và Amazon bỏ mạng lưu trữ dữ liệu của công ty  Parler.

Chuỗi quyết định này gây ra các phản ứng khác nhau. Một mặt là sự phẫn nộ đối với các nhà quản lý công ty vi phạm quyền tự do ngôn luận; mặt khác, quyết định làm ông Trump im lặng được một số người thở phào nhẹ nhõm, như thể một quả bom sẵn sàng phát nổ đã được mở kíp kịp thời. Thậm chí tờ New York Times còn công bố một danh sách dài tất cả các cuộc tấn công bằng lời của ông Trump trên mạng xã hội từ năm 2015 đến nay.

* * *

Điều rất quan trọng là phải hiểu ý nghĩa của những gì đã xảy ra vì nó chạm đến mối quan hệ giữa công nghệ và dân chủ, một vấn đề cơ bản hơn bao giờ hết ngày nay. Có ít nhất hai vấn đề cần xem xét để có thể hiểu làm thế nào mà các nền tảng kỹ thuật số lại có thể làm im lặng một nguyên thủ quốc gia được bầu một cách dân chủ như tổng thống Hoa Kỳ.

Vấn đề đầu tiên là luật của Mỹ. Mục 230 của Đạo luật về Thông tin nêu rõ: “Không nhà cung cấp hoặc người sử dụng dịch vụ máy tính tương tác nào được xem là người cung cấp hoặc người phát ngôn về bất kỳ thông tin nào do một nhà cung cấp nội dung thông tin khác cung cấp”. Vì vậy, theo quy định của điều khoản pháp luật này, mạng xã hội không chịu trách nhiệm về nội dung mà họ giúp phổ biến, bất kể nội dung đó có thể là gì. Tuy nhiên, quyết định của họ dường như là kết quả của một quyết định liên quan đến tinh thần trách nhiệm.

Vấn đề thứ hai là truyền thông xã hội và mạng xã hội là các mạng riêng tư, họ yêu cầu người dùng chấp nhận một số chuẩn mực quốc tế, đặc biệt liên quan đến hành vi kích động lòng thù hận. Bất kỳ ai vi phạm các quy tắc này – một công dân cá biệt hay một nguyên thủ quốc gia – đều có thể bị họ xóa tài khoản. Vì vậy, ban quản lý của các mạng đánh giá và phán xét để đưa ra quyết định mà không cần phải trả lời cho các cơ quan cấp trên, dù đó là cơ quan chính trị và hoàn toàn hợp pháp.

Trong một thời gian dài, thái độ của các mạng xã hội này đối với tổng thống Trump và các thông tin liên lạc của ông là mập mờ, chỉ mới gần đây họ mới “gắn cờ” cho các bài đăng có nội dung trái với quy tắc và hướng dẫn của họ, vì các bài này bị cho là tin tức giả mạo hay có nội dung thù hận. Tuy nhiên, mặt khác, từ năm 2016 Facebook đã đưa ra ngoại lệ “giá trị báo chí”, theo đó các quy tắc hạn chế sẽ không áp dụng nếu nội dung vi phạm quy định được xem là vì lợi ích chung, đặc biệt khi được các chính trị gia phát hành. Sau đó là trường hợp của ông Steve Bannon, người không bao giờ bị xóa khỏi Facebook dù ông kêu gọi chặt đầu hai quan chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ ngay lập tức! Đây cũng chính là ông Bannon mà ông Trump đã ân xá vài giờ trước khi rời Nhà Trắng. Phương tiện truyền thông xã hội của Trump chỉ im lặng khi ông rời nhiệm sở sau khi thất cử. Quá muộn đối với nhiều người.

Những gì ông Jack Dorsey, Giám đốc điều hành của Twitter đã viết thật thú vị: “Tôi không ăn mừng hay cảm thấy tự hào về việc chúng tôi loại @realDonaldTrump ra khỏi Twitter, cũng không tự hào bằng cách nào chúng tôi đã đến được bước này”. Và ông nói rõ, quyết định này được đưa ra do “một tình huống bất thường và không thể tránh khỏi, buộc chúng tôi phải tập trung tất cả các hành động vào an ninh công cộng”. Điều đó cho thấy, ông Dorsey nói tiếp, “tôi nghĩ lệnh cấm là một thất bại của chúng tôi” trong mục tiêu “thúc đẩy một đối thoại lành mạnh”. Ông công nhận những hành động này đã đặt ra “một tiền lệ mà tôi cảm thấy nguy hiểm: quyền lực của một cá nhân hay một tập đoàn đối với một phần của cuộc đối thoại công khai toàn cầu.

* * *

Vậy họ có đúng khi cấm ông Trump trên mạng xã hội không? Đâu là điều đe dọa? Những gì ông Dorsey đã viết thực sự quan trọng. Một cách rõ ràng và sáng suốt, ông đã xác định vấn đề quan trọng của một tình huống không thể dễ dàng giải quyết: các công ty tư nhân ngày nay có một quyền lực thực sự và rất mạnh đối với một phần của cuộc tranh luận công khai toàn cầu và cách dân chủ được sống và thể hiện.

Ngày nay, trò chuyện trực tuyến qua mạng xã hội có sức nặng chính trị đáng kể. Một mặt, khả năng tham gia và bày tỏ ý kiến của công dân ngày càng lớn: quyền công dân ngày nay cũng phải được kỹ thuật số hóa. Mặt khác, khả năng thao túng dư luận quần chúng cũng ngày càng gia tăng, nhờ việc sử dụng dữ liệu và thuật toán một cách sắc sảo, và khả năng kích động thù hận và tung tin giả.

Sự kiểm duyệt ông Donald Trump đã nhấn mạnh, môi trường kỹ thuật số ngày nay là lãnh vực riêng tư, nơi các quy tắc của chủ sở hữu các mạng truyền thông được áp dụng. Trong trường hợp cụ thể này, điều này dường như đã bảo vệ mọi người khỏi bị kích động thêm bạo lực. Nhưng vấn đề vẫn là: Ai quyết định? Và khi nào có thể bắt đầu can thiệp? Hiện tại, các quy tắc riêng của hợp đồng được áp dụng. Và đâu là ranh giới giữa việc áp dụng các quy tắc và cơ chế kiểm duyệt?

Công nghệ đã mang lại những thay đổi sâu đậm trong đời sống xã hội và chính trị của chúng ta. Chúng ta cần lưu ý điều này. Ngày 15 tháng 12 vừa qua, việc loan báo đạo luật trên các dịch vụ kỹ thuật số của Ủy ban Châu Âu đã cho thấy rõ.

Vào thời điểm khi các nền tảng kỹ thuật số thực hiện một dịch vụ công cộng quan trọng có liên quan đến dân chủ, chúng đòi hỏi lương tâm xã hội – cũng là nhu cầu cấp thiết về giáo dục kỹ thuật số cần được cải thiện – và hậu quả là một quyết định chính trị: chúng không thể tự do điều chỉnh bằng các quy tắc riêng và thuật toán bí mật. Điều cần thiết là sự minh bạch, các hình thức bảo vệ và cảnh giác, cũng như một sự hiểu biết về các mô hình kinh doanh của các nền tảng, vốn cùng một lúc kiểm soát hạ tầng cơ sở, nội dung, người dùng và thị trường quảng cáo.

Số phận của xã hội chúng ta phụ thuộc vào nó.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch